Hotline 24/7
08983-08983

BS.CKI Trần Quốc Tuấn livestream: Niềm hy vọng thoát tàn phế nhờ vật lý trị liệu - phục hồi chức năng

Chương trình talkshow “Chuyện đời - Chuyện nghề” với vị Trưởng khoa Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng - Bệnh viện Gia An 115 lúc 15g, ngày 19/3 hứa hẹn sẽ mang đến những câu chuyện thú vị chưa bao giờ kể về công việc của bác sĩ, sự hồi phục kỳ diệu của nhiều bệnh nhân mà không cần phải phẫu thuật.

BS.CKI Trần Quốc Tuấn là bác sĩ chuyên khoa Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng với hơn 21 năm kinh nghiệm. Không chỉ đảm nhận vai trò Trưởng khoa Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng Bệnh viện Gia An 115 từ tháng 6/2018 đến nay, trong nhiều năm liền, BS Tuấn còn giữ chức vụ Trưởng khoa Phục hồi chức năng tại nhiều bệnh viện trên cả nước như Bệnh viện Đa khoa Triều An, TPHCM (2015-2018), Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh, tỉnh Đăk Lăk (2014-2015), Bệnh viện Đa khoa Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng (1997-2014).

Có nhiều trường hợp khó, được chỉ định phẫu thuật nhưng BS Tuấn đã chữa khỏi bằng phương pháp vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, giúp cải thiện chất lượng sống của nhiều bệnh nhân.

 


 

I. ĐỐI THOẠI MC VÀ KHÁCH MỜI

[HOI]MC Ngọc Hương: Xin chào BS Trần Quốc Tuấn, 21 năm trong nghề y, trải qua nhiều BV từ Đăk Lăk, Lâm Đồng xa xôi đến TPHCM, hành trình đó ắt hẳn có nhiều cột mốc đáng nhớ? Ông có thể chia sẻ vì sao mình lại chọn Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng (VLTL - PHCN) - một chuyên khoa không phải là “hot”?[/HOI]
[DAP]BS.CKI Trần Quốc Tuấn trả lời: Tôi nghĩ “nghề” thường đi đôi với “nghiệp”, nhiều khi bắt đầu từ cơ duyên nhưng sau đó lại là sự lựa chọn. Hơn 20 năm trong nghề y, khoác lên mình chiếc áo bác sĩ, cũng là từng ấy năm tôi gắn bó với VLTL - PHCN.

Tôi đã tiếp xúc, chứng kiến và thấm thía những nỗi đau đớn, đôi khi cả sự tuyệt vọng của những bệnh nhân cần trị liệu phục hồi sau tai biến, chấn thương, tai nạn…

Và cũng nhờ VLTL - PHCN, tôi đã giúp bệnh nhân nâng cao chất lượng cuộc sống, tránh được nguy cơ phải phẫu thuật hoặc tránh được các biến chứng nguy hiểm như bại liệt, tàn phế... Càng làm nghề, hiểu được những gì VLTL - PHCN có thể làm, tôi càng thấy gắn bó với nó hơn.[/DAP]

[HOI]MC Ngọc Hương: Kinh qua vị trí Trưởng khoa ở 4 BV, ông có thể cho biết những đổi thay, những bước tiến của ngành VLTL - PHCN?[/HOI]

[DAP]BS.CKI Trần Quốc Tuấn trả lời: VLTL - PHCN đã được ứng dụng từ rất lâu đời, như phơi nắng, ngâm bùn, tập khí công, xoa bóp, bấm huyệt… Tuy nhiên, trước đây, VLTL - PHCN ít được đầu tư bài bản, thậm chí nhiều người còn lầm tưởng VLTL - PHCN như một phương pháp nằm trong Đông y chứ không phải là một ngành riêng biệt. VLTL - PHCN cũng ít được đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại và thường chỉ biết đến là hỗ trợ cho những khoa khác.

Hiện nay, vai trò của VLTL - PHCN ngày càng được đánh giá cao trong các biện pháp điều trị bảo tồn. Hệ thống máy móc, thiết bị dùng trong VLTL - PHCN cũng ngày càng được đầu tư với những máy hiện đại, chất lượng cao.

Ví dụ, tại Bệnh viện Gia An 115, khoa VLTL - PHCN có 2 phòng VLTL - PHCN và 1 phòng ngôn ngữ trị liệu với nhiều trang thiết bị hiện đại, như: Máy trị liệu sóng xung kích, máy trị liệu sóng siêu âm, máy điện trị liệu đa năng, máy kéo giãn cột sống, máy trị liệu sóng ngắn, máy trị liệu từ trường toàn thân, máy trị liệu laser công xuất thấp, xe đạp đa năng tập phục hồi chức năng, máy trị liệu đa năng và theo dõi thần kinh - cơ, đèn chiếu tia hồng ngoại, bồn Paraffin trị liệu…

Trong đó, có những máy cực kỳ hiện đại như máy trị liệu từ trường toàn thân dùng để điều trị rối loạn giấc ngủ không dùng thuốc hoặc để điều trị cho những bệnh nhân mang các tấm kim loại của thủ thuật ghép xương, đinh ốc, các bộ phận lắp ghép giả với điều kiện không có sự thay đổi về nhiệt. Đây là một máy hiện đại mà rất ít bệnh viện có thể đầu tư.[/DAP]

thoát tàn phế nhờ vật lý trị liệu - phục hồi chức năng

[HOI]MC Ngọc Hương: Có thể nói, VLTL - PHCN đang được đánh giá cao khi người dân ngày càng quan tâm đến các phương pháp trị bệnh không dùng thuốc. Nhưng dường như mọi người mới chỉ biết nhiều về vai trò của VLTL - PHCN sau chấn thương, sau đột quỵ hay thoái hóa khớp. BS có thể chia sẻ sâu và rộng hơn về vai trò của VLTL - PHCN đối với các bệnh lý, giúp mọi người có cái nhìn đầy đủ về VLTL - PHCN?[/HOI]

[DAP]BS.CKI Trần Quốc Tuấn trả lời: Đúng là VLTL - PHCN thường được nhắc tới nhiều ở vai trò giúp bệnh nhân phục hồi toàn diện, khôi phục chức năng vận động, giảm tỷ lệ tàn tật và tăng khả năng tái hòa nhập cộng đồng sau khi bị đột quỵ, chấn thương… Nhưng điều đó là chưa đủ về VLTL - PHCN.

Có thể nói, VLTL - PHCN tham gia cả 4 vai trò quan trọng trong y tế, đó là: Dự phòng, chữa bệnh, phục hồi chức năng và nâng cao sức khỏe.[/DAP]

[HOI]MC Ngọc Hương: Vật lý trị liệu - PHCN gồm các phương pháp, kỹ thuật gì, thưa BS? Ngoài thao tác vật lý cơ học thì tại Bệnh viện Gia An 115 còn áp dụng các phương pháp VLTL - PHCN nào nữa ạ?[/HOI]
[DAP]BS.CKI Trần Quốc Tuấn trả lời: VLTL - PHCN gồm rất nhiều phương pháp, như: điều trị bằng tác nhân cơ học, vận động, điều trị bằng dòng điện, từ trường, siêu âm, điều trị bằng nhiệt, nước, ánh sáng, điều trị bằng oxy cao áp…

Tại Bệnh viện Gia An 115, chúng tôi kết hợp nhiều phương pháp, kỹ thuật điều trị tùy theo bệnh lý và thể trạng của bệnh nhân, như điều trị cơ học, vận động với các bài tập, sử dụng sóng siêu âm, điện từ trường, điều trị bằng laser…[/DAP]
[HOI]MC Ngọc Hương: Hiện nay, khoa VLTL & PHCN của Bệnh viện Gia An 115 đang điều trị cho những bệnh lý nào? Bệnh nhân nào chiếm đa số?[/HOI]
[DAP]BS.CKI Trần Quốc Tuấn trả lời: Khoa VLTL & PHCN của Bệnh viện Gia An 115 hiện điều trị cả các bệnh lý nội khoa, các bệnh lý ngoại khoa và các bệnh lý sau chấn thương thể thao, cơ xương khớp.

Trong đó, bệnh nhân đến khám và điều trị VLTL - PHCN tại Bệnh viện Gia An 115 chủ yếu là bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ, yếu liệt tay chân sau di chứng tai biến mạch máu não, đau thần kinh tọa, thoát vị đĩa đệm.[/DAP]
[HOI]MC Ngọc Hương: Một trong những bệnh lý mà bệnh nhân thường tìm đến VLTL - PHCN là liệt nửa mặt, mọi người thường nghĩ là liệt dây thần kinh số 7. Xin BS cho biết, ngoài ra còn có những nguyên nhân nào nữa?[/HOI]
[DAP]BS.CKI Trần Quốc Tuấn trả lời: Nguyên nhân gây liệt mặt có thể chia làm 2 loại. Loại thứ nhất là liệt mặt trung ương, gây ra bởi những biến cố xảy ra trong não như đột quỵ, hậu phẫu chấn thương sọ não… Loại thứ hai là liệt mặt ngoại biên, xảy ra do thời tiết lạnh, thay đổi nhiệt độ, trượt đốt sống cổ…

Bệnh nhân nếu bị liệt mặt nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả.[/DAP]

[HOI]MC Ngọc Hương: BS vừa đề cập đến tình trạng liệt nửa cơ mặt do trượt đốt sống cổ, nghe cũng khá là lạ. BS có thể chia sẻ cụ thể hơn về diễn tiến của bệnh này? Nó có đặc trưng nào để nhận biết, có dễ nhầm với liệt dây thần kinh số 7 không và điều trị thế nào là hiệu quả, thưa BS?[/HOI]
[DAP]BS.CKI Trần Quốc Tuấn trả lời: Dấu hiệu nhận biết liệt mặt do trượt đốt sống cổ là bệnh nhân có khuôn mặt không linh hoạt như người bình thường (như tượng), không biểu hiện cảm xúc.

Qua thăm khám lâm sàng, khi chúng tôi thấy bệnh nhân có những biểu hiện này thì sẽ chỉ định thực hiện những cận lâm sàng như chụp X-Quang, MRI… sau đó hội chẩn với các bác sĩ chuyên khoa Ngoại Thần kinh và Nội TK rồi thống nhất ý kiến điều trị theo hướng VLTL - PHCN để giải quyết bệnh lý trượt đốt sống.[/DAP]
[HOI]MC Ngọc Hương: Được biết, BS đã điều trị các ca rối loạn giấc ngủ lâu năm cho phụ nữ (không phải tại não). BS có thể giải thích tình trạng mất ngủ của họ cụ thể do nguyên nhân gì, và đã được điều trị ra sao không ạ?[/HOI]
[DAP]BS.CKI Trần Quốc Tuấn trả lời: Tôi đã gặp một số trường hợp bị rối loạn giấc ngủ không phải tại não mà do trật khớp cột sống cổ, bắt nguồn từ thoái hóa đốt sống cổ.

Với những trường hợp này, chúng tôi điều trị bằng máy từ trường, kết hợp kéo giãn cột sống bằng tay và bằng máy. Việc điều trị bằng máy từ trường với cường độ phù hợp sẽ giúp làm dịu các xung kích thích thần kinh, tạo thuận lợi cho người bệnh đi vào giấc ngủ nhanh hơn, có chất lượng giấc ngủ tốt hơn mà không lệ thuộc vào thuốc. Việc sử dụng sóng ngắn sẽ giúp bệnh nhân giảm đau, giãn cơ; trong khi đó kéo giãn cột sống sẽ giúp đưa đốt sống trở lại vị trí bình thường.[/DAP]
[HOI]MC Ngọc Hương: Việc tập VLTL - PHCN tại nhà của bệnh nhân cần lưu ý những gì, thưa BS? Nếu tập sai thì có hại gì ạ?[/HOI]
[DAP]BS.CKI Trần Quốc Tuấn trả lời: Việc tập VLTL - PHCN tại nhà của bệnh nhân thường gặp vấn đề lớn nhất là tập sai tư thế và với cường độ không phù hợp. Tập sai không những không khiến bệnh giảm đi mà ngược lại còn có thể khiến tình trạng bệnh diễn tiến xấu hơn.
Ngoài ra, việc tự tập VLTL - PHCN ở nhà cũng có 1 hạn chế khác là thiếu máy móc hỗ trợ. Những trường hợp cần máy VLTL - PHCN chuyên dụng, bệnh nhân bắt buộc phải đến khoa VLTL - PHCN của Bệnh viện chứ không thể tập tại nhà.[/DAP]

thoát tàn phế nhờ vật lý trị liệu - phục hồi chức năng

[HOI]MC Ngọc Hương: Hiện tại Gia An 115 có triển khai tập VLTL - PHCN tại nhà không, chi phí như thế nào, thưa BS?[/HOI]
[DAP]BS.CKI Trần Quốc Tuấn trả lời: Tập tại nhà chỉ áp dụng với 1 số ít trường hợp đặc biệt. Còn lại đa số bệnh nhân cần đến bệnh viện - nơi có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa và được trang bị đầy đủ các phương tiện thiết bị kỹ thuật, để thực hiện 1 lúc nhiều kỹ thuật, nhiều phương pháp không xâm lấn, nhằm phục hồi chức năng sớm nhất, nhanh nhất, trả lại chất lượng cuộc sống tốt. “Vận động là sự sống, sự sống là vận động”.[/DAP]
[HOI]MC Ngọc Hương: Hiện nay trên thị trường có bán rất nhiều dụng cụ hỗ trợ điều trị bệnh như: đai chống gù lưng, đai giảm mỡ bụng, các loại giường - ghế giúp trị bệnh xương khớp… được giới thiệu rất hấp dẫn, thuyết phục. Theo BS, người dân có nên mua những sản phẩm đó không ạ?[/HOI]
[DAP]BS.CKI Trần Quốc Tuấn trả lời: Việc tập VLTL - PHCN nên được hướng dẫn và giám sát bởi các bác sĩ, kỹ thuật viên VLTL - PHCN. Người bệnh không nên tự ý tập VLTL - PHCN để đảm bảo cho sức khỏe của chính bản thân mình.[/DAP]
[HOI]MC Ngọc Hương: Sau khi thực hiện VLTL - PHCN cho người bệnh, nhiều khi chuyên viên VLTL - PHCN cũng “mỏi nhừ cả người” do dùng lực tay nhiều, phải đứng lâu hay ngồi lâu. Để theo đuổi công việc này, bác sĩ và chuyên viên VLTL - PHCN gặp phải những khó khăn gì và làm thế nào để vượt qua?[/HOI]
[DAP]BS.CKI Trần Quốc Tuấn trả lời: Công việc gì cũng có những khó khăn, vất vả riêng. Vì vậy, để gắn bó với nghề, không chỉ cần chuyên môn mà còn cần tâm huyết lớn. Đặc biệt với những người làm nghề y nói chung, còn cần cả sự hết mình vì bệnh nhân. Khi có những hành trang này, mình sẽ theo đuổi được nghề và sẽ sống chết cùng nghề.[/DAP]
[HOI]MC Ngọc Hương: Qua chia sẻ của BS, có thể thấy nghề VLTL - PHCN cũng không ít vất vả. BS có thể chia sẻ với khán thỉnh giả điều gì giúp ông trụ lại lâu với nghề đến vậy?[/HOI]
[DAP]BS.CKI Trần Quốc Tuấn trả lời: Ngành VLTL - PHCN đã có từ rất lâu đời và ngày càng được vận dụng, nghiên cứu phát triển để giúp đời, giúp người. Tôi luôn nghĩ mình cần tiếp bước cha anh để tiếp tục những thành quả ấy. Xét cho cùng, là bác sĩ thì sức khỏe của bệnh nhân vẫn là mục tiêu cao nhất, dù là bác sĩ ngành nào. Mình có mục tiêu rõ ràng và cứ thế “đi” thôi.[/DAP]
[HOI]MC Ngọc Hương: Là người đi trước, BS có thể đưa ra những hướng dẫn dành cho các bạn trẻ muốn đi theo ngành VLTL - PHCN? Để trở thành bác sĩ, chuyên viên vật lý trị liệu - PHCN, cần có những tố chất gì, cần học giỏi môn nào, học hành thi cử ra sao?...[/HOI]
[DAP]BS.CKI Trần Quốc Tuấn trả lời: Thực ra, VLTL - PHCN rất rộng lớn, đến bây giờ chúng ta vẫn đang vận dụng, đồng thời nghiên cứu phát triển nó. Chúng tôi luôn hi vọng được sát cánh cùng các bác sĩ VLTL - PHCN trẻ, với sự nhiệt huyết, thông minh của tuổi trẻ, phục vụ tốt nhất cho người bệnh, phát triển ngành VLTL-PHCN nói riêng, ngành y tế nói chung.

