Bệnh suy tuyến yên và những điều cần biết
Tuyến yên là tuyến nội tiết có kích thước khá nhỏ, nằm tại vùng hố yên trong não. Đây là nơi sản xuất ra nhiều loại hormone rất quan trọng trong quá trình điều hòa hoạt động của cơ thể. Vì vậy, khi tuyến yên có vấn đề sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và cả quá trình điều trị sau này. Bệnh suy tuyến yên không quá phổ biến nên cũng ít người có thể biết và phát hiện sớm.
1. Tìm hiểu về suy tuyến yên
Tuyến yên có vị trí ở vùng dưới não và là nơi tổng hợp nhiều loại hormone. Những hormone này giữ vai trò quan trọng trong kích thích và điều hòa hoạt động của các tuyến như: tuyến thượng thận, tuyến giáp hoặc các cơ quan sinh dục.
Bệnh suy tuyến yên xuất hiện khi cơ quan này có trạng thái hoạt động yếu đi, dẫn đến hormone sản xuất không đủ cho nhu cầu thực tế của cơ thể. Đây được xem là một bệnh lý khá ít gặp.
Vì vậy không tránh khỏi việc mọi người có ít kiến thức về căn bệnh này. Một điều nữa khiến cho việc phát hiện bệnh trở nên khó khăn là: mức độ tiến triển bệnh chậm, diễn ra một cách âm thầm, từ từ. Chỉ đến khi suy tuyến yên đạt đến mức độ nào đó và gây ảnh hưởng trực tiếp đến các tuyến khác một cách rõ ràng thì triệu chứng mới dần xuất hiện nhiều.
2. Suy tuyến yên có mấy loại?
Suy tuyến yên gồm suy về số lượng và suy về chức năng
Suy về số lượng:
- Suy tuyến yên toàn bộ khi thiếu hụt ≥ 2 loại hormone.
- Thiếu đơn độc 1 loại hormone.
Suy về chức năng:
- Suy yên 1 phần.
- Suy yên toàn bộ.
Thông thường, hormone hướng sinh dục và hormone tăng trưởng thường bị ảnh hưởng nhiều hơn so với hormon hướng thượng thận và hướng tuyến giáp.
Xem thêm: Các địa chỉ xét nghiệm nội tiết - tiểu đường uy tín tại TPHCM
3. Những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng suy tuyến yên là gì?
Nguyên nhân suy tuyến yên khá đa dạng. Nhưng chủ yếu là do các yếu tố tác động lên tuyến yên. Các nguyên nhân gây bệnh bao gồm:
a. Khối u
- Khối u lớn ở tuyến yên: Là nguyên nhân gây suy yên thường gặp nhất ở người lớn.
- U sọ hầu: Khối u vùng hạ đồi - tuyến yên thường gặp nhất ở trẻ em.
- Các khối u nguyên phát của hệ thần kinh trung ương như: u màng não, u nguyên sống, u thần kinh, u dạng biểu bì,…
- U di căn: Đặc biệt là từ carcinoma vú, phổi, đại tràng và tiền liệt tuyến.
- Bất thường cấu trúc: Thoát vị vùng nền đại não và trên yên, hội chứng hố yên rỗng, phình mạch cạnh hố yên.
b. Nhồi máu tuyến yên
Hội chứng Sheehan: Thiếu máu tuyến yên do băng huyết sau sanh. Triệu chứng khởi đầu của hội chứng Sheehan có thể là không tiết sữa sau sanh, không có kinh nguyệt lại sau sinh, cuối cùng là vô kinh thứ phát.
Đột quỵ tuyến yên: là một cấp cứu nội tiết. Có thể nghi ngờ đột quỵ tuyến yên khi đột ngột đau đầu dữ dội, nhìn mờ, thậm chí có thể trụy mạch gây tử vong.
c. Thâm nhiễm tuyến yên
Suy tuyến yên có thể là giai đoạn mở đầu cho các bệnh sau :
- Bệnh Sarcoidosis là một bệnh lý viêm: Biểu hiện bằng tổn thương u hạt không hoại tử ở một hoặc nhiều cơ quan. Trong đó, nếu ảnh hưởng đến tuyến yên có thể biểu hiện suy thùy trước tuyến yên, rối loạn về mắt.
- Bệnh Hemochromatosis: Do ứ sắt (có thể do bẩm sinh di truyền hoặc quá tải sắt do truyền máu ở bệnh nhân Thalassaemia). Suy tuyến yên thường là biểu hiện đầu tiên của tình trạng quá tải sắt, thường gặp nhất là suy sinh dục. Do đó, cần khảo sát chuyển hóa của sắt ở bất kỳ bệnh nhân nam bị sinh dục không rõ nguyên nhân.
- Bệnh tổ chức bào X (mô bào): Sự xâm nhiễm ở nhiều cơ quan do một loại tổ chức bào biệt hóa, trong đó có vùng hạ đồi - tuyến yên.
d. Chấn thương
Chấn thương nặng ở đầu có thể gây tổn thương thùy trước, cuống tuyến yên và vùng hạ đồi.
e. Miễn dịch
- Tuyến yên bị thâm nhiễm bởi các tế bào lympho, tương bào do cơ chế tự miễn, dẫn đến sự phá hủy của tế bào thùy trước.
- Thường xảy ra ở phụ nữ mang thai hay sau sanh.
- Trên hình ảnh học có thể thấy hình ảnh như một khối u vùng hố yên làm rối loạn thị trường.
- Cần nghĩ đến nguyên tự miễn làm suy tuyến yên ở phụ nữ có tuyến yên lớn; suy thùy trước tuyến yên lúc có thai, hoặc ngay sau sinh. Khoảng 50% trường hợp có bệnh tự miễn tuyến khác kèm theo (có thể có tự kháng thể kháng tuyến yên dương tính).
f. Do thầy thuốc
Các tình huống gây suy tuyến yên liên quan đến thầy thuốc như phẫu thuật vùng tuyến yên, xạ trị vùng đầu cổ. Cần chú ý theo dõi, tầm soát suy tuyến yên nếu bạn đã từng trải qua cuộc phẫu thuật hay xạ trị như vậy. Vì triệu chứng thường diễn tiến âm thầm.
g. Nhiễm trùng
Các bệnh lý nhiễm trùng như lao, giang, nấm, HIV cũng có thể gây suy tuyến yên. Tuy nhiên, ngày nay nhờ những điều trị đặc hiệu như kháng sinh, kháng nấm; mà những bệnh lý này ít gặp và cũng ít gây những biến chứng nặng nề hơn.
h. Vô căn
Ở một số bệnh nhân suy tuyến yên, không tìm thấy một nguyên nhân rõ ràng. Bệnh cảnh này thường có tính gia đình (liên quan nhiễm sắc thể giới tính X hoặc nhiễm sắc thể thường), hố yên có thể nhỏ, rộng hoặc bình thường.
i. Thiếu đơn độc một hormon
Tuyến yên tiết ra nhiều loại hormon quan trọng cho hoạt động hàng ngày của cơ thể. Nhiều trường hợp chỉ gặp thiếu đơn độc một loại hormon tuyến yên. Hormon thiếu có thể là:
- Thiếu hormon tăng trưởng - GH.
- Thiếu hormon hướng thượng thận - ACTH.
- Thiếu hormon hướng sinh dục - FSH và LH.
- Thiếu hormon kích thích tuyến giáp - TSH.
- Thiếu prolactin: thường là chỉ điểm của tình trạng tổn thương tuyến yên nghiêm trọng.
4. Triệu chứng của suy tuyến yên thế nào?
Đặc điểm của tình trạng suy tuyến yên là sự tiến triển từ từ và các triệu chứng thì không rõ ràng dễ bị nhầm lẫn. Đa phần người mắc bệnh lý sẽ không phát hiện được ở giai đoạn đầu. Chỉ khi tình trạng trở nặng ở mức độ nguy hiểm và gây ảnh hưởng tới nhiều cơ quan khác thì mới phát hiện ra.
Tùy theo từng mức độ và các cơ quan bị ảnh hưởng mà người bệnh sẽ thấy những triệu chứng khác nhau. Một số triệu chứng điển hình thường gặp như:
a. Triệu chứng bệnh suy tuyến yên do giảm chuyển hóa
Suy tuyến yên làm giảm hormone gây kích thích tuyến giáp - tuyến sản sinh hormone chính trong quá trình chuyển hóa chất với cơ thể. Vì vậy, người mắc suy tuyến yên có thể xuất hiện các triệu chứng giảm chuyển hóa như:
- Táo bón.
- Cơ thể luôn trong trạng thái suy yếu, mệt mỏi, không muốn hoạt động.
- Thường xuyên cảm thấy đầy đầy hơi hoặc khó chịu hệ tiêu hóa.
b. Triệu chứng xuất hiện ở tinh hoàn
Triệu chứng của suy tuyến yên đối với cơ quan sinh sản ở nam thường gặp khá nhiều. Rối loạn về chức năng tinh hoàn (thiếu hụt hormone điều hòa từ tuyến yên) khi này sẽ dẫn đến các vấn đề về: sản xuất tinh trùng và khả năng cường dương,…
Xem thêm: Danh sách những bệnh viện khám nam khoa uy tín tại TPHCM
c. Triệu chứng bệnh suy tuyến yên tại buồng trứng
Buồng trứng là nơi sản xuất, nuôi dưỡng và tích trữ trứng để đảm bảo cho chức năng sinh sản. Bệnh nhân nữ bị suy tuyến yên sẽ kéo theo giảm chức năng hoạt động buồng trứng. Khi đó, hormone sinh dục cũng giảm và gây ra các triệu chứng:
- Hiện tượng bị khô rát ở vùng âm đạo.
- Rối loạn về chu kỳ kinh nguyệt các tháng.
- Cảm giác đau khi quan hệ, và giảm ham muốn.
d. Triệu chứng xuất hiện ở tuyến thượng thận
Hormone tuyến yên còn có trách nhiệm điều hòa các hoạt động của tuyến thượng thận. Vì vậy suy tuyến yên cũng sẽ tác động gây ra một số triệu chứng đối với tuyến thượng thận. Cụ thể với các triệu chứng như: hoa mắt chóng mặt cả khi đứng yên, thấy mệt mỏi và yếu người, xuất hiện đau ở vùng eo và dạ dày,…
Không chỉ ở người trưởng thành, suy tuyến yên cũng xuất hiện ở trẻ nhỏ và gây nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển của chúng. Triệu chứng ở trẻ nhỏ thường sẽ nặng hơn hẳn so với người lớn. Vì vậy phát hiện và điều trị sớm là điều hết sức quan trọng. Một vài dấu hiệu cụ thể của bệnh lý ở trẻ nhỏ có thể thấy như:
- Có hiện tượng vàng da, vàng mắt với trẻ sơ sinh.
- Đường huyết xuống thấp.
- Đối với trẻ nam, dương vật nhỏ đến tuổi dậy thì lại không phát triển tiếp được.
- Thường xuyên biếng ăn và sụt cân.
- Chậm trong quá trình dậy thì, hoặc có thể là không dậy thì.
- Thường xuyên gặp phải các cơn đau đầu dữ dội và giảm thị lực.
- Mặt dễ bị sưng do hiện tượng tích nước.
- Chiều cao không phát triển nhiều khi ở tuổi dậy thì.
5. Những phương pháp trong điều trị suy tuyến yên
Điều trị đối với bệnh suy tuyến yên cần được dựa trên nguyên nhân gây ra bệnh. Để xác định chính xác nguyên nhân bác sĩ cần biết về: tiền sử bệnh, khám lâm sàng và xét nghiệm. Thực hiện xét nghiệm nước tiểu và máu sẽ biết được lượng hormone được sản xuất ra. Từ đó sẽ xác định và chuẩn đoán được bệnh.
Bệnh lý này thường được điều trị nguyên nhân kết hợp với liệu pháp thay thế hormone. Điều này giúp bù lượng hormone đang thiếu hụt trong cơ thể. Trong một số trường hợp vẫn không thể khắc phục được chức năng của tuyến yên. Khi này người bệnh bắt buộc phải duy trì thuốc cả đời.
Hormone thay thế có thể bao gồm:
- Corticosteroid: thường sử dụng là hydrocortisone hoặc prednisone, thay thế các hormon tuyến thượng thận bị thiếu hụt do giảm adrenocorticotropic (ACTH).
- Levothyroxine (Levothyrox, berthyrox…). Thuốc này thay thế cho sự thiếu hụt hormone tuyến giáp gây ra bởi giảm sản xuất TSH từ tuyến yên.
- Hormone sinh dục bao gồm testosterone ở nam giới và estrogen hoặc kết hợp estrogen và progesterone ở phụ nữ. Testosterone được dùng qua da với miếng dán hoặc gel hoặc tiêm. Thay thế hormone nữ có thể được dùng dạng viên hoặc miếng dán.
- Desmopressin (DDAVP). Hormone này thay thế ADH làm tăng tái hấp thu nước và cô đặc nước tiểu. Desmopressin được dùng dạng thuốc xịt mũi hoặc thuốc viên uống hoặc tiêm.
- Hormone tăng trưởng. Còn được gọi là somatropin, hormone tăng trưởng được dùng qua đường tiêm dưới da. Nó thúc đẩy tăng trưởng chiều cao ở trẻ em. Người lớn thiếu hụt hormone tăng trưởng cũng có thể hưởng lợi từ thay thế hormone tăng trưởng, nhưng sẽ không tăng trưởng chiều cao.
- Nếu vô sinh, chế phẩm có chứa LH và FSH, còn được gọi là gonadotropins, có thể được tiêm để kích thích rụng trứng ở phụ nữ và sản xuất tinh trùng ở nam giới.
Các triệu chứng của suy tuyến yên xuất hiện cho thấy sự thiếu hụt về hormone trầm trọng. Bạn nên chú ý để thăm khám sớm nếu thấy có sự bất thường trong sức khỏe. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp khả năng hồi phục tốt hơn.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình