Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn: Bảo vệ trẻ khi thời tiết thất thường do biến đổi khí hậu

Chiều 18/2, BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình “có hẹn” với bạn đọc Alobacsi trong chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề cực kỳ hot hiện nay, được rất nhiều phụ huynh quan tâm: “Bảo vệ trẻ khi thời tiết thất thường do biến đổi khí hậu”. Mời bạn đọc cùng theo dõi và gửi câu hỏi về cho chương trình.

Thời tiết ngày càng trở nên khắc nghiệt do biến đổi khí hậu toàn cầu. Lũ lụt, khô hạn, nắng nóng, bão tuyết, không khí bị ô nhiễm… không những ảnh hưởng có hại đáng kể lên hệ sinh thái tự nhiên mà còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của con người, đặc biệt là trẻ em.

Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 3 triệu người tử vong vì các căn bệnh “nhạy cảm” với khí hậu như tiêu chảy, sốt rét, suy dinh dưỡng. Ô nhiễm không khí cũng làm gia tăng các bệnh như hen suyễn…

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng quốc gia, những ngày gần đây, thời tiết thay đổi thất thường, miền Bắc bước vào đợt mưa giông, gió lớn, miền Nam nắng nóng, nhiệt độ cao lên đến đỉnh điểm, tại TPHCM nhiệt độ là 34 độ, có nơi lên đến 35 độ, các bệnh trẻ em liên tục bùng phát.

Đặc biệt, thời điểm cuối tháng 2 và tháng 3 là giai đoạn cao điểm của bệnh trẻ em liên quan đến thời tiết, khí hậu. Thời điểm này, không ít bệnh trẻ em để phòng ngừa khiến tâm lý phụ huynh hoang mang, lo lắng làm thế nào để bảo vệ sức khỏe cho trẻ cũng là điều dễ hiểu.

BS Trịnh Ngọc Bình - người đồng hành với bạn đọc AloBacsi có con nhỏ trong nhiều năm qua

Kính mời bạn đọc đón xem phần tư vấn của BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình chung quanh việc “Bảo vệ trẻ khi thời tiết thất thường do biến đổi khí hậu” như:

- Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như thế nào?

- Cha mẹ nên làm gì để bảo vệ đường hấp của con trong môi trường ngày càng ô nhiễm?

- Ánh nắng mùa hè ảnh hướng đến mắt của bé thế nào? Cách phòng tránh?

- Trẻ em dùng kem chống nắng của người lớn được không?

- Cách tăng cường hệ miễn dịch giúp trẻ hạn chế mắc các bệnh liên quan đến biến đổi khí hậu?

Thân mến!

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

Bạn đọc hỏi qua fanpage AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Biến đổi khí hậu khiến cho thời tiết ngày càng khắc nghiệt  hơn, mùa đông lạnh hơn, mùa hè thì nóng hơn, mưa bão lũ quét thất thường. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em như thế nào, thưa BS?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Chào bạn,

Biến đổi khí hậu khiến cho thời tiết ngày càng khắc nghiệt hơn, mùa đông lạnh hơn, mùa nóng nóng hơn, mưa bão lũ quét thất thường…  gây ảnh hưởng đến môi trường, làm ô nhiễm môi trường, đời sống của con người bị ảnh hưởng, nhất là trẻ em, đối tượng này dể mắc bệnh về đường hô hấp .

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, mỗi năm có đến 2 triệu trẻ em tử vong do nhiễm khuẩn hô hấp cấp và 60% trong số đó là do ô nhiễm không khí. Theo Hội Nhi khoa Việt Nam, 80% trẻ em đến khám bệnh là do trẻ mắc bệnh đường hô hấp.  Môi trường toàn cầu đang báo động ô nhiễm vì khí thải và nước sinh hoạt. Do trẻ nhỏ sức đề kháng yếu khi tiếp xúc với không khí nên hầu như mọi điều kiện bất lợi của môi trường đều xâm nhập vào cơ thể thông qua đường hô hấp như: khói bụi, lạnh, nóng, hơi độc, các vi rút, vi khuẩn, nấm mốc và các tác nhân gây bệnh khác...

Bệnh đường hô hấp hay gặp nhất lúc giao mùa là: viêm mũi họng, viêm mũi xuất tiết và viêm VA. Bệnh thường diễn biến khá nhanh, có thể trong vòng 1 – 2 ngày. Bệnh nhân từ bình thường chuyển thành suy hô hấp. Nếu không được chữa trị cẩn thận, bệnh có thể gây biến chứng viêm tai giữa nặng hơn dẫn đến viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi khiến việc điều trị kéo dài và khó khăn.



Nguyễn An - TPHCM

Chào bác sĩ,

Cha mẹ nên làm gì để bảo vệ hệ hô hấp của con trong môi trường ô nhiễm? Bí quyết giúp trẻ ít mắc bệnh đường hô hấp?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Bạn An thân mến,

Khi môi trường bị ô nhiễm làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ thì các bậc phụ huynh cần lưu tâm đến môi trường sống và hạn chế những ảnh hưởng của ô nhiễm không khí cho các con mình như sau:

- Sử dụng khẩu trang và kính mỗi khi ra đường là một trong những việc dễ thực hiện nhất giúp bảo vệ khuôn mặt và đôi mắt của trẻ. Nếu sống tại các đô thị lớn với lượng xe cộ lưu thông cao, dù đi bộ trên phố, các bậc phụ huynh cũng hãy cho con đeo khẩu trang, để phòng ngừa bệnh.

- Nếu phải đi lại trong môi trường ô nhiễm không khí nhất là các khu công nghiệp, phụ huynh nên tránh giờ cao điểm hoặc tránh đi đến những nơi hay xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài.

- Cho trẻ đi tắm hoặc rửa mặt, tay chân và thay quần áo sau khi từ ngoài đường trở về nhà (Sau khi bé nghỉ từ 10-15 phút).

- Tại nhà, các bậc phụ huynh nên lắp đặt đường ống thông gió, quạt thông gió, quạt hút mùi ở những khu vực hay tạo mùi trong nhà như bếp, phòng vệ sinh, để môi trường sống trong nhà được thông thoáng hơn.

* Để giúp trẻ giảm mắc bệnh đường hô hấp thì chúng ta cần:

 - Nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, để rác đúng nơi quy định, không xả rác bừa bãi, nên hạn chế sử dụng các hóa chất tẩy rửa .

- Trách cho trẻ đến nơi đông đúc, tránh khói bụi, khói thuốc, người đang nhiểm bệnh.

- Đưa trẻ đi tiêm ngừa đầy đủ.

Tránh nhiệt độ thay đổi đột ngột đối với trẻ (Nên lau khô mồ hôi cho trẻ, ngồi nghỉ ở nhiệt độ phòng bình thường khoảng vài phút rồi mới vào phòng máy lạnh) để cơ thể trẻ không bị tác hại bởi sự thay đổi nhiệt độ đột ngột khi ra vào phòng máy lạnh. Khi ra ngoài, nên mở rộng cửa, đứng lại, giữ  ấm đường thở cho trẻ là điều cần thiết khi thời tiết nóng lạnh thất thường. Bằng cách không để điều hòa nhiệt độ thấp so với môi trường bên ngoài cụ thể nhiệt độ trung bình khoảng 24-26 độ C là vừa phải, nếu có trẻ nhỏ thì khoảng 27 độ C là thích hợp. Nên làm vệ sinh máy lạnh thường xuyên, vệ sinh phòng để tránh các loại các loại nấm mốc, mầm bệnh thường dễ cư trú bên trong máy lạnh bẩn. Phòng kín thiếu ngăn nắp nên sắp xếp đồ đạc, vệ sinh sạch sẽ, ngăn nắp để trẻ dễ thích ứng.

Nên trồng thêm các loại cây xanh trong nhà để giảm lượng khí CO2.

Ngoài ra, chế độ ăn uống và luyện tập cho trẻ là rất cần thiết để tăng sức đề kháng và hệ miễn dịch bằng việc cho trẻ uống nhiều nước và các loại nước ép trái cây.

Cho trẻ ăn thức ăn thích hợp, lành mạnh để giữ cho hệ miễn dịch của trẻ khỏe mạnh.

Để bảo vệ trẻ khỏi bất kỳ tác hại nào của ô nhiễm không khí, cần cho trẻ ăn những thực phẩm giàu vitamin A và C. Ngoài ra, nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như quả nho, hành tây, cà rốt, rau bina, sữa và các loại hạt…

Giúp trẻ tập thể dục những bài tập thở. Hiệu quả của những bài tập này sẽ tăng dần lên nếu trẻ thực hành ở nơi sạch và xanh.


