Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên: Xử trí lỗ xỏ khuyên bị nhiễm trùng như thế nào?

Phẫu thuật vẹo cột sống, cách điều trị alpha Thalassemia, nổi nhọt khi uống bia, xử trí khi lỗ xỏ khuyên bị nhiễm trùng... tất cả những vấn đề này được BS Tố Uyên giải đáp trong bài giao lưu dưới đây. Kính mời quý bạn đọc đón xem.

Khánh H. - khanhhuy...@gmail.com

Bác sĩ ơi cháu bị vẹo cột sống từ năm 12 tuổi, đến nay cháu đã 20 tuổi, mức độ cong vẹo cũng nhiều hơn so với lúc mới phát hiện. Liệu còn phẫu thật được không ạ?

Chào em,

Vẹo cột sống có nhiều mức độ, nếu nhẹ có thể tập vật lý trị liệu hoặc dùng dụng cụ hỗ trợ chỉnh hình, nặng hơn phải phẫu thuật. Nếu không có thể ảnh hưởng tới sự phát triển xương, hoạt động của hệ hô hấp, tim mạch, khả năng sinh nở…

Do đó em cần phải tới bệnh viện chuyên khoa Chỉnh hình Cột sống để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, khảo sát thêm bằng các phương pháp hình ảnh học để đánh giá mức độ nặng và xem xét chỉ định điều trị phù hợp em nhé!

Thân mến.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên đang công tác tại Bệnh viện Thống Nhất và tham gia giảng dạy tại Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Luan Ho - holuan...@gmail.com

Nội soi thanh quản sinh thiết kết luận bị loạn sản nặng dây thanh trái, bác sĩ kêu sinh thiết lại. Xin hỏi bác sĩ bệnh này có sao không?

Chào bạn,

Loạn sản nghĩa là các tế bào biến đổi khác đi so với tế bào bình thường bao gồm kích thước, hình dạng, sự sắp xếp mô học. Tổn thương loạn sản nặng được xem là tổn thương tiền ung thư, nếu không điều trị sẽ diễn tiến đến ung thư thanh quản theo thời gian.

Thường nguyên nhân có liên quan tới hút thuốc lá, việc cai thuốc có thể ngăn chặn phần nào diễn tiến của bệnh. Bác sĩ sẽ nội soi cắt đi phần mô nghi ngờ, sau đó xét nghiệm phần rìa khối u để đánh giá xem phẫu thuật đã cắt bỏ hoàn toàn được phần tế bào dị dạng hay chưa.

Nếu chẩn đoán chưa rõ ràng cần phải sinh thiết thêm để làm rõ chẩn đoán. Do đó, bạn nên tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa bạn nhé.

Phi Công - nhxuana...@gmail.com

Em là nam, nay 33 tuổi, theo chẩn đoán và kết quả xét nghiệm em bị alpha Thalassemia. Giờ em phải điều trị như thế nào?

Chào bạn,

Thalassemia còn gọi là bệnh thiếu máu tán huyết bẩm sinh, là bệnh lý huyết học di truyền khá phổ biến. Tuỳ theo số lượng gen bệnh mang trong người mà bạn có thể biểu hiện thành các nhóm bệnh nhẹ, trung bình, nặng.

Đối với bệnh nhân biểu hiện thiếu máu nặng, có thể tử vong ngay từ trong bào thai hoặc biểu hiện triệu chứng từ bé và ngày càng nặng hơn. Những biểu hiện thường gặp bao gồm xanh xao, da và củng mạc mắt vàng, chậm phát triển thể chất, biến dạng xương sọ, xương trán, về lâu dài có thể ứ sắt gây đái tháo đường, xơ gan, suy tim… Những trường hợp này cần được điều trị suốt đời bằng phương pháp truyền máu và thải sắt. Nếu không sẽ có nguy cơ tử vong cao.

Trẻ mắc bệnh mức độ trung bình thiếu máu xuất hiện muộn và nhẹ hơn, nhưng nếu không điều trị đầy đủ và kịp thời, người bệnh cũng sẽ bị các biến chứng như lách to, gan to, sỏi mật, sạm da. Những trường hợp nhẹ hơn, tức người mang gen bệnh thường không có biểu hiện gì đặc biệt về mặt lâm sàng.

Chỉ vào những thời kỳ khi cơ thể có nhu cầu tăng về máu như phụ nữ khi mang thai, kinh nguyệt nhiều..., lúc đó mới thấy biểu hiện mệt mỏi, da xanh, nếu làm xét nghiệm sẽ thấy lượng huyết sắc tố giảm. Những người này thường không cần điều trị gì nhưng cần lưu ý khi lập gia đình và sinh con để tránh di truyền cho đời sau.

Như vậy, bạn nên khám chuyên khoa Huyết Học để đánh giá mức độ nặng và áp dụng phác đồ điều trị thích hợp.

Thân mến.

Quang Vinh - quangvinh...@yahoo.com

Em đôi khi buồn tiểu, nhịn một lúc thì mất cảm giác buồn tiểu thì có bình thường không ạ? Ban đêm từ khoảng 6h - 9h hay có triệu chứng buồn tiểu, tiểu dưới 100ml thì bình thường ạ. Nếu cố nhịn để tiểu được nhiều hơn có tốt không ạ? Em ngủ không có tiểu đêm. Bệnh viện đa khoa tỉnh có xét nghiệm liên quan đến thận được không  ạ? Em cảm ơn ạ.

Chào bạn,

Những dấu hiệu bạn mô tả chưa có gì gợi ý bệnh lý thận hoặc hệ niệu. Tuy nhiên, bệnh thận giai đoạn đầu ít có biểu hiện lâm sàng, nên nếu lo lắng nghi ngờ, bạn nên khám bệnh viện để tầm soát bạn đầu về nước tiểu, chức năgn thận và siêu âm bụng.

Bệnh viện đa khoa tỉnh thường sẽ có đầy đủ cơ sở vật chất để thực hiện những xét nghiệm ban đầu nêu trên, bạn có thể tới trực tiếp để được bác sĩ tư vấn bạn nhé!                       

Thân mến.

Đức Tài - Truong...@gmail.com

Khi siêu âm gan báo kết quả là cấu trúc echo bờ đều đồng dạng, dịch dưới gan (-). Vậy echo đây nghĩa là gì vậy bác sĩ? Kết quả tốt hay xấu ạ? Xin cảm ơn.

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

Âm thanh là sự lan truyền năng lượng trong vật chất dạng sóng hình sin bao gồm 2 hiện tượng nén và giãn lặp đi lặp lại. Siêu âm sử dụng nguyên lý truyền âm và phản xạ để thu nhận thông tin về vật thể.

Đầu dò khi được kích thích bởi xung điện với chiều dài và cường độ thay đổi sẽ phát sóng siêu âm (đầu dò khác nhau sẽ phát sóng với tần số khác nhau) truyền theo hướng của đầu dò vào môi trường với vận tốc xác định. Sóng âm sẽ gặp các mặt phân cách trên đường đi và tạo ra các phản xạ và tán xạ âm quay về đầu dò, đầu dò sẽ thu nhận các tín hiệu phản xạ này.

Các tín hiệu này được gọi chung là echo, các tổn thương bất thường sẽ có echo tăng hoặc giảm, trường hợp này không thấy nói tới, có thể echo bình thường (tức là nhu mô gan bình thường). Kết quả này phải được bác sĩ siêu âm cho kết luận cũng như đối chiếu triệu chứng lâm sàng mới đưa ra được chẩn đoán và tiên lượng tốt xấu bạn nhé!

Thân mến.

Hoàng Trinh - Hoananh...@gmail.com

Hôm trước em đi khám tuyến giáp, bác sĩ kết luận em bị TIRADS 3. Thuỳ phải kích thước to hơn bình thường d=16x16x36mm, có khối âm giảm bờ đều, không vó vi vôi hoá, không tăng sinh mạch trong khối d=12,7x23,2mm. Thuỳ trái d=15x13x30mm, nhu mô đồng nhất, không có khối khu trú. Vậy bác sĩ cho em hỏi như thế có nguy hiểm không ạ?

Chào bạn,

Bướu giáp TIRADS 3 có nguy cơ ung thư thấp, vào khoảng 2%, thường sẽ theo dõi nếu kích thước nhỏ và xem xét chọc hút kim nhỏ nếu kích thước > 25mm (theo tiêu chuẩn của Hiệp hội điện quang Mỹ).

Trường hợp này nếu do một bác sĩ siêu âm có kinh nghiệm kết luận, bạn có thể lựa chọn theo dõi siêu âm kiểm tra sau 3-6 tháng bạn nhé!

Thân mến.

Hoang Nam - nam...@gmail.com

Bác sĩ ơi, cách đây 5 ngày em có đi khám sức khỏe ở trường, có kiểm tra máu. Sau khi lấy máu xong về nhà em có cảm giác mệt mỏi, người nóng lên (nóng hơn so với trước khi lấy máu), nhưng chỉ tầm 37.5 độ. Sau 3 ngày em hết nóng nhưng lại có triệu chứng đau tai. Vậy có bị sao không bác sĩ? Em đang rất lo mình bị dùng chung bơm kim tiêm khi lấy máu.

Chào em,

Kim tiêm hiện nay có giá thành rất rẻ nên hầu như tại các cơ sở y tế uy tín không có chuyện dùng chung bơm tiêm.

Các bệnh lý lây truyền qua đường máu cũng ít khi có biểu hiện sốt ngay lập tức như vậy. Có thể em bị nhiễm trùng tai hoặc nhiễm trùng hô hấp trên, dẫn tới các triệu chứng sốt và đau tai.

Nếu vẫn còn khó chịu, em nên khám chuyên khoa Tai Mũi Họng để được điều trị sớm em nhé!

Thân mến.

ZL Vũ Ngọc Yến

Tôi năm nay 28 tuổi, bị tăng tiểu cầu tiên phát, tiểu cầu bình thường 1.400.000. Tôi muốn bán tiểu cầu được không?

Chào bạn,

Tăng tiểu cầu nguyên phát là bệnh lý tuỷ xương tạo ra quá nhiều tiểu cầu, tuy nhiên các tiểu cầu này lại có chất lượng bất thường nên dễ chảy ra các biến chứng về chảy máu hoặc huyết khối. Do vậy, tiểu cầu của bạn có thể không được chấp nhận khi hiến máu.

Với mức tiểu cầu trên 1 triệu, bạn cần phải được điều trị ngay để phòng ngừa biến chứng nguy hiểm bạn nhé!

Thân mến.

Thuy Tien - Thuytien...@gmail.com

Mỗi lần uống 1 hoặc 2 cốc bia là hôm sau sẽ bị nổi nhọt ở chân, có lúc 2-3 cái. Chỉ cần uống 1 ít bia là sẽ bị. Có cách nào khắc phục không ạ?

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

Cồn và và acetaldehyde (là sản phẩm chuyển hóa của cồn trong cơ thể) đều có thể trực tiếp phá vỡ các tế bào mast, gây giải phóng histamin và nhiều hoạt chất trung gian gây dị ứng.

Ngoài ra, các chất này còn có thể ức chế quá trình chuyển hóa và đào thải histamin được hấp thu từ thức ăn, do đó làm tăng nồng độ của hoạt chất này ở các tổ chức. Tăng nồng độ histamin chính là yếu tố quan trọng góp phần gây ra hội chứng nóng bừng làm bùng phát triệu chứng của hen phế quản và nhiều bệnh dị ứng khác sau khi uống bia rượu.

Như vậy, các tốt nhất để ngăn ngừa là hạn chế uống bia rượu. Nếu công việc bắt buộc phải uống một ít, bạn nên hạn chế dưới 2 lon bia và hãy uống thật nhiều nước trước khi uống bia, cùng các loại nước ép hoa quả, rau xanh có tác dụng giải rượu bia, ăn nhiều thực phẩm giàu kali và muối, đặc biệt là những món canh giải rượu, nước chanh tươi cũng sẽ giúp bạn ngăn chặn các triệu chứng dị ứng bia rượu tiếp tục xảy ra.

Thân mến.

Phạm Cường - Dichnhan...@gmail.com

Bác sĩ ơi em bị sắt đè vào móng tay giữa, bây giờ bị sưng lên chuyển thành màu tím hết cả móng tay, rất nhức. Giờ nên làm thế nào ạ? Có cần đi lấy máu bầm ra không ạ? Cảm ơn bác sĩ.

Chào bạn,

Những trường hợp bầm máu dưới móng nhẹ, lượng ít, không tiến triển thêm, cơ thể có khả năng tự điều chỉnh, bạn không nên can thiệp gì thêm. Sau một thời gian, móng mới mọc ra, tổn thương sẽ biến mất dần.

Trong trường hợp tụ máu nhiều gây chèn ép, sau 3-4 ngày vẫn còn đau và khó chịu nhiều thì có thể tới cơ sở y tế để lấy bớt máu tụ giải áp bạn nhé!

Linh - khanhlinh...@gmail.com

Em xỏ khuyên cách đây 2 tháng, lỗ xỏ lâu lành mặc dù sau khi xỏ em có vệ sinh bằng nước muối hằng ngày và kiêng ăn cẩn thận. Sau một thời gian lỗ xỏ của em bị sưng chảy dịch, em nghĩ mình bị dị ứng với khuyên xỏ nên tháo ra, bôi thuốc mỡ tra mắt thì tai hết ngứa và không sưng đau nữa.

Sau 2 ngày em thay tăm vào để giữ lỗ thì lúc thay bị chảy máu và đau, thay tăm vào em vệ sinh bằng nước muối nhưng lỗ xỏ của em vẫn ngứa và tiếp tục sưng, có chảy dịch. Hôm nay em tháo tăm ra và thấy sưng cục như mụn nước và bị đau. Em có 6 lỗ xỏ nhưng chỉ có 1 lỗ xỏ bị như vậy, các lỗ xỏ khác nhẹ hơn.

Hiện tại em không thay tăm vào và bôi Povidone Iodine để xem lỗ xỏ có đỡ hơn không? Liệu có phải tai em bị nhiễm trùng nặng không ạ, em có cần ra cơ sở y tế để khám không ạ? Em cảm ơn.

Chào em,

Theo như mô tả thì lỗ xỏ khuyên của em có thể đã bị nhiễm trùng, việc sử dụng povidine không đúng cách có thể làm cho các vết thương hở chậm lành hơn.

Do đó, em nên tới trực tiếp phòng khám hoặc bệnh viện để bác sĩ xem vết thương và kê thuốc kháng sinh, cũng như hướng dẫn cách chăm sóc thích hợp em nhé!

Thân mến.

Nhật Duy - trannhat...@gmail.com

Bác sĩ cho em hỏi về bệnh đau thần kinh liên sườn bên phải ạ. Trong thời gian khoảng 1 tháng, em có biểu hiện bị đau bên phải. Lúc đầu mẹ em bảo đau thần kinh liên sườn bên phải, em có mua thuốc uống và cũng êm êm được một thời gian thì bị lại ạ.

Như hôm nay, trong lúc em đang lái xe công ty hay ở nhà, lâu lâu bị đau một cái mà em phải cắn răng vì đau chịu không nổi, cứ như vậy nó kéo dài 2-3 phút là hết. Cho em hỏi tình trạng như vậy thuộc bệnh gì ạ, có nguy hiểm không ạ? Nếu không đi khám và điều trị thì sẽ dẫn đến hậu quả gì? Bác sĩ tư vấn giúp em ạ.

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

Đau thần kinh liên sườn thường không nguy hiểm, nhưng cần chẩn đoán phân biệt với các nguyên nhân đau ngực khác như do tim, do phổi.

Nếu được, bạn nên sắp xếp tới khám bác sĩ Hô Hấp để đánh giá thêm, nếu không có gì nguy hiểm có thể kê toa giảm bớt triệu chứng khó chịu cho bạn nhé!

Thân mến.

Minh Đoàn - minhdoan…@gmail.com

Xin chào bác sĩ, hiện tại tôi bị đau xương quai xanh vùng gần vai. Cứ mỗi lần tập bài xà kép là đau, không tập thì không đau. Xin hỏi bác sĩ là tôi bị nguyên nhân gì ạ? Xin cảm ơn bác sĩ.

Chào bạn,

Giai đoạn đầu tập luyện một động tác mới, các cơ bắp chưa quen với cường độ hoạt động nên có thể bị tổn thương gây đau.

Biện pháp khắc phục là nên ngưng tập khoảng 1-2 tuần, khởi đầu trở lại bằng các bài tập nhẹ nhàng, khởi động tốt. Tập xà là một động tác nặng, phải chịu lực nhiều, nếu tập không đúng cách có thể gây trật khớp vai. Nếu để tái diễn nhiều lần sẽ khó điều trị hơn.

Do đó, nếu triệu chứng nặng, ảnh hưởng đến các động tác vận động khác ngoài lúc kéo xà, bạn nên khám chuyên khoa cơ xương khớp để chẩn đoán và điều trị sớm.

Thân mến.

 

Hieu Ho - conghieu...@gmail.com

Chào bác sĩ, em là nam, 30 tuổi, bị đau lưng 10 năm nay. Em nghĩ mình bị lệch xương chậu bên trái, đứng hay ngồi làm việc là đau buốt xuống chân, ngồi gập người thì chân bên trái dài hơn. Bác sĩ cho em hỏi tình trạng bệnh của em có chữa khỏi không, chữa ở đâu. Em đi khám nhiều bệnh viện mà họ chỉ khám cho có thôi.

Chào bạn,

Nếu có di lệch khung chậu nặng dẫn tới chân thấp chân cao thì bạn khó có thể đi lại với tư thế bình thường được. Trường hợp bác sĩ cho rằng có liên quan tới thoát vị đĩa đệm hoặc trượt đốt sống, gây chèn ép rễ thần kinh và đau dọc theo khoanh da đường đi thần kinh.

Nếu được bạn vui lòng cung cấp các kết quả xét nghiệm và toa thuốc đã có, đặc điểm nghề nghiệp, thông tin cụ thể về hoàn cảnh khởi phát đau, thời gian kéo dài, hướng lan, yếu tố tăng giảm để bác sĩ tư vấn cụ thể hơn cho bạn nhé!

Thân mến.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X