Bệnh viện Bình Dân có kinh nghiệm hàng đầu trong phẫu thuật bướu tuyến thượng thận với robot Da Vinci
Bướu tuyến thượng thận là nguyên nhân gây tăng tiết bệnh lý các nội tiết tố và nằm trong lĩnh vực điều trị ngoại khoa kết hợp với nội tiết. Mời bạn đọc AloBacsi theo dõi phần chia sẻ của ThS.BS Nguyễn Hoàng Luông - Phó trưởng khoa Niệu A, Bệnh viện Bình Dân về những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý này.
1. Tuyến thượng thận có chức năng gì trong cơ thể?
Thưa BS, tuyến thượng thận nằm ở vị trí nào và có chức năng gì trong cơ thể?
ThS.BS Nguyễn Hoàng Luông trả lời: Tuyến thượng thận nằm ở phía sau phúc mạc, vị trí trên trong của thận. Mỗi bên thận có một tuyến thượng thận.
Tuyến thượng thận thường có chức năng về nội tiết và chuyển hóa, chia làm 2 phần gồm vỏ tuyến thượng thận và tủy tuyến thượng thận. Vỏ tuyến thượng thận tiết các chất như glucocorticoids, chủ yếu là cortisol có tác dụng trong quá trình kháng viêm và tăng quá trình đường phân ở gan; mineralocorticoids, chủ yếu là aldosterone, để cân bằng các chất điện giải trong cơ thể. Ngoài ra còn có androgens với hoạt tính sinh lý nam khi chuyển thành testosterone và dihydrotestosterone.
Tủy tuyến thượng thận tiết ra catecholamine, chủ yếu là epinephrine và norepinephrine. Đây là các amin có tác động chính trong hệ thần kinh giao cảm của con người.
2. Các bệnh lý có thể mắc phải ở tuyến thượng thận
Xin hỏi BS, những bệnh lý nào liên quan đến tuyến thượng thận?
ThS.BS Nguyễn Hoàng Luông trả lời: Tuyến thượng thận có 2 bệnh lý cơ bản là suy chức năng và giảm chức năng. Đối với suy chức năng tuyến thượng thận, bệnh lý thường gặp là Addison (suy giảm chức năng tuyến thượng thận nguyên phát). Ngoài ra còn có bệnh lý suy giảm chức năng tuyến thượng thận thứ phát do thuốc hoặc do phẫu thuật cắt bỏ tuyến thượng thận hai bên.
Một bệnh lý khác thường gặp là cường chức năng tuyến thượng thận, thường gặp trên lâm sàng là hội chứng Cushing (tăng tiết glucocorticoids mà chủ yếu là cortisol), có thể nguyên phát hoặc thứ phát do thuốc.
Cường aldosterone do tăng tiết aldosterone và các bệnh lý nam hóa thường do tăng tiết androgens.
Các bệnh lý cường chức năng thường do nguyên phát ở cơ thể, do phản ứng bù trừ hoặc do tăng sản, do các khối u bướu tuyến thượng thận tạo nên.
3. Đa phần bướu tuyến thượng thận là lành tính, rất hiếm gặp u ác tính
Thưa BS, bướu tuyến thượng thận có thường gặp không? Bướu tuyến thượng thận có chia thành u lành, u ác như ở những vị trí khác không?
ThS.BS Nguyễn Hoàng Luông trả lời: Rất may mắn, bướu tuyến thượng thận là một bệnh lý khá hiếm gặp. Mọi độ tuổi đều có thể mắc bướu tuyến thượng thận, nhưng phổ biến từ 20 - 50 tuổi.
Bướu tuyến thượng thận có thể xuất hiện ở 1 bên hoặc cả 2 bên. Bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Do đó, bệnh lý này cần được quan tâm và điều trị đúng mức.
Bướu tuyến thượng thận cũng giống với những loại bướu khác, được chia thành bướu lành và bướu ác (ung thư). Đa phần bướu tuyến thượng thận là lành tính, rất hiếm gặp u ác tính.
4. Tăng huyết áp kịch phát có thể là dấu hiệu của bướu tuyến thượng thận
Xin hỏi BS, có thể nhận biết sớm bướu tuyến thượng thận qua những dấu hiệu nào?
ThS.BS Nguyễn Hoàng Luông trả lời: Bệnh lý bướu tuyến thượng thận có thể nhận biết sớm qua dấu hiệu là cơn tăng huyết áp kịch phát.
