Hotline 24/7
08983-08983

Các phương pháp điều trị bệnh trĩ tại nhà và những lưu ý cần nhớ

Bệnh trĩ nhiều người bị nhưng vì e ngại nên thường ít đi thăm khám mà lựa chọn tự điều trị tại nhà. Vậy khi nào bệnh nhân trĩ có thể điều trị tại nhà, khi có triệu chứng nào người bệnh cần đến bệnh viện ngay? Thắc mắc này sẽ được tư vấn kỹ hơn với phần chia sẻ của TTƯT.BSCC Hoàng Đình Lân - Nguyên trưởng khoa ngoại, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương.

1. Bệnh trĩ có những giai đoạn nào, khi nào điều trị tại nhà?

Xin BS cho biết bệnh trĩ được chia thành các giai đoạn như thế nào, và khi nào điều trị tại nhà được ạ?

TTƯT.BSCC Hoàng Đình Lân trả lời: Bệnh trĩ là bệnh rất thường gặp ở Việt Nam và trên thế giới. Cổ nhân có câu “Thập nhân cửu trĩ” (10 người thì 9 người bị trĩ), nhưng thật sự trĩ là sinh lý bình thường. Khi trĩ bị đau, sưng, chảy máu được gọi là bệnh trĩ.

Theo thống kê của Hội hậu môn trực tràng Việt Nam, khi điều tra dịch tễ học 6 tỉnh phía Bắc với 2.600 bệnh nhân, cho thấy 55% số người đến khám mắc bệnh trĩ.

Bệnh trĩ thường gặp ở người già và người có chế độ sinh hoạt không điều độ. Người xưa hay nói bệnh trĩ thuộc diện “Bệnh tòng khẩu nhập” dẫn đến rối loạn tiêu hóa, đi ngoài táo bón quá cũng sinh trĩ, đi ngoài lỏng cũng sinh trĩ.

Dân gian thường điều trị bệnh trĩ tại nhà bằng lá diếp cá, ngâm rửa hậu môn bằng nước chè xanh đặc, lá trầu không.

Theo Y học hiện đại, trĩ là tập hợp biểu hiện các bệnh lý ở vùng mạn mạch hậu môn trực tràng và các tổ chức liên quan đến mạn mạch này. Tùy theo mức độ tổn thương, trĩ được chia thành: trĩ ngoại, trĩ nội, trĩ hỗn hợp. Trĩ nội có 4 mức độ, trong đó độ 1 và độ 2 có thể điều trị nội khoa tại nhà.

Còn theo Y học cổ truyền, trĩ là do câm mạch bị giãn rộng không đơn giản do cục bộ mà còn do khí huyết bất lưu thông, bên ngoài do lục dâm, bên trong do thất tình gây nên. Bệnh trĩ được chia thành: trĩ ngoại, trĩ nội, thử trĩ, trùng trĩ và nhung san trĩ. Tùy theo từng thể sẽ có bài thuốc, vị thuốc đối chứng lập phương để chữa.

Gần đây, Y học cổ truyền chia trĩ thành 5 loại: trĩ thể ứ huyết, thấp nhiệt, huyết nhiệt, khí huyết lưỡng hư. Mỗi thể sẽ có một bài thuốc điều trị khác nhau. Ví dụ thể ứ huyết dùng bài đào hồng tứ vân, thể thấp nhiệt, huyết nhiệt dùng bài bổ trung ích khí, thể khí huyết lưỡng hư có thể dùng bài lục vị, bát vị gia quy thược.

Điều trị bệnh trĩ tại nhà có thể dùng vị thuốc thảo dược tự nhiên, thực phẩm chức năng được bào chế từ các vị thuốc. Tuy nhiên, với sự phát triển của y học hiện đại, bệnh nhân cần đi khám để xác định đó có phải trĩ hay không hay nhầm lần với các bệnh khác như nứt kẽ hậu môn, ung thư đại trực tràng. Khi đi khám sẽ được chỉ định toa thuốc thích hợp để điều trị tại nhà, trường hợp đặc biệt mới phải điều trị tại bệnh viện.

2. Mắc bệnh trĩ khi nào cần đến bệnh viện?

Bệnh trĩ ở tình trạng như thế nào thì bệnh nhân cần đến bệnh viện sớm? Nếu chần chừ, họ có thể gặp nguy hiểm gì ạ?

