Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh tay chân miệng tại TPHCM có thể tăng mạnh trong năm nay

Mỗi ngày, Bệnh viện Nhi Đồng 1 hiện đang điều trị nội trú cho 50 trẻ/ngày, các giai đoạn nặng của bệnh thường chiếm 1/4 tổng số ca.

Chia sẻ với AloBacsi, BS Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, hiện bệnh viện đang tiếp nhận điều trị cho nhiều ca bệnh Tay chân miệng.

“Bệnh viện đang điều trị cho 50 ca bệnh nhi điều trị nội trú. Bệnh nhi thường nhập viện trong mức độ 2a, 2b và 3. Riêng mức độ 2b và 3 đã chiếm gần 1/4 số trẻ nhập viện so với tuần trước. Trẻ nhập viện trong tình trạng nặng tại đây thường có những biểu hiện như giật mình chới với liên tục, đi đứng loạng choạng, rung chi thất thường, và có biểu hiện của cao huyết áp” - BS Trương Hữu Khanh thông tin.

Bệnh tay chân miệng tại TPHCM đang "vào mùa", nguy cơ bùng phát dịch

Theo phân tích của BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm nhưng sẽ tăng cao vào quý 2 và quý 4 của năm. Hiện mới là đầu tháng 4 nhưng đã ghi nhận sự gia tăng nhanh của bệnh, điều đó cho thấy dấu hiệu cảnh báo về một chu kỳ có nhiều diễn biến phức tạp.

Hiện, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã chuẩn bị một phòng riêng để khám về tay chân miệng. Riêng các trẻ nằm viện điều trị, bệnh viện đang có 4 phòng để hỗ trợ các bệnh nhi. Tình trạng quá tải vẫn chưa xuất hiện, nhưng đã có rất nhiều lời cảnh báo đến từ các bác sĩ khi nhận thấy bệnh đang có chiều hướng gia tăng nhanh chóng.

Cùng tình trạng với Bệnh viện Nhi đồng 1, số ca mắc bệnh tay chân miệng tại các bệnh viện nhi cũng tăng vọt. Trẻ đến trường đi học và điều kiện thời tiết thuận lợi cho virus phát triển đang tạo đà cho bệnh tay chân miệng gia tăng.

Chính vì vậy, khi bệnh nhi trở nặng, phụ huynh mới đưa con em mình đến bệnh viện. Đây là điều hết sức nguy hiểm. Các bậc phụ huynh nên lưu ý, khi thấy hoặc nghi ngờ trẻ có dấu hiệu bệnh tay chân miệng, phải nhanh chóng đến các cơ sở y tế khám để được chẩn đoán và hướng dẫn phương án xử lý tốt nhất.

Bệnh tay chân miệng do vi-rút gây ra, lây qua đường tiêu hóa. Bệnh bắt đầu xuất hiện rãi rác và gây thành những ổ dịch nhỏ tại Việt Nam từ những năm cuối của thập niên trước.

Trẻ có các dấu hiệu giật mình, đi đứng loạng choạng, yếu liệt... phải đưa đi cấp cứu gấp

Việc phòng bệnh tay chân miệng chủ yếu thông qua ý thức giữ gìn vệ sinh của trẻ và của người chăm sóc trẻ như: Rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ.

Khoảng 80% số ca bệnh tay chân miệng ở thể nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà, tuy nhiên cha mẹ và người chăm sóc cần theo dõi sát tình trạng của trẻ, nếu phát hiện các dấu hiệu trở nặng như: giật mình, đi đứng loạng choạng, yếu liệt... phải đưa trẻ đến các bệnh viện để được điều trị kịp thời.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X