Hotline 24/7
08983-08983

Các thói quen nhiều người mắc phải gây ra bụi mịn và ô nhiễm không khí trong nhà

Không khí trong nhà kém chất lượng có thể gây ra nhiều tác động xấu đối với sức khỏe cơ thể và tâm trí con người. Theo TS.BS Phạm Lê Duy - Giảng viên Bộ môn Sinh lý, Sinh lý bệnh, Miễn dịch - Trường Đại học Y Dược TPHCM, để giúp không khí trong nhà được trong lành, cần có sự phối hợp của nhiều phương pháp khác nhau.

1. Hiện tượng El Nino tác động như thế nào đến ô nhiễm không khí?

Nắng nóng năm nay được cho là do tác động của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu. Nhân chương trình hôm nay, nhờ BS chia sẻ cụ thể hơn, El Nino sẽ tác động đến các vấn đề ô nhiễm không khí ra sao?

TS.BS Phạm Lê Duy trả lời: Hiện nay, trên toàn thế giới, không chỉ riêng ở bất kỳ một chuyên ngành nào, tất cả những ai quan tâm đến các vấn đề về y tế và sức khỏe đều sẽ lo lắng đến tình trạng biến đổi khí hậu, trong đó có hiện tượng El Nino. Đây là tình trạng ấm lên của bề mặt nước biển, xảy ra tại khu vực trung tâm cũng như ở phía đông của Thái Bình Dương và gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán và lũ lụt.

Tại khu vực hạn hán có thể làm tăng thêm lượng ô nhiễm không khí bởi sự phát thải những chất xuất hiện trong tình trạng khô hạn, ví dụ như bụi bẩn từ mặt đất sẽ bay lên bầu không khí, cháy rừng hay lượng ozone tăng lên do bị giữ lại ở lớp dưới của tầng khí quyển.

Về lũ lụt sẽ gây nên nhiều vấn đề khác, ví dụ như sự tăng lên của tình trạng nấm mốc, phấn hoa, làm gia tăng các bệnh lý truyền nhiễm từ những loại côn trùng như sốt xuất huyết… Hiện nay, tình trạng sốt xuất huyết cũng đang gia tăng đáng báo động.

TS.BS Phạm Lê Duy gửi đi thông điệp, bụi mịn và ô nhiễm không khí tác động đến nhiều vấn đề, khía cạnh của sức khỏe, vì vậy cần kết hợp nhiều giải pháp để bảo vệ bản thân trước bối cảnh này.

2. El Nino và thời tiết khắc nghiệt làm gia tăng các mối đe dọa nào lên sức khỏe con người?

Cả nước vừa trải qua đợt nắng nóng kỷ lục, trong đó sắp tới miền Trung đối diện với mùa mưa bão được dự báo sẽ diễn biến phức tạp. El Nino cùng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt này sẽ làm gia tăng các mối đe dọa nào với sức khỏe trong không khí?

TS.BS Phạm Lê Duy trả lời: Tình trạng hạn hán sẽ gây ra những vấn đề về khô hạn, làm cho lớp đất bên dưới bề mặt dễ bóc lên trên, phát tán và làm tăng lượng bụi mịn trong không khí. Khô hạn sẽ làm cho những chất ô nhiễm trong không khí không được rửa trôi bởi mưa và tích tụ lại. Ngoài ra, tình trạng hạn hán sẽ dẫn đến nguy cơ cháy rừng. Khi cháy rừng xảy ra sẽ phát thải vào không khí rất nhiều lượng CO2 hay những hạt bụi mịn PM10, PM2.5…

Bên cạnh đó, lượng không khí nóng trong khí quyển sẽ làm cho những ô nhiễm không thể phát tán lên trên và tập trung lại ở tầng dưới của lớp khí quyển. Lúc này, lượng không khí ô nhiễm tồn tại ở gần mặt đất hơn, do đó sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp lên sức khỏe của con người.

