Bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên: không phải đến lứa tuổi thiếu niên mới bị
Viêm khớp tự phát thiếu niên (viêm khớp thiếu niên) có thể khởi phát ở lứa tuổi nhỏ hơn, bệnh chia thành nhiều thể và hiện nay đã có các thuốc sinh học thế hệ mới giúp giảm thiểu tác dụng phụ, bệnh nhân có cuộc sống gần như bình thường.
Ngày 21/3/2021, Hội nghị bệnh tự miễn cơ xương khớp do Liên chi hội Lão khoa TPHCM tổ chức đã đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến bệnh tự miễn cơ xương khớp, trong đó có đề tài: Cập nhật chẩn đoán và điều trị viêm khớp mạn tính thiếu niên - do ThS.BS Tôn Thất Hoàng, Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM trình bày, nêu ra các điểm mới trong điều trị bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên và các điểm cần chú ý trong chẩn đoán, xét nghiệm bệnh này.
ThS.BS Tôn Thất Hoàng, Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM
ThS.BS Tôn Thất Hoàng cho biết chẩn đoán bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên dựa theo 3 yếu tố: 1. Viêm khớp thiếu niên khởi phát trước 16 tuổi. Nhiều người nghĩ bệnh này chỉ gặp ở trẻ lớn (lứa tuổi thiếu niên), nhưng theo BS Hoàng, thực tế tại Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiếp nhận trẻ nhũ nhi có biểu hiện đau khớp, sau đó tiến triển thành bệnh viêm khớp thiếu niên, 2. Thời gian khởi phát 6 tuần (để các BS có thời gian chẩn đoán phân biệt với những bệnh lý khác), 3. Sau khi đã loại trừ những nguyên nhân khác.
Khi chẩn đoán bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên, có một số xét nghiệm cần thiết phải làm: huyết đồ, VS (xét nghiệm máu lắng) và phết máu ngoại biên, ANA (xác định nguy cơ viêm màng bồ đào, RF (tiên lượng tiến triển thể đa khớp), và một số xét nghiệm khác.
Tiếp theo, ThS.BS Tôn Thất Hoàng đưa ra phân loại viêm khớp tự phát thiếu niên, đánh giá hoạt tính bệnh, mục tiêu điều trị, thuốc điều trị…
Trong đó, viêm khớp tự phát thiếu niên được chia ra nhiều thể: thể ít khớp, thể đa khớp RF (-), thể đa khớp RF(+), thể hệ thống, thể viêm khớp vảy nến, thể viêm điểm bám gân, thể viêm khớp không phân loại. Mục tiêu điều trị là giúp bệnh nhân giảm phản ứng viêm, giảm sưng và đau, hoạt động thể chất bình thường, ngăn ngừa tổn thương khớp, tăng chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Bệnh nhân viêm khớp tự phát thiếu niên được điều trị bằng thuốc kháng viêm và thuốc ức chế miễn dịch. Thuốc kháng viêm có tác dụng ngắn hạn, hiệu quả nhanh, hoạt động ngắn, hiệu quả dừng sau khi ngừng thuốc. Còn thuốc ức chế miễn dịch có tác dụng kéo dài, hiệu quả chậm hơn, hoạt động dài, hiệu quả dài sau khi ngừng thuốc.
Phần cuối bài báo cáo, BS Hoàng nêu các khuyến cáo năm 2019 về điều trị thể đa khớp, viêm khớp cùng chậu, viêm điểm bám gân.
ThS.BS Tôn Thất Hoàng mong muốn sau khi có sự phối hợp đa chuyên ngành liên quan đến bệnh tự miễn, khi bệnh nhân lớn phải chuyển đến các bệnh viện khác điều trị tiếp tục sẽ gặp thuận lợi hơn.
BS Hoàng cũng cho biết tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM đã có các thuốc sinh học thế hệ mới giúp giảm thiểu tác dụng phụ, giúp bệnh nhân có cuộc sống gần như bình thường.
Tin: Hồng Nhung, ảnh: Minh Huy
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình