Bị loét dạ dày tá tràng, hút thuốc có ảnh hưởng gì không?
Em bị loét hành tá tràng, đã điều trị và đỡ khá nhiều. Em đã kiêng chua cay bia rượu, chỉ mỗi thuốc lào không bỏ được. Vậy em vẫn hút có ảnh hưởng gì đến bệnh của em không?
Thưa BS,
Chả là em bị loét hành tá tràng ổ loét khá là sâu hơn 1cm. Nay đã điều trị và đỡ đi được khá nhiều. Nhưng nghe nói bệnh này không hết dứt điểm hẳn. Và em cũng đã kiêng chua cay bia rượu cực kỳ quyết tâm. Lúc nào cũng để đầu óc không bị căng thẳng thật sự thoải mái. Giờ chỉ mỗi thuốc lào là em không thể bỏ được.
Vậy em vẫn hút có ảnh hưởng nhiều gì đến cái bệnh của em hay không? Em hay thức khuy đến 3- 4g sáng có ảnh hưởng gì không? Mong các BS có thể giải đáp thắc mắc của em.
Em xin chân thành cảm ơn. (Trung Quân - Hà Nội)
Chào em,
Loét dày tá tràng là sự phá hủy tại chỗ niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng gây ra do axit và pepsin. Do mất cân bằng giữa các yếu tố bảo vệ và yếu tố tấn công, hoặc các yếu tố bảo vệ giảm sút đi, hoặc các yếu tố tấn công tăng lên hoặc cả hai.Các nguyên nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng: nhiễm xoắn khuẩn Helicobacter Pylori (HP), thuốc lá, rượu bia, stress, thói quen ăn uống... Viêm loét dạ dày điều trị hết nhưng rất dễ tái phát nếu không kiêng cử trong ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi... Em còn hút thuốc lào nhiều, lại thức khuya quá sẽ ảnh hưởng tới viêm loét dạ dày, làm cho bệnh dễ tái phát.
Trong khói thuốc lào có những yếu tố nguy hiểm dễ gây ra bệnh nhồi máu cơ tim và ảnh hưởng không tốt đến tuần hoàn, hô hấp, đường ruột và hệ thống bài tiết.
Thuốc lá làm tăng tỉ lệ mắc bệnh loét dạ dày tá tràng. Người hút thuốc lá nhiều thì chất nicotin trong thuốc lá thường xuyên sẽ làm hại niêm mạc dạ dày do:
- Thúc đẩy sự co thắt mạch máu, làm giảm sự cung cấp máu nuôi cho niêm
mạc dạ dày.
- Ức chế sự tổng hợp Prostaglandin có vai trò bảo vệ phục hồi niêm mạc dạ dày.
- Thúc đẩy sự bài tiết axít và pepsin trực tiếp ăn mòn niêm mạc dạ dày.
- Thuốc lá còn làm tăng tỉ lệ nhiễm HP do đó tăng nguy cơ tái phát cũng như tình trạng ổ loét kháng thuốc điều trị.
Những người thức khuya thường hay ăn đêm làm ảnh hưởng xấu đến dạ dày.
Ban ngày, cơ thể hoạt động, thần kinh giao cảm sẽ giúp cho dạ dày co bóp mạnh, hỗ trợ tiêu hóa và hấp thu thức ăn. Ban đêm cơ thể được nghỉ ngơi, sự co bóp của dạ dày giảm, sự tái tạo niêm mạc dạ dày không thuận lợi, khiến thức ăn ứ lại trong thời gian dài, dạ dày phải làm việc nhiều sẽ kích thích niêm mạc dễ dẫn đến viêm loét nhiều hơn.
Do đó, em đã điều trị bệnh ổn, thì không nên hút thuốc nữa, và tránh thức khuya để hạn chế bệnh tái phát, và không làm nặng thêm tình trạng viêm loét sẵn có.
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe miễn phí
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình