Hotline 24/7
08983-08983

BS Wynn Trần hướng dẫn 5 nhóm thuốc nên có sẵn trong nhà mùa dịch

Trong đại dịch COVID-19, việc hiểu và tự chăm sóc sức khỏe rất quan trọng. Những loại thuốc mua ngoài tiệm (không cần toa) dưới đây sẽ có thể giúp quý vị qua cơn nguy cấp.

Lưu ý là những thuốc này tuy mua không cần toa BS nhưng vẫn có thể có tác dụng phụ nguy hiểm khi uống quá liều hay uống liên tục lâu dài. Ngoài ra những loại thuốc này có thể tương tác với các loại thuốc bạn đang uống, ảnh hưởng đến hiệu quả và tăng tác dụng phụ nguy hiểm.

Cách tốt nhất là chỉ nên uống các loại thuốc này trong thời gian ngắn như 1-2 ngày và nếu tình trạng bệnh không giảm thì nên gặp bác sĩ ngay.

1. Thuốc nhức đầu hay hạ sốt

Acetaminophen (ở Việt Nam là Tylenol hay Paracetamol) là loại thuốc có thể chữa các triệu chứng nhẹ của COVID-19

Thuốc họ Acetaminophen (APAP) có thể dùng cho nhiều triệu chứng đau nhức, nóng sốt nhưng thường dùng nhất là dùng cho nhức đầu. Liều dùng là 2 viên 500mg một lần cho nhức đầu ở người lớn, tối đa 3 lần trong một ngày (6 viên/ ngày) hay tổng cộng là 3g.

Bệnh nhức đầu kèm theo các triệu chứng nguy hiểm như sốt, co giật, yếu cơ thể thì bệnh nhân nên gọi bác sĩ ngay.

Paracetamol có thể điều trị triệu chứng nhẹ COVID-19 (Hình minh họa)

Lưu ý bệnh nhân có bệnh về gan không nên uống quá 3 viên 500mg trong một ngày.

Thuốc Acetaminophen còn có liều cực mạnh là 650mg mỗi viên, có thể dùng cho đau xương khớp hoặc đau nhức. Bạn có thể uống 2 viên (1,300mg) ngày 2 lần. Nếu sau khi uống thuốc rồi mà vẫn còn triệu chứng nhức đầu hay đau nhức thì nên đến gặp bác sĩ.

Nhiều loại thuốc cảm khác như DayQuil, NyQuil, hay thuốc giảm đau á phiện như Percocet hay Vicodin có thành phần Acetaminophen trong đó nên quý vị uống thêm Acetaminophen phải cẩn thận vì liều tổng cộng có thể cao dẫn đến ngộ độc.

2. Thuốc giảm đau nhức và hạ sốt NSAID

Aspirin, Ibuprofen, hay Naproxen có thể chữa các triệu chứng nhẹ COVID-19.

Các thuốc giảm đau họ NSAID (Nonsteroidal Anti-inflammatory drugs) thường được dùng chữa đau nhức xương khớp vì ngoài tác dụng giảm đau, giảm sốt, thuốc này còn có tác dụng giảm viêm sưng.

Các chị em phụ nữ bị hành kinh cũng có thể dùng các loại thuốc này giảm đau và giảm co thắt. Tuy nhiên, các thuốc họ NSAID có thể có tác dụng phụ nguy hiểm như loét bao tử dẫn đến xuất huyết bao tử và tổn thương thận.

Liều dùng sẽ tùy theo loại thuốc như Ibuprofen là 200mg hay 400mg trong khi Naproxen là 500mg hay Aspirin là 81mg. Khi cần nên uống tối đa 2-3 viên/ngày và ngưng ngay nếu có những triệu chứng như đau bao tử hay buồn nôn.

Những bệnh nhân thận mạn tính hay loét bao tử nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc NSAID.

3. Thuốc dị ứng

Diphenhydramine (Benadryl), Loratadine (Claritin), Cetirizine (Zyrtec), hay Fexofenadine (Allegra) là những loại thuốc có thể mà không cần đơn thuốc.

Dị ứng da như nổi mề đay, ngứa, hay nổi mẩn đỏ rất hay thường gặp khi bạn tiếp xúc với phấn hoa, hóa chất, hay ăn đồ biển. Bạn có thể uống các thuốc này để giảm triệu chứng ngứa và dị ứng. Nếu vài ngày sau khi dùng thuốc, bạn vẫn còn các triệu chứng và da vẫn còn nổi nhiều mẩn thì nên gặp bác sĩ ngay.

Các loại thuốc dị ứng thường là họ antihistamine để ức chế chất histamin tiết ra từ tế bào miễn dịch gây ngứa và sưng đỏ da. Có 2 họ antihistamine là loại gây buồn ngủ (Benadryl) và loại không gây buồn ngủ (Loratadine/Claritin, Zyrtec, Allegra).

Nhóm thuốc này có thể gây nhức đầu, mệt mỏi, và khó chịu bao tử (Hình minh họa)

Bạn cẩn thận khi uống loại gây buồn ngủ và không nên lái xe khi uống. Tất cả các thuốc này đều có thể gây nhức đầu, mệt mỏi, và khó chịu bao tử. Liều dùng thường là 2-3 viên Benadryl/ngày hoặc 1-2 viên Claritin.

4. Thuốc giảm đau bao tử, kháng acid

Bệnh nhân có thể sử dụng một số loại thuốc giảm đau bao tử, kháng icid: PPI: Omeprazole/Lansoprazole, Anti-H2 Famotidine, hay  kháng Acid: Tums/ Calcium Carbonate/Magnesium Hydroxide).

Viêm loét bao tử, ợ chua, ăn không tiêu, đau tức ngực, đầy hơi có thể do quá nhiều acid. Bạn có thể mua các thuốc giảm acid hay kháng acid ở tiệm thuốc để dùng tạm.

Nhìn chung, các thuốc họ PPI giảm acid là loại mạnh nhất, tồn tại lâu trong cơ thể, nên bạn nhớ uống Omeprazole/Lansoprazole trong thời gian ngắn, tối đa 2 tuần.

Bạn nên gặp bác sĩ để làm xét nghiệm vi khuẩn H.Pylori, nếu vẫn còn bị đau sau khi uống PPI. Thuốc PPI uống vào vài giờ sau mới bắt đầu có tác dụng.

Thuốc nhẹ hơn để chữa đau bao tử là thuốc giảm acid họ Antihistamine H2 Famotidine. Loại này, bạn có thể uống lâu hơn 2 tuần do loại ít có tác dụng phụ hơn Omeprazole. Famotidine cũng có thể uống trong trường hợp mang thai. Famotidine không nên uống kèm với rượu vì tác dụng phụ nhức đầu hay chóng mặt tăng cao. Thuốc họ antiHistamine H2 uống vào 1-2 giờ sau mới có tác dụng.

Thuốc kháng acid (Tums hay Calcium Carbonate/Magnesium Hydroxide) là loại uống vào để trung hòa acid, nên có hiệu quả tức thì trong vòng 30 phút.

Nếu bạn đau bao tử thì nên dùng 1 viên nhai Tums/Calcium Carbonate, sau đó uống kèm Famotidine/PPI để giảm hẳn cơn đau. Lưu ý là các loại thuốc giảm acid/kháng acid đều có thể có tác dụng phụ như chóng mặt nhẹ.

5. Thuốc tiêu chảy

Loperamide/Bismuth subsalicylate là loại thuốc quý vị cần lúc nửa đêm khi chẳng may bị trúng thực hay tiêu chảy.

Loperamide làm chậm quá trình chuyển hóa thức ăn trong ruột, giúp cơ thể có thời gian hấp thụ lại nước, làm giảm tiêu chảy. Bismuth cân bằng các chất trong chất lỏng trong ruột, giúp cơ thể hấp thụ lại.

Tác dụng phụ của 2 loại thuốc này là táo bón (nếu uống nhiều) và nhức đầu, chóng mặt. Quý vị có thể uống Loperamide/Bismuth 2-3 lần/ ngày cho đến khi dừng tiêu chảy.

Nếu tình trạng tiêu chảy kéo dài, bạn nên gặp bác sĩ vì có thể liên quan đến những bệnh khác như hội chứng kích thích ruột hay nhiễm trùng đường ruột.

Theo PGS.BS Trần Huỳnh (Huỳnh Wynn Tran)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X