Còn ngồi trên ghế nhà trường, các bạn vẫn nên học đều các môn. Và điều quan trọng nhất là các bạn phải yêu nghề, có tâm với nghề. Tôi nghĩ nghề nào, ngành nào cũng cần điều đó.[/DAP]

II. BẠN ĐỌC HỎI - CHUYÊN GIA TRẢ LỜI

[HOI]FB V.T. Thảo Trang

Mẹ cháu năm nay 47 tuổi, công việc phải ngồi xe máy nhiều, gần đây bị đau lưng, đi khám BS nói bị gai cột sống, cho thuốc uống giảm đau. Mẹ cháu nghe nói thuốc này phải uống lâu dài nên sợ hại gan thận, mà cũng không làm mòn gai được. Cháu nghe người quen mách một cơ sở có xoa bóp ấn huyệt chữa được bệnh này. Cháu muốn xin ý kiến BS là có nên điều trị theo hướng đó không ạ?[/HOI]

[DAP]BS.CKI Trần Quốc Tuấn trả lời:

Bạn thân mến,

Xoa bóp bấm huyệt của Đông Y có cách để thư giãn cơ, còn để đều trị triệt để nỗi đau này thì bạn nên đưa mẹ đến bệnh viện, nơi có thể thực hiện được tất cả các phương tiện cận lâm sàng, sau đó các bác sĩ hội chẩn để có phương pháp tốt nhất cho mẹ bạn. Không nên theo lời "nghe nói" mà điều trị được bạn nhé![/DAP]

[HOI]FB M. D. Nguyen
Thưa bác sĩ, Tôi bị bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Chụp MRI thì đốt sống L4, L5, L5S1 chèn ép rễ thần kinh tủy sống nhẹ, hẹp ống sống, rách vòng xơ. Tôi khám ở Sài Gòn được các BS tư vấn mổ do đã dùng 3 tháng thuốc mà không khỏi. Tôi muốn hỏi bệnh của tôi có nên phẫu thuật hay không? Các bác sĩ đông y ở Trà Vinh khuyên không nên mổ, kêu tập vật lý trị liệu được. Vậy nên tôi không biết làm thế nào giữa mổ và không mổ, mong BS cho lời khuyên.[/HOI]

[DAP]BS.CKI Trần Quốc Tuấn trả lời:

Vấn đề thoát vị đĩa đệm của bạn có rách vòng xơ, uống thuốc chỉ giảm đau, tập luyện khó khăn. Tốt nhất bạn nên đi mổ để các bác sĩ nắn vùng đốt sống đó và tái tạo vòng xơ nhằm bảo đảm cuộc sống sinh hoạt về sau cho bạn. Nếu để lâu ngày triệu chứng đau tăng lên và hạn chế vận động cùng các hệ lụy về sau.[/DAP]

[HOI]FB U. Thơ

Em là nữ, 31 tuổi, bị gãy xương bàn chân 3 4, đã được nẹp bột 5 tuần và mở nẹp để tập đi, nhưng chân em khi mở bột bị sưng, khớp cổ chân và các ngón chân bị cứng, khó cử động.

Hiện tại bác sĩ ở viện cho về tập đi, nhưng khớp cổ chân của em không có khả năng gập đủ để đặt bàn chân song song mặt đất để đứng được (1 phần do sưng to, tối nằm ngủ mới đỡ sưng). Nhờ BS hướng dẫn tập luyện và trình tự tập luyện để em có thể đi lại sớm ạ! Em cảm ơn![/HOI]

[DAP]BS.CKI Trần Quốc Tuấn trả lời:

Bệnh nhân hậu phẫu gẫy xương khoảng 5 tuần hiện giờ bàn chân đã liền cal, bạn cần tập luyện tích cực. Nguyên nhân khớp cổ chân và các ngón chân bị cứng, khó cử động là: cứng khớp, loạn dưỡng chi và co rút gân gót.

Lý do bạn không thể để gót chân bằng mặt đất là bởi gót chân bị co rút gân gót. Bạn có thể đến trung tâm phục hồi chức năng gần nhất hoặc qua Bệnh viện Gia An để được các bác sĩ kéo dài gân gót, giải phóng cứng khớp và giải phóng loạn dưỡng chi, lúc đó bạn mới đi lại tương đối. Sau đó tiếp tục được huấn luyện bước đi bình thường mới hoàn thiện.[/DAP]

thoát tàn phế nhờ vật lý trị liệu - phục hồi chức năng

[HOI]Tạ Tố Uyên - Email: tttouyen.dlu@gmail.com, Điện thoại: 0849597799
Cơ chế của máy từ trường điều trị rối loạn giấc ngủ là gì? Nó có tác dụng phụ gì không? Sau khi ngưng điều trị có thể ngủ được như bình thường không ạ?[/HOI]

[DAP] BS.CKI Trần Quốc Tuấn trả lời:

Chào bạn Uyên,

Điều trị sóng điện từ trường là loại sóng điện thay đổi giúp thư giãn thần kinh, an thần, sau đó bệnh nhân đi vào giấc ngủ. Sau khi đi vào giấc ngủ sinh lý, các bác sĩ sẽ điều chỉnh tần số, cường độ, thời gian, vị trí của từng bệnh nhân.

Bệnh nhân cần chuẩn bị cho cuộc sống mới, với những suy nghĩ tích cực, quẳng gánh đi mà vui sống. Để chuẩn bị cho những điều này bệnh nhân cần tới bệnh viện để được bác sĩ hướng dẫn điều trị. Thân mến.[/DAP]

[HOI]FB Minh Nhựt

Xin chào BS, tôi muốn hỏi về đèn hồng ngoại ạ. Ông bà ngoại tôi vừa được biếu một chiếc đèn hồng ngoại, tờ giấy hướng dẫn thì toàn chữ nước ngoài. Tôi tham khảo trên mạng thì thấy nhiều công dụng như chữa đau xương khớp, bong gân… Ông bà ngoại tôi đều bị đau lưng và đau đầu gối. Nhờ BS hướng dẫn cách dùng cho ông bà tôi. Ngoài ra, có thể dùng để sưởi ấm cho trẻ sơ sinh được không ạ, thay vì nằm than. Cảm ơn BS rất nhiều ạ![/HOI]

[DAP]BS.CKI Trần Quốc Tuấn trả lời:

Bạn thân mến,

Đèn hồng ngoại trước đây là năng lượng của ánh sáng mặt trời và bây giờ được tách ra để chuyên về tia hồng ngoại. Khi chiếu tia hồng ngoại mục đích là để làm nóng lên vùng tổ chức như là đau khớp, đau cơ, đau xương để tăng huy động máu tới vùng cần điều trị.  Khi máu đến thì mang hồng cầu đi, đem bạch cầu tới và nó làm mềm cơ để tăng nuôi dưỡi vùng đó.

Đèn hồng ngoại dùng cho mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh đến người lớn tuổi. Nếu dùng đèn hồng ngoại cho trẻ em thì khoảng cách từ mặt đèn đến da ngắn nhất là 60cm, dài nhất là 1m. Người lớn thì dùng 2 lần 1 ngày, mỗi lần chiếu khoảng 20 phút.

