Cả nước có hơn 100.000 người đã đăng ký hiến mô, tạng
Hiện nay, cả nước có hơn 100.000 người đã đăng ký hiến mô tạng, trong đó năm 2024 có 20.000 người. Đã có khoảng 30 cơ sở y tế trên cả nước tổ chức và phát động phong trào đăng ký hiến mô, tạng.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đăng ký hiến tạng và phát động phong trào đăng ký hiến tạng (ngày 19/5/2024) trên tinh thần "Mở lòng nhân ái, thắp sáng niềm tin, tiếp nối hy vọng, cho đi là còn mãi", rất nhiều cơ sở y tế trên cả nước đã tổ chức và phát động phong trào đăng ký hiến mô, tạng.
Cũng tính từ thời điểm đó đến nay, trên cả nước có khoảng 100.000 người đã đăng ký hiến mô, tạng. Con số này cho thấy, nhận thức của người dân về hiến tạng cứu người đã tăng lên rất nhiều so với thời gian trước.
Theo thống kê của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, chỉ tính từ đầu năm 2025 đến nay, trên cả nước đã có 21 trường hợp đồng ý hiến tạng sau khi chết não, bằng 1/2 số ca đồng ý hiến tạng sau chết của năm 2024.
Đến nay, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam cũng đã phối hợp với các tỉnh, thành phố, bệnh viện thành lập được 17 chi hội cơ sở.
Các ca hiến tạng thành công đều do tổ tư vấn và ê-kíp của các bệnh viện nỗ lực thực hiện. Các tổ tư vấn này đã được Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đào tạo, tập huấn trước đó.
Tại Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương, hơn 200 bác sĩ, cán bộ y tế của bệnh viện đã tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng. Theo PGS. TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương, đây là minh chứng rõ nét cho tinh thần nhân ái, trách nhiệm xã hội và sự tiên phong của đội ngũ y tế trong việc khuyến khích cộng đồng cùng chung tay vì sự sống của người bệnh.

Hiện nay, nhu cầu ghép mô, tạng ngày càng tăng trong khi nguồn hiến tặng chưa đáp ứng, nhiều bệnh nhân suy mô, tạng đã không chờ được đến lúc có mô, tạng để ghép hoặc khi có thì không đủ điều kiện để ghép.
Để góp phần tăng cường nguồn mô, tạng hiến tặng từ người chết não, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị triển khai nhiều chương trình truyền thông, vận động hiến tặng mô, tạng tới các cơ sở y tế và cộng đồng để thúc đẩy nguồn mô, tạng hiến tặng, cứu chữa nhiều bệnh nhân.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, ghép mô, tạng là thành tựu y học quan trọng, giúp cứu sống và cải thiện chất lượng sống cho hàng nghìn người bệnh suy tạng giai đoạn cuối. Sau hơn 30 năm, từ ca ghép thận đầu tiên năm 1992, Việt Nam đã làm chủ công nghệ với hơn 9.300 ca ghép thành công tại 28 bệnh viện trên cả nước.
Những ca ghép phức tạp như ghép phổi tại Bệnh viện Phổi Trung ương hay ghép tim-gan đồng thời tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho thấy trình độ y học Việt Nam tiệm cận thế giới.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình