Hotline 24/7
08983-08983

Bí quyết bảo dưỡng sức khỏe từ tinh thần đến thể chất cho nghệ sĩ, diễn viên

Làm thế nào để những người làm trong lĩnh vực nghệ thuật vượt qua áp lực, bảo dưỡng sức khỏe trước lịch trình làm việc dày đặc, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi không tuân theo quỹ đạo thường thấy? BS.CK2 Trần Minh Khuyên đã đưa ra câu trả lời trong bài viết dưới đây. Mời bạn đọc theo dõi.

Đằng sau ánh hào quang, cuộc sống tràn đầy năng lượng của người nghệ sĩ là một guồng quay làm việc bất kể ngày đêm. Chính điều này khiến sức khoẻ của nghệ sĩ luôn bị đặt vào nguy hiểm, từ ảnh hưởng cơ xương khớp, tai mũi họng đến ung thư, đột quỵ.

Với mong muốn giúp những người hoạt động trong nghệ thuật bảo dưỡng sức khỏe tốt hơn từ tinh thần đến thể chất, AloBacsi đã mời BS.CK2 Trần Minh Khuyên - bác sĩ phụ trách khoa Tâm thể và Nội thần kinh - Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 chia sẻ kinh nghiệm từ một người đã từng "dấn thân" vào lĩnh vực này trước khi trở thành bác sĩ.

1. Nghệ sĩ, diễn viên đối diện với những áp lực, bệnh lý nào?

Chúng ta đã quen thuộc với BS.CK2 Trần Minh Khuyên - một chuyên gia thường xuyên tư vấn cho AloBacsi, cung cấp nhiều thông tin hữu ích về các bệnh lý: rối loạn lo âu, trầm cảm, mất ngủ, hoặc đưa ra những hướng dẫn kịp thời khi có sự kiện nóng như: cảnh giác với ma túy đội lốt đồ ăn vặt cổng trường, mới đây nhất là: làm sao để ngăn ngừa hành động tự tử ở lứa tuổi học đường.

Riêng trong chương trình này, BS Minh Khuyên sẽ chia sẻ với chúng ta một chút về chuyện đời, chuyện nghề của mình.

Hẳn nhiều bạn đọc sẽ rất bất ngờ khi được biết, trước khi trở thành bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh, BS Minh Khuyên đã từng là một diễn viên. BS có thể kể lại khoảng thời gian đó không ạ? Vì sao BS chọn nghề diễn viên, và sau đó chuyển sang ngành y, thưa BS?

BS.CK2 Trần Minh Khuyên trả lời:

Mến chào bạn đọc của Kênh truyền thông tư vấn sức khỏe AloBacsi. Tôi là BS Trần Minh Khuyên, chuyên khoa Tâm thần kinh - Trị liệu tâm lý, công việc của tôi là thường xuyên chia sẻ kiến thức cho các bạn đọc về vấn đề tâm lý, căng thẳng, stress trong cuộc sống. Nhưng hôm nay là một chương trình đặc biệt để tôi có thể tâm sự một chút về bản thân mình.

Thật sự tôi rất ngại khi nói về mình, tuy nhiên do một số nhu cầu giao lưu với bạn đọc cũng như các anh chị đồng nghiệp, nên tôi có một số chia sẻ về quãng thời gian mình đã trải qua.

Thời còn là sinh viên trường y, tôi vẫn đi học chăm chỉ, đều đặn, tuy nhiên trong lúc đó tôi cũng tự mình khám phá bản thân xem có sở thích gì, năng khiến gì đặc biệt để hỗ trợ trong công việc sau này. Bên cạnh đó, tôi cũng tham gia nhiều lĩnh vực, cuộc thi để coi có phù hợp với mình không.

Tình cờ năm 1990, tôi có nhận được bản thông báo tuyển người mẫu của công ty thời trang Legamax, một trong những công ty thời trang hàng đầu của TPHCM, và đây cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam tuyển và đào tạo người mẫu thời trang để giới thiệu sản phẩm công ty ra thị trường nước ngoài.

Tôi đã thi và trúng tuyển làm người mẫu chính thức của công ty. Sau đó thường xuyên được tập luyện các chương trình, đi giới thiệu sản phẩm mới của công ty, cũng như kết hợp 1 số chương trình ca nhạc.

Tôi hoạt động liên tục trong vòng 2 năm thì Nhà văn hóa Thanh niên kết hợp với Tổng công ty may mặc Việt Nam tuyển 1 lớp người mẫu mới, để thực hiện các chương trình giao lưu diễn thời trang với các nước trên thế giới như Thái Lan, Singapore, Nga.

Lúc đó có hơn 5.000 thí sinh tham dự, gần như lớn nhất của TPHCM và cả nước. Thí sinh nam là 3.000 người nhưng chỉ tuyển 5 người. Thí sinh nữ 2.000 người thì chỉ tuyển 10 người. Và tôi đã may mắn lọt vào Top 5.

Từ đó tôi vừa đi học vừa hoạt động lãnh vực người mẫu cũng như MC. Trong khóa học đó, tôi cũng được Ban tổ chức mời các giáo viên của trường sân khấu về dạy make up, tiếng nói sân khấu, cách đi đứng, cầm micro, và cách giao tiếp với khán giả.

Ngoài việc tham gia hoạt động tại Nhà hát TPHCM, tôi và các bạn đồng nghiệp còn đi lưu diễn tại các tỉnh thành, sau đó sinh hoạt tại sân khấu kịch Idecaf - sân khấu thời trang của viện trao đổi văn hóa Pháp.

Song song tôi cũng học thêm khóa MC chuyên nghiệp và được mời đi quay các MV ca nhạc, các chương trình karaoke trên băng đĩa nhựa thời đó.

Bên cạnh đó, cũng kết hợp với các diễn viên, người mẫu để thực hiện rất nhiều chương trình. Lúc đó tôi thật sự sống và làm việc hết mình với nghề.

Đã từng là người trong nghề, BS cảm thấy cuộc sống, công việc của giới showbiz có đặc trưng gì? Nếu nói đến áp lực thì áp lực gì là lớn nhất ạ?

BS.CK2 Trần Minh Khuyên trả lời:

Mỗi ngành nghề sẽ có đặc thù riêng, và nghề nào cũng có những mặt tích cực và ngược lại.

Thường các anh/chị/em nghệ sĩ làm việc giờ giấc không ổn định như giới văn phòng. Đôi khi buổi tối mọi người bắt đầu nghỉ ngơi thì giới nghệ thuật mới diễn để phục vụ khán giả.

Thường 1 xuất diễn sớm nhất cũng 20 giờ anh/chị/em nghệ sĩ mới làm việc, thành ra sau khi kết thúc công việc cũng là lúc 1, 2 giờ sáng. Sau đó họ tẩy trang rồi mới ăn tối, thành ra chuyện nghệ sĩ, ca sĩ trở về nhà lúc 3, 4 giờ sáng là việc hết sức bình thường.

Đôi khi chúng ta thấy họ có thể ngủ tới 8, 9 giờ sáng cũng là đương nhiên, bởi khi mình nghỉ ngơi thì họ mới làm việc và khi mọi người làm việc thì họ mới có thời gian nghỉ ngơi.

Trong khi làm việc nhiều như vậy, cộng với chế độ ăn uống, ngủ nghỉ thất thường ở giới nghệ sĩ sẽ đưa đến một số bệnh lý thuộc nghề nghiệp. Ví dụ, ca sĩ hoặc diễn viên kịch sẽ bị ảnh hưởng về vùng Tai mũi họng (thanh quản, hầu họng) khá nhiều. Do đó, lời khuyên tốt nhất là nên ngậm muối, mật ong, cam thảo và tự điều tiết sức khỏe của mình.

Gần đây, cộng đồng vô cùng thương tiếc khi phải tiễn biệt một số nghệ sĩ nổi tiếng qua đời vì bệnh đột quỵ, ung thư… Theo BS, đó có phải 2 căn bệnh mà người nghệ sĩ phải quan tâm hàng đầu?

BS.CK2 Trần Minh Khuyên trả lời:

Thật ra, nghệ sĩ, bác sĩ hay tất cả chúng ta đã là con người thì ai hay độ tuổi nào cũng có thể mắc bệnh.

Giới nghệ sĩ thì thường gặp các bệnh lý về tai mũi họng, thanh quản, hay bị tắc tiếng, viêm họng, nhưng vẫn có thể bị các bệnh khác như cao huyết áp, tim mạch do làm việc căng thẳng, rối loạn giấc ngủ do sinh hoạt trái giờ,… ăn vội làm vội để thực hiện công việc chính của mình là mang tiếng hát, nụ cười cho quý khán giả, nên họ bị ảnh hưởng khá nhiều đến sức khỏe .

Đồng thời, cùng với việc áp lực, căng thẳng, làm việc quá sức, đi sớm về khuya, đặc biệt lại tắm đêm tạo nên một thói quen không tốt và có thể đưa đến bệnh đột quỵ.

Vì thế, lời khuyên của tôi đó là khoảng 6 tháng đến 1 năm, anh chị em nghệ sĩ phải đi kiểm tra tổng quát xem mình có nguy cơ gì không để kiêng cữ và điều trị sớm.

Đột quỵ không loại trừ một ai, kể cả nghệ sĩ, diễn viên, bác sĩ, người làm văn phòng, công nhân... Vì vậy, dù là ai, ngành nghề nào cũng cần quan tâm, tầm soát sức khỏe định kỳ

Theo BS, có phải người nghệ sĩ vì quá mải mê công việc chưa quan tâm đúng mức đến sức khỏe của mình không ạ? Hay là do các nghệ sĩ ngại đi đến bệnh viện (là nơi đông người) để khám bệnh?

BS.CK2 Trần Minh Khuyên trả lời:

Thực ra 2 điều đó cũng tương tác với nhau.

Với giới nghệ sĩ, có khi 10 giờ tối mọi người đã đi ngủ hết nhưng họ vẫn còn ở nơi làm việc, ở sân khấu, phim trường để hoạt động nghệ thuật.

Họ thường xuyên ngủ trễ, nên rất dễ đưa đến tình trạng mất ngủ lâu ngày và thậm chí đó như là thói quen hàng ngày. Đặc biệt, có một số người sau 12 giờ đêm diễn xong lại tập trung lại và diễn một vở kịch mới, do đó việc thức đến 4, 5 giờ sáng làm chuyện gần như thường ngày.

Nhưng khi bị bệnh họ lại hay lướt qua, bởi công việc quá nhiều cứ thôi thúc, lôi cuốn họ làm và không có thời gian quan tâm sức khỏe của mình. Chỉ đến khi kết thúc một đợt diễn, sau 1 bộ phim họ mới có thời gian nghỉ ngơi và bắt đầu xem lại mình có bệnh lý gì không.

Ví dụ một số người bị rối loạn giấc ngủ, căng thẳng, stress có nghĩ đến việc tới bệnh viện điều trị, mà bệnh này thì phải điều trị chuyên khoa tại Bệnh viện Tâm thần TPHCM, nhưng họ lại sợ ánh mắt và bị người hâm mộ phát hiện ra mình. Do đó, đã tìm tới các phòng mạch tư bác sĩ riêng để khám bệnh, tuy có lợi nhưng nó lại thiếu sự hoàn chỉnh về thiết bị, máy móc trong vấn đề theo dõi và tầm soát bệnh lý.