Bệnh nhân tăng huyết áp rất cao, nhịp tim nhanh, đau đầu, da xanh tái, cảm giác tức ngực, khó thở và hốt hoảng. Cơ tăng huyết áp kịch phát xuất hiện khi bệnh nhân lao động gắng sức hoặc trong trạng thái căng thẳng, lo âu. Tăng huyết áp kịch phát cũng có thể do cuộc phẫu thuật gây ra.
Cơn tăng huyết áp kịch phát sẽ xảy ra trong vài phút đến vài giờ, sau đó tự biến mất mà không cần điều trị. Tuy nhiên, với những dấu hiệu nêu trên, người bệnh cần khám với bác sĩ chuyên khoa để chẩn đoán, tránh để tình trạng kéo dài và trở nặng, dẫn đến các biến chứng nặng nề.
5. Chẩn đoán bướu tuyến thượng thận bằng cách nào?
Những phương tiện nào có thể chẩn đoán chính xác bướu tuyến thượng thận, thưa BS?
ThS.BS Nguyễn Hoàng Luông trả lời: Về chẩn đoán bướu tuyến thượng thận, đầu tiên phải kể đến chẩn đoán hình ảnh. Đơn giản nhất là siêu âm bụng để tầm soát và đưa ra đánh giá mang tính tổng quát.
Ngoài ra còn có những chẩn đoán chuyên biệt như chụp CT scan hoặc MRI ổ bụng để chẩn đoán chính xác bệnh, kích thước khối u hoặc đặc điểm của khối u trước khi tiến hành phẫu thuật.
Xét nghiệm cũng là một phương tiện chẩn đoán không thể thiếu. Xét nghiệm nội tiết tuyến thượng thận gồm máu và nước tiểu để định lượng nồng độ các chất như cortisol, aldosterone, androgens, catecholamine. Từ đó, bác sĩ sẽ quyết định hướng điều trị nội tiết nội khoa kết hợp trước, trong hay sau phẫu thuật.
6. Quy trình phẫu thuật bướu tuyến thượng thận tại Bệnh viện Bình Dân
Xin hỏi BS, tại Bệnh viện Bình Dân, việc điều trị bướu tuyến thượng thận được tiến hành như thế nào?
ThS.BS Nguyễn Hoàng Luông trả lời: Tại Bệnh viện Bình Dân, quy trình phẫu thuật bướu tuyến thượng thận được quy định và tiến hành rất chặt chẽ.
Đầu tiên, người bệnh được làm các công tác chẩn đoán xác định, bao gồm chẩn đoán hình ảnh học và xét nghiệm máu, nước tiểu.
Sau khi có kết quả chẩn đoán xác định, bước thứ hai là hội chẩn chuyên khoa nội tiết để cân nhắc việc điều trị nội khoa bướu tuyến thượng thận cho bệnh nhân trước, trong và sau phẫu thuật.
Thứ ba, hội chẩn với bác sĩ gây mê hồi sức để chuẩn bị các bước tiến hành trong cuộc phẫu thuật, đặc biệt cần phòng ngừa các cơn tăng huyết áp kịch phát xảy ra do các vấn đề trong khi phẫu thuật.
Cuối cùng, bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân và người nhà về các rủi ro trong phẫu thuật. Người bệnh và người chăm sóc phải hiểu được những việc cần làm, các vấn đề cần hợp tác với nhân viên y tế, bác sĩ chuyên khoa để cuộc mổ diễn ra suôn sẻ. Đồng thời, việc phối hợp điều trị về sau cũng phải đúng chuẩn.
7. Những phương pháp điều trị bướu tuyến thượng thận
Theo BS, đâu là những tiến bộ mới trong điều trị bướu tuyến thượng thận trong thời gian gần đây?
ThS.BS Nguyễn Hoàng Luông trả lời: Theo dòng tiến bộ của khoa học kỹ thuật chung, chẩn đoán và điều trị bướu tuyến thượng thận cũng có những tiến bộ.
Về chẩn đoán hình ảnh, trước đây đa số sử dụng siêu âm hoặc CT scan 16 lát, 32 lát thì hiện nay đã có CT scan đa lát cắt, 64 hoặc 128 lát, giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn kích thước và giai đoạn bướu.
MRI ổ bụng được dùng để chụp khảo sát chuyên biệt về hệ niệu, cung cấp những thông tin rất hữu ích cho theo dõi và điều trị.
Đặc biệt, với tiến bộ của y học hạt nhân, chúng ta có PET CT (Positron Emission Tomography and Computed Tomography - Chụp CT scan có kết hợp ứng dụng y học hạt nhân). Các chất phóng xạ tập trung ở khối bướu, giúp bác sĩ phân biệt u lành tính hay ác tính, hoặc chỉ là khối u do phản ứng viêm nhiễm.
Trong phẫu thuật, trước đây đa phần sử dụng phương pháp mổ hở. Tiến bộ hơn nữa, các cơ sở y tế có phẫu thuật nội soi cổ điển. Gần đây, Bệnh viện Bình Dân triển khai phẫu thuật có hỗ trợ robot Da Vinci. Hệ thống hỗ trợ tiên tiến này được áp dụng tại bệnh viện hơn 7 năm qua, số lượng ca bệnh đông nhất cả nước.
Bệnh viện Bình Dân là một trong những đơn vị hàng đầu, thực hiện phẫu thuật có hỗ trợ robot Da Vinci đầu tiên tại Việt Nam. Đây là một tiến bộ y học rất có ích cho bệnh nhân, đem lại sức khỏe tốt hơn và việc điều trị đạt kết quả cao.
8. Trường hợp điều trị bướu tuyến thượng thận ác tính tại Bệnh viện Bình Dân
Cuối năm 2022, Khoa Niệu A của Bệnh viện Bình Dân đã phẫu thuật thành công, lấy 2 khối u tuyến thượng thận với kích thước khoảng chừng quả bưởi. ThS.BS Nguyễn Hoàng Luông là phẫu thuật viên chính của ca mổ. Nhờ BS chia sẻ đôi nét về trường hợp đặc biệt này.
ThS.BS Nguyễn Hoàng Luông trả lời: Cuối năm 2022, Bệnh viện Bình Dân đã tiến hành phẫu thuật cho 1 bệnh nhân có bướu tuyến thượng thận 2 bên, kèm xuất huyết trong. Đây là trường hợp ung thư tuyến thượng thận 2 bên rất hiếm gặp.
Bệnh nhân nam, 58 tuổi, nhập viện trong tình trạng xuất huyết, đau hông lưng dữ dội. Sau khi chẩn đoán và lên kế hoạch mổ, phẫu thuật thám sát nhận thấy khối bướu dính vào tá tràng, đại tràng ngang đuôi tụy và tĩnh mạch chủ dưới.
Cuộc mổ tiến hành rất khó khăn, phải bóc tách các cơ quan liên quan. Chúng tôi đã cắt được 2 khối bướu kích thước 114mm và 120mm. Sau mổ cần phải khâu lại một phần tĩnh mạch chủ dưới bên phải do khối bướu xâm lấn.
Trong quá trình mổ, bệnh nhân mất khoảng 1 lít máu, song đã được truyền máu bồi hoàn. Bệnh nhân hồi phục và được xuất viện.
Tuy nhiên, ca bệnh này có đặc điểm ung thư tuyến thượng thận 2 bên, do đó bệnh nhân phải tiếp tục điều trị hỗ trợ nội tiết suy chức năng tuyến thượng thận sau khi cắt bỏ hoàn toàn tuyến thượng thận. Bệnh nhân có khối ung thư vỏ tuyến thượng thận xâm lấn, nên sau mổ, chúng tôi đã tư vấn, phối hợp với Khoa Nội Ung bướu của Bệnh viện Bình Dân để hóa trị điều trị các tế bào ung thư đã di căn và xâm lấn.
Từ năm 2022 đến nay, Khoa Niệu A có tiếp nhận thêm trường hợp nào có khối u to như vậy không, thưa BS?
ThS.BS Nguyễn Hoàng Luông trả lời: Sau trường hợp nêu trên, Bệnh viện Bình Dân đã mổ cho rất nhiều trường hợp bướu tuyến thượng thận nhưng khối u chỉ khoảng 30 - 60mm, chưa ghi nhận ca bệnh nào có khối u to tương tự.
9. Sau phẫu thuật cắt bỏ bướu tuyến thượng thận, cần lưu ý gì?
Thưa BS, sau khi đã loại bỏ khối bướu, sức khỏe của các bệnh nhân như thế nào? Sau khi xuất viện, bệnh nhân có cần kiêng cữ gì trong sinh hoạt hằng ngày hoặc trong dinh dưỡng?
ThS.BS Nguyễn Hoàng Luông trả lời: Sau phẫu thuật cắt bướu tuyến thượng thận, sức khỏe của bệnh nhân sẽ tốt hơn, đặc biệt là huyết áp ổn định hơn.
Trong ăn uống, bệnh nhân gần như không cần kiêng cữ quá nhiều. Lưu ý rằng không nên ăn các món có gia vị mặn vì có thể gây tăng huyết áp. Lúc này khó có thể phân biệt tình trạng tăng huyết áp do chế độ ăn hay do bướu tuyến thượng thận tái phát, còn tác động đến bệnh nhân.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình