Hotline 24/7
08983-08983

BS Trương Hữu Khanh giải đáp 1.001 thắc mắc về vắc xin dại

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể gây tử vong nếu không điều trị. Mặc dù vắc xin ngừa bệnh dại hiện nay rất hiệu quả nhưng vẫn có những câu hỏi xoay quanh việc tiêm phòng và xử lý khi bị động vật cắn. Dưới đây, BS Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM sẽ giải đáp những thắc mắc phổ biến về bệnh dại.

1. Vắc xin tiêm ngừa bệnh dại có hiệu quả rất tốt

Thưa BS, liệu có trường hợp nào được ghi nhận dù đã tiêm đủ hoặc gần đủ mũi vắc xin nhưng vẫn phát bệnh dại không ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Hiện nay, vắc xin dại rất hiệu quả. Gần như không có trường hợp nào không hiệu quả khi tiêm ngừa đầy đủ.

2. Không thể có dấu hiệu bệnh dại khi đã tiêm vắc xin

Trường hợp đã tiêm vắc xin, nếu xuất hiện những dấu hiệu của bệnh dại thì nguyên nhân do đâu, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Đó không phải là bệnh dại mà là bệnh khác.

3. Nếu không tiêm vắc xin, lên cơn dại sẽ tử vong

Khi đã phát cơn dại, có cách nào điều trị hay kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân không, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trên thế giới chỉ có một ca mô tả điều trị được bệnh dại ở Anh. Việc điều trị đó không đơn giản mà khó kinh khủng.

Tuy nhiên, sau đó họ không nhắc lại vấn đề này do không có khả năng điều trị. Hiện nay, cả Việt Nam và những nước khác (trừ nước Anh) đều mô tả bệnh dại gây tử vong.

Thời gian tử vong rất nhanh, chỉ trong 10 ngày đầu, đa số trong 48 giờ đầu sau khi phát bệnh dại. Nếu có thông tin ở đâu đó chữa được bệnh dại, các nhà khoa học cho rằng đó không phải là bệnh dại.

4. Chó mèo là những động vật chủ yếu gây bệnh dại

Ngoài chó, bệnh dại còn có thể do động vật nào gây ra, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Bệnh dại đa số do chó gây ra. Tuy nhiên, một số động vật máu nóng khác cũng có thể gây bệnh dại như mèo, thậm chí là dơi. Nhưng đa số vẫn là chó và mèo.

5. Mức độ nguy hiểm của bệnh dại tùy thuộc vào vị trí và tổn thương trên vết cắn

Khi chẳng may bị chó, mèo cắn, những bước xử trí sau đó là gì, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi bị chó cắn, cần tìm hiểu đó là vết cắn hay cào. Bên cạnh đó, cần xem vết cắn có xuyên qua da hay chỉ gặm bên ngoài.

Tiếp theo, cần xem vị trí và tổn thương của vết cắn. Vết cắn rộng nguy hiểm hơn vết cắn nhỏ, cắn trên mặt nguy hiểm hơn cắn trên đùi. Vết cắn ở đầu ngón tay, ngón chân nguy hiểm hơn phần khác trên cơ thể.

Sau khi tìm hiều, cần tiến hành sơ cứu, rửa vết thương bằng dung dịch sát trùng. Cần đánh giá nguy cơ có thể mắc bệnh dại hay không. Trong y khoa chia ra nhiều mức độ khác nhau để quyết định tiêm ngừa.

Thời gian ủ bệnh của virus dại có thể kéo dài đến 9 ngày, thậm chí kéo dài cả năm. Do đó, cần theo dõi con vật trong vòng 10-15 ngày để xem có nguy cơ mắc bệnh dại hay không.

6. Khi nào nên tiêm vắc xin ngừa bệnh dại và huyết thanh?

Khi bị động vật gây bệnh dại tấn công, trường hợp nào nên tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh dại, trường hợp nào cần sử dụng thêm huyết thanh? Thời gian tối đa tiêm vắc xin, huyết thanh kháng dại là bao lâu, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trong 7 ngày đầu, nếu vết thương có nguy cơ cao bị tấn công, người ta sẽ tiêm cả vắc xin và huyết thanh. Trường hợp qua 7 ngày chỉ tiêm vắc xin chứ không tiêm huyết thanh.

Bác sĩ phải đánh giá xem nguy cơ thế nào, hoặc tiêm cả hai, hoặc không cần tiêm, hoặc chỉ cần tiêm vắc xin.

7. Chó dại sẽ chết sau 10 ngày lên cơn dại

Những trường hợp chỉ cần theo dõi chó mèo thì thời gian cụ thể là bao lâu, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Chỉ chó dại mới có virus dại trong nước bọt của chúng. Nếu bị chó dại cắn, virus dại sẽ tấn công vào máu và đi lên hệ thống thần kinh. Còn chó bình thường không có virus dại.

Khi chó dại phát dại có virus trong nước bọt, sau 10 ngày chó sẽ chết. Khi theo dõi, nếu thấy sau 10 ngày chó vẫn sống bình thường thì không mắc bệnh dại và ngược lại.

