Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình: Bé khóc không ra nước mắt có phải là tắc tuyến lệ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời các câu hỏi về trường hợp bé khóc không ra nước mắt, cách giảm cân cho trẻ thừa cân, làm sao để bé ít nôn ọe, nước tiểu khô có màu phấn trắng...

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình
Nội dung tư vấn của BS Ngọc Bình với bạn đọc AloBacsi:

- Nguyễn Thị Mỹ - nguyenthi....@gmail.com

Em chào BS,

Cháu em được 5 tháng thì mới phát hiện là bị não ủng thủy (do chị dâu về quê sinh không biết dù đi BV huyện). Lúc anh đón chị và cháu vào Bình Dương đi làm thì mới phát hiện.

Cháu em đã được phẫu thuật nội soi và về nhà. Em quan sát thấy đầu cháu to hơn lúc trước, bé khó chịu hay khóc. Vậy BS cho em hỏi trường hợp của cháu em là phẫu thuật thành công hay có biến chứng ạ? Em cảm ơn nhiều.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào em Mỹ,

Bé bị não úng thủy được mổ nội soi, mà vòng đầu của bé tăng lên là mổ chưa tốt. Tuy nhiên, để biết do nguyên nhân nào sau mổ mà đầu vẫn to thì em nên đưa bé đến tái khám và siêu âm lại, nếu cần phải dựa vào những xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh khác như CT Scan, MRI mới kết luận được.

Trường hợp này có thể là do phẫu thuật lần trước chưa đạt được hiệu quả mong muốn, em nên đưa bé đi khám để BS sẽ giải thích thêm cho em nhé.


- Lê Thị Huyền Trang - TP Hải Dương

Thưa BS,

Bé nhà em sinh được 4 tuần gần đây cháu hay bị ọe khan như kiểu có gì vướng ở họng vậy. Thi thoảng bị nôn nhưng không phải cứ ọe là nôn.

Hiện tại cháu đang bị khụt khịt mũi khoảng 10 ngày rồi. Cháu không bị sốt, không ho, ăn ngủ vẫn bình thường. Chỉ nằm là hay khụt khịt mũi khó thở nên bắt bế.

Vậy xin hỏi BS cháu bị ọe không biết có phải do viêm họng không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào Huyền Trang,

Nôn trớ ở bé có thể do dị ứng sữa, hẹp môn vị, viêm dạ dày, do tiêu chảy, sốt nhẹ… Cho nên:

- Không ép bé bú nhiều làm cho bé sợ khi bú.

- Cho bé bú nhiều lần trong ngày.

- Khi cho bé bú mẹ thì sau khi bú xong nên bế trẻ 10-15 phút rồi mới đặt trẻ nằm.

- Khi cho bé bú bình nên lưu ý sao cho sữa ngập núm vú bình để tránh nuốt không khí vào dạ dày.

Mũi bé khụt khịt có thể do dị ứng thời tiết hoặc do bé nôn vướng sữa vào mũi. Em nên đưa bé đến BV để BS chuyên khoa Nhi khám và điều trị cho bé em nhé.


- Trung Đức - doanmanh...@gmail.com

Con tôi 4 tuổi cháu trai. Cháu kêu đau chân, tôi cho con đi khám tại Nhi TW Hà Nội. BS đã thử máu và xét nghiệm, cho thuốc uống gồm canxi, magie, D6 nhưng cháu vẫn kêu đau bắp chân phải. Cháu đau vào ban đêm và buổi sáng. Cứ bóp mạnh. Cháu đã uống thuốc mà không đỡ, tôi phải làm sao ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào bạn Đức,

Bạn đừng quá lo lắng, có thể con bạn đau bắp chân là do 2 nguyên nhân:

- Do chèn ép thần kinh gây ra cảm giác đau nhức vùng bắp chân, cơn đau có thể có cảm giác như điện giật, buốt, hay nóng rát theo kiểu đau thần kinh. Nguyên nhân có thể là do chèn ép thần kinh từ cột sống hay có thể chèn ép trên đường đi thần kinh như hội chứng cơ hình lê chèn ép thần kinh tọa, vùng mông.

- Cũng có thể do tổn thương các thành phần của bắp chân bao gồm cơ, mạch máu là nguyên nhân gây đau nhức, mỏi nhất là về đêm do giãn tĩnh mạch chân hay cơ bắp chân.

Trong trường hợp của con bạn nên đưa đến BV gặp BS chuyên khoa nội cơ xương khớp, hoặc chấn thương chỉnh hình, hoặc nội thần kinh khám cho chính xác hơn.

Để làm giảm triệu chứng đau chân bạn có thể xoa bớp bắp chân (xoa không, không nên dùng dầu) cho con bạn tối trước khi ngủ khoảng 20 phút, cho bé tập thể dục thường xuyên, cho bé ăn uống đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng cần thiết trong /ngày.

Ngoài ra, bạn nên cho bé bổ sung thêm những loại thực phẩm giàu chất xơ, canxi, protein, vitamin E trong chế độ ăn uống hàng ngày. Các loại thực phẩm này giúp giảm đau mỏi cơ xương khớp.


- Trương Thị Hoàng Thơ - hoangtho...@gmail.com

Thưa BS,

Con tôi tên năm nay 11 tuổi. Cân nặng 35 kg, cao 1m46. Cháu đang thực hành chạy bộ và bơi lội hàng ngày. Liệu con tôi trong tương lai có thể cao trên 1m75 không? Xin cảm ơn ạ!

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào bạn,

Một năm trẻ sẽ cao từ 5-7cm. Do đó, tương lai con bạn sẽ cao trên 1m75. Đồng thời, bạn nên bổ sung cho bé thêm các chất dinh dưỡng giàu canxi như: cá chạch, tôm, cua, ốc, sò, mè, đậu phụ, đậu cô-ve, sữa, các chế phẩm từ sữa như phomai, yaourt,...

Ngoài ra, các loại rau cũng có chứa nhiều canxi giúp hấp thụ các thành phần khoáng chất và vitamin K. Khi ăn rau nên luộc hoặc nấu ăn cả nước sẽ làm tăng tỷ lệ hấp thụ canxi tốt hơn như: rau cải ngọt, rau dền…


- Đỗ Thị Thu Hoa - thuhoa...@gmail.com

Dạ chào BS,

Tôi tên là Đỗ Thị Thu Hoa, có bé trai 5 tuổi, nặng 18kg.

2 tháng nay cháu sổ mũi hoài mà không hết. Đi BS gần nhà khám uống vẫn không khỏi.

Đợt gần đây có cho bé đi Nhi Đồng 2 khám tai mũi họng luôn. Tại hồi nhỏ giờ tai bé không cho ai đụng vào nên lên khoa tai khám nhờ lấy ráy tai ra, vì ráy tai kín hai lỗ tai bé hết.

BS khám nói bé bị amidan phì đại, viêm tai và đau tai. Chỉ định cần cắt amidan. BS có cho uống thuốc 5 ngày.

Tại cháu còn nhỏ nên em sợ. Nên muốn hỏi các BS như trường hợp bé vậy có nên cắt không? Nếu cắt có biến chứng gì không? Chi phí cắt amidan khoản bao nhiêu tiền?

Như tai bé vậy giờ sao lấy ráy tai ra được ạ? Bé vẫn chơi và ăn bình thường, không có sốt. Miệng có mùi, tối ngủ ngáy to.

Mong nhận được thư phản hồi sớm từ các BS. Trân trọng cảm ơn. Kính chào!

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào bạn Hoa,

Theo mô tả của bạn thì con bạn bị viêm tai, viêm amidan, do amidan phì đại nên bé ngủ ngáy to. Khi bé điều trị hết viêm tai thì lấy ráy tai bình thường.

Chỉ nên cắt amidan khi bé bị viêm amidan cấp, amidan nhiễm trùng và có mủ, viêm amidan mãn tính, khó nuốt khi ăn, ngủ ngáy, khó thở và có khả năng ngừng thở khi ngủ vì amidan phì đại sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của bé.

Thật sự thì việc cắt amidan hoàn toàn không phụ thuộc vào tuổi mà phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh do amidan gây ra, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bé và cắt amidan không hề ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch của bé.

Hiện nay, tại các BV lớn, các trẻ từ 4 tuổi trở lên có thể cắt amidan và xuất viện trong cùng một ngày, nếu ở xa có thể nằm lại BV một đêm.

Cắt amidan là một phẫu thuật đơn giản, thời gian phẫu thuật ngắn, thường tối đa không quá 30 phút, nhưng cũng như các phẫu thuật khác, phẫu thuật cắt amidan cũng tiềm ẩn những tai biến như là tai biến do gây mê, tai biến do chảy máu sau mổ.

Để phòng ngừa những tai biến này quí phụ huynh cần phải báo cho BS biết rõ những tiền căn dị ứng hoặc những bệnh lý nội ngoại khoa mà bé đã hoặc đang có.

Đồng thời sau mổ cần thực hiện đúng kiêng cữ ăn các thức ăn cứng, nóng, chua, cay. Ăn các thức ăn: lỏng, nguội, mềm trong vòng 15 ngày đầu để tránh chảy máu sau mổ.

Ngày nay với các phương pháp mổ hiện đại như cắt amidan bằng dao điện, cắt amidan bằng laser hoặc cắt amidan bằng coblation, sau khi cắt amidan trẻ có thể nói chuyện được ngay. Tuy nhiên vẫn cần tránh những hoạt động thể lực như chạy chơi, bơi lội, đá bóng…

Chi phí cắt amidan thông thường là từ 4 - 4,5 triệu đồng (đã bao gồm chi phí xét nghiệm). Còn cắt amidan bằng Coblator chi phí khoảng 6,5 triệu đồng (đã bao gồm tiền dao coblator là 2 triệu đồng).


- Nguyễn Thái Bảo Trân - TPHCM

Cho em hỏi BS là bao lâu thì trẻ sơ sinh mới có nước mắt?

Bé của em 3 tháng, mí mắt bé nhà em có mấy đường gân đỏ, nhưng lại không có ghèn hay gì cả. Em nghe bảo bé tầm 3-4 tháng thì khóc sẽ có nước mắt. Bé nhà em dù khóc rất lâu, đến đỏ mắt đỏ mặt vẫn không có nước mắt chảy ra. Có phải là dấu hiệu của tắc tuyến lệ không? Cám ơn BS.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Bảo Trân thân mến,

Thường thì trẻ sơ sinh tuyến nước mắt chưa hoàn chỉnh, khi bé sinh ra từ 3-12 tuần mới có nước mắt tùy theo cơ địa của từng bé vì lúc này tuyến lệ mới hoàn chỉnh. Tuy nhiên, bạn có thể đưa con bạn đến BV để BS chuyên khoa mắt khám và tư vấn thêm.


- Bạn đọc A.T. - tn.hn...@gmail.com

Thưa BS, con 15 tuổi, là nữ. Hôm vừa rồi con đi khám sức khỏe thì có đo huyết áp là 120/70, cho con hỏi, huyết áp của con có phải là bình thường? Con xin cảm ơn ạ.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào con, huyết áp là 120/70 là bình thường nên con yên tâm nhé.


- Võ Hồng - Quảng Bình

Con tôi năm nay 7 tuổi, nặng 32kg, cao 130cm có bị thừa cân không? BS cho hỏi nên cho cháu ăn chế độ như thế nào là hợp lý?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào bạn Hồng,

Theo mô tả thì bé đã bị thừa cân rồi. Chế độ dinh dưỡng cho bé thừa cân như sau:

- Những đứa trẻ thường ăn thức ăn được nấu ở nhà sẽ có xu hướng tăng cân ít hơn so với những trẻ thường ăn bên ngoài. Các bữa ăn được nấu ở nhà giàu dinh dưỡng và bao gồm các loại rau hỗn hợp, gia vị với thịt cá. Không phải do ăn thực phẩm này mà trẻ em giảm cân nhanh chóng nhưng bằng cách này cha mẹ có thể tạo cho con thói quen ăn thức ăn lành mạnh.

- Ngày nay, không ít trẻ em thích thú với các trò chơi video, trò chơi máy tính và điện tử ở nhà lười vận động nên trẻ dễ bị tăng cân. Nếu trẻ ra ngoài và chơi đùa cùng những đứa trẻ khác chơi như đạp xe, nhảy dây, đá bóng… thì chắc chắn trẻ sẽ tiêu hóa tốt thức ăn và sẽ ăn ngon hơn trong bữa ăn tiếp theo. Mỗi ngày nên cho trẻ ra ngoài vận động.

Ngoài ra, nên cho trẻ ăn thêm hoa quả: chuối, táo, cà chua, cam,quít, bưởi,... các loại rau và các loại thực phẩm không béo, các loại thực phẩm “đốt cháy” chất béo để trẻ không bị tăng cân.


- Mỹ Huyền - myhuyen...@gmail.com

Chào BS,

Cháu năm nay 15 tuổi. Trong vài lần mang xách vật nặng, cháu cảm thấy nhói ở tim và khó thở ạ. BS giải thích giúp cháu ạ.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào Mỹ Huyền,

Theo mô tả cháu đau nhói tim do xách vật nặng nguyên nhân có thể là tim bị tổn thương, rối loạn thần kinh thực vật, thiếu máu cơ tim hay do căng thẳng vì lo lắng học tập. Muốn chẩn đoán chính xác cháu nên đến BV để BS chuyên khoa tim mạch khám, tư vấn và điều trị.


- Hà Võ - TPHCM

Chào BS,

Cháu tôi 2.5 tuổi, đi khám tại BV tỉnh Gia Lai được BS chẩn đoán là u nang giáp móng. Xin hỏi bệnh này có nguy hiểm không và nên điều trị như thế nào?

Tôi muốn đưa cháu vào phẫu thuật tại BV Nhi Đồng 1 TPHCM thì có được hưởng BHYT không? Và chi phí phẫu thuật khoảng bao nhiêu ạ? Cảm ơn BS

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào bạn,

U nang giác móng là biểu hiện của việc tồn tại ống giáp lưỡi do không bị teo đi sau khi sinh.

Có 2 phương pháp: Chọc hút u nang hay phẫu thuật cắt bỏ. Việc chọc hút thường thất bại do vỏ nang dày. Còn phẫu thuật lại dựa vào trình độ của BS và phẫu thuật viên. Tuy nhiên, các BV lớn thì các kỹ thuật mổ dọc hiện nay khá an toàn.

Trẻ còn nhỏ tuổi, hơn nữa tuyến giáp được cấu tạo bởi các mô mềm, gần sát với dây thần kinh thanh quản, tuyến cẩn giáp và ống thanh quản của trẻ nên quá trình phẫu thuật phải thật cẩn thận. Tránh các tổn thương ảnh hưởng đến các mô liên quan.

Bạn có thể đưa trẻ đến khám tại BV lớn như: Viện Tim TPHCM, BV Tim Tâm Đức, BV Nhi Đồng 1, BV Nhi Đồng 2,…

Nếu cơ sở bạn đăng ký khám chữa bệnh ban đầu cho bé cấp giấy chuyển viện lên BV Nhi Đồng 1 thì bé sẽ được tính BHYT đúng tuyến. Chi phí mổ u nang giáp móng trên 10 triệu đồng, bao gồm cả chi phí khám, mổ, các phí dịch vụ khác.


- Van Thi Thao - vanthi...@gmail.com

Chào BS,

Bé nhà em được 5 tháng tuổi, nhưng mà em ít sữa, bé chậm lớn, em muốn cho cháu ăn dặm. Em nên cho ăn chưa ạ, hay cho cháu uống sữa ngoài, đợi 6 tháng mới cho ăn hả BS? Tư vấn em với ạ.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào em,

Theo mô tả thì em nên đợi đến 6 tháng hãy cho bé ăn dặm vì lúc đó hệ tiêu hóa bé mới bắt đầu hoàn chỉnh.

Thời gian bắt đầu cần cho trẻ ăn dặm là khi trẻ tròn 6 tháng tuổi. Cho bé ăn đủ 4 nhóm trong ngày: tinh bột (gạo, nui, phở, bún…), đạm (thịt, cá, trứng, sữa,…), chất béo (dầu,mỡ,…), khoáng chất và vi lượng (rau củ,quả, trái cây các loại,…). Nấu cho bé ăn từ lỏng, dần dần sẽ nấu đặc lên.

Từ 6 tháng tuổi năng lượng từ sữa mẹ chỉ đủ cung cấp khoảng 450kcal/ngày, trong khi đó giai đoạn này trẻ cần khoảng gần 700kcal/ngày. Do vậy, thức ăn bổ sung là cần thiết để bù đắp khoảng cách thiếu hụt năng lượng này và lượng thức ăn trong các bữa ăn dặm cũng cần tăng lên khi trẻ lớn lên (tăng về số lượng và đậm độ đặc dần lên), nếu không đảm bảo đủ bữa ăn dặm trẻ sẽ còi cọc, phát triển chậm.

Trẻ bắt đầu ăn dặm vẫn cần được tiếp tục bú sữa mẹ hàng ngày ít nhất 3-4 lần và ăn từ 2 bữa bột cháo/ngày rồi tăng dần lên 3-4 bữa bột/ngày khi gần 1 tuổi. Lưu ý là ngay từ khi tròn 6 tháng tuổi, trẻ cần ăn dặm và phải được ăn dặm đúng cách, đó là bột/cháo nấu với đủ 4 nhóm thực phẩm.

3. Cách chọn thực phẩm bổ sung cho trẻ

Giàu năng lượng và giàu dinh dưỡng: đặc biệt là sắt, kẽm, canxi, vitamin A, C và folate (có nhiều trong thức ăn nguồn gốc động vật, hải sản, sữa…).

Sạch và an toàn: Không có tác nhân gây bệnh (không có vi khuẩn gây bệnh hoặc các sinh vật có hại khác); Không có các hóa chất có hại hoặc chất độc; Không có xương hoặc các miếng cứng có thể gây tổn thương cho trẻ.

Không quá nóng, cay, mặn, dễ ăn với trẻ, trẻ thích ăn.

Bên cạnh đó, lưu ý về vệ sinh thực phẩm vì tỷ lệ rối loạn tiêu hóa cao nhất ở lứa tuổi trẻ ăn dặm: cần chú ý rửa và giữ sạch dụng cụ làm bếp và bát đũa khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ, cho trẻ ăn cữ nào nấu cữ đó, thức ăn không được nấu lâu quá hay hâm đi hâm lại nhiều lần sẽ có mùi và mất dinh dưỡng, làm bé chán ăn.

Nên tránh dùng những bữa phụ có quá nhiều đường (làm hỏng răng) và có giá trị dinh dưỡng thấp (ví dụ: nước có gas, kẹo, kem, snack…), dễ gây các bệnh rối loạn chuyển hóa sau này.

Để đảm bảo cho trẻ ăn dặm đúng cách, ngon miệng và hấp thu tốt cần:

- Cho trẻ ăn các thức ăn mềm, đa dạng, dễ tiêu và chia thành các bữa nhỏ (với trẻ mới ăn dặm hoặc trẻ biếng ăn). Tránh ăn trong bữa chính của trẻ những thức ăn thô nguyên hạt khó tiêu thấp năng lượng như ngô, khoai môn, bột sắn…

- Ða dạng thực phẩm: thay đổi thường xuyên các loại thức ăn trong các bữa ăn hoặc các ngày, nên chọn những loại thức ăn trẻ thích để trẻ ăn đủ bữa.

- Ngoài ra, khi bắt đầu ăn dặm cần lưu ý cho trẻ được uống đủ nước đun sôi để nguội, nước hoa quả tươi và ăn thêm hoa quả để cung cấp đủ vitamin và chất xơ để trẻ dể tiêu hóa và tránh táo bón.


- Vinh Nguyễn - vinhma...@gmail.com (hỏi tiếp)

Câu trước: Di chuyển nhiều khi bó bột gây lệch xương khi đang lành?

Thưa BS,

Em đã tháo bột được một tuần, lúc tháo bột, BS chỉ định mang nẹp vải tập chống chân, em đi cũng được rồi nhưng còn khập khiễng, đi còn đau vùng bị thương. Khi bỏ nẹp vải ra đi vẫn được nhưng em không dám chống cả bàn chân. Còn khi động vào thì vẫn còn ê.

Vậy cho em hỏi khi nào em mới đi lại bình thường được ạ? Và có phương pháp gì để giúp đỡ đau hơn không ạ? Cảm ơn BS!

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào em Vinh,

Khi tháo bột thì em bắt đầu tập đi từ gần đến xa, khi nào em đi quen, vững rồi sẽ bỏ nẹp. Thời gian tập từ 3-6 tuần. Khi nào em tập đều đặn sẽ đi lại bình thường và hết đau, điều này tùy thuộc vào sự luyện tập của em.


- Lê Thủy - TPHCM

Chào BS,

Tôi nghe nói cho con ăn váng sữa thêm mỗi ngày, thực sự có tốt cho trẻ không? Bạn tôi cho bé ăn khi bé 3,5 tháng. Giờ bé gần 1 tuổi và nặng 11 kg.

Con tôi thì 9 tháng và chỉ có 8,7 kg thôi. Bé khỏe và cao hơn con bạn tôi. Bạn tôi bảo nên cho con tôi ăn thêm vì rất bổ dưỡng. Ngoài ra cô ấy còn bảo nấu cua và tôm cho cháu ăn trong thời gian mọc răng này. Con tôi đã có 4 cái răng rồi.

Vậy tôi có nên cho bé ăn dặm như các bài báo trên mạng viết? Vì tôi nghĩ tôi cho bé ăn bơ thường cộng với thịt gà, bò thì bé không thiếu dinh dưỡng.

Cám ơn BS nhiều.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Thủy thân mến,

Theo mô tả thì con bạn đã bị suy dinh dưỡng, bạn nên cho bé ăn theo chế độ sau:

Bé 9 tháng tuổi đã có thể ăn bột đặc với đủ 4 nhóm thức ăn: Tinh bột, đạm, chất béo, khoáng chất và vi lượng và ăn 3 bữabột hoặc cháo/ngày và 2 bữa phụ/ngày, uống thêm mỗi ngày 600ml sữa.

Nếu bé không chịu ăn bạn nên kiểm tra lại xem bé có bị bệnh gì hay không, nếu có bệnh phải điều trị, hết bệnh bé sẽ ăn lại.

Bạn đừng ép bé ăn làm cho bé sợ, cứ ăn ít từ từ tăng dần lên, thời điểm bé không ăn được bạn nên cho ăn những thức ăn khác như mì, nui,… nhất định vài ngày sau bé sẽ ăn lại.

Ngoài ra sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng rất cần thiết đối với trẻ, nếu bé thích uống sữa bạn vẫn có thể cho bé uống theo nhu cầu, vừa cung cấp đủ dinh dưỡng cho bé, vừa bổ sung thêm canxi giúp bé phát triển được chiều cao rất tốt.

- Mẹ cần làm:

- Tiếp tục cho trẻ bú mẹ, thời gian bú kéo dài 18 - 24 tháng.

- Trẻ phải được vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ.

- Trẻ nên được tắm nắng thường xuyên vào buổi sáng, phòng ở phải thoáng mát về mùa hè, đầy đủ ánh sáng, ấm áp về mùa đông.


- Lê Huyền - oanhh…@gmail.com

Con cháu được 31 tháng tuổi, cháu thường xuyên bị viêm đường hô hấp và mẩn ngứa vào ban đêm, BS cho cháu điều trị thuốc Cefixim100, kèm theo thuốc long đờm, giãn phế quản và thuốc chống dị ứng, cháu đỡ nhanh.

Mỗi đợt điều trị từ 6-10 ngày. Khám lại BS bảo khỏi rồi không phải dùng thốc nữa nhưng dừng thuốc 2, hoặc có đợt lâu nhất được 10 hôm là cháu lại bị tái lại, cứ thường xuyên như thế.

Ban đêm hôm nào cũng vậy cứ từ 1-3 giờ sáng (kể cả lúc không uống kháng sinh) cháu bị ngứa toàn thân, nổi từng mảng dày, lắm lúc không nhìn thấy nhưng sờ vào thấy ráp,

Cháu đã đi khám ở trung tâm da liễu, BS cho lấy bệnh phẩm để xét nghiệm nhưng âm tính, cho thuốc điều trị nhưng cháu không đỡ.

Gia đình lại đưa cháu lên BV Nhi Trung Ương. Sau khi nghe trình bày BS khám và bảo hiện tại cháu không có biểu hiện viêm đường hô hấp, BS cho làm xét nghiệm máu, siêu âm, chụp X-quang và bảo cháu không sao, chỉ kê đơn 2 loại thuốc bổ.

Và hiện tại bệnh cháu vẫn không đỡ. Xin hỏi BS cháu bị bệnh gì và cách điều trị, hay cháu phải đi khám ở BV nào ạ? Xin trân trọng cảm ơn BS!

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào em Huyền,

Theo mô tả của em thì em đã đến BV nhiều lần và BS không tìm ra nguyên nhân bệnh thì có thể con em bị dị ứng thời tiết, hoặc nhiễm giun.

Nếu em cho bé uống thuốc xổ giun đầy đủ mà tình trạng vẫn tiếp diễn thì nghĩ đến nguyên nhân bé bị kích ứng thời tiết. Với nguyên nhân này thì điều trị triệu chứng khi bệnh tái diễn.

Em nên cho bé ăn đầy đủ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng, bé sẽ hạn chế bệnh.


- Nguyễn Thị Hồng - Hà Nội

BS cho tôi hỏi,

Con trai tôi được 2 tuổi nặng 10kg, 6 tháng nay cháu không tăng cân và thường đi ngoài nhiều lần trong ngày (một ngày đi khoản 4-5 lần sau khi ăn) phân của cháu vẫn rắn và thành thỏi, thi thoảng có khi hơi sền sệt.

Cháu vẫn chơi đùa bình thường, răng của cháu đã mọc đủ, hiện giờ cháu không ăn cháo, chỉ ăn cơm hạt hoặc bánh đa nấu.

Xin hỏi BS hiện tượng cháu đi ngoài nhiều như vậy có mắc bệnh gì không? Có liên quan gì đến việc không tăng cân không?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Hồng thân mến,

Theo mô tả thì con của bạn bình thường không có bệnh gì bạn nhé.

Bạn muốn bé tăng cân thì nên chọn thực phẩm an toàn, vệ sinh, mỗi ngày nấu đủ 4 nhóm dinh dưỡng cho bé, thức ăn không được nấu quá lâu hay hâm đi hâm lại nhiều lần, nấu cữ nào cho ăn cữ đó, thời gian cho bé ăn không quá 30 phút.

4 nhóm thức ăn: Tinh bột, đạm, chất béo, khoáng chất và vi lượng và ăn 3 bữa bột hoặc cháo/ngày và 2 bữa phụ/ngày, uống thêm mỗi ngày 600ml sữa.

Nếu bé không chịu ăn bạn nên kiểm tra lại xem bé có bị bệnh gì hay không, nếu có bệnh phải điều trị, hết bệnh bé sẽ ăn lại.

Bạn đừng ép bé ăn làm cho bé sợ, cứ ăn ít từ từ tăng dần lên, thời điểm bé không ăn được bạn nên cho ăn những thức ăn khác như mì, nui, v.v… nhất định vài ngày sau bé sẽ ăn lại.

Ngoài ra sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng rất cần thiết đối với trẻ, nếu bé thích uống sữa bạn vẫn có thể cho bé uống theo nhu cầu bú mẹ hoặc sữa công thức vừa cung cấp đủ dinh dưỡng cho bé, vừa bổ sung thêm canxi giúp bé phát triển được chiều cao.


- Nguyễn Anh Tuấn - Hà Nội

Thưa BS,

Cháu nhà em được 3 tháng tuổi. Từ khi sinh mổ được 10 ngày thì em thấy cháu có hiện tượng hay ghê cổ buồn nôn và nôn vọt. Khi nôn cháu nôn ra cả mũi. Một ngày khoảng 4-5 lần. Có khi ho, hắt xì hoặc nấc lâu cháu cũng ọe và nôn.

Cháu không bị sốt, không bị đi ngoài, khoảng 3-4 ngày cháu mới đại tiện 1 lần. Tưa lưỡi thì nhà em vẫn đánh thường xuyên vào buổi sáng. Sau mỗi lần nôn cháu hay bị khò khè trong cổ họng.

Em có cho cháu đi khám, được BS chỉ định siêu âm thóp và ổ bụng thì đều bình thường nên BS bảo không vấn đề gì nên không kê đơn thuốc.

Xin hỏi BS cháu nhà em như vậy có vấn đề gì không? Cháu có bị thiếu chất gì không? Giờ gia đình em nên chăm sóc cháu thế nào là tốt nhất? Kính mong được BS tư vấn ạ!

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Tuấn thân mến,

Nôn là triệu chứng hay gặp ở trẻ nhỏ, là hiện tượng thức ăn trong dạ dày bị đẩy lên thực quản rồi trào ra miệng. Nôn có thể lành tính, tự khỏi khi trẻ lớn hơn.

Nôn trớ đơn thuần thường liên quan đến ăn uống. Hay gặp ở trẻ nhỏ bú quá no hoặc không dung nạp thức ăn. Trẻ vẫn chơi bình thường, không ảnh hưởng đến tình trạng cơ thể. Do vậy, chỉ cần điều chỉnh cách cho ăn là được.

Con bạn 3-4 ngày mới đi ngoài 1 lần là bé đã bị táo bón rồi, bạn nên cho bé uống nhiều nước. Nếu bé bú mẹ thì mẹ nên uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây, củ khoai lang, chuối, yaourt. Nếu tình trạng táo bón kéo dài, bạn nên đưa bé đến BV để BS chuyên khoa Nhi khám và điều trị cho bé.


- Nguyễn Văn Nam - Quảng Nam

Gửi BS,

Bé nhà em 30 tháng tuổi, mấy ngày nay nước tiểu của cháu có màu vàng, khi nước tiểu khô có màu phấn trắng. Mỗi ngày cháu đều uống nước cam, và hiện tại vẫn uống sữa Abbot Pediasure (sữa này có nhiều chất đạm), sữa chua và sữa Yakult bình thường.

Xin hỏi BS việc ăn uống này có ảnh hưởng gì không? Và cháu có cần phải kiêng những thứ này không? Mong BS tư vấn giùm em. Xin cảm ơn BS nhiều!

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Trong nước tiểu có rất nhiều thành phần, đó là các ion Na+, Cl-, Ca+2, NH4+, Mg+2, PO4-3, các chất hữu cơ như urê, creatinine, axit amin… Ngoài ra, trong nước tiểu còn có nhiều tạp chất.

Do đó, đối với bé, em đừng quá bận tâm vào nước tiểu khi để khô (có thể là do em cho bé ăn nhiều đạm uống sữa dành cho trẻ suy dinh dưỡng hoặc đang uống thuốc có chứa canxi).

Bé ăn uống sinh hoạt bình thường nên em đừng quá lo lắng và cũng không nên cho bé kiêng cữ thức ăn gì cả. Tốt nhất, em nên cho bé ăn uống đầy đủ, đa dạng, lượng vừa theo tuổi của bé, không quá nhiều.

Thân mến,


- Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:
› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn
› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh OnlineHỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn
› Hoặc facebook AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời
› Trò chuyện trực tiếp với bác sĩ, từ 17g -19g; hotline: 08983 08983

 
Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X