Hotline 24/7
08983-08983

Uốn ván có thể gây ra cơn gồng cơ, suy hô hấp, thậm chí tử vong

Theo chia sẻ của BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch LCH Truyền Nhiễm TPHCM, bệnh uốn ván nếu phát hiện kịp thời và điều trị tốt có thể khỏi hoàn toàn, tuy nhiên nếu không điều trị sớm, chất độc uốn ván phát tiết gây ra cơn gồng, suy hô hấp từ đó tử vong.

1. Chất độc do vi khuẩn uốn ván phát tiết có thể gây liệt, thậm chí ngưng thở

Bệnh uốn ván do tác nhân nào gây ra? Bệnh nhân thường bị vi khuẩn uốn ván tấn công trong những tình huống như thế nào, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Uốn ván là bệnh do một loại vi khuẩn tetanus gây ra. Khi cơ thể tiếp xúc với vật rỉ sét hoặc đất có chứa các bào tử của loại vi khuẩn này, từ đó tấn công vào cơ thể qua vết thương, phát triển và phát tiết ra độc tố ở vết thương gây ra các triệu chứng của bệnh uốn ván, vấn đề này có thể làm bệnh nhân bị liệt, thậm chí ngưng thở.

2. Vi khuẩn uốn ván phổ biến ở môi trường đất và vật rỉ sét

Vi khuẩn gây bệnh uốn ván thường sinh sôi và phát triển ở những môi trường nào và xâm nhập vào cơ thể qua con đường nào, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Vi khuẩn uốn ván thường xuất hiện ở môi trường đất hoặc vật rỉ sét. Loại vi khuẩn này có 2 dạng là vi khuẩn hoặc bào tử, trong đó dạng bào tử phổ biến hơn. Khi xâm nhập vào cơ thể, bào tử chuyển thành vi khuẩn, sinh sôi tại vết thương hoặc đi sâu vào vết thương để phát tiết độc tố.

Khi có vết trầy ở chân hoặc vết thương rộng, bệnh nhân không để ý, tùy vào tình huống bị trầy da hoặc môi trường đất mà vết thương tiếp xúc, loại vi khuẩn đó sẽ dễ tấn công hơn.

3. Vi khuẩn uốn ván ủ bệnh bao lâu sau khi xâm nhập cơ thể?

Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể bao lâu sẽ khởi phát bệnh? Các biến chứng gây ra bởi uốn ván là gì?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thời gian ủ bệnh uốn ván khá lâu và tùy vào mức độ vết thương gần hay xa khu trung ương, vi khuẩn sẽ bắt đầu khởi phát triệu chứng, từ đó tiết độc tố gây bệnh.

4. Điều trị bệnh uốn có những khó khăn gì?

Hiện nay bệnh uốn ván được điều trị thế nào? Những khó khăn, thách thức trong quá trình điều trị ra sao, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Uốn ván có nhiều thể khác nhau, trong đó ở thể chi sẽ gây co cứng chi, còn uốn ván thể đầu rất khó nhận biết.

Bên cạnh đó, loại uốn ván điển hình sẽ có các cơn gồng, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo và có biểu hiện sợ nước, kích thích các vùng gây co thắt, nặng hơn sẽ khiến bệnh nhân bị suy hô hấp và tử vong do nguyên nhân này.

5. Bệnh nhân sau điều trị uốn ván có thể hồi phục hoàn toàn

Bệnh nhân uốn ván có thể hồi phục hoàn toàn sau nhiễm bệnh?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Phần lớn các trường hợp uốn ván nếu được điều trị tốt sẽ hồi phục hoàn toàn, tuy nhiên nếu thời gian thở máy lâu có trục trặc gây thiếu oxy và ảnh hưởng tới não. Nhưng phần lớn sẽ hồi phục hoàn toàn.

6. Cứng hàm, gồng cơ, khó thở, các biểu hiện của bệnh uốn ván

Đâu là các triệu chứng cảnh báo bệnh uốn ván cần lưu ý, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Đầu tiên, bệnh nhân uốn ván sẽ có biểu hiện cứng hàm, khuôn mặt luôn cười do cơ bị căng, khi đó bệnh nhân rất khó nói chuyện, đặc biệt khi uống nước sẽ căng nặng hơn.

Bên cạnh đó, bệnh nhân còn xuất hiện cơn gồng, cơ thể cong như đòn gánh hoặc biểu hiện gồng của từng cơ, đặc biệt khi nghe tiếng ồn hoặc chạm vào người bệnh nhân, cơn gồng tăng lên do bị kích thích.

Thời điểm đó, bệnh nhân vẫn tỉnh táo và tiếp xúc tốt, sau đó cơn gồng dần tăng lên, có thể không thở được.

7. Có những loại vắc xin nào phòng ngừa uốn ván?

Hiện nay, tại Việt Nam có những loại vắc xin nào để phòng ngừa uốn ván ở cả trẻ em và người lớn, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Vắc xin uốn ván đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng nhằm chích ngừa cho cộng đồng để ngăn chặn độc tố của loại vi khuẩn này. Vắc xin kết hợp bộ ba bạch hầu, uốn ván, ho gà để chích ngừa cho người dân.

Trong chương trình mở rộng sẽ được chích 5 trong 1 khi em bé 2, 3 và 4 tháng tuổi, sau đó chích nhắc lại DPT khi 18 tháng tuổi. Tuy nhiên đối với chích dịch vụ, có thể được tiêm 6 trong 1 vào thời điểm 2, 3, 4 hoặc 2, 4, 6 tháng tuổi, sau đó chích nhắc lại mũi thứ tư khi 18 tháng tuổi.

