Hotline 24/7
08983-08983

BV ĐHYD TPHCM đạt tiêu chuẩn JCI về phòng ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn và sai sót thuốc trong liệu pháp tĩnh mạch

Ngày 20/2/2025, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tổ chức Lễ đón nhận chứng nhận PRIME JCI - Chương trình phòng ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn và sai sót thuốc trong liệu pháp tĩnh mạch.

Thống kê tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, mỗi năm có hơn 1 triệu lượt tiêm truyền, trong đó trung bình mỗi điều dưỡng thực hiện từ 10 - 30 lượt tiêm truyền/ngày.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, các sự cố bất lợi, không an toàn trong bệnh viện là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật trên thế giới. Trong nhiều yếu tố gây ra tổn hại cho người bệnh nhưng có thể được ngăn ngừa được thì sai sót thuốc và nhiễm khuẩn được ghi nhận nhiều nhất.

Do đó, việc thực hiện Chương trình phòng ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn và sai sót thuốc trong liệu pháp tĩnh mạch (gọi tắt là Chương trình PRIME) theo tiêu chuẩn của Ủy ban quốc tế về an toàn người bệnh (Tổ chức JCI) là chứng nhận quốc tế cho sự chăm sóc người bệnh an toàn và chuyên nghiệp.

Chương trình này ra đời với mục tiêu cập nhật và đào tạo các kỹ năng thực hành chuẩn mực và quan trọng, liên quan đến thực hành chuẩn bị thuốc, thực hiện thuốc và duy trì đường truyền tĩnh mạch, dựa trên những tiêu chuẩn thực hành tốt nhất của quốc tế, và đã được thực hiện trên 50 bệnh viện ở nhiều quốc gia.

Tháng 3/2024, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã tổ chức Lễ ra mắt Chương trình phòng ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn và sai sót thuốc trong liệu pháp tĩnh mạch tại Bệnh viện, đánh dấu cột mốc bắt đầu hành trình chuẩn hóa thực hành tiêm truyền theo tiêu chuẩn quốc tế.

Sau 10 tháng nỗ lực, đào tạo gần 1.000 điều dưỡng, dược sĩ và nhân viên kiểm soát nhiễm khuẩn, đến ngày 23/01/2025, Bệnh viện đã xuất sắc hoàn thành chương trình với những kết quả ấn tượng:

- Là Bệnh viện đại học đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á triển khai thành công chương trình PRIME - JCI.

- Là Bệnh viện tiên phong, chuẩn mực trong triển khai PRIME - JCI với quy mô lớn nhất toàn quốc.

- Là Bệnh viện đạt chứng nhận PRIME - JCI với thời gian chuẩn bị và thực hiện ngắn nhất trong tất cả các bệnh viện đăng ký thực hiện chương trình.

Đặc biệt, các quy trình của Bệnh viện cũng gần như đạt tuyệt đối yêu cầu từ Tổ chức JCI như:

- 100% đơn thuốc được kiểm tra sự phù hợp trước cấp phát bởi dược sĩ.

- 100% các quy trình điều dưỡng về tiêm truyền và chăm sóc đường truyền tĩnh mạch được cập nhật và chuẩn hóa theo tiêu chuẩn JCI.

Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM nhận chứng nhận PRIME JCI

Tại các khoa lâm sàng, sau khi được kiểm tra sự phù hợp trước cấp phát bởi dược sĩ lâm sàng và dược sĩ cấp phát thuốc, mỗi đơn thuốc bắt buộc phải được kiểm tra cẩn thận ít nhất 2 lần bởi điều dưỡng trước khi thực hiện cho người bệnh. Để đảm bảo môi trường thực hiện thuốc, các phòng bệnh đã được thiết kế tối ưu với đủ ánh sáng và yên tĩnh.

Các xe thực hiện thuốc được thiết kế đúng chiều cao, đảm bảo yêu cầu sạch sẽ, vệ sinh khử khuẩn định kỳ và được trang bị sẵn bảng tra cứu tương hợp, tương kỵ, giúp điều dưỡng tra cứu thông tin nhanh chóng và dễ dàng trước khi thực hiện thuốc.

Việc đồng bộ từ chỉ định của bác sĩ đến thực hiện thuốc thông qua nhãn dán thuốc được in tự động từ hệ thống, giúp tiết kiệm thời gian và đảm bảo chính xác.

Trước khi thực hiện Chương trình, kiến thức của điều dưỡng liên quan đến kỹ thuật tiêm Z-track chỉ đạt 29,7%. Sau các buổi huấn luyện, tỷ lệ này tăng đáng kể lên đến trên 90% và duy trì ổn định qua nhiều tháng, thể hiện sự nghiêm túc trong cập nhật kiến thức và thực hành của điều dưỡng bệnh viện, chú trọng đến an toàn và giảm cảm giác khó chịu cho người bệnh khi tiêm các loại thuốc gây kích ứng da.

Một điểm đặc biệt khác mà Chương trình mang lại là việc mở rộng kiến thức về nhiễm khuẩn huyết liên quan đến đường truyền trung tâm (CLABSI) đến tất cả nhân viên Điều dưỡng tại Bệnh viện thay vì chỉ tập trung vào khối Hồi sức - Cấp cứu như trước đây.

Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, kết quả giám sát tuân thủ vệ sinh tay qua hệ thống camera kết hợp phản hồi thông tin cho thấy tỷ lệ tuân thủ của nhân viên y tế đạt từ 89,7 - 100%, với tỷ suất CLABSI trên 1.000 ngày sử dụng thiết bị giảm từ 4,5‰ xuống mức 0,0‰.

PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc - Giám đốc Bệnh viện khẳng định: “Chương trình PRIME theo tiêu chuẩn JCI đã được triển khai thành công tại sau 4 tháng chuẩn bị và 6 tháng triển khai chính thức là minh chứng cho nỗ lực nâng cao kỹ năng và chuyên môn của đội ngũ y tế trong bệnh viện. Chúng tôi tự hào và quyết tâm duy trì, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe theo tiêu chuẩn quốc tế, tiếp tục mang đến dịch vụ y tế tốt nhất cho cộng đồng”.

Hành trình triển khai chương trình “PRIME - JCI” đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn y tế theo chuẩn quốc tế tại Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X