Bổ sung sắt như thế nào là hợp lý cho phụ nữ trước và trong giai đoạn thai kỳ?
Các chuyên gia khuyến cáo rằng phụ nữ mang thai nên bổ sung sắt ngay từ giai đoạn đầu khi mang thai. ThS.BS.CK2 Diêm Thị Thanh Thủy - Trưởng khoa khám Tự nguyện II, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khuyến cáo, các sản phụ nên thực hiện xét nghiệm trước khi mang thai để xác định cơ thể đang thừa và thiếu dưỡng chất gì để bổ sung ngay những dưỡng chất cần thiết.
1. Có cảm giác buồn nôn khi dùng sắt bổ sung trong tuần thứ 8 của thai kỳ, nên làn gì để khắc phục tình trạng này?
Em đang bầu tuần thứ 8, bổ sung các vitamin tổng hợp, canxi thì không sao nhưng cứ bổ sung sắt thì lại sợ mùi tanh của sắt và có cảm giác buồn nôn, khi ngưng bổ sung thì lại không vấn đề gì. Em tạm ngưng đến khi hết nghén được không ạ BS? Nếu mà không ngừng được thì nên bổ sung loại nào để giảm mùi tanh này ạ?
ThS.BSCK 2 Diêm Thị Thanh Thuỷ trả lời: Bạn nên đi xét nghiệm để xác định chính xác nhất bản thân mình có thật sự thiếu máu không. Nếu sau xét nghiệm, xác định được cơ thể không thiếu máu, bạn không cần phải bổ sung thêm sắt. Các chuyên gia cũng đưa ra khuyến cáo rằng thai kỳ trong khoảng ngoài 20 tuần có thể bổ sung thêm canxi. Đối với sắt, các mẹ bầu nên bổ sung ngay từ đầu.
Nên chú ý đến các vấn đề khi bổ sung thêm chất vào cơ thể, đầu tiên là chú ý xem bạn có đang bị dị ứng với một loại thành phần nào của sắt hay không. Thứ hai là cơ thể bạn có đang bị rối loạn hấp thu hay không, phụ nữ có thai thường dạ dày sẽ bị kích thích gây tăng tiết dịch và khi bổ sung sắt vào cơ thể sẽ rất khó hấp thu. Tốt nhất bạn nên đi xét nghiệm, nếu thực sự cơ thể bị thiếu máu hay thiếu sắt, các bác sĩ sẽ lựa chọn một loại sắt phù hợp để bạn bổ sung thêm.
Nếu không thể đi xét nghiệm và vẫn muốn dùng thuốc bổ sung sắt, cách duy nhất là thử sử dụng nhiều loại. Bạn hãy thử qua nhiều loại thuốc và chú ý theo dõi xem loại nào phù hợp với mình nhất để có thể tiếp tục sử dụng, đây là phương pháp tốt nhất dành cho bạn. Với bất kỳ loại thuốc nào khi bổ sung vào cơ thể, nếu cảm thấy bất thường bạn nên dừng lại, cơ thể xuất hiện phản ứng có nghĩa là hoạt chất bạn bổ sung không phù hợp.
2. Sắt nên dùng vào thời điểm nào là tốt nhất, khi uống sắt có phải bổ sung thêm vi chất gì để tăng hấp thu không?
Khi mua sắt về uống, em đọc hướng dẫn sử dụng ghi là uống sau khi ăn sáng nhưng thấy một số mẹ bầu uống trước khi ăn sáng. BS cho em hỏi sắt nên dùng thời điểm nào là tốt nhất ạ? Và khi uống sắt có phải bổ sung thêm vi chất gì để tăng hấp thu không ạ BS?
ThS.BSCK 2 Diêm Thị Thanh Thuỷ trả lời: Đối với sắt sẽ được hấp thu tốt nhất trong môi trường axit. Chính vì vậy, các bác sĩ thường sẽ khuyên bệnh nhân uống bổ sung sắt khi bụng đói. Tuy nhiên, hiện nay loại viên uống sắt 3 sẽ dùng được vào bất kỳ thời điểm nào, do loại này không tan trong dạ dày và chỉ tan trong ruột. Vì vậy, viên sắt 3 có thể uống cả lúc đói hay no, nghĩa là trước khi ăn hoặc sau khi ăn đều được, còn loại viên uống sắt 2 nên dùng khi đói.
Khi lựa chọn sản phẩm bổ sung sắt, chúng ta nên hỏi bác sĩ viên nào nên uống vào thời điểm nào. Khi bổ sung vào cơ thể bất kỳ loại thuốc bổ sung chất nào, tốt nhất chúng ta nên đọc hướng dẫn sử dụng và bảng thành phần của thuốc trước khi dùng, để xác định xem viên uống loại đó nên uống lúc đói hay no. Về việc lựa chọn mua thuốc, bạn nên mua loại chính hãng, sau khi mua về nên đọc hướng dẫn xem dùng vào thời gian nào.
3. Cần lưu ý gì khi lựa chọn và sử dụng sản phẩm bổ sung sắt trong giai đoạn thai kỳ?
Thưa BS, em mang thai và được mội người mách sử dụng Folisid Forte với thành phần pyrophosphate siêu phân tán theo công nghệ SunActive 30mg, axit folic 400mg, đồng 1.5mg, vitamin C 120mg. Vậy em có dùng được sản phẩm này hay không? Em cần lưu ý điều gì khi sử dụng ạ?
ThS.BSCK 2 Diêm Thị Thanh Thuỷ trả lời: Với tất cả những loại sản phẩm thuốc khi được đưa ra ngoài thị trường, hàm lượng cần phải phù hợp để có thể hấp thu tối đa vào bên trong cơ thể. Bạn thính giả gửi câu hỏi trên về cho chương trình không cần quá lo lắng.
Điều quan trọng là tất những viên thuốc uống bổ sung trong giai đoạn thai kỳ, các mẹ bầu có thể chú ý xem xuất xứ của sản phẩm mình lựa chọn để đảm bảo tính an toàn. Nếu sản phẩm có xuất xứ chính thống, ví dụ như những loại thuốc có xuất xứ từ Châu Âu, được kiểm duyệt chặt chẽ và đảm bảo an toàn cao cho người sử dụng.
Với một viên thuốc có xuất xứ chính hãng, các mẹ bầu không cần quá lo lắng về bảng thành phần. Nên chú ý trong thời gian sử dụng thuốc, bạn cần lắng nghe cơ thể xem khi uống có những biểu hiện như thế nào. Sau khi sử dụng trong vòng 1 tuần, nếu thấy tiêu hóa tốt và tất cả mọi thứ trong cơ thể đều ổn, bạn có thể tiếp tục sử dụng trong thời gian dài.
4. Có cần bổ sung thêm sắt bên ngoài trong khi đã có chế độ ăn uống hàng ngày đầy đủ dưỡng chất không?
Trong chế độ ăn uống hàng ngày, em đã bổ sung nhiều các thực phẩm như thịt bò, các loại đậu, thịt gà, cá… và biết được những thực phẩm này có chứa nhiều sắt, vậy em có cần bổ sung thêm sắt bên ngoài nữa không thưa BS? Chu kỳ kinh nguyệt của em ra nhiều, đã đi khám BS rồi, không vấn đề gì ạ, nhưng em sợ sẽ thiếu máu, thiếu sắt, ảnh hưởng đến việc mang thai sau này. Mong BS tư vấn giùm em ạ.
ThS.BSCK 2 Diêm Thị Thanh Thuỷ trả lời: Một chế độ ăn lành mạnh, đủ chất sẽ cung cấp đầy đủ lượng sắt cho cơ thể. Nếu để ý thấy chu kỳ kinh nguyệt ra nhiều, có thể không cần đi xét nghiệm, bạn có thể bổ sung thêm một lượng sắt nhỏ, vừa đủ trong hàng tháng, không cần bổ sung hàng ngày. Một tháng có thể bổ sung trong 1 - 2 tuần để hỗ trợ cho giai đoạn kinh nguyệt.
Nếu bạn có chế độ ăn lành mạnh bình thường, cảm thấy khỏe mạnh, bình thường và không vấn đề gì về sức khỏe, không cần bổ sung thêm chất. Không nên để cơ thể quá phụ thuộc vào bất kỳ loại thuốc nào, nếu cảm thấy kinh nguyệt ra nhiều hơn mức bình thường, bạn có thể uống thuốc bổ sung để bù cho lượng kinh nguyệt đã mất.
5. Khi bị nghén trong giai đoạn thai kỳ, cần làm gì để cải thiện tình trạng táo bón khi bổ sung sắt?
Chào bác sĩ, em hiện tại đang mang bầu tuần thứ 10, bị nghén rất nặng không ăn uống được gì. Đi khám bác sĩ nói em bị thiếu sắt. Em đã mua một vài sản phẩm sắt theo đơn được kê, từ dạng nước cho đến dạng viên nhưng mùi rất tanh, uống lại hay bị táo bón.
- Bác sĩ cho em hỏi em có nên dừng uống không và nếu tiếp tục uống thì có cách nào cải thiện tình trạng táo bón không thưa BS?
ThS.BSCK 2 Diêm Thị Thanh Thuỷ trả lời: Khi đang trong giai đoạn thai nghén nặng, mẹ bầu cần cải thiện tình trạng nghén. Trong giai đoạn thai nghén sẽ không có bất kỳ loại thuốc nào nạp vào có thể làm cơ thể chịu được.
Tại khoa điều trị của bệnh viện Phụ sản Hà Nội có gói điều trị nghén, các bác sĩ sẽ cho sản phụ dùng thuốc. Đặc trưng của nghén chính là gây kích thích dạ dày khiến cho sản phụ nôn ra rất nhiều và gây rối loạn điện giải, thiếu muối, thiếu nước. Chính vì vậy khiến cho tình trạng thai nghén rất nặng.
Bạn có thể đến bệnh viện để được các bác sĩ truyền muối, truyền dịch và điều trị chống kích thích dạ dày để tình trạng của sản phụ ổn định. Khi tất cả các tình trạng thai nghén đã ổn định, lúc này bạn hãy đi tìm một loại thuốc bổ sung sắt phù hợp nhất với mình.
Phụ nữ mang thai rất nhạy cảm với mùi, nếu viên sắt có mùi quá tanh, người thai nghén sẽ không thể nào uống được. Tất cả những viên uống sắt chứa nguyên tố vô cơ đều có mùi rất tanh, bạn nên chọn những viên sắt sinh học sẽ ít có mùi tanh hơn. Các mẹ bầu nên lựa chọn và tìm một loại sản phẩm phù hợp nhất với mình.
6. Ngoài bổ sung sắt do thiếu máu, có nên bổ sung thêm chất nào khác để hấp thu tốt nhất vào cơ thể?
Hiện tại em đã bổ sung sắt và cũng đã thay đổi các loại sắt nhưng đi khám vẫn bị thiếu máu do thiếu sắt, vậy có phải do em bổ sung sắt chưa đủ liều đúng không ạ BS? Hay là do em hấp thu không tốt ạ? Nên bổ sung thêm chất nào khác để hấp thu tốt nhất vào cơ thể, thưa BS?
ThS.BSCK 2 Diêm Thị Thanh Thuỷ trả lời: Có một bệnh khiến cho cơ thể không thể nào hấp thụ sắt, ví dụ có một bạn trình dược viên phải thường xuyên vào Viện Huyết học để truyền sắt do cơ thể không hấp thụ được sắt.
Chúng ta cần biết rằng khi nhận thấy cơ thể bị thiếu máu, thiếu sắt nhưng bổ sung sắt thì cơ thể không hấp thu được. Việc đầu tiên, cần đi khám huyết học để xem cơ thể có mắc phải một căn bệnh nào đấy không thể hấp thu được sắt hay không? Nếu mẹ bầu đang sinh sống ở một sâu, không có điều kiện để đi xét nghiệm, có thể thử đổi sang loại thuốc khác, theo dõi cơ thể xem khi sử dụng qua loại thuốc khác tình trạng có tốt lên không.
Nếu cảm thấy sau một thời gian sử dụng cơ thể vẫn không ổn, bạn cần phải đến bệnh viện ngay để thực hiện xét nghiệm, kiểm tra xem bản thân có mắc bệnh lý nào gây ra việc không hấp thụ được sắt không.
Nếu bị rối loạn chuyển hóa sắt, cơ thể sẽ không thể hấp thu được sắt, những bệnh nhân mắc bệnh lý này thường xuyên phải đi truyền sắt. Chính vì vậy, hiện tại tôi không biết bạn thính giả gửi câu hỏi về cho chương trình đang trong tình trạng như thế nào, tôi không thể đưa ra lời khuyên cụ thể cho bạn. Theo tôi nếu có điều kiện bạn nên đến bệnh viện và thực hiện xét nghiệm để xem mình có bị rối loạn hấp thu sắt hoạc rối loạn chuyển hóa sắt không.
7. Để chuẩn bị đầy đủ cho quá trình mang thai cần bổ sung những dưỡng chất gì?
Chào BS, em có kế hoạch mang bầu vào 3 tháng tới. Chế độ ăn uống của em thì cũng không đầy đủ, do công việc văn phòng nên đa phần ăn ở ngoài thôi ạ. Xin nhờ BS tư vấn thêm giúp em để chuẩn bị đầy đủ cho quá trình mang thai:
- Thời điểm này em cần bổ sung những dưỡng chất nào ạ? Và bổ sung bao nhiêu là đủ cho người tính “thả bầu” như em, thưa BS?
ThS.BSCK 2 Diêm Thị Thanh Thuỷ trả lời: Ở người bình thường, nếu gặp các vấn đề về thiếu chất hay thiếu máu cũng đều cần bổ sung ngay. Ở những chị em phụ nữ mong muốn và có kế hoạch mang thai, dưỡng chất các bác sĩ yêu cầu bổ sung duy nhất là axit folic.
Tại sao phải bổ sung trước 3 tháng? Axit folic chỉ cần uống trong 1 tháng là đủ. Trong việc chống thiếu máu, còn có một triệu chứng là chốnng dị tật bẩm sinh đóng ống thần kinh. Vấn đề đóng ống thần kinh ở thai kỳ đã được đóng từ ngày 28 khi thụ thai. Nghĩa là từ lúc thụ thai ngày này đến ngày 28, ống thần kinh đã được đóng.
Thông thường hiều mẹ bầu có quan niệm sai lầm khi ngoài 6 tuần mới bắt đầu bù axit folic, lúc này việc bổ sung sắt sẽ không còn có tác dụng cho thai kỳ. Các bác sĩ luôn khuyến cáo các mẹ bầu nên bổ sung sắt từ lúc thụ thai đến 28 ngày để ống thần kinh đóng lại chống được dị tật ống thần kinh.
Trong nhiều trường hợp không xác định được thời điểm thụ thai, bác sĩ sẽ cho thai phụ bổ sung sắt trước 3 tháng khi người phụ nữ đưa ra mong muốn có em bé trong thời gian tới. Điều này giúp bổ sung dưỡng chất kịp thời trong giai đoạn người phụ nữ “thả” chờ mang thai. Nếu bạn bị thiếu máu, thiếu sắt, axit folic, có thể bổ sung bất kỳ lúc nào. Nếu thực sự bạn mong muốn việc bổ sung dưỡng chất để chống những dị tật thần kinh cho em bé phải bổ sung ngay từ lúc thụ thai.
8. Việc sử dụng sắt vượt quá hàm lượng được khuyến nghị gây hệ quả như thế nào?
BS ơi, em bầu được 12 tuần, đang uống vitamin tổng hợp có 500mg acid folic và 24mg sắt rồi vậy có cần bổ sung thêm sắt nữa không ạ, vì em nghe trên mạng thấy hàm lượng sắt phải bổ sung từ tuần 12 trở đi là 30 - 60mg sắt 1 ngày ạ. Và nếu uống sắt vượt quá khuyến nghị thì có sao không, thưa BS?
ThS.BSCK 2 Diêm Thị Thanh Thuỷ trả lời: Đây là một câu hỏi rất thường gặp, có một khoảng thời gian các bác sĩ đã nhần về vấn đề khi thấy viên thuốc bổ tổng hợp có chứa một lượng sắt nhất định, sẽ chỉ định cho bệnh nhân uống 1 loại thuốc tổng hợp và không cho uống thêm viên sắt.
Sau một thời gian, các bác sĩ nhận thấy rằng tất cả những bệnh nhân uống viên thuốc bổ tổng hợp trong suốt giai đoạn thai kỳ, nhất là khi thai đã lớn đều bị thiếu máu. Do viên thuốc bổ tổng hợp có lượng sắt không đủ bổ sung. Trong một số loại thuốc tổng hợp, nhà sản xuất ghi thành phần lượng sắt chứa trong sản phẩm đến 60mg nhưng khi bổ sung vào cơ thể vẫn không đủ.
Chính vì vậy, các bác sĩ đã đưa ra khuyến cáo, trong 3 tháng đầu, nghĩa là khi em bé còn nhỏ, chưa cần lượng máu nhiều, sắt nhiều, mẹ bầu có thể bổ sung chất bằng những loại vitamin tổng hợp. Nhưng bắt buộc từ sau 3 tháng, khi em bé lớn lên nhiều, khối lượng, lưu lượng máu tuần hoàn nhiều, cần nhiều sắt, bạn cần uống sắt. Không nên uống các loại thuốc bổ tổng hợp trong suốt quá trình thai kỳ.
Việc uống sắt vượt quá khuyến nghị là không nên, ông bà ta có câu “cái gì quá thì sẽ không tốt”, do đó người phụ nữ mang thai nên dùng đúng và dùng theo lời khuyến cáo của chuyên gia. Ví dụ có một số bệnh nhân, bác sĩ kê đơn thuốc uống chỉ cần dùng 1 loại thì lại mua 4 loại để dùng vù nghĩ bổ sung càng nhiều sẽ càng tốt. Điều này là không đúng, nhà sản xuất và các chuyên gia đã khuyến nghị và hướng dẫn sử dụng trong từng loại sản phẩm, do đó chúng ta nên dùng đúng liều theo toa thuốc của bác sĩ và khuyến nghị từ nhà sản xuất.
9. Làm cách nào để khắc phục tình trạng mệt mỏi, da xanh xao thậm chí là môi khô nứt nẻ, lại hay buồn ngủ khi học và hoa mắt, chóng mặt khi phải thay đổi tư thế đột ngột?
Thưa BS, cháu nhà tôi 13 tuổi, mỗi lần đến tháng thì thấy con mệt mỏi, da xanh xao thậm chí là môi khô nứt nẻ, lại hay buồn ngủ khi học và hoa mắt, chóng mặt khi phải thay đổi tư thế đột ngột. BS có thể giải đáp giúp tôi lý do và cách khắc phục các triệu chứng này cho con mình được không ạ?
ThS.BSCK 2 Diêm Thị Thanh Thuỷ trả lời: Qua các triệu chứng bạn thính giả đề cập, cho thấy con bạn đang bị thiếu máu. Một trong những biểu hiện chính của thiếu máu chính là buồn ngủ. Cơ thể của con người rất linh hoạt, khi thiếu máu, biểu hiện đầu tiên chính là giảm oxy cao áp, giảm oxy não, do đó những người bị thiếu máu sẽ rất mệt mỏi và buồn ngủ. Ngay cả những trẻ ở độ 13 tuổi cũng sẽ thiếu máu với rất nhiều hệ luỵ.
Hiện nay, các bậc phụ huynh cho con em mình ăn uống và bổ sung rất nhiều dưỡng chất không cần thiết, dư thừa đến mức gây huỷ hoại cơ thể trẻ. Việc để trẻ bổ sung quá nhiều đường và thịt, không có sự kiểm soát khiến cho trẻ bị suy gan, trong khi cơ thể lại thiếu đi những dưỡng chất cần thiết khác.
Nếu con bạn có những biểu hiện bất thường, việc tốt nhất là bạn nên đưa trẻ đi khám để xem cơ thể con bạn đang dư thừa chất gì và thiếu chất gì và bổ sung đầy đủ. Độ tuổi 13 là chìa khoá cho trẻ trưởng thành về sau.
10. Khi lựa chọn sắt uống cho bà bầu nên lựa chọn sắt nước hay sắt viên?
BS cho em hỏi khi lựa chọn sắt uống cho bà bầu, em nên lựa chọn sắt nước hay sắt viên ạ? Có phải việc bổ sung sắt bằng dạng nước sẽ hấp thu tốt hơn bằng dạng viên phải không thưa BS? Có loại viên nào mà hấp thu tốt như dạng nước không ạ, vì em ngại dùng nước uống có mùi tanh của sắt lắm? Mong BS tư vấn giúp em ạ.
ThS.BSCK 2 Diêm Thị Thanh Thuỷ trả lời: Sắt nước hay viên cũng chỉ là một dạng bào chế, cơ bản công thức sắt vẫn giống nhau cho dạng sắt bổ sung vào cơ thể. Việc lựa chọn sắt uống cho các mẹ bầu là tuỳ thuộc vào cơ địa và thích ứng của từng người. Nhiều người sẽ không dùng được sắt dạng nước do có mùi tanh hơn.
Có một nhược điểm chung của sắt dạng nước các bác sĩ không mong muốn là dạng nước sẽ có chứa đường. Hiện nay, lượng bệnh nhân bị đái tháo đường thai kỳ rất nhiều, ở Viện Phụ sản có đến 36% mẹ bầu mắc phải, nghĩa là 1/3 sản phụ có đái tháo đường thai kỳ. Chính vì vậy, các sản phụ không nên tự ý mua thuốc bổ sung sắt. Tốt nhất nên đến cơ sở y tế thăm khám, các bác sĩ sẽ tư vấn dạng thuốc bổ sung phù hợp với bạn.
11. Có nên bổ sung sắt ngay sau sinh 2 tuần không, liều lượng bổ sung bao nhiêu là phù hợp?
Thưa BS, em mới vừa sinh con được 2 tuần, bé nhà em bú mẹ hoàn toàn. Cho em hỏi em có cần bổ sung sắt luôn hay không ạ? Nếu bổ sung thì liều lượng bao nhiêu là phù hợp?
ThS.BSCK 2 Diêm Thị Thanh Thuỷ trả lời: Sắt cần bổ sung khi sản phụ sáu tuần sau sinh, mục đích dùng không phải để em bé bú mà để bù cho lượng máu mất đi trong quá trình sinh con của người mẹ. Nếu trên cơ địa bạn đang thiếu máu, bất buộc bạn phải bổ sung sắt ngay.
Thông thường trước khi sinh, các mẹ bầu sẽ được thực hiện một bộ xét nghiệm, kết quả xét nghiệm cho bạn biết mình đang đủ hay thiếu sắt. Nếu trước sinh, kết quả xét nghiệm cho thấy cơ thể bạn đang thiếu sắt cần phải bổ sung ngay.
Phần 1: Thiếu máu, thiếu sắt: Ai có nguy cơ, bổ sung thế nào là hợp lý?
Trân trọng cảm ơn ThS.BS.CK2 Diêm Thị Thanh Thủy và Nhãn hàng Folisid Forte - Công ty Dược phẩm Phương Linh đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình