Hotline 24/7
08983-08983

Cách diệt virus corona ra khỏi ngôi nhà của bạn

Có cách nào khử hết virus đáng ghét ra khỏi quần áo khi đi làm về? Lỡ cầm tiền, dụi tay lên mắt thì có sao không? Cần thiết phải xịt khuẩn rau củ sau khi mua?,... Trước hàng loạt thắc mắc của bạn đọc, ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương đã có những giải đáp về cách khử khuẩn, diệt virus corona.

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Xử lý virus bám trên quần áo thế nào, bằng hóa chất gì?

Thưa BS, cùng với việc mở cửa dần dần, không lâu nữa, người dân sắp trở lại cuộc sống thường ngày, bên cạnh nỗi mong chờ khát khao được ra ngoài, được đi làm, được tham gia di chuyển, sinh hoạt… rất nhiều gia đình canh cánh nỗi lo, ra ngoài sẽ mang mầm bệnh về cho người thân ở nhà (cha mẹ, ông bà…). Xin nhờ bác sĩ hướng dẫn loại hóa chất gì có thể diệt được virus corona triệt để? Khi virus bám trên quần áo, chúng ta cần xử trí thế nào ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Hóa chất để diệt được virus corona gồm: chlorhexidine và cồn 70 độ.

Khi mọi người nghe nói virus lây qua không khí nên lo lắng rằng nó sẽ bán vào quần áo và lây bệnh. Mọi người cứ nghĩ rằng khi TP có nhiều ca bệnh thì virus như đàn chim bay tứ tung trong môi trường. Sự thật không phải như vậy.

Chúng ta tưởng tượng virus corona như loài cá. Cá thì phải sống trong môi trường nước, nếu ta đem cá lên bờ, nó vẫn sống và giãy dụa, từ từ sẽ chết. Với virus corona, môi trường sống của nó là dịch tiết trong đường hô hấp của chúng ta (từ mũi xuống phổi). Khi virus vào được cơ thể cũng giống như cá về được với môi trường nước.

Khi người bệnh COVID-19 (F0) phát tán virus thì chắc chắn virus phải nằm trong giọt dịch tiết của người này, cũng giống như muốn đem con cá đi nơi khác thì ta phải bỏ cá vào túi nước. Do đó, người ta khuyến cáo không nên tiếp xúc gần để tránh giọt bắn từ F0 bắn trực tiếp vào người đối diện.

Bên cạnh đó, hơi thở của F0 cũng có chứa virus, và hơi thở sẽ bốc hơi từ từ, lơ lửng trong môi trường. Chính vì vậy, người ta mới nói virus lây qua không khí. Tuy nhiên, khi hơi nước bốc hơi hết, virus sẽ không còn lơ lửng trong không khí. Virus corona có thể tồn tại trong không khí tối đa 3 giờ đồng hồ, sau thời gian này, virus sẽ bị tiêu diệt.

Do vậy, khi chúng ta đi ở môi trường bên ngoài, việc virus bám lên quần áo sẽ khó thể xảy ra. Chỉ trường hợp những người ở trong môi trường đậm đặc virus như khu điều trị F0, hay tiếp xúc gần, nói chuyện với F0 thì mới có khả năng virus bám trên quần áo. Người đi lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc xin phải tiếp xúc rất nhiều người với khoảng cách gần và không thể biết ai trong số đó là F0 nên họ phải mặc đồ bảo hộ. Nhưng nếu virus có bám lên quần áo thì cũng không thể đi xuyên qua da vào cơ thể mà nó sẽ đi vào cơ thể khi chúng ta vô tình chạm tay vào quần áo và đưa lên mắt, mũi.

Như vậy, khi hiểu rõ quá trình lây nhiễm virus corona chúng ta sẽ bớt sợ hãi.

Nếu như virus có bám vào quần áo nhưng khi chúng gặp ánh nắng mặt trời trong 30 phút sẽ thành “đoàn quân ốm đói”, không thể chống lại bạch cầu của cơ thể. Nếu virus tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong 1 tiếng thì sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn. Như vậy, khi chạy xe ngoài trời nắng về đến nhà thì virus cũng “chẳng còn bao nhiêu” nên bạn không cần quá lo lắng.

Lưu ý, khi đi ngoài đường về, chúng ta không được đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Việc đeo khẩu trang và kính chắn giọt bắn cũng giúp ta không đưa tay lên mắt, mũi, miệng được.

Để xử lý quần áo, tránh bị lây virus thì ta chỉ cần xịt cồn lên quần áo đó, chỉ xịt nhẹ, không cần xịt ướt đẫm. Trường hợp chẳng may quần áo của một thành viên trong gia đình có chứa virus và người khác lại dùng tay chạm vào, sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng thì mới bị virus xâm nhập. Như vậy, khi đó virus chỉ lây qua vật trung gian là bàn tay, chứ virus không bay trong không khí và đi vào cơ thể.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu PhươngThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - Trưởng khoa Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.

2. Công thức pha cồn 90 độ thành cồn 70 độ ra sao?

Bạn đọc AloBacsi ở quận hỏi rằng: đọc được thông tin cồn 70 độ sẽ tiêu diệt virus tốt hơn, nên đã pha cồn 90 độ thành cồn 70 độ theo hướng dẫn trên mạng. Nhưng sau khi pha họ lại thấy mùi cồn biến mất nhanh quá. Như vậy cách pha cồn 90 độ thành cồn 70 độ như thế nào là đúng?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Khi pha cồn 90 độ thành cồn 70 độ thì nồng độ cồn sẽ thấp hơn, mùi cồn không còn nồng nặc.

Thông thường, cồn có 3 loại được nhà sản xuất pha sẵn, gồm: cồn 95 độ, cồn 90 độ và cồn 70 độ. Do vậy, khi dùng, ta nên mua loại cồn 70 độ được pha sẵn sẽ có được nồng độ chính xác hơn khi tự pha chế. Khi pha cồn 90 độ thành cồn 70 độ, ta sử dụng 1,6 lít cồn 90 độ và thêm 400ml nước thì được 2 lít cồn 70 độ.

3. Dùng cồn để sát khuẩn, lâu ngày có nguy cơ gây bệnh da liễu nào?

Dùng cồn lâu có gây bệnh gì không bác sĩ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Trước đại dịch, Tổ chức Y tế thế giới đã nhiều lần khuyến cáo về việc rửa tay bằng xà phòng. Khi đại dịch xảy ra, chúng ta thay việc rửa tay với xà phòng bằng cồn.

Việc sử dụng cồn để rửa tay thường xuyên là điều tốt. Tuy nhiên, sử dụng cồn rửa tay sẽ làm khô da và làm suy yếu lớp bảo vệ da chống kích ứng, dễ gây ra bệnh viêm da tiếp xúc, viêm da cơ địa

4. Khử khuẩn giày dép, túi xách sao cho an toàn?

Nhờ BS hướng dẫn cách khử khuẩn các vật dụng sau khi đi bên ngoài về: giày dép, túi xách sau khi đi ra ngoài về nên khử khuẩn như thế nào là hợp lý?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Khi chúng ta chẳng may đi đến nơi có nhiều F0 thì mới có khả năng virus bám nhiều trên giày dép, còn ta đi ở nơi bình thường thì không có nhiều virus. Tuy nhiên, virus không thể sống mãi được trên giày dép. Cùng với virus còn có hàng triệu con virus, vi trùng khác, nó sẽ cạnh tranh để tồn tại. Vì vậy, chúng ta không cần phải xịt khử khuẩn giày dép sau khi bên ngoài về.

Đặc biệt, nếu virus có bám trên giày dép, chúng cũng không thể bay lên mắt, mũi, miệng để xâm nhập cơ thể. Chúng ta có thể rửa tay sau khi mang, tháo giày dép. Nếu bạn phải làm việc trong môi trường đậm đặc virus như khu điều trị F0, lấy mẫu xét nghiệm,... thì có thể dùng cồn để khử khuẩn.

Đối với túi xách, virus có thể tồn tại từ vài tiếng đến 1 ngày. Để khử khuẩn, bạn có thể dùng khăn giấy có thấm cồn và lau sạch. Tuy nhiên, với môi trường bình thường, lượng virus bám trên túi xách cũng rất ít.

5. Có cần giặt quần áo bằng nước nóng để diệt virus SARS-COV-2?

Thưa bác sĩ, sau khi đi ra ngoài về chúng ta đã phun khử khuẩn quần áo, thì khi lấy giặt có cần giặt quần áo bằng nước nóng không? Và nếu có thì giặt nước nóng bao nhiêu độ là phù hợp? Xin cảm ơn.

BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Thật ra, chúng ta không nhất thiết phải giặt quần áo bằng nước nóng sau khi ra ngoài về nhà. Vì muốn diệt được virus SARS-CoV-2 thì phải cần nước nóng 60 độ, điều này có nghĩa bạn có thể bị bỏng tay.

Tuy nhiên, bột giặt và xà bông rửa tay đều đã có khả năng diệt được virus, cộng với việc giặt máy thì bạn có thể yên tâm không cần phải sử dụng đến nước nóng.

Trường hợp nếu không khử khuẩn quần áo sau khi về nhà, và không có máy giặt thì bạn có thể dùng xô nước đã khuấy sẵn bột giặt rồi ngâm quần áo trong đó. Nếu lười có thể ngâm 2 ngày rồi giặt cũng không sao.

Virus có khả năng tồn tại trên quần áo khoảng 12 tiếng đồng hồ, nhưng nếu bạn đi ra ngoài mà trời nắng gió nhiều thì sẽ không lo sợ lây nhiễm. Nhưng nếu tiếp xúc ở chỗ đông người và về bị mắc mưa thì virus có thể tồn tại lâu hơn trên quần áo. Do đó, cần phải ngâm quần áo bằng bột giặt hoặc xà bông trước khi giặt.

6. Vệ sinh điện thoại bằng cách lau cồn, nên hay không?

Một số bạn đọc có thói quen sau khi đi làm về hoặc lúc rảnh sẽ thấm 1 ít cồn vào khăn giấy và lau bề mặt chiếc điện thoại của mình. Theo BS, điều này có cần thiết không?

BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Thật sự, một trong những vật dụng bẩn nhất chính là chiếc điện thoại mà chúng ta đang sử dụng hàng ngày. Do đó, việc lau chùi vệ sinh điện thoại bằng cách trên là nên làm, tuy nhiên cần lau cả ốp lưng thay vì chỉ lau mỗi màn hình điện thoại. Nếu cẩn thận hơn, có thể mở ốp lưng ra và lau cả mặt trong.

Nếu bạn đã từng xem bộ phim Ranh Giới, sẽ thấy khi bác sĩ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 đều bỏ điện thoại vào trong 1 túi zip và bấm màn hình điện thoại qua đó, rồi về nhà vẫn phải lau chùi bằng cồn sạch sẽ.

Vì vậy, dù trong đại dịch COVID-19 hay không thì mọi người cũng cần thực hiện việc vệ sinh điện thoại hàng ngày và rửa tay thường xuyên.

Ngoài điện thoại thì bàn phím máy vi tính cũng cần phải được làm sạch, nhất là trong thời gian hiện nay khi đa số mọi người đều phải làm việc online.

Vì khi gõ bàn phím tay có thể lấy đồ ăn, hoặc gãi mắt, gãi mặt,… từ đó sẽ là nguồn lây bệnh rất nhanh. Hoặc bàn phím đó được nhiều người sử dụng, hay ai đó đi ngang qua hắt hơi nói chuyện và văng vào bàn phìm mà bạn không để ý.

Cho nên, hãy chăm sóc màn hình máy tính như chăm điện thoại.

7. Sau khi ra ngoài về có cần tắm gội ngay?

Mỗi lần ra ngoài về có cần tắm gội ngay và luôn không, hay chỉ cần rửa tay và xịt mũi, súc họng là được, thưa BS?

Theo bác sĩ, thứ tự nên làm: súc mũi, súc họng rồi tắm hay làm theo các bước nào là tốt nhất ạ?

BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Khi chúng tôi vào khu F0 để điều trị cho bệnh nhân thì sẽ đến buồng thay đồ trước rồi mới ra buồng sạch. Sau đó, sẽ tắm sạch sẽ trước khi về nhà.

Còn đối với mọi người, thật ra sẽ không ai có thể tiếp xúc 100% với bệnh nhân COVID, nên sau khi về nhà, chỉ cần sát khuẩn tay, không nói chuyện với ai và vào nhà tắm để tắm gội trước tiên.

Sau khi vệ sinh cá nhân sạch sẽ thì việc súc họng trước hay sau không quan trọng. Tuy nhiên, nếu sử dụng nước muối thì nên khò họng 20 giây thay vì xúc họng sẽ không hiệu quả.

Cho dù khẩu trang loại chuẩn nhất là N95 thì cũng chỉ ngăn được 95% virus, vẫn còn 5% virus có thể chui lọt vào cơ thể, nhưng sẽ bị đánh bật ra nếu chúng ta khò họng đúng cách.

Bên cạnh đó, đối với tay nắm cửa, mặt bàn, mặt ghế, hay bề mặt cứng, kim loại chúng ta cũng nên lau sạch, vì virus có thể tồn tại khoảng 2-3 ngày, tuy nhiên mật độ sẽ giảm dần theo thời gian.

Nói dễ hiểu giống như gà chúng ta nuôi ở vườn, ở trại sống rất tốt, nhưng khi chúng ta lùa gà lên 1 chiếc xe chở đi cho thương lái, thì đến vựa gà cũng sẽ chết đi một số con. Sau đó, từ mối lớn ở thành phố phân phối về các mối nhỏ sẽ khấu hao 1-2% con gà bị chết trong quá trình vận chuyển. Không chỉ gà, mà heo, cá cũng đều có tỷ lệ như vậy.

8. Xịt khuẩn tiền và rau củ sau khi mua, cần thiết không?

Nhiều bà nội trợ cũng lo sợ rau củ quả, bao bì thực phẩm có dính virus nên xịt cồn lên tất cả những gì mới mua về, kể cả xịt cồn trực tiếp lên rau. Như vậy đã yên tâm tiêu diệt được virus chưa ạ?

Có nên giặt và xịt khử trùng tiền mặt, vì theo nguyên tắc tiền rất “dơ"?

BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Trước tiên, về lý thuyết tiền có thể chứa virus, do lây qua giọt bắn, tức là chất tiết chúng ta ho hoặc nói văng vào tiền.

Đối với tiền polime hay tiền giấy, virus có thể tồn tại từ 12-24 tiếng đồng hồ, nhưng nồng độ để lây qua người được hay không thì chưa có nhiều dữ liệu chứng minh và chưa ai kiểm nghiệm điều này.

Trường hợp lây bệnh qua tiền chỉ có thể là người đó rất yêu tiền, cầm tiền là cho lên mũi ngửi, thì khả năng cao sẽ bị lây nếu người trước đó cầm tiền là F0. Tuy nhiên, F0 này cũng phải nói, ho văng vào tiền nhiều, vì sau 12-24 tiếng sẽ không còn khả năng lây lan nữa.

Cho nên, chúng ta có thể thanh toán không bằng tiền mặt khi mua hàng, đây cũng là điều Nhà nước đang khuyến khích. Nhưng ở Việt Nam điều này có vẻ không phù hợp với đa số mọi người, nên tốt nhất tôi cần rửa tay bằng xà phòng hoặc xịt sát khuẩn thường xuyên.

Đối với trường hợp bàn tay dơ đụng lên tóc có sao không, thì virus chỉ có thể tồn tại khoảng 2-3 tiếng đồng hồ là tự chết. Và trên da đầu của chúng ta tồn tại nhiều vi khuẩn thường trú để bảo vệ cơ thể, nên chúng sẽ đấu tranh với vi khuẩn để sinh tồn.

Tôi vẫn nhấn mạnh việc mọi người cần rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang hay kính chắn giọt bắn khi ra ngoài. Nó không chỉ giúp ngăn cản virus, mà còn ngăn cản hành động vô ý thức của con người, vì trước khi đụng vào sẽ khiến chúng ta nhớ rằng bàn tay đã sạch chưa và cần xịt khuẩn liền.

Riêng với rau củ quả thường sẽ lấy từ shipper. Người shipper họ cũng sợ lây bệnh cho chính mình nên cũng rất cẩn thận. Do đó, chúng ta chỉ cần xịt khuẩn bên ngoài bao, túi chứ không cần xịt vào thức ăn, vì nguy cơ ngộ độc khá cao.

Đồ sống, rau củ cũng nên rửa nước muối kỹ, và rửa tay sạch trước khi chế biến, vì tất cả đều qua trung gian bàn tay.

9. Gang tay của nhân viên siêu thị có là nguồn lây bệnh?

Nhiều người thắc mắc là nhân viên siêu thị có đeo găng tay, nhưng không thay thường xuyên, cũng đôi găng đó chạm vào hàng hóa, tiền mặt… của nhiều người thì theo BS việc đeo găng này có cần thiết và có là nguồn lây đáng lo ngại?

BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Đối với người mua, việc mặc bộ đồ bảo hộ khi đi chợ là điều không cần thiết. Mặc dù nó khiến chúng ta yên tâm hơn khi ra ngoài, nhưng mặc thì dễ mà tháo ra lại là cả vấn đề. Bởi nếu không cẩn thận có thể khiến virus dính vào tay và văng ra ngoài môi trường, gây lây nhiễm cộng đồng.

Cho nên, tôi khuyên mọi người sau khi đi siêu thị về nên rửa tay sạch và để quần áo ngâm trong thau nước đã hòa bột giặt trước khi giặt giũ.

Còn với người bán, đeo gang tay là để bảo vệ chính họ, cũng như có giọt bắn, vi trùng khác ngoài COVID-19 thì sẽ dính trên tay để không chạm lên da, chứ không thể bảo vệ cho người mua. Trường hợp nếu mỗi khi tiếp xúc với 1 người mà người bán sử dụng 1 gang mới tay có khả năng bảo vệ cho cả 2.

Tuy nhiên, với tôi da tay chúng ta vẫn tốt hơn gang tay, vì da có đề kháng tự nhiên, virus sống trên da sẽ không quá 3 giờ đồng hồ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X