Vấn đề quan trọng đối với chích ngừa uốn ván là sau mũi thứ tư, chương trình tiêm chủng mở rộng không còn chích mũi nhắc lại. Do đó những người có tổn thương ở da hoặc làm nghề dễ bị trầy xước, tai nạn, nên đi chích nhắc lại uốn ván hoặc những người có ý thức sẽ chích theo định kỳ nhắc lại.

Đối với người lớn sẽ chích loại vắc xin 3 trong 1 (bạch hầu, uốn ván, ho gà) nhưng lượng vắc xin của bạch hầu và ho gà sẽ thấp hơn loại vắc xin chích khi còn nhỏ.

8. Thế nào là chích ngừa uốn ván chủ động?

Tiêm vắc xin chủ động phòng ngừa uốn ván trước khi bị thương sẽ tiêm theo liệu trình như thế nào? Việc tiêm chủ động này dành có tất cả mọi người hay nhóm người nào cần tiêm chủ động, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Để phòng ngừa uốn ván tốt nên phòng ngừa chủ động. Cụ thế, nếu bệnh nhân đã được chích 4 mũi cơ bản, khoảng 4-5 tuổi có thể chích nhắc lại một mũi. Sau đó, mỗi 10 năm sẽ nhắc lại một mũi.

Tuy nhiên, vắc xin uốn ván thông thường để chích liền, rất ít chích chủ động, thông thường sẽ dùng vắc xin 3 trong 1 (bạch hầu, uốn ván, ho gà).

9. Bệnh nhân nên tiêm ngừa uốn ván nếu vết thương chạm vào đất, vật rỉ sét

Còn với các trường hợp không tiêm ngừa chủ động và bị thương trong quá trình sinh hoạt, khi nào phải tiêm ngừa uốn ván, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi bị thương, cần đánh giá vết thương, tuy nhiên nếu bị trầy xước do vật rỉ sét hoặc dính đất, nên nghĩ ngay đến miễn dịch uốn ván của bản thân liệu có đủ hoặc đến bệnh viện, bác sĩ xem vết thương có sự đe dọa và có thể nhiễm bào tử vi khuẩn uốn ván vào vết thương, bệnh nhân sẽ được khuyến cáo chích ngừa.

Bên cạnh đó, bệnh nhân phải nghĩa đến nguy cơ bị uốn ván để tiêm ngừa kịp thời vì uốn ván khi xâm nhập vào vết thương, cần một thời gian nhất định để phát bệnh.

Nếu đã tiêm ngừa uốn ván khi còn nhỏ, bệnh nhân chỉ cần nhắc lại một mũi để phòng ngừa nếu có vết thương, lúc đó miễn dịch sẽ tăng.

10. Vắc xin uốn ván nếu tiêm trễ có hiệu quả không?

Bệnh nhân nên tiêm trong thời gian bao lâu sau khi bị thương và nếu tiêm trễ vắc xin còn hiệu quả hay không?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thời gian uốn ván ủ bệnh rất lâu, kéo dài khoảng 1-3 tháng, khi có vết thương do vật rỉ sét hoặc dính đất, bệnh nhân có thể sắp xếp đi chích ngừa, việc này không quá gấp, nếu hôm nay xảy ra vết trầy, bệnh nhân có thể chích ngừa trong ngày hôm sau.

Một số tình huống có thể được chích luôn huyết thanh nhưng rất hiếm, do đó khi bị vết thương, cần đánh giá mức độ vệ sinh của vết thương và miễn dịch của bản thân để quyết định chích ngừa uốn ván.

Trường hợp người không có vết thương vân có thể chích ngừa uốn ván, đặc biệt là trẻ em do vui chơi dễ dẫn đến các vết trầy xước nhưng không phát hiện, vì vậy cần chủ động chích ngừa.

11. Tiêm ngừa uốn ván nhắc lại mỗi 5 hoặc 10 năm

Vắc xin uốn ván có hiệu lực bảo vệ trong bao lâu và khi nào cần tiêm nhắc lại, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Vắc xin uốn ván thường đi chung với vắc xin bạch hầu và ho gà, riêng với phụ nữ mang thai sẽ chích riêng loại vắc xin uốn ván, do đó tùy lứa tuổi bác sĩ sẽ chọn loại vắc xin phù hợp.

Nếu chích 4 mũi vắc xin cơ bản trong chương trình tiêm chủng mở rộng có thể ngừa đến 4-5 tuổi, khi đó miễn dịch giảm xuống có thể đi tiêm nhắc lại. Thông thường, một mũi tiêm ngừa nhắc lại sẽ tăng kháng thể sau 10 ngày. Sau đó tiêm nhắc lại mỗi 5 hoặc 10 năm.

12. Bệnh nhân đã tiêm ngừa uốn ván chủ động không cần chích ngừa nếu vết thương nhỏ

Đối với trường hợp đã tiêm ngừa chủ động, khi bị thương trong sinh hoạt liệu có cần tiêm nhắc lại, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: sau khi tiêm ngừa chủ động, nếu vết thương đơn giản và thời gian vắc xin còn hiệu lực, bệnh nhân không cần chích ngừa, chỉ cần vệ sinh sạch vết thương. Tuy nhiên nếu vết thương quá lớn khuyến cáo bệnh nhân nên chích ngừa.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X