Minh Vy - vyngm...@gmail.com

Thưa bác sĩ Bình,

Nam Bộ đang vào mùa nắng, chỉ cần đi ra ngoài một buổi mà không che chắn là có thể làm đen da ngay. Cha mẹ nên làm gì để giúp bé bảo vệ làn da? Nhờ BS hướng dẫn cách xử lý nhanh khi da bị cháy nắng, và làm thế nào để da nhanh “nhả” nắng?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Chào bạn,

* Để bảo vệ da trẻ khi ra nắng:

- Nên thoa kem chống nắng cho bé trước khi ra ngoài nắng 30 phút, trời có nhiều mây mù vẫn phải thoa (chọn kem chống nắng dành cho bé)

-  Mang khẩu trang

- Mang kính mát

- Đội nó rộng vành hoặc che dù

- Mặc quần áo dài, dầy và sáng màu

- Tìm chổ bóng mát để ngồi nghỉ, nếu có hàng cây càng tốt

- Uống nhiều nước không để khát nước

* Khi da bị cháy nắng tư nên xử trí nhanh:

- Cho trẻ ngồi nghỉ 5 - 10 phút sau khi nắng về nhà rồi dùng khăn ẩm nhúng nước mát lau nhẹ các vùng da bị cháy nắng để giúp da mát hơn và cân bằng lại nhiệt độ, hoặc cho bé ngâm mình vào bồn nước mát nếu bị cháy nắng khắp cơ thể. Sau đó bôi kem dưỡng ẩm cho bé.

- Nếu cháy nắng nhiều da bé sẽ phồng rộp, bé sẽ bị đau, nên lấy khăn mềm nhúng nước mát lau sạch nhẹ nhàng để tránh bụi bẩn rồi đưa bé đến cơ sở y tế để BS khám và xử trí tiếp theo.

* Xử trí da nhanh nhả nắng:

- Cho bé uống nhiều nước lọc hay nước ép trái cây để bù lại lượng nước đã mất và giúp da phục hồi nhanh chóng từ bên trong.

- Hạn chế cho bé ra ngoài khi trời nắng.

- Bôi kem dưỡng ẩm cho bé đều đặn để da phục hồi nhanh hơn.



Mai Thùy Linh - Q.2, TPHCM

BS ơi cho em hỏi,

Ánh nắng mùa khô chói chang ảnh hưởng thế nào đến mắt của bé? Làm thế nào để chọn cho bé 1 chiếc kính râm phù hợp, an toàn?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

- Ánh nắng chói chang của mùa khô nếu bé tiếp xúc lâu sẽ gây các bệnh về mắt như: viêm giác mạc, võng mạc, tuyến lệ, bệnh thủy tinh thể, suy thoái hoàng điểm và các bệnh lý khác về mắt…

Do các tác hại của ánh nắng mùa khô chói chang lên mắt bé, vì vậy khi ra ngoài nắng, nên đeo kính râm có chống tia cực tím cho bé. Bảo vệ mắt không phải chỉ giới hạn ở những nơi có nắng nhiều mà phải đeo kính râm cho bé khi đi ra ngoài trời, lưu ý không quá 4 giờ đồng hồ.

- Vào những ngày nắng oi ả, tránh ra ngoài vào những giờ nắng nóng cao điểm, nhất là từ 12-3 giờ chiều vì đây là thời điểm tia cực tím hoạt động mạnh nhất. Không cho bé nhìn lên trời bằng mắt trần ngay khi có nhật thực hay khi trời có mây mù vì mây không ngăn được tia cực tím.

- Cung cấp dinh dưỡng cho mắt theo một chế độ ăn uống hợp lý, khoa học như ăn nhiều rau quả để có thêm nhiều vitamin A, C, E và các chất chống phân tử tự do như kẽm, selenium…

* Kính râm phù hợp và an toàn cho bé:

- Màu sắc: Kính màu xám, xanh lá cây, nâu là phù hợp với mắt trẻ nhỏ, không nên chọn kính có sắc độ màu quá đậm.

- Về hình dáng, kích thước: kính có hình dáng phù hợp với khuôn mặt bé, phần khung mắt kính không được quá nhỏ để đảm bảo che phủ được toàn bộ phần mắt của bé. Phần gọng kính không nên quá rộng hoặc quá nặng vì dễ bị rơi khi sử dụng hoặc gây cảm giác khó chịu cho bé. Tốt nhất nên sử dụng gọng kính có dây buộc để hạn chế khả năng kính rơi xuống đất.

Về chất liệu: Tròng kính có chất liệu nhựa tốt, không có vết trầy xước, bọt khí, biến dạng, vừa nhẹ vừa an toàn cho bé.

- Nên chọn thương hiệu kính mát có uy tín, trên thân kính có biểu tượng thể hiện chức năng kính như "chống tia cực tím" hoặc "UV400".

* Nếu các bé có bệnh về mắt thì nên nhờ BS tư vấn trước khi mua kính râm.


FB Bảo N.

Chào bác sĩ,

Một số phụ huynh chuẩn bị nước đóng chai từ nhà cho con mang theo. Nhờ BS hướng dẫn cách chọn bình nước an toàn cho bé? Có phải thủy tinh là chất liệu an toàn nhất? Tuy nhiên, thủy tinh lại dễ vỡ, vậy bình nước bằng chất liệu gì là thích hợp nhất với trẻ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Chào bạn,

Bình an toàn cho trẻ là bình bằng thủy tinh và pha lê. Tuy nhiên, thủy tinh và pha lê thường dể vỡ.

Hiện nay trên thị trường có loại bình nhựa PC và Tritan, có thể sử dụng cho trẻ.



Thanh Tú - tulep...@gmail.com

Bệnh tả thích hợp với thời tiết ấm áp, nước ấm hơn khiến bệnh tả càng có điều kiện phát triển. Có cách nào giúp trẻ phòng ngừa bệnh này không ạ? Phân biệt bệnh này với các bệnh tiêu hóa khác như thế nào, thưa BS?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Cách giúp trẻ phòng ngừa bệnh tả, nhất là trong thời tiết âm áp, bệnh dễ phát triển đó là:

Thứ nhất, luôn dùng nước sạch để uống và đun nấu, không uống nước trực tiếp mà phải đun sôi nước một lúc trước khi uống. Ngoài ra, nếu bạn sử dụng máy lọc nước, hãy lấy mẫu nước sau khi lọc. Nếu các xét nghiệm đều đạt chuẩn mới được uống.

Thứ hai, rửa sạch tay sau mỗi lần đi vệ sinh và trước khi nấu nướng và mỗi lần ăn. Nên rửa tay trong vòng ít nhất 1 phút với xà phòng và nước.

Thứ ba, dụng cụ ăn như đũa, thìa, đĩa, cần đảm bảo sạch sẽ.

Thứ tư, ăn thực phẩm nấu chín kỹ và tránh ăn thực phẩm sống. Thực phẩm nên được ăn trong vòng 2 giờ sau khi nấu. Vì càng để lâu, lượng vi khuẩn trong thực phẩm càng tăng và dễ bị nhiễm khuẩn. Không nên cho trẻ ăn uống các thức ăn bên ngoài, trái cây phải ngâm nước muối, gọt sạch vỏ trước khi ăn.

Thứ năm, giữ vệ sinh cá nhân. Cắt móng tay thường xuyên để đảm bảo vi khuẩn từ móng tay không dính vào thực phẩm khi chế biến thực phẩm khi ăn. Ngoài ra, không cho trẻ ngậm tay hay đồ chơi.

* Lưu ý: Bệnh tả thường nhầm với tiêu chảy cấp tính, cần phân biệt bệnh như sau:

Bệnh tả (Cholera) là một bệnh nhiễm trùng đường ruột do vi trùng Vibrio cholerae gây ra, độc tố của vi trùng này gây tiêu chảy nặng kèm theo mất nước, đi ngoài toàn nước ồ ạt.

Nguyên nhân gây ra bệnh tả thường là dùng nước nhiễm vi trùng gây bệnh. Vi trùng gây bệnh có nhiều nhất ở trong phân của người bệnh và trong nước thải có chứa phân. Ngoài ra, cá và các thực phẩm khác từ nước nhiễm vi trùng gây bệnh cũng có thể là nguồn gây bệnh do nấu ăn không kỹ hay ăn thức ăn sống, rau sống, trái cây, nước đá bị nhiểm khuẩn...

Trong khi đó, bệnh tiêu chảy cấp đi ngoài là khởi đầu cấp tính, phân lỏng hoặc tóe nước kéo dài không quá 7 ngày.

Hy vọng với những thông tin này, bạn sẽ phân biệt được bệnh tả và bệnh tiêu chảy cấp tính.


FB MyA. hỏi qua fanpage AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Làm sao để tăng cường hệ miễn dịch giúp bé hạn chế mắc các bệnh liên quan đến biến đổi khí hậu?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Chào bạn,

Để tăng cường hệ miễn dịch cho bé, giúp bé tránh mắc các bệnh liên quan đến biến đổi khí hậu hãy cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn, nhất là đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi. Vì sữa mẹ có rất nhiều lượng kháng thể cho sự hoàn thiện hệ thống miễn dịch ở trẻ, giúp trẻ giảm được nguy cơ nhiễm khuẩn hô hấp, viêm phổi, viêm tiểu phế quản và giảm cả nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, nâng cao sức đề kháng của trẻ.

Giữ ấm đường thở cho trẻ là điều cần thiết khi thời tiết nóng lạnh thất thường bằng cách không để điều hòa nhiệt độ thấp so với môi trường bên ngoài.

Không nên thay đổi nhiệt độ đột ngột đối với trẻ, nên lau khô mồ hôi cho trẻ, cho trẻ ngồi nghỉ ở nhiệt độ phòng bình thường khoảng vài phút rồi mới vào phòng máy lạnh  để cơ thể trẻ không bị tác hại bởi sự thay đổi nhiệt đột ngột khi ra vào phòng máy lạnh.

Khi ra ngoài, nên mở rộng cửa, đứng lại khoảng vài phút để trẻ dễ thích ứng. Ngoài ra, khi lắp đặt máy điều hòa nhiệt độ, cần chú ý sao cho luồng không khí lạnh không thổi trực tiếp vào trẻ. Nhiệt độ trung bình khoảng 24-260C là vừa phải, nhưng nếu có trẻ nhỏ thì khoảng 270C là thích hợp, nên  làm vệ sinh máy lạnh thường xuyên vệ sinh phòng để tránh các loại các loại nấm mốc, mầm bệnh thường dễ cư trú bên trong máy lạnh bẩn, phòng kín thiếu ngăn nắp, vệ sinh.

- Tiêm phòng là biện pháp thiết lập hệ miễn dịch chủ động cho trẻ, giúp cơ thể chống lại các bệnh nguy hiểm. Vì vậy, nên cho trẻ tiêm phòng đầy đủ.

- Vệ sinh đường hô hấp trên cho trẻ là điều cần thiết bởi hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu, chưa đủ khỏe mạnh để chống lại những tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn từ môi trường bên ngoài, tránh làm tổn thương niêm mạc mũi của trẻ khi vệ sinh, nên dùng nước muối sinh lý đẳng trương cho trẻ sơ sinh để không làm xây xước cho niêm mạc mũi của trẻ và tránh lây nhiễm chéo.

Đối với bé không còn bú mẹ thì chế biến món ăn phải mềm, lỏng và nhuyễn giúp bé ăn dễ hơn. Nấu các món trẻ dễ hấp thu như cháo, phở súp: cháo thịt lợn, thịt gà, súp thịt bò cà chua… Việc chế biến món ăn cần đa dạng đủ chất dinh dưỡng, với các nhóm thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa, rau củ, dầu mỡ. Chúng ta cố gắng cho bé ăn nhiều và đầy đủ dinh dưỡng. Cho trẻ uống nhiều nước, nước ép hoa quả tươi, uống các loại như nước cam chanh, bưởi, quýt cung cấp vitamin và khoáng chất.



Nguyễn Thị Diệu - dieukav...@gmail.com

Chào bác sĩ,

Mùa hè nóng hơn và dài hơn, có vẻ như trẻ cũng sốt nhiều hơn. Hiện tượng này gây ra bởi những bệnh gì và làm thế nào để phòng tránh?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Mùa hè bé thường sốt do bệnh tay - chân - miệng, sốt virus (sốt siêu vi), viêm não Nhật Bản B, sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp.

Cách phòng bệnh như sau:

- Tạo thói quen vệ sinh sạch sẽ cho bé như rửa tay trước khi ăn, rửa tay đúng cách, rửa tay sau khi đi vệ sinh và chơi đùa.

- Cho bé ăn uống hợp vệ sinh: Nấu nướng chế biến và bảo quản thức ăn, thức uống an toàn, sạch sẽ, hợp vệ sinh tránh bị nhiễm khuẩn ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe bé, bảo đảm dinh dưỡng đủ cho bé trong bữa ăn hằng ngày, cho bé uống nhiều nước.

- Môi trường sống thoáng mát, sạch sẽ, không để nước tù đọng, cây rậm rạp tạo điều kiện để muỗi dễ phát sinh, cho bé ngủ mùng, chỗ ngủ và đồ chơi của trẻ phải sạch sẽ và an toàn, quần áo mặc thoáng mát, thấm hút mồ hôi.

- Khi phát hiện bé có những biểu hiện bất thường thì nên đưa bé đến BV để gặp bác sĩ khám cho bé.


Nhi Phan - phanngn...@gmail.com

Em chào bác sĩ,

Xin hỏi trẻ em dùng kem chống nắng của người lớn được không ạ? Trẻ dùng kem chống nắng thế nào là hợp lý?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

* Không nên dùng kem chống nắng của người lớn cho trẻ nhỏ:

Kem chống nắng có tác dụng bảo vệ da khỏi tia cực tím, tránh da bị sạm đen và ung thư. Kem chống nắng người lớn và trẻ thường có thành phần tương tự nhau giúp bảo vệ da. Những thành phần này giúp chống lại tác hại của bức xạ trong tia cực tím, chống lão hóa và dưỡng ẩm. Tuy nhiên, không nên sử dụng kem chống nắng của người lớn cho trẻ con vì trẻ nhỏ da yếu, nhạy cảm nên dể bị kích ứng da. Kem chống nắng dành cho người lớn có thể được bổ sung thêm nhiều thành phần khác với kem chống nắng dành cho trẻ em.

* Dùng kem cho trẻ hợp lý:

- Trẻ từ 6 tháng tuổi trở xuống không nên dùng kem chống nắng.

- Nên chọn những thương hiệu kem chống nắng uy tín dành cho trẻ em, không nên mua những loại kem chống nắng không nguồn gốc rõ ràng sẽ gây hại cho da bé.

- Khi bôi kem chống nắng cho trẻ, cần thử trên da người lớn trước bởi da trẻ rất nhạy cảm dễ bị kích ứng và dị ứng. Tuyệt đối không để kem chống nắng dính vào mắt.

- Khi dùng kem chống nắng cho trẻ, trong thành phần kem chống nắng tuyệt đối không được chứa thành phần oxybenzone và retinyl palmitate. Bởi chúng rất hại cho làn da của trẻ.

- Dù có dùng kem chống nắng nhưng nên hạn chế cho da trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài.


Trần T Nam - TPHCM

Cha mẹ cần rèn luyện cho con những nếp sinh hoạt như thế nào để bản thân các bé cũng góp phần bảo vệ môi trường?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Việc rèn luyện trẻ ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh cần phải thực hiện thường xuyên thông qua những hoạt động cụ thể, sinh động, dần dần hình thành các thói quen tốt trong bảo vệ môi trường.

- Dạy trẻ ý thức giữ vệ sinh cá nhân: mặc quần áo sạch sẽ, gọn gàng hợp theo mùa, cắt móng tay chân sạch sẽ, không đi chân đất.

- Nơi ở sạch sẽ, bỏ rác vào thùng, khi  dẫn bé đi chơi ngoài trời, dạo chơi, tham quan, du lịch, phải nhắc nhở các bé không nên vứt rác bừa bãi, vỏ hoa quả, vỏ sữa, chai lọ, vỏ kẹo… nên bỏ đúng nơi có thùng rác, không viết vẽ lên tường, vệ sinh đúng nơi quy định, không khạc nhổ nơi công cộng. Đây là những việc làm nhằm góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho các bé thấy được trách nhiệm của mình, tạo cho bé có thói quen từ nhỏ cho đến khi trưởng thành.

Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X