TTƯT.BSCC Hoàng Đình Lân trả lời: Hiện nay, xu hướng bệnh nhân ngại đến bệnh viện vì trĩ là bệnh lý nhạy cảm và đang là giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát.

Tuy nhiên, nếu bệnh nhân bị chảy máu nhiều, không cầm được máu dù đã được chỉ định sử dụng thuốc tại nhà; những bệnh nhân không thể ngồi được bằng cả hai mông mà chỉ ngồi được một nửa, đó là trường hợp trĩ tắc mạch, trĩ viêm nghẹt hoặc sa lồi bị viêm nghẹt thì cần phải đến khám tại bệnh viện.

Một số trường hợp thai nghén, còn 1 tháng nữa đến ngày sinh nhưng trĩ lồi, trĩ tắc mạch, thầy thuốc tây y không dám can thiệp vì sợ sinh non. Trường hợp này cũng cần đi khám, khi đó chúng tôi cố gắng điều trị tại chỗ và can thiệp bằng thủ thuật nhỏ để bệnh nhân qua được giai đoạn cấp.

Hay trường hợp bệnh nhân trĩ bị chảy máu, hồng cầu chỉ còn 2 triệu tế bào/cm3 bắt buộc phải vào bệnh viện, để bác sĩ vừa truyền máu vừa điều trị, phẫu thuật trĩ. Ngoài ra, ngay cả những trường hợp bệnh nhân có bệnh nền như tai biến mạch máu nhưng có sa trĩ thì rất cần đến bệnh viện để được xử trí phù hợp.

Cần lưu ý, trường hợp những bệnh nhân đã phẫu thuật điều trị bệnh trĩ nhưng vẫn còn xuất hiện triệu chứng thì nên đi tái khám, vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư đại trực tràng, cần được chẩn đoán và điều trị sớm.

Là một bệnh nhân thông thái, chúng ta cần có chế độ ăn lành mạnh cùng với việc luyện tập thể dục thể thao tốt, thường xuyên kiểm tra định kì, khám đúng chuyên khoa, uống đúng thuốc thì bệnh nhẹ sẽ hết, bệnh nặng sẽ nhẹ đi. Như vậy sẽ đem lại hiệu quả tốt cho bệnh nhân mắc bệnh trĩ.

3. Các phương pháp điều trị bệnh trĩ

Hiện nay bệnh trĩ được điều trị bằng các phương pháp gì, thưa BS?

TTƯT.BSCC Hoàng Đình Lân trả lời: Tất cả các bệnh đều có 2 cách điều trị: nội khoa và ngoại khoa. Với bệnh trĩ, điều trị ngoại khoa là loại bỏ búi trĩ ra khỏi cơ thể bằng cách bôi thuốc khô trĩ, thắt trĩ hoặc tiêm thuốc để teo búi trĩ, hiện đại hơn là phẫu thuật để cắt trĩ.

Phẫu thuật có nhiều phương pháp, đặc biệt ưu tiên phương pháp phẫu thuật không xâm lấn như khâu treo triệt mạch, đốt nội soi dưới niêm mạc.

Cách đây 20 năm, chúng tôi đã áp dụng phương pháp sóng cao tần và áp dụng thuốc hỗ trợ giảm đau. Mỗi phương pháp sẽ có chỉ định cụ thể, trĩ độ 1-2 nên điều trị nội khoa, độ 3-4 phải phẫu thuật. Nếu trĩ độ 2 nhưng điều trị không hết, không thể cầm máu thì phải phẫu thuật.

Điều trị trĩ bằng nội khoa có thể dùng thuốc y học cổ truyền, thuốc y học hiện đại hoặc kết hợp 2 phương pháp này. Nếu bệnh nhân mắc bệnh trĩ bị đau thì dùng thuốc giảm đau như paracetamol, efferalgan, codein hoặc cầm máu bằng thuốc tanganil,...

Với Y học cổ truyền người ta sẽ dùng các bài thuốc như bổ trung ích khí để chữa chứng thấp nhiệt, bài lục vị gia quy thược để hỗ trợ bệnh nhân; tùy theo kinh nghiệm của từng thầy thuốc mà có sự gia giảm cho phù hợp.

Hiện nay, các nhãn dược đã bào chế các loại thảo dược thành thực phẩm chức năng, rất an toàn, hiệu quả và loại bỏ tạp chất để hỗ trợ điều trị triệu chứng của trĩ.

Điều trị nội khoa theo đông y sẽ gồm điều trị tại chỗ bằng thuốc bôi, ngâm rửa và uống toàn thân, đem lại kết quả rất khả quan, khắc phục triệu chứng chảy máu, sa lồi, co hồi búi trĩ.

Nếu bệnh nhân thăm khám thầy thuốc đông y thì sẽ chữa theo đông y, thăm khám thầy thuốc tây y sẽ chữa theo tây y. Muốn điều trị kết hợp tây y và đông y, bệnh nhân phải thăm khám thầy thuốc có kiến thức cả 2 lĩnh vực này mới đem lại kết quả hoàn hảo.

Ngày 27/7/1955, Bác Hồ có gửi thư để nói về sự kết hợp đông y và tây y, người thầy thuốc phải biết cả về đông - tây y để đem lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho người bệnh. Cho đến nay, điều này này đã được chứng minh khi mang lại hiệu quả điều trị tốt đẹp cho bệnh trĩ và nhiều bệnh khác.

4. Các phương pháp điều trị bệnh trĩ không dùng thuốc bệnh nhân có thể áp dụng?

Bên cạnh các phương pháp điều trị tại bệnh viện, nhờ BS đưa ra các hướng dẫn về các biện pháp không dùng thuốc dành cho người bị bệnh trĩ?

TTƯT.BSCC Hoàng Đình Lân trả lời: Theo dân gian, bệnh trĩ không phải dùng thuốc, nhưng theo y khoa nếu đã là bệnh lý có biểu hiện đi cầu ra máu, đau rát, sa lồi thì phải dùng thuốc.

Nếu bệnh nhân có biểu hiện nhẹ như đi cầu ra máu muốn không dùng thuốc thì phải có chế độ sinh hoạt lành mạnh, hạn chế cà phê, ăn đồ cay nóng như tiêu, ớt; có thể ngâm rửa bằng nước lá chè xanh, trầu không.

Táo bón cũng là nguyên nhân gây ra trĩ, do vậy người bệnh nên ăn nhiều rau xanh, đu đủ, chuối tây, mồng tơi, rau đay; có thể thụt mật ong, dầu dừa để hỗ trợ trĩ độ 1.

Người trẻ hiện nay có thói quen ngồi quá lâu. Đây là vấn đề cần thay đổi, chúng ta không nên ngồi quá 4 tiếng liên tục, phải thường xuyên vận động, tập thói quen đi cầu đúng giờ, uống đủ nước.

Trường hợp bệnh nhân ở mức độ nặng hơn vẫn phải sử dụng thuốc cấp độ nhẹ như thực phẩm chức năng. Ví dụ, tottri được bào chế từ bài bổ trung ích khí, có tác dụng cầm máu, hoạt huyết tiêu viêm, co nhỏ búi trĩ.

Nếu có điều kiện, bệnh nhân phải thăm khám để loại trừ bệnh lý khác, không nên tự ý mua thuốc hay e ngại dịch COVID-19 mà không đến bệnh viện.

Nhiều trường hợp bệnh nhân vì e ngại mà đến bệnh viện ở giai đoạn nặng. Không nên nghe lời mách bảo để tự mua thuốc, có khi loại thuốc đó hợp với người này nhưng không khỏi bệnh với người khác.

Bệnh nhân khi tham khảo trên mạng cũng phải biết chọn lọc giữa vô vàn các loại khác nhau, một số loại thuốc Bộ Y tế không quy định kê đơn nhưng vẫn gây dị ứng. Ví dụ, loại mỡ bôi của nước ngoài có thành phần là xạ kề hương và ngọc trai, sử dụng bình thường rất tốt nhưng phụ nữ mang thai khi sử dụng có khả năng bị sảy thai.

Do đó, bệnh nhân khi dùng thuốc phải có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để mang lại hiệu quả tốt nhất.

Trân trọng cảm ơn TTƯT.BSCC Hoàng Đình Lân - Nguyên trưởng khoa ngoại, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương đã nhận lời mời tham gia tư vấn và nhãn hàng Tottri đã đồng hành cùng chương trình!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X