Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh tim bẩm sinh nào phải phẫu thuật sớm, trường hợp nào theo dõi và điều trị nội khoa?

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường - Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ cho bệnh tim bẩm sinh được phân loại như thế nào, vì sao có trường hợp bệnh tim bẩm sinh được phát hiện muộn? Trường hợp bệnh tim bẩm sinh nào cần phẫu thuật sớm? Hiện nay có những phương pháp điều trị nào?

 

1. Bệnh tim bẩm sinh có mấy loại?

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường:

Bệnh lý về tim bẩm sinh là biến đổi cấu trúc bất thường về hoạt động của tim, trẻ sinh ra đã bị bệnh này.

Bệnh tim bẩm sinh chia thành hai nhóm:

+ Nhóm lớn là tim bẩm sinh có tím: Đứa bé bị tim bẩm sinh có tím bị tím ở đầu ngón tay và ngón chân hay môi, thường gặp là tứ chứng fallot hoặc các trường hợp hoán vị động mạch...

+ Nhóm nhỏ là tim bẩm sinh không tím, thường có thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch hoặc hẹp eo động mạch phổi.

2. Nhận biết dấu hiệu bệnh tim bẩm sinh ở trẻ?

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường:

Có nhiều bệnh tim bẩm sinh và có biểu hiện lâm sàng khác nhau. Chúng ta biết bệnh tim bẩm sinh có tím sẽ tím ở đầu ngón tay, ngón chân và đầu môi. Nó còn kèm theo các tình trạng mệt, khó thở, tăng cân chậm hay viêm phổi. Các hiện tượng đó cứ tái đi tái lại.

Nhóm tim bẩm sinh không tím thông liên nhĩ, thông liên thất, trường hợp nặng có thể khiến bé bị suy hô hấp, tái đi tái lại hoặc tăng cân chậm. Một số bé sinh ra đã bú kém đi, cứ mỗi lần bú bé phải dừng một chút để thở. Tim bẩm sinh không tím mức độ nhẹ không biểu hiện ra lâm sàng, một số trường hợp biểu hiện như tim hồi hộp đánh trống ngực hay khó thở một chút. Có một số loại không có biểu hiện gì cả, chỉ khi bệnh nhân đi siêu âm và khám bệnh tim thì họ mới phát hiện ra các bệnh lý về tim.

Biểu hiện bệnh tim bẩm sinh muộn là do biểu hiện lâm sàng không có rầm rộ. Kích thước lỗ của thông liên nhĩ và thông liên thất vừa phải, người khỏe mạnh sẽ có khả năng bù trừ qua lại giúp cơ thể không bị khó thở nhiều. Tuy nhiên, khi đứa bé lớn lên hoặc có điều gì đó làm tăng sự gắng sức ví dụ như bị đột quỵ, viêm phổi hoặc tai biến; một số trường hợp xảy ra ở người cao tuổi như tăng huyết áp, tiểu đường… lúc ấy, biểu hiện bệnh tim đã bộc lộ rõ cho nên chúng ta phải siêu âm tim đã phát hiện bệnh kịp thời.

3. Để chẩn đoán bệnh tim bẩm sinh cần phương tiện gì?

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường:

Phương pháp siêu âm tim có thể tìm ra hết tất cả các loại tim bẩm sinh. Tuy nhiên, ta cần kết hợp với các loại cận lâm sàng khác như chụp CT động mạch vành hoặc siêu âm tim ở thực quản (lồng cái ống siêu âm tim trong thực quản để xem trong buồng tim)…

4. Bệnh tim bẩm sinh nào cần được phẫu thuật sớm?

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường:

Đối với bệnh tim bẩm sinh có tím ví dụ như tứ chứng fallot, hoán vị động mạch hoặc không lá van động mạch phổi… phải tiến hành mổ hở. Ta phải mổ xương ức ra, sửa chữa các tổn thương ấy. Đây là nhóm bệnh phức tạp nên ta phải dùng kỹ thuật đó.

Đối với người bệnh tim bẩm sinh không tím, họ có các tổn thương đơn giản hơn như thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch, hẹp van động mạch phổi. Trước đây, ta phải dùng phương pháp mổ hở để vá lỗ thông hay nong các lỗ van như vậy. Tuy nhiên, với phương pháp kỹ thuật mới là can thiệp nội mạch, bệnh nhân chỉ cần gây tê và bác sĩ đưa ống thông nhỏ vào động mạch hay tĩnh mạnh đùi rồi luồn lên đến tim. Ta thả các dụng cụ như những cái dùn để vá các lỗ thông đó một cách đơn giản hơn.

Phương pháp can thiệp nội mạch chỉ hữu ích ở người lớn và trẻ em tuân thủ, ta chỉ sử dụng phương pháp gây tê không cần gây mê. Ta chỉ làm kỹ thuật này trong 30 phút hay một giờ (tùy theo tổn thương). Thứ ba, bệnh nhân có thể xuất viện sớm. Ta có thể làm ngày hôm trước, hôm sau bệnh nhân có thể xuất viện và đi lại được. Người bệnh có thể sinh hoạt lại một hai tuần sau, nhưng họ không thể làm việc gắng sức.

5. Bệnh tim bẩm sinh nào chỉ cần theo dõi và điều trị nội khoa?

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường:

Các loại bệnh tim bẩm sinh có tím buộc phải phẫu thuật. Đối với trường hợp thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch khi siêu âm phát hiện tình trạng suy tim hay tim bị quá tải. Lúc này, ta buộc phải phẫu thuật và can thiệp sớm để giúp cơ tim sớm phục hồi.

Trong trường hợp, thông liên nhĩ và thông liên thất có lỗ nhỏ chưa ảnh hưởng đến huyết động, chưa làm tăng áp lực phổi, không có biểu hiện lâm sàng, vậy ta theo dõi bằng cách nào? Ta theo dõi lâm sàng (tình trạng ở bệnh nhân). Thứ hai, ta phải siêu âm tim khoảng ba tháng đến sáu tháng để đánh giá tác nhân nào ảnh hưởng đến tim. Ta có thể theo dõi hoàn toàn.

6. Phụ nữ bị bệnh tim nếu mang thai làm sao để bảo vệ cho cả mẹ và bé?

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường:

Đối với phụ nữ có ý định mang thai, trước hết ta cần tìm cách điều trị. Ta có thể can thiệp bằng phương pháp mổ hay can thiệp nội soi để ta điều trị trước khi mang thai. Hoạt động của tim sẽ tăng lên khi mang thai, tim của mẹ không những hoạt động mà tim của bé cũng hoạt động, sẽ làm tăng gánh nặng cho tim rất nhiều.

Đối với phụ nữ bị bệnh tim bẩm sinh mang thai, đó là thời kỳ nguy cơ cao. Nhiều lúc ta phải can thiệp sớm và mổ sớm. Khi phát hiện tim bẩm sinh, ta phải đi khám bác sĩ. Khi mang thai, ta cần nhận lời khuyên của bác sĩ. Nếu trường hợp thông liên nhĩ, thông liên thất của tim bẩm sinh có thể theo dõi thì ta theo dõi. Tuy nhiên, trường hợp có thể gây ảnh hưởng thì ta cần điều trị cho người phụ nữ đó trước khi mang thai.

Bác sĩ sẽ đánh giá lại buồng tim để xem nó có nguy cơ gì không. Nếu có một lỗ thông liên nhĩ đã được vá. Lúc ấy, người phụ nữ đó có thể mang thai. Trong trường hợp như vậy ta cần theo dõi sát. Ta cần theo dõi bằng cách siêu âm tim, siêu âm thai mỗi tháng để đánh giá hai lần. Hai là ăn uống, sức khỏe hợp lý. Thứ ba, chuyện nghỉ ngơi cần có sự điều độ. Nói chung, ta phải theo dõi kỹ những người phụ nữ bệnh tim hơn những phụ nữ khác.

7. Bệnh tim bẩm sinh có tính chất di truyền hay không?

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường:

Bệnh tim bẩm sinh có tính chất di truyền. Bệnh tim di truyền nhiều hay ít sẽ tùy thuộc vào từng loại. Tuy nhiên, khi gia đình có người thân bị bệnh tim bẩm sinh thì ta cần quan tâm đến họ hơn bằng phương pháp siêu âm tim và theo dõi kỹ hơn để biết rằng họ có bị bệnh lý bất thường hay không.

8. Yếu tố nguy cơ bệnh tim bẩm sinh cần quan tâm?

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường:

Phụ nữ có thai cần tránh các nguy cơ gây bệnh tim bẩm sinh như sốt nhiễm trùng, sởi hay rubella. Những bệnh đó gây thay đổi quá trình chuyển hóa, gây ra bệnh tim bẩm sinh. Phụ nữ có thai cần hạn chế uống các loại thuốc không theo chỉ định của bác sĩ. Một số loại thuốc có thể gây ran guy cơ bệnh tim bẩm sinh hơn. Căng thẳng và các bệnh lý khác có thể khiến đứa bé có nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh cao hơn.

9. Cách phòng ngừa tim bẩm sinh?

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường:

Ta cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt để tránh bệnh tim bẩm sinh. Khi mang thai, ta cần tránh uống thuốc gây ảnh hưởng sức khỏe, cảm cúm. Việc phòng ngừa bệnh tim bẩm sinh hoàn toàn rất khó bởi vì có một số trường hợp là vô tình. Qua quá trình biến đổi và hoạt động của bào thai trong cơ thể (chuyển đổi trong gen) thì hiện tượng này có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.

Tỷ lệ về tim bẩm sinh tuy rất thấp, nhưng một số em bé bị tật về tim khi sinh ra các em bị bệnh tim vô cùng nặng. Với kỹ thuật siêu âm tim bào thai, ta có thể phát hiện sớm các đứa bé bị dị tật về tim hoặc sau khi các bé sinh ra ta có thể phát hiện bệnh tim sớm nhằm điều trị kịp thời.

10. Lời khuyên dành cho các bệnh nhân bị tim bẩm sinh?

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường:

Khi mắc phải bệnh tim bẩm sinh, nhiều bệnh nhân cảm thấy rất lo lắng và sợ hãi. Tuy nhiên, các kỹ thuật y học và công nghệ can thiệp đã giúp chúng ta điều trị trái tim để trái tim hoạt động lại bình thường nếu chúng ta phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh tim. Vì vậy, ta không nên căng thẳng hay lo lắng về điều đó. Nói chung, chúng ta cần có phương pháp điều trị thích hợp với từng bệnh.

Trọng Dy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X