Trường hợp không thể theo dõi chó do chết trong 10 ngày hay chó chạy đi mất không thể theo dõi, hãy tiêm ngừa để ngăn ngừa bệnh dại.


8. Phụ nữ mang thai và cho con bú có thể tiêm ngừa bệnh dại không?

Phụ nữ mang thai hoặc trong giai đoạn cho con bú có nên tiêm ngừa khi bị chó cắn, mèo cào không? Nếu có thì được tiêm loại nào và theo dõi sau tiêm ra sao, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Vắc xin dại đã được nghiên cứu dành cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Nếu không tiêm ngừa sẽ không còn cách điều trị, chắc chắn gây tử vong. Vì vậy, mang thai vẫn tiêm vừa vắc xin dại bình thường.

Vắc xin hiện nay đã được điều chế theo phương pháp mới. Ngày xưa, vắc xin dại gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm liên quan đến thần kinh, nhưng nay không còn nữa. Một số người bị dại vẫn ám ảnh vắc xin xưa nên còn e ngại trong việc tiêm ngừa.

Phụ nữ mang thai hay cho con bú đã có nguy cơ mắc bệnh dại từ chó cắn, mèo cào, nếu không theo dõi được chó mèo phải tiêm ngừa ngay lập tức.

9. Thực hư việc vắc xin dại làm suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng sinh sản

Người bệnh e ngại tiêm vắc xin dại sẽ suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến chứng năng sinh sản... Thực hư thông tin này như thế nào, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Vắc xin dại cũ cũng không làm suy giảm trí nhớ hay ảnh hưởng đến sinh sản, chỉ có những biến chứng liên quan đến thần kinh như viêm thần kinh, viêm dây thần kinh. Tuy nhiên, cả thế giới đã tuyên bố bỏ loại vắc xin dại này.

Công nghệ hiện đại đã chế được vắc xin mới. Vắc xin mới cũng hoàn toàn không gây suy giảm trí nhớ hay ảnh hưởng đến sinh sản.

Người dân thường ít tiêm ngừa, còn những người làm trong ngành thú y hay những người giết mổ, họ tiêm ngừa cả trước khi bị phơi nhiễm, thậm chí tiêm ngừa định kỳ.

10. Tiêm đầy đủ 5 mũi vắc xin dại có thể bảo vệ cơ thể từ 1-2 năm

Phác đồ tiêm phòng dại như thế nào? Sau tiêm bao lâu sẽ có kháng thể bảo vệ? Vắc xin phòng dại có thể bảo vệ cơ thể trong bao lâu, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Vắc xin dại chia thành 2 nhóm:

Khi chưa bị chó cắn: tiêm 3-5 mũi, nhắc lại sau mỗi chu kỳ sau 2-5 năm tùy theo nghề nghiệp của người bệnh.

Thông thường sẽ tiêm 5 mũi. Bệnh nhân tiêm theo phác đồ mũi đầu tiên ngày thứ 5, ngày thứ 7, ngày 14 hoặc ngày 28; tùy theo phác đồ mà nơi tiêm ngừa hướng dẫn.

Có trường hợp bệnh nhân không muốn tiêm đủ mũi. Lúc này, bệnh nhân sẽ được khuyên tiêm 3 mũi trong 3 ngày đầu và theo dõi chó. Nếu chó bình thường, bệnh nhân có thể ngừng không cần tiêm nữa hoặc có thể tiếp tục tiêm thêm 2 mũi để tăng thêm miễn dịch.

Tiêm đầy đủ 5 mũi kháng thể có thể bảo vệ cơ thể từ 1-2 năm.

11. Rọ mõm, không thả rông chó để phòng ngừa bệnh dại

Gia đình có nuôi chó mèo hoặc động vật có khả năng lây lan bệnh dại cần gì để phòng ngừa bệnh dại, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Chó dại không thể tự bị dại. Nó cũng bị con chó dại khác cắn. Khi nuôi chó mèo, cần hạn chế cho tiếp xúc với động vật khác mà chúng ta không thể kiểm soát. Khi thả chúng chạy lung tung ra đường sẽ bị chó dại khác cắn. Nếu chó ở trong nhà 15-20 ngày không tiếp xúc với những con chó khác, chúng không thể có nguy cơ mắc dại.

Bên cạnh đó, cần tiêm ngừa dại cho vật nuôi sẽ an toàn hơn.

Quan trọng nhất là không nên thả rông chó mèo vì rất khó kiểm soát. Một con chó khi lên cơn dại sẽ đi kiếm vật khác cắn. Chúng ta không thể biết chó nhà mình đã bị chó dại cắn chưa, khi lên cơn chó sẽ cắn người trong nhà lây bệnh dại.

Ngoài ra, hãy rọ mõm chó, tránh trường hợp cắn người khác gây phiền toái. Bên cạnh đó, kết hợp tẩy giun, tẩy sán cho chúng. Đặc biệt, không nên nuôi chó quá hung hãn khi nhà có trẻ em.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X