Hotline 24/7
08983-08983

Cà Mau: Gia tăng số trẻ nhập viện do sốt phát ban dạng sởi

Ngày 26/12/2024, thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Cái Nước (Cà Mau), kể từ đầu tháng 12 đến nay, trên địa bàn huyện ghi nhận 46 trường hợp trẻ mắc bệnh phát ban dạng sởi, nâng tổng số ca mắc bệnh trong năm lên 120 trường hợp.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế huyện Cái Nước, kể từ đầu tháng 12 đến nay, trên địa bàn huyện ghi nhận 46 trường hợp trẻ mắc bệnh phát ban dạng sởi, xảy ra hầu hết ở các địa phương, trong đó tập trung chủ yếu ở các xã: Lương Thế Trân, Thạnh Phú, Phú Hưng và Tân Hưng; nâng tổng số ca mắc bệnh trong năm lên 120 trường hợp.

Ðáng chú ý, phát ban dạng sởi là bệnh truyền nhiễm mới nổi vào trung tuần tháng 6 nhưng tăng đột biến trong tháng 12. Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Ða khoa Cái Nước, có gần 40 trường hợp trẻ mắc bệnh phát ban dạng sởi đang nằm điều trị nội trú, thuộc địa bàn các huyện: Cái Nước, Phú Tân, Năm Căn và Ngọc Hiển.

Các trường hợp trẻ mắc bệnh có chung triệu chứng nóng sốt, hầu hết gia đình nhầm lẫn tưởng trẻ mắc bệnh nóng sốt thông thường, nên đưa đến phòng mạch tư nhân khám hoặc tự kê đơn mua thuốc về nhà điều trị, khi bệnh không thuyên giảm mới đưa trẻ đến cơ sở y tế điều trị.

Các trường hợp trẻ mắc bệnh phát ban dạng sởi đang nằm điều trị nội trú tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Cái Nước, tập trung ở độ tuổi tiểu học và các cháu chỉ mới tiêm được một mũi vắc xin phòng bệnh sởi. Đặc biệt có một số trường hợp trẻ chưa đầy 1 tuổi cũng mắc sởi và phải nhập viện điều trị nội trú.

Theo khuyến cáo của cơ quan y tế, để phòng ngừa hiệu quả bệnh phát ban dạng sởi, trẻ em phải được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin đúng theo lịch tiêm chủng.

Trước tình hình bệnh diễn biến phức tạp, cơ quan chuyên môn tỉnh Cà Mau khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh cho trẻ. Đặc biệt, khi thấy con, em có những biểu hiệu của sốt phát ban dạng sởi cần đưa đến bệnh viện điều trị kịp thời.

Vắc xin sởi (Sởi đơn hoặc Sởi - Rubella) là vắc xin sống giảm độc lực, chứa virus sởi đã được làm yếu để kích thích hệ miễn dịch sản sinh kháng thể mà không gây bệnh. Hiệu quả phòng bệnh đạt được khoảng 85-90% sau liều đầu tiên ở trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên. Sau liều thứ hai (18 tháng tuổi), hiệu quả đạt gần 99%.

Mũi vắc xin này được xem như là mũi “Sởi 0” và sau đó trẻ vẫn tiếp tục được tiêm chủng 2 mũi vắc xin sởi theo lịch của chương trình Tiêm chủng mở rộng. Cụ thể:

- Mũi 0: Tiêm khi trẻ đủ 6 tháng tuổi (Vắc xin sởi).

- Mũi 1: Tiêm khi trẻ đủ 9 tháng tuổi (Vắc xin sởi.

- Mũi 2: Tiêm khi trẻ đủ 18 tháng tuổi (Vắc xin sởi - rubella).

Nếu trẻ chưa được tiêm phòng hoặc trễ lịch tiêm theo hẹn, cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng đầy đủ cho trẻ.

Ngoài tiêm vắc xin phòng sởi, phụ huynh cũng lưu ý thực hiện các biện pháp sau để phòng bệnh sởi.

- Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên và vệ sinh nhà cửa sạch sẽ.

- Cung cấp chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng, duy trì chế độ vận động, luyện tập thể dục thể thao khoa học để nâng cao sức đề kháng.

- Hạn chế tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ sởi như sốt, phát ban và viêm long ho hấp (ho, chảy nước mũi,…).

- Khi có biểu hiện sốt phát ban dạng sởi thì cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X