Khi chuyển sang giai đoạn lũ lụt, với tình trạng tăng độ ẩm trong không khí sẽ làm thay đổi hệ sinh thái của động thực vật. Trong đó có các loại thực vật như cây cỏ, sẽ làm tăng thời gian phát tán và tính dị ứng của những loại  phấn hoa, phấn cỏ này.

Ngoài ra, lũ lụt còn làm tăng sự sinh sôi, nảy nở của nấm mốc. Khi chúng phát triển sẽ phát tán các bào tử vào trong không khí và làm gia tăng tình trạng dị ứng với những loại phấn hoa, phấn cỏ và nấm mốc. Chính vì vậy, có thể thấy hiện tượng El Nino ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của con người, không chỉ gây ra những tác động riêng về các bệnh lý hô hấp, còn mang lại tác động xấu đến những bệnh lý khác như bệnh truyền nhiễm hay tim mạch,…

3. Nguồn ô nhiễm trong nhà và ngoài trời khác nhau thế nào?

Không chỉ ô nhiễm ngoài trời mà tình trạng ô nhiễm trong nhà luôn được cảnh báo. Xin nhờ BS nói rõ hơn:

- Hiện nay, ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời đã có những con số đáng báo động nào?

TS.BS Phạm Lê Duy trả lời: Đối với tình trạng ô nhiễm không khí bên ngoài môi trường, có một chỉ số là Air quality index - chỉ số về chất lượng không khí (AQI). Đây là một chỉ số có thể dễ dàng tra cứu trên những ứng dụng hay các trang web thông tin về ô nhiễm môi trường/không khí.

Hiện nay, hầu như ở các thành phố lớn, ví dụ như TPHCM, mỗi ngày chúng ta đều có thể tra cứu và  kiểm tra thông tin các chỉ số, chất lượng không khí. Có thể thấy, có những ngày chỉ số AQI lên đến 150, con số này cho thấy chất lượng không khí đã có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Thậm chí, một số ngày chỉ số AQI có thể lên đến 200 - 300, đây là mức độ cực kỳ nguy hiểm đến sức khỏe, trong khoảng thời gian này nên hạn chế ra đường để tránh các tác nhân xấu ảnh hưởng đến cơ thể.

Đối với môi trường trong nhà, mỗi chất ô nhiễm không khí trong nhà đều sẽ có những con số đánh giá khác nhau. Hiện nay, chưa có một báo cáo hay con số cụ thể nào đối với hiện tượng ô nhiễm trong nhà tại Việt Nam. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới và Cục Bảo vệ môi trường của Hoa Kỳ cũng đã đưa ra những cảnh báo là hiện nay tình hình ô nhiễm không khí trong nhà cũng đang ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của con người.

- Các dị nguyên, mầm bệnh sinh sôi trong 2 môi trường này giống nhau và khác nhau ở điểm nào?

TS.BS Phạm Lê Duy trả lời: Phần lớn các dị nguyên, mầm bệnh sinh sôi trong nhà và ngoài trời đều giống nhau. Nhưng có một số loại sẽ có đặc điểm khác nhau, chủ yếu là khác biệt về nguồn gốc tạo ra những chất ô nhiễm. Ví dụ về những hạt bụi PM (Particulate Matter) hay chúng ta vẫn thường gọi là bụi mịn, có kích thước từ 0.1 micromet (µm) đến 2.5µm hoặc 10µm.

Ở môi trường trong nhà cũng sẽ có những hạt bụi mịn, nguồn gốc của chúng có thể từ môi trường bên ngoài bay vào hay phát tán từ chính trong ngôi nhà. Ví dụ trong hoạt động nấu nướng, khi đốt những chất sinh khói (củi, than)... sẽ sinh ra bụi PM 2.5 hoặc trên vách tường xi măng, thỉnh thoảng có thể thấy trên tường nhà có một lớp bụi rất mịn khi lâu ngày không được quét dọn. Ngoài ra, có những đồ nội thất khác như rèm cửa, thảm trải nhà cũng có thể tạo ra những hạt bụi mịn. Đặc biệt, bụi mịn thông thường sẽ lắng xuống dưới, nhưng trong hoạt động sinh hoạt thường ngày như đi lại, ngồi trên ghế hoặc quét nhà sẽ làm cho bụi mịn từ bên dưới bay lên trên và phát tán ngược lại vào trong không khí, đây chính là nguồn gốc của những hạt bụi mịn PM 2.5.

Bên cạnh đó, những hóa chất hữu cơ bay hơi cũng có thể từ bên ngoài bay vào, ví dụ như khí thải từ các phương tiện giao thông. Tuy nhiên, môi trường từ trong nhà cũng sẽ có nguồn tạo ra những chất bay hơi, ví dụ như khi xịt nước hoa, sử dụng những chất tẩy rửa, thuốc diệt côn trùng, hay những lớp sơn PU trên những đồ trang trí nội thất... đều có chứa chất hữu cơ bay hơi.

Ngoài ra, khí CO2 được sinh ra từ việc đốt những chất sinh khói cho sưởi ấm cũng có thể làm ô nhiễm không khí trong nhà. Ở Việt Nam ít khi gặp nhưng ở những vùng lạnh có các chất đốt (củi, than) để sưởi ấm cho mùa đông hoặc dùng để nấu nướng sẽ tạo ra những khí độc như CO2, đây là một phần nguyên nhân nguồn phát thải khí ô nhiễm ở môi trường trong nhà.

Đặc biệt ở Việt Nam, đa phần người dân thường có thói quen sử dụng nhang cúng hay nhang muỗi, đây cũng là một trong những nguồn tạo ra khí độc như CO2 hay những hạt bụi mịn gây hại lên sức khỏe con người.

Ngoài ra, ở môi trường trong nhà còn có các loại dị ứng nguyên và thường gặp nhất là mạt bụi nhà, loại vi khuẩn này sống rất tốt trong điều kiện không khí nóng ẩm tại Việt Nam. Thứ hai là lông thú nuôi như chó, mèo, chim, chuột… Kế đến là nấm mốc, ở những ngôi nhà không thông khí tốt hoặc có độ ẩm quá cao, nơi ẩm thấp như trong khu vực góc tường gần máy lạnh hay bên trong nhà tắm, nấm mốc sẽ phát triển rất nhiều và sinh ra bào tử bay vào không khí gây dị ứng cho con người.

Một điều quan trọng cũng cần lưu ý là về việc vệ sinh máy lạnh, đa phần người sử dụng thường quên vệ sinh định kỳ cho thiết bị này. Việc sử dụng thường xuyên và không vệ sinh máy lạnh sẽ gây ra hiện tượng tích tụ những chất thải ô nhiễm, ví dụ như bụi mịn PM 2.5. Bên cạnh đó máy lạnh cũng sẽ bị mốc, mặc dù phía bên ngoài khô nhưng bên trong dàn lạnh lại ẩm, nếu người sử dụng chỉ lau rửa thông thường và không chú ý đến việc vệ sinh thật kỹ bên trong thì những loại nấm móc bên trong sẽ là một nguồn phát tán các bào tử nấm gây dị ứng ra bên ngoài.

4. Những hệ lụy ô nhiễm không khí gây ra cho sức khỏe con người là gì?

Sống lâu trong môi trường ô nhiễm không khí sẽ gây ra những hệ lụy nào cho sức khỏe? BS có thể chia sẻ một (hoặc vài) trường hợp điển hình cho thấy tác động về ngắn hạn và lâu dài của ô nhiễm không khí đến sức khỏe ạ?

TS.BS Phạm Lê Duy trả lời: Khi một bệnh nhân hen suyễn không kiểm soát được triệu chứng của mình mặc dù đã sử dụng những loại thuốc điều trị rất tốt với liều lượng khá cao nhưng bác sĩ thăm hỏi về lối sống sinh hoạt hàng ngày mới phát hiện người bệnh thường xuyên sử dụng nước hoa ở trong phòng ngủ của mình. Chính loại nước hoa này đã làm kích phát những cơn hen thường xuyên ở bệnh nhân.

Nhưng nếu bệnh nhân biết được việc sử dụng nước hoa gây kích phát những cơn hen, bác sĩ có thể hướng dẫn người bệnh sử dụng nước hoa bên ngoài phòng ngủ hoặc trong một căn phòng có trang bị những thiết bị có thể lọc được những hoạt chất hữu cơ bay hơi do nước hoa tạo ra.

Một trường hợp khác là ở những trẻ nhỏ bị viêm kết mạc dị ứng (đỏ mắt, chảy nước mắt thường xuyên), trong quá trình thăm khám, bác sĩ phát hiện ra mỗi khi người thân bé đốt nhang, cơ thể bệnh nhi sẽ bắt đầu xuất hiện triệu chứng. Tình trạng này cũng rất thường gặp ở những bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng hay viêm kết mạc dị ứng khi phải tiếp xúc trực tiếp với khói nhang.

Một ví dụ khác điển hình cho sự ảnh hưởng của ô nhiễm không khí lên sức khỏe là trường hợp một bệnh nhi sống trong gia đình làm nông. Trong ngôi nhà của bệnh nhân có nhiều những vật dụng chứa nông sản như bao chứa lúa, mỗi khi về đến căn nhà trẻ sẽ bắt đầu xuất hiện triệu chứng của viêm kết mạc và viêm mũi dị ứng (đỏ mắt, ngứa mắt, hắt hơi, chảy mũi). Khi phụ huynh đưa trẻ đến khám, bác sĩ đã khuyên gia đình nên dọn dẹp nhà cửa, giúp cho nơi ở của trẻ tránh được những tiếp xúc với nguồn nông phẩm dự trữ của gia đình. Điều này đã giúp cải thiện triệu chứng cho trẻ rất nhiều.

5. Trách nhiệm của ô nhiễm không khí đến đâu trong bối cảnh trẻ hóa các bệnh lý?

Ngày nay, nhiều bệnh lý nguy hiểm có xu hướng trẻ hóa, từ ung thư, đột quỵ đến đau tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ngưng thở khi ngủ… BS đánh giá, trách nhiệm của ô nhiễm không khí đến đâu trong bối cảnh các bệnh lý ngày càng trẻ hóa?

TS.BS Phạm Lê Duy trả lời: Hiện nay, tỷ lệ bệnh tật và tử vong ở người trẻ ngày một gia tăng và cũng có những con số thống kê đáng chú ý về vấn đề người trẻ tử vong có liên quan đến ô nhiễm không khí trong nhà. Theo báo cáo của WHO, những con số đáng báo động như có khoảng 3,2 triệu người trẻ tử vong hàng năm liên quan đến ô nhiễm không khí trong nhà. Trong đó, có khoảng 30% trường hợp tử vong do bệnh lý tim mạchkhoảng 20% tử vong do đột quỵ hay bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và có 6% tử vong liên quan đến ung thư phổi.

Một con số thông kê khác đáng quan tâm hơn là 1/2 trường hợp tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở trẻ em dưới 5 tuổi, 1/2 trường hợp tử vong có liên quan đến ô nhiễm không khí trong nhà. Các nghiên cứu khảo sát cũng cho thấy rằng những người phụ nữ trẻ thường sống trong nhà hay làm những công việc nội trợ chính là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi ô nhiễm không khí trong nhà. Chính vì vậy, cần quan tâm hơn đến vấn đề sức khỏe của tất cả những thành viên trong gia đình, đặc biệt là những người phụ nữ làm công việc nội trợ.

6. Làm thế nào để bảo vệ không khí trong nhà được trong lành?

Với điều kiện thời tiết của Việt Nam, theo BS, mỗi gia đình cần có những giải pháp nào để bảo vệ không khí trong nhà được trong lành, tránh ảnh hưởng sức khỏe?

TS.BS Phạm Lê Duy trả lời: Để giúp không khí trong nhà được trong lành, cần có sự phối hợp của nhiều phương pháp khác nhau. Đối với những ngôi nhà ở trong khu vực gần trung tâm, có lượng giao thông lưu thông đông đúc hoặc ở gần những khu công nghiệp, chúng ta sẽ bảo vệ ngôi nhà bằng cách hạn chế mở cửa vào những giờ cao điểm. Hay những lúc cảm thấy chất lượng không khí bên ngoài quá tệ, ví dụ như chỉ số AQI trên 150 hay vào khoảng 200 - 300 nên hạn chế mở cửa để tránh nguồn không khí ô nhiễm bay vào. Song song đó, chúng ta cũng nên hạn chế nguồn ô nhiễm từ bên trong căn nhà của mình. Ví dụ như hạn chế việc sử dụng những vật sinh khói (than, củi) gây ra bụi mịn, CO2 và thay thế bằng nguồn năng lượng sạch như sử dụng điện hay nhiệt để đun nấu.

Ngoài ra, cần hạn chế đốt những chất tạo ra hóa chất bay hơi hay bụi mịn và CO2 như nhang, nến thơm… Bên cạnh đó, trong việc sử dụng nước hoa cần lưu ý là không nên xịt trong khu vực phòng ngủ, vì đây là nơi cơ thể trải qua quá trình hồi phục sau một ngày dài. Nên thay đổi thói quen và sử dụng nước hoa ở những nơi có luồng không khí lưu thông tốt hơn, ví dụ ngoài ban công hoặc trong tolet.

Trong sinh hoạt hàng ngày, nên hút bụi và lau dọn thường xuyên cho căn nhà của mình vì khi bụi mịn PM 2.5 lắng xuống mặt đất, việc sinh hoạt hàng ngày như ngồi hay đi lại sẽ vô tình khiến cho lớp bụi bay lên không khí và gây hại cho cơ thể.

Phải luôn giữ cho không gian trong nhà không quá ẩm, nên kiểm soát độ ẩm trong không khí vào khoảng 55 - 60%, đây là mức độ ẩm lý tưởng cho sức khỏe con người cũng như hạn chế được sự phát triển của một số tác nhân gây bệnh như mạt bụi nhà hay nấm mốc. Bên cạnh đó, nên quan sát những nơi ẩm thấp và nhanh chóng khắc phục, xử lý để có thể tránh được tình trạng nấm mốc phát triển ở những nơi này.

Ở những gia đình có nuôi thú cưng, nên lưu ý cần chải lông thường xuyên để hạn chế việc lông của chúng phát tán vào không khí xung quanh nhà, vì trên lông của thú cưng có thể có mạt nhà và bản chất lông của thú cưng cũng đã có thể gây dị ứng cho cơ thể con người.

Cuối cùng, một điều khá quan trọng cũng cần lưu ý là dù thực hiện nhiều biện pháp khác nhau nhưng chúng ta vẫn không thể nào tránh khỏi việc sử dụng những chất gây ô nhiễm trong nhà. Chính vì vậy, nếu có điều kiện nên trang bị cho không gian trong nhà một chiếc máy lọc không khí. Thiết bị này có thể giúp giảm thiểu những hạt bụi mịn hoặc giảm thiểu những chất hữu cơ bay hơi trong không khí để giúp cho môi trường trong nhà được trong lành và sạch sẽ hơn.

Phần 2: Máy lọc không khí góp phần bảo vệ không khí lành trong gia đình

Trân trọng cảm ơn TS.BS Phạm Lê Duy và LG Việt Nam đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X