Do đó, các anh chị em nghệ sĩ cần lưu ý có sức khỏe thì mới làm được nhiều việc, mới công hiến cho khán giả. Vì vậy hãy luôn quan tâm đến sức khỏe của mình là trên hết.

2. Làm thế nào để nghệ sĩ, diễn viên giải tỏa áp lực, bảo dưỡng sức khỏe tốt hơn?

BS có thể đưa ra hướng dẫn giúp các diễn viên, nghệ sĩ quan tâm, bảo vệ sức khỏe cho mình? (VD: Làm sao để giải tỏa stress, khi nào phải đi khám tổng quát, khi đi lưu diễn dài ngày thì chuẩn bị những gì…)

BS.CK2 Trần Minh Khuyên trả lời:

Đối với người bình thường thì chúng ta nên 6 tháng định kỳ phải đi khám tổng quát 1 lần. Khi đi khám như vậy sẽ được thăm khám nhiều chuyên khoa, làm xét nghiệp tổng quát xem có cholesterol cao, mỡ máu, đường huyết cao hay không và gần đây nhất là tầm soát đột quỵ.

Thứ nhất đột quỵ có thể do tim, thứ 2 là do não, vì thế chúng ta có thể chụp MRI để xác định xem mạch máu của mình có vấn đề gì không, từ đó đưa ra phương án phòng ngừa phù hợp.

Tiếp theo phải đo tiện tim, kiểm tra xem có suy mạch vành, thiếu máu cơ tim không, hoặc có những bệnh lý tắc nghẽn, dị dạng mạch máu, có mảng xơ vữa, men gan tăng,… Nếu nghi ngờ bác sĩ sẽ cảnh báo và chúng ta phải uống thuốc theo chỉ định, dự phòng các biến chứng.

Đặc biệt với những người thường phải đóng vai cảm xúc nội tâm thì sau đợt diễn họ sẽ rất mệt, thậm chí trong đợt diễn đó huyết áp có thể tăng cao, nhịp tim tăng khiến họ vô cùng mất sức.

Do đó, nếu  biết bị cao huyết áp thì nên hoạt động ở mức độ cho phép; có bệnh suy tim, hen suyễn,… thì phải mang theo những loại thuốc cần thiết bên mình và uống đúng giờ để khi lúc nào chúng ta mệt cũng có sẵn thuốc dự phòng.

Trước khi đi lưu diễn tỉnh cũng vậy, ngoài các vật dụng như son, phấn, quần áo,.. phải đem theo thì cần trang bị thêm 1 túi y tế nhỏ. Trong đó, bắt buộc phải có những thuốc cần thiết như đau bụng, hạ sốt, chóng mặt... Ngoài ra, nếu có bệnh như cao huyết áp, hen suyễn, thiếu máu cơ tim,… thì phải chuẩn bị cả thuốc đặc trị. Làm gì làm, diễn gì diễn phải uống thuốc đúng giờ, khi mệt phải biết dừng lại nghỉ ngơi, kiểm tra sức khỏe có ổn không, vì sức khỏe là trên hết.

3. Bí quyết nào bảo vệ vòm họng, thanh quản cho ca sĩ, MC?

Bạn em cũng là ca sĩ, gần đây Hà Nội trở lạnh, cô ấy lại sắp có show diễn ngoài đó. Vậy làm sao để bảo vệ họng tốt hơn trong thời gian này thưa bác sĩ?

Đức Tuấn - tuanduc09...@gmail.com

BS.CK2 Trần Minh Khuyên trả lời:

Những anh chị hoạt động về chuyên môn, đặc biệt là ca sĩ thì thường sử dụng vòm họng, thanh quản nhiều. Khi hoạt động quá mức như vậy có thể gây tổn thương. Vì vậy, khi sống trong môi trường lạnh, ẩm hoặc thời tiết khắc nghiệt, điều quan trọng nhất là các anh chị cần làm là không thay đổi nhiệt độ đột ngột (ví dụ như từ phòng ấm ra môi trường bên ngoài lạnh, thậm chí là môi trường khói bụi…).

Đồng thời, cần đeo khẩu trang để tránh hít không khí lạnh, bụi bặm trong môi trường sống và đeo khăn quàng cổ để luôn giữ ấm vùng hầu họng. Khi thực hiện tốt các biện pháp này sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về tai mũi họng, nhất là đau họng, viêm họng, viêm thanh quản có thể đưa đến khàn tiếng hoặc mất tiếng.

Lưu ý, để bảo vệ vùng này, người bạn của Tuấn cũng không nên uống nước đá, kể cả nước quá lạnh, rượu bia vì điều này có thể gây tổn thương những niêm mạc, vùng hầu họng. Đây dường như là những loại nước uống kiêng kị với những người hoạt động cần sử dụng nhiều về tiếng nói như ca sĩ, MC…

Trong giới làm nghệ thuật có câu nói “ăn như múa, ngủ như ca”. Những người trong vũ đoàn phải hoạt động nhiều, hoạt động mạnh nên ăn rất nhiều để giữ sức khỏe, đủ dinh dưỡng, còn những anh chị ca sĩ, nghệ sĩ, hoặc người sử dụng tiếng nói để phục vụ cho công tác nghệ thuật giấc ngủ là rất quan.

Nếu thức khuya, ngủ không đủ giấc sẽ ảnh hưởng đến giọng nói. Ngược lại, nếu có giấc ngủ trọn vẹn thì vùng hầu họng phát âm ra đầy nội lực. Đặc biệt, để có giọng trầm ấm hơn thì người ta sử dụng hơi từ bụng lên, nên thường sẽ có những bài tập hít thở, yoga để giữ hơi tốt, luyện thanh và đặc biệt lúc nào cũng phải giữ ấm cho vùng hầu họng.

Thậm chí nhiều người còn có thói quen trước khi đi ngủ uống một ly nước ấm kèm với mật ong hoặc một số vị thuốc như cam thảo… Kết hợp với đó là họ súc họng đúng cách để giữ cho thanh quản lúc nào cũng khỏe mạnh, có giọng nói trầm ấm, tiếp tục phục vụ công việc trong thời gian lâu dài.

Uống nước ấm là một trong những bí quyết bảo vệ sức khỏe, nhất là dành cho những người hoạt động, làm việc nhiều bằng giọng nói

4. Làm thế nào để vượt qua stress?

Không chỉ nghệ sĩ stress đâu ạ. Em bị stress vì thất nghiệp, làm sao để em vượt qua bây giờ?

Nguyễn Thái thiện - Thiện.nguyen...@yahoo,com

BS.CK2 Trần Minh Khuyên trả lời:

Thái Thiện thân mến,

Tất cả chúng ta ai cũng đều có nguy cơ phải đối diện với stress. Tình trạng này không chừa một ai, bất kể lứa tuổi, ngành nghề, từ công nhân, giáo viên, người làm văn phòng, nghệ sĩ… Thậm chí ngay cả bác sĩ đều bị stress, vấn đề tự tử trong giới y khoa cũng rất cao chứ không riêng ngành nghề nào cả.

Mỗi người, mỗi giai đoạn đều có những nguyên nhân dẫn đến stress khác nhau. Ngay cả trong đại dịch COVID-19, do biến động kinh tế khiến chúng ta mất việc, gây ảnh hưởng gia đình, cuộc sống nên dễ bị stress, đặc biệt là rối loạn lo âu.

Điều này cũng dễ hiểu. Trước kia, mỗi ngày chúng ta tất bật với công việc, đôi lúc không đủ thời gian để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Nhưng bây giờ thất nghiệp, chúng ta dư giả về thời gian nhưng bắt đầu lại lo lắng nhiều hơn về kinh tế.

Để thoát khỏi tình trạng này, trước tiên bạn cần phải xây dựng suy nghĩ tích cực hơn. Trước đây, chúng ta không có thời gian để sống cho bản thân mình, lúc nào cũng vùi đầu vào công việc thì bây giờ hãy thực hiện những điều mình mong ước.

Thậm chí, trong quá trình làm việc chúng ta nhận ra phần kiến thức còn thiếu nhưng chưa có dịp để trau dồi thì đây là thời điểm tận dụng thời gian đang tạm dừng công việc để đầu tư, lấp đầy những thiếu sót đó, giúp bản thân hoàn thiện hơn.

Bạn có thể dùng quỹ thời gian này để ôn luyện ngoại ngữ, kỹ năng. Ví dụ người làm văn phòng thì nâng cao trình độ làm việc với máy tính. Hoặc nếu trong quá trình sinh hoạt vấn đề giao tiếp của bạn chưa được hoàn chỉnh thì có thể đăng ký lớp học trò chuyện trước đám đông. Thậm chí chúng ta có thể học các vấn đề trong cuộc sống thường nhật mà bình thường không có thời gian để tìm hiểu…

Sau một khoảng thời gian khi đã có công việc mới với trạng thái tự tin hơn, kiến thức và kỹ năng dồi dào hơn sẽ giúp bạn hoàn thành tốt vị trí mới phù hợp với tính cách, năng lực của mình.

5. Vượt qua tâm trạng đau buồn bằng cách nào?

Cái chết của nghệ sĩ cũng tác động tới tâm lý của fan, của cộng đồng, làm thế nào để mọi người vượt qua BS ơi? Chú Chí Tài mất cả nhà em buồn cả tuần nay.

Mật Ong Đậu Nành - Bạn đọc hỏi qua Youtube AloBacsi

BS.CK2 Trần Minh Khuyên trả lời:

Khi chúng ta quá yêu quý một người nào đó, dù là người thân, người bạn, hay thậm chí là thần tượng chắc chắn sẽ không khỏi xót xa, đau buồn. Nhưng chúng ta phải hiểu và xác định trong cuộc sống, con người ai rồi cũng trải qua thời kỳ hoàng kim về sức khỏe, học hành, nghề nghiệp nhưng đến độ tuổi nào đó sẽ xuất hiện bệnh tật, đôi khi không thể kháng cự lại được.

Song nếu chúng ta biết cách duy trì sức khỏe, phát hiện sớm những vấn đề bất thường của bản thân, thậm chí học cách đối diện với những tình trạng sức khỏe có khả năng “đeo bám” cả đời, điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, tập luyện, ăn uống điều độ… thì tất cả sự hòa hợp này sẽ giúp thuyên giảm một phần của bệnh tật. Đồng thời, với thái độ lạc quan, yêu đời cũng giúp giảm stress, mọi căng thẳng sẽ qua đi.

Đối với người thân, người nhà, thần tượng có biểu hiện, thông tin xấu về sức khỏe, chúng ta quan tâm thăm hỏi là nghĩa cử tốt, nhưng cũng cần bình tĩnh, chấp nhận bệnh tật có thể đến bất kỳ lúc nào, không chừa một ai. Khi xảy ra chuyện, chúng ta nên có lời động viên, bày tỏ sự quan tâm bằng cách thăm hỏi, cử chỉ khi cần để chia sẻ với nỗi đau, mất mát, nhưng biết kiềm chế, đừng biểu hiện thái quá, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân, vừa ảnh hưởng đến gia đình người nghệ sĩ.

6. Giải pháp nào cho người rối loạn tâm lý, vui buồn thất thường?

BS cho hỏi vợ em bị rối loạn tâm lý, dễ vui buồn thất thường, có vẻ bị stress trong cuộc sống và gây áp lực lên người khác. Giống rối loạn cảm xúc lưỡng cực. BS cho hỏi có thể gặp mặt trực tiếp để tư vấn được không?