Ngoài ra, đèn hồng ngoại dùng để sưởi ấm, làm đẹp nữa da. Ví dụ có những người gặp vấn đề về da, sau khi chữa ổn định rồi thì vẫn tiếp tục dùng đèn hồng ngoại để chăm sóc cho da. Lưu ý, khi chiếu vào vùng mặt thì nên đeo kính chống tia hồng ngoại hoặc lấy khăn che lại, không chiếu trực tiếp vào mắt.[/DAP]

[HOI]Trần Thị Bích - Email: Pt1818838@gmail.com, Điện thoại: 0905672902
Bệnh viện có khám được mất ngủ không vậy? Tôi bị mất ngủ khoảng 20 ngày nay.[/HOI]

[DAP]BS.CKI Trần Quốc Tuấn trả lời:

Chào bạn Bích,

Bệnh viện đang là nơi khám chuyên khoa của rối loạn giấc ngủ. Nếu bạn sắp xếp được công việc có thể đến Bệnh viện Gia An 115 để được các bác sĩ chẩn đoán và điều trị cho bạn.[/DAP]

[HOI]Nguyễn Trần Bích Thảo - Email: thaontb8@...vn

Tôi vừa đọc bài báo “8 năm mất ngủ do trượt đốt sống cổ” mà giật mình vô cùng. Vì tôi cũng có thói quen bẻ cổ. Mỗi lần bẻ cổ nghe tiếng rắc rắc, tôi thấy rất dễ chịu. Nhưng sau đó thì thường xuyên bị mỏi và cảm giác rất khó chịu chạy dọc từ cổ đến sống lưng. Tôi cũng đã mất ngủ mấy năm nay, phải dùng đủ loại thuốc ngủ nhưng khi ngưng thuốc là 2 mắt mở trừng trừng suốt đêm. Tôi muốn hỏi, liệu trình điều trị mất ngủ bằng máy từ trường kéo dài bao lâu? Chi phí thế nào? Bảo hiểm có chi trả không? Xin cảm ơn BS Tuấn.[/HOI]
[DAP]BS.CKI Trần Quốc Tuấn trả lời:

Bạn thân mến,

Tình trạng của bạn là rối loạn giấc ngủ. Nếu điều trị ở địa phương là Đà Nẵng thì nên đến bệnh viện, sau khi thăm khám bác sĩ sẽ tìm được nguyên nhân gây ra bệnh, từ đó có phương pháp điều trị tối ưu nhất.

Hoặc nếu có thể thì ra TPHCM, đến Bệnh viện Gia An 115 để các bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây bệnh, phương pháp chữa như thế nào, liệu trình ra sao, giá tiền, BHYT thanh toán… sẽ được tư vấn, giải đáp cụ thể. Hoặc bạn có thể gửi kết quả cận lâm sàng đã làm trước đó về email cho bác sĩ, chẳng như điện não để được tư vấn tốt nhất.

Sau đó, bạn có thể trở về điều trị ở địa phương theo phác đồ của bác sĩ TPHCM hoặc phối hợp để tối ưu nhất.[/DAP]

[HOI]Phạm Văn Quý - Email: phamvanquy...@gmail.com

Em bị đau đầu, chóng mặt, mờ mắt, ù tai, mất ngủ, nói trước quên sau, mất thăng bằng, thiếu máu lên não, suy nhược thần kinh chức năng. Có phương pháp tập luyện hay loại thuốc nào chữa khỏi bệnh không ạ?[/HOI]

[DAP]BS.CKI Trần Quốc Tuấn trả lời:

Bạn Quý thân mến,

Bạn có nhiều triệu chứng liên quan đến Nội thần kinh. Với các triệu chứng này thì bạn nên đến bệnh viện gần nhất có khoa Nội thần kinh hoặc đến Bệnh viện Gia An 115 thì bác sĩ sẽ khám hội chẩn làm xét nghiệm để tìm ra phương pháp điều trị tối ưu nhất cho bạn.[/DAP]

[HOI] Đoàn Phú Thắng - Email: thangphu@gmail.com, Điện thoại: 0817784441

Em bị tai nạn lao động do vật cứng rơi trúng vào đầu, máu ra nhiều quá nên giờ đầu em lâng lâng, mất ngủ, tay chân yếu. Cho em hỏi em muốn điều trị thì mất khoảng bao nhiêu tiền? Do gia đình cũng khó khăn nên em không giám đi bệnh viện. Mong bác sĩ cho em biết giùm. Em cảm ơn.[/HOI]

[DAP]BS.CKI Trần Quốc Tuấn trả lời:

