Hotline 24/7
08983-08983

Bộ Y tế khuyến cáo những thực phẩm dễ gây ngộ độc botulinum và cách phòng ngừa

Bộ Y tế cũng khuyến cáo thực phẩm gây ngộ độc botulinum có thể gặp cổ điển nhất là thịt hộp. Nhưng các loại thực phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản... được sản xuất không đảm bảo và đóng gói kín cũng có thể phát triển thành vi khuẩn và sinh ngoại độc tố gây ngộ độc.

Vừa qua, sự việc nhiều người nhập viện cấp cứu do ngộ độc thực phẩm Minh Chay chứa chất độc botulinum khiến nhiều người dân lo lắng.

Đây là chất độc thần kinh cực mạnh, nó xâm nhập vào các tế bào thần kinh, rồi ngăn chặn sự giải phóng chất dẫn truyền acetylcholine từ các đầu dây thần kinh. Một khi chất dẫn truyền thần kinh này bị chặn, xung thần kinh không thể truyền dẫn được nữa, giao tiếp các tế bào thần kinh không được thực hiện, làm cho các cơ bị tê liệt.

Độc tố Botulinum có 7 loại, ký hiệu bằng các chữ cái theo thứ tự từ A đến G, riêng loại C gồm hai loại phụ, như vậy tổng cộng có 8 chất độc tất cả. Nhiễm độc ở người loại A và B là phổ biến nhất, sau đó đến loại E và F, 4 loại còn lại ít gặp hơn.

Nguy hiểm như vậy nhưng Botulinum không chịu được nhiệt, nếu đun ở 100⁰C, sau 2 phút chất độc bắt đầu biến tính và giảm độc lực, đun đến 10 phút có thể bị phá hủy. Đây là điều may mắn, bởi thực phẩm đun sôi nhiệt độ xấp xỉ 100⁰C, nên đồ ăn tươi nấu chín về cơ bản là yên tâm.

Thực phẩm nào dễ gây ngộ độc botulinum?

Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn tạm thời chẩn đoán, điều trị ngộ độc botulinum. Theo hướng dẫn này, ngộ độc botulinum hay gặp ở người ăn uống thực phẩm thực phẩm có sẵn độc tố botulinum do các chủng vi khuẩn clostridium sinh ra. Bệnh cảnh chính là liệt ngoại biên đối xứng hai bên kiểu lan xuống, liệt toàn bộ các cơ mức độ khác nhau, trong khi người bệnh vẫn tỉnh táo.

Bộ Y tế khuyến cáo những thực phẩm dễ gây ngộ độc butulinum và cách phòng ngừaBộ Y tế đã đưa cảnh báo khẩn cấp về độc tố Botulinum sau nhiều ca ngộ độc do ăn Pate Minh Chay

Bộ Y tế cũng khuyến cáo thực phẩm gây ngộ độc botulinum có thể gặp cổ điển nhất là thịt hộp (do đó vi khuẩn gây bệnh được gọi là vi khuẩn độc thịt). Tuy nhiên, các vụ ngộ độc trên thế giới cho thấy tất cả các loại thực phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản... được sản xuất không đảm bảo và đóng gói kín (ví dụ đồ hộp, can, lon, chai, lọ, bao, túi, gói) cùng với môi trường bảo quản bên trong không đảm bảo dẫn tới bào tử phát triển thành vi khuẩn và sinh ngoại độc tố gây ngộ độc.

Phổ biến là thực phẩm chế biến, đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình hoặc điều kiện sản xuất không đảm bảo. Có thể gặp các trường hợp ngộ độc với sản phẩm sản xuất công nghiệp và ăn tại các nhà hàng.

Xu hướng ngộ độc tăng lên trên thế giới do trào lưu sử dụng túi hút khí chứa đựng thực phẩm, bảo quản thực phẩm không đảm bảo, sử dụng tủ lạnh không đúng, đun lại không đủ chín trước ăn.

Dấu hiệu ngộ độc botulinum

Người ngộ độc có thể khởi phát bệnh ở 12-36 giờ sau ăn, nhưng dao động trong khoảng 6 giờ - 8 ngày sau ăn, với các dấu hiệu bệnh như nôn, buồn nôn, liệt đối xứng 2 bên bắt đầu từ vùng đầu - mặt, cổ, lan dần xuống chân, sụp mi, nhìn đôi, nhìn mờ, nói khó, liệt vùng ngực - bụng, liệt 2 chân, phản xạ gân xương thường giảm hoặc mất nhưng người bệnh vẫn tỉnh táo.

Trường hợp ngộ độc nặng dẫn tới liệt cơ hô hấp, suy hô hấp có thể tử vong. Liệt nặng nề kéo dài dẫn tới nhiều biến chứng như nhiễm trùng bệnh viện, đặc biệt viêm phổi và các biến chứng thở máy, các biến chứng do bất động, nằm kéo dài, loét, liệt ruột, táo bón, trào ngược, sặc phổi.

Ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum là ngộ độc nặng, tỷ lệ tử vong cao, thời gian liệt có thể kéo dài. Thời gian thở máy cần trung bình khoảng 2 tháng sau đó mới có thể cai thở máy, tuy nhiên bệnh nhân cần nhiều tháng để phục hồi.

Làm gì để phòng ngừa ngộ độc botulinum?

Theo khuyến cáo từ Bộ Y tế, để phòng ngừa ngộ độc do botulinum, người dân cần:

  • Chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được công nhận.
  • Thận trọng với các thực phẩm đóng kín như trên nhưng có mùi hoặc màu sắc thay đổi, hoặc có vị thay đổi khác thường (ví dụ như sữa chua nhưng không còn vị chua bình thường).
  • Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá (chỉ có nhiệt độ đông đá mới làm vi khuẩn ngừng phát triển và không sinh độc tố).
  • Ưu tiên các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín. Lưu ý nấu chín sẽ phá hủy độc tố botulinum (nếu không may có trong thực phẩm).
  • Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối...), cần đảm bảo phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn.

[DAP]

Ngày 29/8, Bộ Y tế phát đi thông báo khẩn cấp về sản phẩm pate Minh Chay có chứa độc tố, độc lực cực mạnh. Kết quả kiểm nghiệm ban đầu một số sản phẩm pate Minh Chay của các lô khác nhau đã phát hiện vi khuẩn clostridium botulinum typ B. Đây là vi khuẩn kị khí tuyệt đối, sinh bào tử.

Độc tố của vi khuẩn clostridium botulinum có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ tử vong. Cục An toàn thực phẩm yêu người dân ngừng sử dụng mọi sản phẩm của Minh Chay và thu hồi.

[/DAP]

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X