Phan Nguyễn Kỳ Phúc - pnky...@gmail.com

BS.CK2 Trần Minh Khuyên trả lời:

Bệnh lý về căng thẳng, stress, rối loạn lo âu hoặc một số bệnh lý khác mà chúng ta hay nói về vấn đề tâm lý, thực tế trong số đó có những vấn đề chỉ cần được tư vấn với chuyên gia Tâm lý có thể giải tỏa được, nhưng có những bệnh lý thực sự cần phải gặp bác sĩ chuyên khoa về Tâm thần kinh, từ đó mới thăm khám và đưa ra phương án điều trị phù hợp.

“Bị vấn đề tâm lý” thực sự là vấn đề rất rộng. Trong bệnh lý có thể có stress, stress sau chấn thương, stress sau căng thẳng, rối loạn lo âu, thậm chí là rối loạn cảm xúc (trong rối loạn cảm xúc thì có thể trầm cảm, hưng cảm đơn thuần)…

Đặc biệt bạn có nói về cụm từ “rối loạn cảm xúc lưỡng cực”. Bệnh lý này có thể hiểu nôm na là một người trong vòng 2-3 tháng luôn có trạng thái hưng cảm, vui vẻ, hành động quá mức như ăn mặc lòe loẹt, thậm chí là hưng phấn, nặng hơn là hoang tưởng, tự mình nghĩ ra một con người nào đó hoàn toàn khác, nhận thấy tài năng, phát ngôn không chuẩn… Nhưng qua vài tháng sau sẽ dần dần chuyển sang trạng thái trầm cảm, tự ti, mất ngủ, chán đời, mất năng lượng và hàng loạt vấn đề khác. Khi bai bệnh này đan xen với nhau, vài tháng bị vấn đề này, vài tháng lại gặp vấn đề kia thì mới đưa vào tiêu chuẩn rối loạn cảm xúc lưỡng cực.

Tùy theo người bệnh ở giai đoạn này, ví dụ hưng cảm thì bác sĩ sẽ dùng thuốc điều chỉnh trạng thái ổn định hơn. Nếu ở giai đoạn trầm cảm thì bác sĩ sẽ nâng cảm xúc của người bệnh lên, kết hợp với một số vấn đề về thuốc men, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ, thậm chí là kết hợp với việc điều trị tâm lý, từ việc tập luyện, cân bằng cuộc sống, thậm chí bác sĩ sẽ tư vấn việc giảm bớt hoặc chuyển đổi công việc để phòng chống bệnh tái phát. Như vậy, trường hợp của vợ bạn cần đi khám càng sớm càng tốt.

Mặt khác, chúng ta cần phải thay đổi suy nghĩ về sức khỏe. Chúng ta thường quan niệm rằng, bệnh là đi không nổi, chừng nào không ra khỏi giường được mới là bệnh. Nhưng thực tế suy nghĩ này là chưa đủ.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phân tích rõ ràng 3 yếu tố: (1) sự thoải mái về thể chất, tức là cơ thể không bị bệnh gì cả, (2) là sự thoải mái tinh thần, không căng thẳng, không stress, không cọc cằn, dễ nổi cáu, lo âu, (3) là sự thoái mái trong mối quan hệ xã hội, chúng ta đi đến nơi làm việc mà lúc nào cũng căng thẳng…

Như vậy, nếu chúng ta bị vướng mắc 1 trong 3 yếu tố này thì có nghĩa là đã có vấn đề về sức khỏe, cần phải đến gặp bác sĩ. Tùy mỗi giai đoạn mà chúng ta phải điều chỉnh tâm lý, cân bằng cuộc sống - công việc, ở giai đoạn nào chúng ta cần phải dùng thuốc để điều trị bệnh lý. Do đó, điều quan trọng là chúng ta hãy lắng nghe cơ thể để phát hiện, giải quyết vấn đề trục trặc ngay từ giai đoạn sớm.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X