Để điều trị rối loạn giấc ngủ do chấn thương đầu, bạn nên đến Bệnh viện Gia An để được các bác sĩ khám tìm nguyên nhân. Hiện bây giờ có một số gói khám ưu tiên, bạn nên đến sớm để được điều trị kịp thời.[/DAP]

[HOI]Ngô Thị Thuý Xinh - Email: thuyxinh...@gmail.com

Em 29 tuổi, có những triệu chứng như: đau đầu, mất ngủ, hay cáu gắt, đôi khi tự cảm thấy buồn, không muốn sống, chán đời, dễ nổi giận. Vậy em có nên đi khám chữa bệnh tại BV Tâm thần không? Trường hợp của em tập vật lý trị liệu có được không?[/HOI]

[DAP]BS.CKI Trần Quốc Tuấn trả lời:

Thúy Xinh thân mến,

Bệnh lý của bạn tương đối giống như rơi vào trạng thái trầm cảm. Để thoát khỏi trạng thái này, bạn đến khoa Phục hồi chức năng, bác sĩ sẽ khám, làm các xét nghiệm, test cần thiết, sau đó dùng sóng điện từ trường để trước mắt làm cho bạn an thần kinh, sau đó sẽ có phương pháp điều trị tốt hơn.[/DAP]

[HOI]MC Ngọc Hương

Trong suốt quá trình bác sĩ làm việc tại khoa Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, không biết có bệnh nhân hay ca bệnh nào đặc biệt mà bác sĩ ấn tượng đến giờ phút này?[/HOI]

[DAP] BS.CKI Trần Quốc Tuấn trả lời:

Có một trường hợp một cậu bé học sinh khoảng 12, 13 tuổi, ở nhà bán vật liệu xây dựng. Cứ mỗi lần đi học về bằng xe đạp thì không bao giờ thắng xe lại mà cứ tông xe vào đống cát rồi phóng ra. Như mọi lần, một hôm cậu bé này lại tông xe đạp vào đống cát thì bị té xuống nằm lẫn vào đống cát, người nhà cứ tưởng cháu này giỡn nên cũng không để ý. Cho đến khi cổ cháubị vẹo và không thể xoay được, ăn cơm không nuốt được thì bố mẹ mới đưa đi khắp nơi, từ đông y đến tây y, từ miền Nam đến miền Bắc.

Có lần tình cờ bố cậu bé này đưa con đến gặp tôi, và cũng không hy vọng là cổ cậu bé quay trở về bình thường. Tôi đã nắn trượt khớp với những kỹ thuật chuyên môn. Khi nắn trở về bình thường thì cậu bé khóc, bố cũng khóc bởi cổ cháu đã về trạng thái ban đầu. Hôm sau bố mẹ cậu bé tới và chia sẻ niềm vui với bác sĩ.

Một câu chuyện khác là có một cô gái tới với tình trạng hàm khép không kín. Chuyện là sau khi ngủ dậy, cô gái đi vệ sinh răng miệng, ngáp một cái thì trệch khớp thái dương hàm nên miệng khép không kín, mũi chảy nước… Tôi chỉ lắc một cái thì khớp thái dương hàm về trạng thái bình thường, ăn nói bình thường.

Cả cuộc đời làm bác sĩ của tôi có vô vàn câu chuyện về bệnh nhân. Có những chuyện người ta chấp nhận. Có những người bị teo cơ một bên, hạn chế vận động, cầm nắm hoặc đi, người ta khiếm khuyết một cái gì đó. Từ lúc nhìn thấy tôi đã muốn chữa cho họ nhưng có những người rất tự ái và phản ứng, nhưng vài ngày sau họ tìm đế tôi và chia sẻ nên tôi đã chữa cho họ.[/DAP]

thoát tàn phế nhờ vật lý trị liệu - phục hồi chức năng

thoát tàn phế nhờ vật lý trị liệu - phục hồi chức năng

Trân trọng cảm ơn BS.CKI Trần Quốc Tuấn - Trưởng khoa Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng - Bệnh viện Gia An 115 đã dành thời gian tư vấn cho bạn đọc AloBacsi. Xin hẹn gặp lại trong chương trình lần sau!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X