Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK2 Dương Quốc Cường: “Tiêm nội nhãn bằng thuốc kháng VEGF cho kết quả rất ngoạn mục trong điều trị thoái hóa hoàng điểm tuổi già”

Với mong muốn nâng cao nhận thức cộng đồng về các bệnh lý về mắt, nhân Ngày Thị giác thế giới năm 2024, BS.CK2 Dương Quốc Cường, Phó trưởng khoa Dịch kính võng mạc - BV Mắt TP.HCM đã có buổi trao đổi về chủ đề: “Thoái hóa hoàng điểm tuổi già: Đừng Bỏ Quên Đôi Mắt Mẹ Cha”.


Buổi trao đổi này nằm trong khuôn khổ chương trình tư vấn chăm sóc sức khỏe cộng đồng của VTC14 với sự đồng hành của Bayer Việt Nam. Mời bạn đọc cùng gặp gỡ và đến với phần tư vấn chuyên khoa của BS.CK2 Dương Quốc Cường, chuyên gia hàng đầu về nhãn khoa, với hơn 15 năm kinh nghiệm khám và điều trị bệnh lý hoàng điểm.

Thưa bác sĩ, thoái hóa hoàng điểm tuổi già là gì và dấu hiệu nào để chúng ta nhận biết về căn bệnh này?

Bác sĩ Dương Quốc Cường: Thoái hoá điểm tuổi già là bệnh thường gặp ở người từ 50 tuổi trở lên. Trong cấu trúc của mắt có bộ phận ở đáy mắt gọi là võng mạc, là nơi tiếp nhận ánh sáng và vùng hoàng điểm là vùng giúp mắt nhìn rõ nét, chi tiết nhất. Thoái hóa hoàng điểm diễn tiến theo quá trình lão hóa với nguyên nhân cụ thể chưa được làm rõ, bắt đầu với các chất cặn tích tụ bên dưới hoàng điểm và phá vỡ chức năng bình thường võng mạc, sau đó các mạch máu mới tăng sinh gây phù, chảy máu, sẹo hóa võng mạc và giảm thị lực nhanh chóng. Một số triệu chứng ban đầu bệnh nhân cảm thấy là nhìn mờ, nhìn đường thẳng bị cong vênh lên. Khi bệnh diễn tiến nặng có những trường hợp xuất huyết trong võng mạc, dẫn tới nguy cơ mất thị lực.

Dấu hiệu quan trọng nhất mà chúng tôi thường khuyến khích bệnh nhân tự kiểm tra mắt tại nhà là hãy nhìn vào những đường thẳng hoặc là hình ảnh chụp những đường thẳng. Bệnh nhân tự che từng mắt, nếu thấy những đường thẳng này bị cong đi chính là dấu hiệu đặc trưng của bệnh thoái hoá hoàng điểm tuổi già. Đây là những dấu hiệu giúp bệnh nhân phát hiện bệnh sớm để đi khám và điều trị kịp thời, giúp bảo vệ và cải thiện thi lực.

Nhìn thấy đường thẳng bị cong méo và màu sắc, độ sáng bị giảm cường độ là những biểu hiện đặc trưng ban đầu của bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già.

Thoái hóa hoàng điểm có những loại nào và bệnh này có thể trị khỏi không thưa bác sĩ? 

Bác sĩ Dương Quốc Cường: Thoái hoá hoàng điểm tuổi già có hai thể là thể khô và thể ướt. Đa số những bệnh nhân là thể khô chiếm 90%, 10% là thể ướt. Tuy nhiên, trên 90% những bệnh nhân bị mất thị lực là do thể ướt gây ra.

Nếu bệnh nhân được chẩn đoán sớm và điều trị tích cực thì có thể cải thiện được thị lực. Nhiều số trường hợp có thể khôi phục thị lực hoàn toàn.

Quá trình diễn tiến thoái hóa hoàng điểm từ thể khô đến thể ướt.

Vậy hiện nay, tại Việt Nam đang áp dụng phương pháp điều trị bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già như thế nào thưa bác sĩ?

Bác sĩ Dương Quốc Cường: Với thoái hóa hoàng điểm thể khô, người bệnh có thể bổ sung vitamin và khoáng chất (như vitamin C, E, lutein, zeaxanthin, kẽm), áp dụng chế độ ăn tốt cho mắt như rau củ có màu sắc đậm và cá, tránh những loại thịt đậm màu để ngăn ngừa và làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.

Còn đối với thể ướt, trước năm 2004, các phương pháp điều trị chủ yếu nhằm duy trì thị lực cho những người phát hiện sớm và không mang lại hiệu quả rõ ràng đối với bệnh nhân phát hiện muộn. Từ năm 2004, thuốc kháng VEGF (thuốc chống tăng sinh mạch máu) ra đời là cuộc cách mạng cho ngành dịch kinh võng mạc. Phương pháp tiêm nội nhãn với thuốc kháng VEGF đã mang lại hiệu quả cao trong việc điều trị và khôi phục thị lực cho bệnh nhân thoái hóa hoàng điểm tuổi già thể ướt. 

Vậy bác sĩ có thể cho biết việc tiêm thuốc kháng VEGF điều trị thoái hóa hoàng điểm diễn ra trong thời gian bao lâu và liệu trình như thế nào?

Bác sĩ Dương Quốc Cường: Bệnh nhân tiêm nội nhãn cần tuân thủ đúng liệu trình của bác sĩ. Đầu tiên là liều tấn công gồm ba mũi tiêm cách nhau 4 tuần. Sau đó, chúng ta có các hướng điều trị như: thứ nhất là điều trị hàng tháng, nghĩa là hàng tháng bệnh nhân tới khám và được tiêm định kỳ, liệu trình này sẽ gây ra tốn kém. Liệu trình thứ hai là tiêm tùy biến. Bệnh nhân tới khám và bác sĩ đánh giá hoạt tính của bệnh này không còn thì có thể ngưng tiêm. Nếu bị tái phát trở lại thì bệnh nhân mới cần quay lại tiêm. Nhược điểm của liệu trình này là khi bệnh tái phát trở lại thì việc điều trị sẽ khó khăn hơn vàthị lực của bệnh nhân khó hồi phục lại như cũ.

Vì vậy, gần đây, các bác sĩ thường sử dụng liệu trình điều trị và giãn cách. Bệnh nhân được tiêm thuốc nội nhãn đến khi bệnh đã ổn định rồi thì bắt đầu giãn cách thời gian thăm khám và tiêm thuốc. Ví dụ như thay vì mỗi tháng thì 6 tuần bệnh nhân mới quay lại tái khám, sau đó có thể kéo dài lên 8 tuần và 12 tuần. Hiện nay có những loại thuốc cho phép kéo dài lên đến 16 tuần bệnh nhân mới phải quay lại tái khám và tiêm. Liệu trình này giúp cho bệnh nhân tiết kiệm được thời gian và sức lực, đồng thời vẫn kiểm soát tốt để bệnh không tái phát trở lại.

BS.CK2 Dương Quốc Cường, Phó trưởng khoa Dịch kính võng mạc - BV Mắt TP.HCM.

Xin bác sĩ tư vấn thêm chúng ta có thể làm gì nào để phòng ngừa bệnh cũng như cần lưu ý gì trong quá trình điều trị

Bác sĩ Dương Quốc Cường: Phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh, chúng ta cần phòng ngừa, phát hiện dấu hiệu các vấn đề về mắt và tìm kiếm sự điều trị sớm.

Thống kê cho thấy những người ở độ tuổi ngoài 50, có chế độ ăn ít thực phẩm từ cá, ít các chất kháng oxy hóa, tiền sử gia đình có người bị thoái hóa hoàng điểm tuổi già, người bị viễn thị, có đồng tử sáng màu thường có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn. Bên cạnh đó, một số yếu tố cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già bao gồm thừa cân, béo phì, hút thuốc lá, tăng cholesterol, tăng huyết áp, có bệnh lý tim mạch. Cần phải chủ động kiển soát tốt những yếu tố nguy cơ này và có chế độ ăn uống phù hợp như ăn nhiều rau xanh, cá, tránh thịt có màu đỏ đậm, nên bổ sung đầy đủ vitamin C, E, glutein,...

Người đã phát hiện bệnh nên nhanh chóng tìm đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời nhằm bảo vệ thị lực. Cần tuân thủ liệu trình của bác sĩ, không tự ý ngừng điều trị. Một số bệnh nhân khi thị lực được cải thiện đã tự ý ngừng điều trị, khi bệnh tái phát thì rất khó để khôi phục lại thị lực.

Xin cảm ơn những thông tin hữu ích của bác sĩ. 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X