Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh nhân hen và COPD đừng quên chích ngừa vắc xin cúm mùa

Theo PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, bệnh nhân hen và COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính) có hệ hô hấp rất mong manh, vì vậy đừng quên chích ngừa vắc xin cúm mùa hằng năm, bởi chích ngừa sẽ giúp họ không rơi vào đợt cấp do cúm mùa.

1. Bệnh cúm mùa trên thế giới giảm trong dịch COVID-19, liệu có bùng phát mạnh hơn do virus biến đổi hay không?

Các chuyên gia y tế tại Mỹ lo lắng trong mùa cúm năm nay, họ sẽ phải cùng lúc đối phó với 2 đại dịch. Song thực tế, khi tháng 2 đỉnh điểm qua đi, cả nước Mỹ chỉ ghi nhận không quá 10.000 trường hợp nhiễm cúm, một mức suy giảm chưa từng thấy. Nhưng chính điều này cũng dấy lên nhiều lo ngại, sự vắng bóng của mùa cúm này sẽ đưa đến sự tích lũy số lượng đột biến lớn hơn.

Xin hỏi PGS Tuyết Lan, vì sao khi quay lại, bệnh cúm mùa sẽ mạnh hơn, dữ dội và khốc liệt hơn? Mỗi năm dịch cúm đều bùng phát vì virus không bất biến mà thay đổi liên tục, cách virus cúm mùa đột biến theo thời gian như thế nào?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Năm nay, cúm mùa giảm, có thể do chúng ta giữ khoảng cách, đeo khẩu trang. Các biện pháp đó giúp tránh COVID-19, đồng thời giảm cúm mùa.

Tuy nhiên, virus cúm mùa luôn luôn biến đổi. Nó có 2 dạng biến đổi, một dạng biến đổi nhẹ, liên tục, thường xuyên. Khi nó biến đổi ít, cơ thể chúng ta có thể thích nghi được và có thể tạo ra miễn dịch đối với những kiểu biến đổi đó.

Virus cúm luôn biến đổi vì nó muốn trốn tránh hệ miễn dịch của con người. Nên khi virus cúm hoàn tất biến đổi mà cơ thể chưa kịp tạo ra các kháng thể đế chống lại thì sẽ rất nguy hiểm.

Ví dụ như cúm A - loại cúm độc nhất, có thể ảnh hưởng lên người, ngựa, gia cầm. Từ virus cúm ở gia cầm có thể trực tiếp lây sang người hoặc qua trung gian, ví dụ, từ lợn lây qua người.

Đó là những biến đổi lớn, lúc đó, cơ thể người chưa có miễn dịch đối với một loại virus cúm này và có thể gây ra đại dịch.

2. Bệnh cúm mùa tại Việt Nam biến động như thế nào trong đại dịch COVID-19?

Vậy còn ở Việt Nam trong đợt cúm mùa vừa qua có biến động hay thay đổi như thế nào ạ? Thời điểm bùng phát bệnh cúm ở nước ta có khác gì so với các nước trên thế giới? Vì sao lại có khác biệt này thưa PGS Tuyết Lan?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Ở Việt Nam và toàn thế giới, chúng ta giãn cách, ít tiếp xúc, rửa tay và đeo khẩu trang trong mùa COVID-19 nên bệnh cúm đã giảm xuống.

Trên thế giới có 2 chủng cúm: Nam bán cầu và Bắc bán cầu. Chủng cúm Nam bán cầu diễn ra từ tháng 4 đến tháng 10; từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau là chủng cúm Bắc bán cầu.

Theo Tổ chức y tế thế giới, ở Việt Nam, cúm mùa xảy ra thường xuyên, đỉnh điểm là từ tháng 6 đến tháng 9. Do đó, tổ chức này cho rằng, ở Việt Nam chủ yếu là chủng cúm Nam bán cầu. Vì vậy, chúng ta phòng ngừa chủ yếu là cúm Nam bán cầu.

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch Lâm sàng TPHCM

3. Cúm mùa gây ảnh hưởng như thế nào đến người bệnh hô hấp mạn tính?

Với những người bệnh hô hấp, thưa PGS Tuyết Lan, cúm mùa gây ảnh hưởng như thế nào đến người bệnh hô hấp mạn tính? Hệ hô hấp bị tấn công ra sao nếu virus cúm tấn công vào cơ thể người bệnh, đặc biệt là đối với người mắc COPD, hen suyễn - 2 căn bệnh về hô hấp ảnh hưởng lớn đến người Việt hiện nay?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Đó không phải là gáng nặng của riêng bệnh nhân. Nó có thể là gánh nặng cho các y bác sĩ và cả cộng đồng, nếu bệnh nhân nhập viện do cúm mùa và mắc thêm viêm phổi, COVID-19.

Về mặt hô hấp, 2 loại bệnh mạn tính rất phổ biến tại Việt Nam là hen suyễn và COPD. Hen suyễn có thể xảy ra từ nhỏ cho tới lớn. Trước đây người ta nghĩ trẻ con không bị hen suyễn, tuy nhiên thực tế em bé từ 12 tháng tuổi đã bị hen.

Bệnh nhân hen rất nhạy cảm, đường thở của họ không được toàn diện, các lớp biểu mô bị bong tróc, sợi thần kinh bị phơi nhiễm. Vì vậy tất cả các biến đổi bên ngoài môi trường như thời tiết, đặc biệt là virus cúm sẽ gây  kịch phát hen. Khi bệnh nhân lên cơn hen sẽ rất nguy hiểm, có thể từ nhẹ đến nặng, từ chữa được đến tử vong.

Các bác sĩ luôn nhắc nhở bệnh nhân hen phải chích ngừa cúm. Sau khi chích ngừa, họ cảm ơn chúng tôi vì từ khi chích ngừa cúm, người bệnh không bị hen suyễn cấp do cúm mùa.

Bệnh nhân COPD thường là người lớn tuổi. Thống kê của Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, bệnh nhân COPD ở Việt Nam là 67 tuổi và họ nằm trong nhóm nguy cơ mắc cúm mùa (dưới 5 tuổi và trên 67 tuổi).

Hệ miễn dịch của bệnh nhân COPD yếu, khả năng làm sạch đường hô hấp đã bị tổn hại. Nếu bệnh nhân bị nhiễm cúm, toàn bộ đường hô hấp sẽ bị ảnh hưởng, có thể viêm phổi, viêm phế quản do siêu vi, vi trùng. Thậm chí họ có thể bị viêm mũi, viêm tai, viêm xoang.

Như vậy, họ có thể bị tăng đợt kịch phát bệnh COPD. Nếu kịch phát nhẹ có thể điều trị ở nhà, nặng hơn thì có thể nhập viện, thậm chí có thể tử vong. Theo thống kê, trong đợt cúm mùa đã làm tăng 30% - 50% tỷ lệ nhập viện và tăng 50% - 80% tỷ lệ tử vong của bệnh nhân COPD.

Tóm lại, bệnh cúm nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm với nhóm người bị hô hấp mạn tính.

4. Tiêm phòng cúm sẽ mang lại những lợi ích gì cho bệnh nhân hô hấp?

Như vậy thì tiêm phòng cúm sẽ mang lại những lợi ích gì cho bệnh nhân hô hấp ?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Đối với người mắc COPD, hen suyễn, được chỉ định chích vắc xin cúm mùa từ trẻ 6 tháng tuổi, bởi trẻ dưới 2 tuổi, 5 tuổi rất thường xuyên bị cảm, cúm.

Trẻ dưới 8 tuổi phải được chích 2 mũi (cách nhau 5 tuần), sau đó, mỗi năm chích 1 liều vắc xin cúm.

Việc tiêm vắc xin cúm mùa sẽ bảo vệ trẻ, giúp ít nhiễm bệnh, giúp bệnh nhân hen, bệnh nhân COPD tránh những đợt kịch phát bệnh. Bởi họ là những đối tượng “mong manh”, nếu nhiễm thêm cúm mùa sẽ “đổ vỡ” ngay.

Qua lời chia sẻ của bệnh nhân, họ không gặp phải tác dụng khi tiêm vắc xin, bởi loại vắc xin bất hoạt rất an toàn.

5. Tổn thương phổi sau khi nhiễm cúm có thể phục hồi hoàn toàn không?

Tổn thương phổi sau khi nhiễm cúm liệu có thể phục hồi hoàn toàn không thưa BS? Người mắc bệnh hô hấp như COPD, hen suyễn cần làm gì để thúc đẩy sự hồi phục này ạ?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Một người bị cúm nặng hay không phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề:

  • Thứ nhất bạn gặp phải dòng cúm nào, ví dụ nếu bạn gặp phải một dòng cúm quá ác hoặc đột biến lớn thì sẽ rất nguy hiểm.
  • Thứ hai bạn đã được bảo vệ hay chưa, nghĩa là bạn đã có kháng thể đối với dòng cúm đó hay chưa?
  • Thứ ba bạn có bệnh nền gì không? Sức khỏe toàn diện của bạn thế nào?
  • Thứ tư bạn có bị giảm cơ chế miễn dịch hay không? Ví dụ: một người ghép tạng,…

Như vậy mức độ ảnh hưởng của cúm lên trên một người rất hay thay đổi và tùy thuộc vào 4 yếu tố như tôi đề cập trên.

Chúng ta không thể nói trước được cơ thể khi nào bị nhiễm bệnh và mức độ thay đổi của virus theo năm tháng ra sao?  Điều chúng ta có thể làm là chích ngừa.

Bởi cúm thường thay đổi hàng năm vì thế WHO cùng với các hiệp hội Thế giới đã tiên đoán trước và cho ra một loại thuốc chích ngừa phù hợp với chủng của năm đó.

Vậy làm sao để giảm được tác hại?

Bên cạnh chích ngừa chúng ta có thuốc; trong đó một loại thuốc tương đối khá quen thuộc với Việt Nam đó là tamiflu. Với tamiflu chúng ta phải sử dụng trong vòng 24 tiếng đồng hồ khi phát hiện triệu chứng thì mới có hiệu quả. Cho nên, quan trọng nhất vẫn là tăng sức đề kháng và có những biện pháp chung để bảo vệ cơ thể.

6. Bệnh nhân bị dị ứng trứng gà, đang sử dụng thuốc hen chứa corticosteroid có chích ngừa cúm được không?

Kính gửi các chuyên gia, em muốn hỏi trước khi tiêm ngừa vắc xin cúm cần lưu ý gì, những người bị dị ứng trứng gà - đang uống kháng sinh hoặc mắc bệnh Hen/COPD và đang dùng thuốc hen suyễn có chứa corticoid dạng hít, có chích ngừa được không? Có cần ngừng thuốc corticoid trước khi tiêm ngừa? Và sau đó cần theo dõi như thế nào?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Vắc xin cúm được áp dụng cho tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên đặc biệt với những người có bệnh nền. Trong đó, những đối tượng được ưu tiên là: dưới 5 tuổi và trên 65 tuổi, phụ nữ mang thai, phụ nữ trong diện 2 tuần lễ sau sinh là những đối tượng được ưu tiên, đặc biệt với những người bị giảm chức năng miễn dịch và nhân viên y tế.

Có những bệnh nhân bị từ chối chích ngừa cúm, tại sao lại như vậy?

Có những loại vắc xin được chế tạo trên trứng gà, có những loại tái tổ hợp cần hoặc không cần trứng gà. Trước đây người ta đã ghi nhận nếu bạn dị ứng với trứng gà thì không chích vắc xin cúm. Nhưng đến sau này người ta nhận thấy dù bạn bị dị ứng nặng với trứng gà thì vẫn có thể tiêm không nguy hiểm gì và không có chống chỉ định với người dị ứng trứng gà.

Một vài bệnh nhân của tôi khi sử dụng thuốc hen suyễn chứa corticosteroid thì lại bị các cơ quan y tế từ chối chích ngừa vắc xin cúm, điều này sai. Ngay cả nhân viên y tế và bệnh nhân hen đều phải nắm điều sau đây: một người đang điều trị hen hoàn toàn có đủ điều kiện để chích ngừa cúm và không được ngừng thuốc hen của mình.

Nếu bạn đang uống kháng sinh liều nhẹ, cơ thể bạn mạnh khỏe thì hoàn toàn có thể chích được. Ngược lại nếu bạn đang uống kháng sinh liều trung bình/ cao thì bạn nên chờ khi nào cơ thể hồi phục rồi chích.

7. Bên cạnh tiêm vắc xin, cần làm gì để tránh xa bệnh cúm mùa?

Ngoài việc tiêm vắc xin, với khí hậu nhiệt đới của Việt Nam, các chuyên gia có lời khuyên nào để mỗi người trang bị tốt nhất, tránh xa bệnh cúm mùa? Và nếu mắc cúm mùa thì cũng phòng ngừa được biến chứng nguy hiểm?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Thứ nhất: Xung quanh chúng ta đầy rẫy là vi trùng, hãy tự tạo sức đề kháng cho cơ thể.

Ngay trong thời điểm căng thẳng của COVID-19 thì thông điệp 5K của Bộ Y tế là rất quan trọng, rõ ràng nó làm giảm cúm mùa rất tốt.

Thứ hai tôi có một câu “thần chú” cho bệnh nhân của tôi: uống sữa khoảng 500-700ml/ ngày; tập thể dục 30 phút/ ngày; phơi nắng trước 8 giờ sáng khoảng 15 phút. Hiện nay vai trò của vitamin D được nâng cao rất nhiều; người ta nhận thấy vitamin D giúp làm giảm cúm mùa, giảm cả những nhiễm trùng khác kể cả hen suyễn.

Gần đây người ta còn nói thêm về trà xanh và tác dụng của nó, bên cạnh đó cần ăn thêm cam, chanh, quýt, bưởi,….

Cuối cùng thông điệp của tôi là: “Uống sữa, tập thể dục, phơi nắng sáng, ăn cam chanh quýt bưởi cộng 5K” là chúng ta đã có thể vui sống khỏe mùa này. Nhớ, chích ngừa cúm hàng năm!

Minh Huy - Hiền Thục

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X