Hotline 24/7
08983-08983

Cách giảm nóng gan, nhiệt miệng mùa nắng nóng

“Nóng gan” là một từ thông dụng thường gặp trong cuộc sống hằng ngày nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về bệnh lý này. Nóng gan là gì? Những loại thực phẩm nào tốt cho gan? Có phải nóng trong người sẽ gây nhiệt miệng?... Các câu hỏi trên sẽ được ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương – Trường khoa Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương giải đáp cụ thể.

1. Nổi mẩn ngứa, mụn nhọt có phải do suy giảm chức năng gan?

Xin hỏi BS, tình trạng thỉnh thoảng nổi mụn trên mặt có phải do nóng gan không?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Quan điểm “nóng gan”, “không giải độc gan” nên phát mụn trên mặt chịu ảnh hưởng của y học cổ truyền phương Đông. Trong Tây y không có khái niệm “mát gan”, “nóng gan” hay “gan sinh độc tạo mụn nhọt”. Đông y giải thích cơ thể con người theo trường phái âm dương ngũ hành còn Tây y giải thích các hiện tượng theo giải phẫu và thực nghiệm rõ ràng.

Gan trong Đông y thuộc tỳ vị. Thận trong Đông y cũng hoàn toàn khác với Tây y. Trong Tây y, thận có chức năng lọc nước tiểu và tạo máu. Theo Đông y, thận còn liên quan đến sinh dục.

Theo Tây y, việc nổi mụn không phải do nóng gan mà do nhiều cơ chế khác nhau như thay đổi nội tiết tố nam nữ và tuổi dậy thì; nhiễm trùng da tại chỗ; tắc nghẽn tuyến bã nhờn dưới da; dị ứng ngoài da...

Theo lý thuyết Tây y, nổi mụn không liên quan đến gan. Trong Đông y, gan thuộc tỳ vị nên có thể giải thích việc nổi mụn là do nóng gan.

Chúng ta không thể đem hai điều này ghép lại với nhau. Điều quan trọng là dù trong Đông y hay Tây y, gan đều có chức năng thải độc. “Thải độc gan” trong Tây y lại mang nghĩa rộng hơn.

Gan trong Tây y là nhà máy chuyển hóa. Tất cả thuốc, thức ăn đi vào cơ thể bằng đường miệng hay đường máu đều tới gan, được gan chuyển hóa thành những chất tác dụng và những chất bất hoạt. Gan là nơi sản xuất ra những chất kháng thể để bảo vệ cơ thể, chặn bớt chất độc nội sinh gây ảnh hưởng đến hoạt động trí não.

Những bệnh lý làm gan bị tổn thương, hư hại dù cấp tính hay mãn tính, đều ảnh hưởng đến chức năng giải độc mà theo y học khoa học gọi là chức năng chuyển hóa thuốc, thải những chất cặn bã trong cơ thể. Những người bị rối loạn chức năng gan thường dễ bị dị ứng, ngứa vì gan tạo ra nhiều kháng thể lạ đánh vào các tế bào trong cơ thể.

Đối với Tây y, những trường hợp nổi mụn sẽ không giải độc gan mà điều trị giải dị ứng, hạn chế một số loại thức ăn và dùng thuốc để tế bào gan không sản sinh ra những kháng thể bất bình thường. Chúng ta không thể tự tiện uống những loại thuốc “giải độc gan”.

2. Cà phê, trà xanh giúp tăng cường chức năng gan

Nhờ BS gợi ý những loại thức ăn hay nước uống có tác dụng mát gan, giải độc gan?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Có rất nhiều loại thức ăn, nước uống có tác dụng mát gan giải độc gan. Tuy nhiên, cần lưu ý những chất sau đây vì chúng có hại cho gan:

- Rượu, bia: Rượu, bia vẫn có thể có tác dụng tốt cho sức khỏe nếu uống dưới 2 đơn vị rượu (tương đương tối đa 2 lon bia hoặc 2 cốc rượu vang nhỏ) mỗi ngày. Nhưng dùng nhiều rượu, bia sẽ ảnh hưởng đến chức năng gan.

- Chất béo, chất ngọt: Ăn chất béo, chất ngọt quá nhiều làm tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ. Tiểu đường nếu không điều trị tốt cũng là nguyên nhân gây bệnh này.

- Các loại thuốc không rõ nguồn gốc

- Uống ít nước làm gan không thể hoạt động tốt

Cà phê nguyên chất có tác dụng tăng cường chức năng gan, chống xơ hóa gan. Cà phê phải được uống theo cách pha phin của Việt Nam, không phải cà phê hòa tan. Trà xanh nguyên chất cũng giúp cải thiện chức năng gan.

Việc thức khuya làm hư hại những tế bào miễn dịch, chức năng thải độc của gan, thận không hoạt động tốt. Khi thức khuya, tế bào miễn dịch tạo những kháng thể lạ “đánh lung tung” trong cơ thể khiến chúng ta dễ bị ngứa, nổi mụn.

Thông tin cho trẻ ăn gan vịt nấu cháo sẽ giúp trẻ khỏe và bớt nhiệt là đúng hay sai? Có nên cho trẻ ăn món này hay không?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Tôi không khuyến cáo phụ huynh làm theo thông tin dùng gan vịt nấu cháo cho bé. Theo Tây y, gan vịt, gan heo, gan bò,... có hàm lượng dinh dưỡng như nhau, chỉ hơi khác tỷ lệ thành phần.

3. Nhiệt miệng: nguyên nhân, cách khắc phục và phòng ngừa

Bị nhiệt miệng khiến việc ăn uống không ngon. Làm sao để cải thiện tình trạng nhiệt miệng, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Nhiệt miệng, có vùng miền gọi là đẹn miệng, lở miệng. Trong y học gọi đây là viêm miệng áp tơ. Trong y học hiện nay chưa rõ về cơ chế của viêm miệng áp tơ. Nhưng các chuyên gia nhìn thấy nó liên quan đến nhiều vấn đề như chu kỳ nội tiết của phụ nữ; thiếu vitamin, đặc biệt là vitamin nhóm B3, B1, B5 và vitamin C; sau khi nhiễm siêu vi trùng như cúm, COVID cũng dễ bị nhiệt miệng.

Một nguyên nhân khác gây nhiệt miệng là những chấn thương nhỏ ở vùng môi, vùng lưỡi, vùng miệng. Tình trạng này thường xảy ra ở những người già, những người có dùng răng giả hoặc khi răng cạ vào lưỡi, môi, má gây trầy xước.

Chế độ ăn nhiều năng lượng, chứa các chất kích thích niêm mạc miệng như các món cay, nhiều gia vị (hành, tiêu, tỏi, ớt...), đồ ngọt cũng dễ sinh nhiệt miệng.

Uống các loại thuốc điều trị bệnh huyết áp, bao tử, đường ruột,... làm khô miệng mà không uống đủ nước có thể gây nhiệt miệng.

Để khắc phục tình trạng nhiệt miệng, phụ nữ khi đến chu kỳ nên uống nhiều nước, đặc biệt uống nhiều trà xanh và không ăn các loại trái cây ngọt như mít, xoài, sầu riêng. Không nên ăn những món ăn nhiều gia vị, ngũ vị hương. Nên ăn thêm đậu bắp luộc, các loại rau có nhớt và bổ sung vitamin B3, B5 để phòng ngừa nhiệt miệng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X