Hotline 24/7
08983-08983

Cách chăm sóc và phòng bệnh sốt xuất huyết

Người mắc bệnh sốt xuất huyết sau 1 - 2 tuần sẽ có biểu hiện như: sốt đột ngột, nhiệt độ tăng nhanh lên trên 39 độ C và sốt liên tục.

Ảnh minh họa - nguồn internet
 
Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho con người. Bệnh gặp ở các nước vùng châu Á - Thái Bình Dương, châu Mỹ Latinh… Ở vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, bệnh rất phổ biến.
 
Khi một người mắc bệnh SXH, nếu bị muỗi đốt, các virut Dengue ở người bệnh sẽ xâm nhập vào tuyến nước bọt của muỗi, và khi muỗi đốt sang người đang khỏe mạnh, sẽ truyền virut Dengue. Virut này sẽ tiếp tục gây thành bệnh cho người mới bị đốt, cứ như vậy bệnh phát triển thành dịch. Các virut Dengue gây bệnh có 4 loại khác nhau, vì vậy một người có thể bị muỗi đốt nhiều lần và mắc lần lượt 4 loại virut này vào các thời điểm khác nhau.
 
Muỗi truyền virut Dengue có tên khoa học là Aedes aegypti, đây là loại muỗi có thân mình mảnh, trên thân có những vằn trắng đen vì vậy còn được gọi là muỗi vằn. Loại muỗi này không bay được khoảng cách xa, nên thường cư trú xung quanh nơi người sinh sống. 
 
Điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết nặng
 
Biểu hiện của bệnh SXH

Người bị muỗi đốt và mắc bệnh sau 1 - 2 tuần sẽ có biểu hiện bệnh. Khởi đầu người bệnh có biểu hiện sốt đột ngột, nhiệt độ tăng nhanh lên trên 390C và sốt liên tục. Kèm theo sẽ có các biểu hiện như nhức đầu, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nhức hai hố mắt, đau mỏi khắp toàn thân. Ở trẻ nhỏ đôi khi sốt cao gây co giật. Nếu quan sát kỹ sẽ thấy da và kết mạc mắt sung huyết đỏ. Nếu được làm xét nghiệm công thức máu trong 1-2 ngày đầu của sốt chỉ thấy bạch cầu trong máu giảm, ngoài ra chưa thấy các thay đổi khác.

Từ ngày thứ 3 của sốt hầu hết người bệnh sẽ có biểu hiện của xuất huyết như xuất huyết ở da, thường thấy ở lưng, bụng và mặt trong hai cánh tay, đùi, dưới các dạng chấm, nốt nhỏ, hoặc các mảng xuất huyết bầm tím với kích thước lớn hơn. Hoặc xuất huyết ở niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu lợi, tiểu ra máu. Đối với phụ nữ có thể thấy kinh nguyệt kéo dài hoặc sớm hơn kỳ hạn. Thậm chí trong trường hợp nặng hơn sẽ có xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa (nôn ra máu, đại tiện phân đen), xuất huyết phổi, xuất huyết não.
 
Phân biệt ban do bệnh SXH với ban do các bệnh khác: khi căng da tại vị trí có ban thì ban của sốt xuất huyết không biến mất.
 
Ngoài biểu hiện của xuất huyết, người bệnh có thể có đau bụng, phù nề mi mắt, trướng bụng, khó thở do trong bệnh SXH dịch trong mạch máu bị thoát ra tổ chức xung quanh.

Những trường hợp bệnh nặng hơn sẽ có biểu hiện của sốc do thiếu nước, với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, da lạnh ẩm, bàn tay, bàn chân lạnh, lượng nước tiểu ít, mạch nhanh nhỏ hoặc không bắt được, huyết áp kẹt (hiệu số huyết áp tối đa và  huyết áp tối thiểu còn dưới 20mmHg), hoặc tụt dưới mức bình thường, đặc biệt có khi không đo được huyết áp.

Một số trường hợp có biểu hiện nặng khác là suy các tạng, như viêm gan nặng, suy thận, viêm não, viêm cơ tim. 

Nếu được làm xét nghiệm công thức máu vào những ngày này, có thể thấy số lượng tiểu cầu bị giảm và có sự cô đặc máu như hematocrit tăng cao. Những trường hợp bệnh nặng, số lượng tiểu cầu thường giảm nặng và kéo dài dễ dẫn đến chảy máu khó cầm, hoặc gây rối loạn các chất điện giải, protid máu.

Nếu siêu âm hoặc chụp X-quang phổi hoặc bụng có thể phát hiện được tràn dịch màng bụng, màng phổi.

Diễn biến của bệnh SXH

Nói chung, bệnh SXH có thể diễn biến từ mức độ nhẹ, như chỉ có sốt đơn thuần đến sốt và có các biểu hiện của xuất huyết, hoặc ở mức độ nặng hơn là có sốc như đã mô tả ở trên, hoặc có chảy máu tiêu hóa, suy tạng. Bệnh thường diễn biến nặng từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Trước khi bệnh trở nên nặng hơn, ở hầu hết người bệnh thường xuất hiện một hoặc nhiều các biểu hiện sau:

- Trở nên vật vã, lừ đừ, li bì.

- Kêu đau bụng vùng hạ sườn phải.

- Nôn đột ngột tăng lên.

- Xuất huyết tại niêm mạc, nôn hoặc đại tiện ra máu.

- Số lượng nước tiểu ít.

Nếu bệnh không diễn biến nặng, sau sốt 5 - 7 ngày, người bệnh bắt đầu giảm sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, tiểu nhiều. Trong mọi trường hợp nếu người bệnh thèm ăn và ăn ngon miệng là dấu hiệu bệnh đã hồi phục.

AloBacsi.vn
Theo TS. Bùi Vũ Huy - Sức khỏe & Đời sống 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X