Hotline 24/7
08983-08983

Bảo vệ da và mắt, ngăn ngừa ung thư trước tia cực tím thế nào?

Vào mùa nắng nóng có những ngày tia cực tím đạt đỉnh mang đến nhiều nguy cơ cho sức khỏe, từ bỏng da, viêm kết mạc, ảnh hưởng thị lực, thậm chí là ung thư da. Vậy cần làm gì để vừa tiếp nhận lợi ích của ánh nắng, vừa ngăn ngừa tác hại của tia cực tím? Bài viết của ThS.BS Nguyễn Triệu Vũ - Trưởng khoa ung bướu - Bệnh viện Thành phố Thủ Đức sẽ giúp bạn hiểu thêm về vấn đề này.

1. Tia cực tím gây hại cho da thế nào?

Những ngày gần đây, chỉ số tia cực tím (UV) tại TPHCM lên đến từ mức 10 trong cái nắng gay gắt. Xin hỏi BS, điều này gây hại cho da như thế nào? Bao lâu thì những ảnh hưởng này xuất hiện (nhìn thấy được) trên da, thưa BS?

Gần đây, thời tiết tại TPHCM rất nóng bức và bức xạ cực tím đang ở ngưỡng cao (khoảng từ 8-10). Ở mức nhiệt này, người dân ra đường vào khoảng thời gian từ 10g - 15g mà không có đồ che chắn thì rất dễ bỏng.

Tia cực tím khi tác động vào da sẽ khiến da khô, cứng; lâu ngày sẽ dẫn đến ung thư da.

Tia cực tím có thể gây ửng đỏ, khô da, thậm chí là bỏng da, ung thư da (Ảnh minh họa)

Ngoài da thì tia cực tím còn ảnh hưởng đến bộ phận nào của cơ thể?

Ngoài da, tia cực tím còn ảnh hưởng lên đôi mắt. Dưới ánh nắng trực tiếp, đôi mắt không được bảo vệ thì lâu ngày sẽ dẫn đến viêm kết mạc, viêm giác mạc, có thể gây cườm và ảnh hưởng đến thị lực.

Tác động dễ nhận thấy nhất của tia cực tím là ửng đỏ và khô da. Khi bạn đi ra đường trong thời tiết nắng đỉnh điểm khoảng 30 phút thì sẽ cảm thấy da khô, ửng đỏ, cảm giác rát và đau. Nặng hơn là có thể nổi bóng nước vài ngày sau.

Tác hại của tia cực tím tùy thuộc vào thời gian tiếp xúc và cường độ của tia cực tím.

2. Các dấu hiệu cảnh báo ung thư da?

Dấu hiệu nhận biết ung thư da là gì, thưa BS?

Ung thư da là loại ung thư thường gặp. Tuy nhiên, đa số các trường hợp ung thư da đều được điều trị dễ dàng nếu được phát hiện sớm.

Biểu hiện của ung thư da rất dễ nhận thấy. Chẳng hạn, ở vị trí nốt ruồi tăng kích thước và có hiện tượng rỉ dịch hoặc chảy máu. Hoặc là những vết loét ở da kéo dài, lan rộng theo từng ngày, có cảm giác rát và đau; đã sử dụng thuốc bôi nhưng không khỏi. Với những dấu hiệu như trên, người dân cần đến các cơ sở y tế để thăm khám.

Nếu được phát hiện sớm thì ung thư da rất dễ điều trị và dấu hiệu nhận biết ở trên da nên rất dễ thấy.

3. Những ai dễ bị ảnh hưởng bởi tia cực tím, dẫn đến ung thư da?

Những ai có nguy cơ dễ bị tác động xấu của bức xạ tia cực tím cũng như diễn tiến bị ung thư da thư bác sĩ?

Những người làm việc ở ngoài trời nắng thì nguy cơ mắc ung thư da sẽ cao hơn như công nhân xây dựng, nông dân, ngư dân,...

Trẻ em cũng cần được bảo vệ kỹ trước tia cực tím, bởi tuổi đời các em còn nhỏ và thời gian tiếp xúc tia cực tím còn dài.

Những người làm việc nhiều ở ngoài trời nắng nóng sẽ có nguy cơ mắc ung thư da cao hơn (Ảnh minh họa)

4. Cách nào giảm tác hại của tia cực tím?

Làm cách nào để tránh tác hại của tia UV một cách hiệu quả nhất, thưa BS? Chúng ta có thể sử dụng tất cả các loại kính râm hay phải có tiêu chuẩn về chỉ số ANSI trên bao bì? Từ bao nhiêu trở lên là có thể giảm tác hại của UV?

Nên dùng kem chống nắng khi ra đường, đi biển, đi bơi... cho cả người lớn lẫn trẻ em (Ảnh minh họa)

Nếu không có việc cần thiết thì nên ra đường lúc thời tiết dịu mát như sáng sớm, chiều tối. Hạn chế ra đường vào lúc nắng đỉnh điểm từ 10g-16g.

Nếu phải ra đường khi trời nắng thì phải mặc quần áo, sử dụng găng tay để che kín toàn thân. Bạn có thể dùng khẩu trang để che khuôn mặt trước ánh nắng. Nên sử dụng thêm kem chống nắng có chỉ số chống nắng cao (SPF trên 30).

Sử dụng thêm kính râm, kính chống tia cực tím để bảo vệ đôi mắt. Nếu bạn không rành về các thông số kỹ thuật trên kính thì có thể tham khảo qua Internet hoặc người bán hàng.

Đại đa số các loại kính được lưu hành đều đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật của Mỹ hoặc châu Âu đều có khả năng lọc 90% tia cực tím.

>>> Hướng dẫn chọn sữa rửa mặt, kem chống nắng, dưỡng ẩm và cách trang điểm mùa nắng nóng

>>> BS Đoàn Mạnh Khải tư vấn: Bảo vệ da khi tia UV lên cực đỉnh?

5. Ngâm mình dưới nước có tránh được tia cực tím?

Có quan niệm rằng, nếu như ngâm mình dưới nước thì sẽ tránh được tia UV. Ý kiến của BS thế nào ạ?

Đây là quan niệm sai lầm. Thứ nhất, khi đi bơi thì không phải lúc nào cũng ngâm mình trong nước. Thứ hai, tia cực tím có khả năng xuyên thấu qua nước và có khả năng phản chiếu trên bề mặt nước.

Khi cho trẻ đi tắm hồ bơi hoặc tắm biển thì nên tắm lúc thời tiết dịu mát, tránh tắm vào lúc giữa trưa nắng. Vì tia cực tím có khả năng xuyên thấu qua nước và có khả năng phản chiếu trên bề mặt nước nên vẫn có tác hại.

Thời tiết nắng nóng, việc ăn kem hay uống nước đá để giải khát có đúng không, thưa BS? Những loại thực phẩm nào giúp bảo vệ cơ thể tốt nhất trong những ngày nắng nóng?

Mùa hè, nên ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước để tránh bị mất nước (Ảnh minh họa)

Thời tiết nắng nóng khiến cơ thể dễ đổ mồ hôi và mất lượng nước rất nhiều khiến cơ thể cảm thấy bứt rứt. Điều này khiến cơ thể cảm thấy chán ăn, dễ dẫn đến suy kiệt.

Việc ăn kem hay uống nước đá không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Nhưng cần lưu ý, uống đủ nước kể cả các loại nước trà xanh (chè tươi), nước cam,... Vẫn duy trì chế độ ăn bình thường, không cần kiêng thực phẩm nào. Nên chọn loại thực phẩm dễ ăn để tránh tình trạng chán ăn và suy kiệt cơ thể do thiếu chất dinh dưỡng.

>>> Mùa nắng nóng, ăn uống thế nào đảm bảo vệ sinh, tránh ngộ độc?

6. Làm sao để vừa tiếp nhận lợi ích của ánh nắng, vừa ngăn ngừa tác hại của tia cực tím?

Nhiều người có mối lo thái quá, tức là tuyệt đối không tiếp xúc với ánh nắng vì sợ bị ung thư da, chỉ dám ở trong nhà? Tuy nhiên, ánh nắng cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của cơ thể. Xin bác sĩ cho lời khuyên để người dân có sự an tâm.

Ánh nắng có vai trò rất quan trọng với cơ thể, chẳng hạn như diệt vi khuẩn. Trong thời tiết nắng nóng đỉnh điểm thì nên hạn chế ra đường và các hoạt động ngoài trời.

Cơ thể cần tiếp xúc ánh nắng để da tổng hợp vitamin D, giúp xương chắc khỏe, cơ thể khỏe khoắn. Vì vậy, cần lựa chọn thời điểm thuận lợi để ra đường như sáng sớm. Nếu phải ra đường lúc trời nắng nóng thì phải có đồ bảo vệ như quần áo, khẩu trang, găng tay, kem chống nắng,...

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X