Ba mẹ cần làm gì để đảm bảo “súng ống” chất lượng cho con trai cưng?
Đâu là những vấn đề con trai cưng thường gặp phải ở cơ quan sinh dục? Khi cơ quan sinh dục của con trai có vấn đề ba mẹ nên xử lý ra sao? Trong bài viết dưới đây ThS.BS Lê Anh Tuấn - Khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân sẽ chỉ ra bí quyết giúp ba mẹ giữ gìn “súng ống” chất lượng cho bé trai nhà mình.
1. Những vấn đề ba mẹ cần kiểm tra ở bộ phận sinh dục của con trai
Thưa BS, bên cạnh việc thăm khám về tình trạng sức khỏa tổng quát, có rát nhiều người muốn tìm hiểu và chăm sóc cho bộ phận sinh dục của em bé, nhờ BS tư vấn và hướng dẫn phụ huynh cách quan sát và thăm khám “súng ống” cho bé trai nhà mình ạ?
ThS.BS Lê Anh Tuấn trả lời: Khi đón một đứa bé sinh ra đời là niềm vui và hạnh phúc, tuy nhiên cần chú ý trong việc chăm sóc đối với bé trai. Về bộ phận sinh dục của bé trai khi sinh ra khá tương đồng với người lớn, chỉ khác là kích thước nhỏ hơn. Nếu gia đình có bé trai, ba mẹ cần quan tâm đến các bất thường bẩm sinh của bé.
Bất thường về bộ phận sinh dục (dương vật): Vấn đề cần chú ý là kích thước dương vật, bộ phận này sẽ thay đổi và phát triển từ khi còn nhỏ đến tuổi dậy thì.
Dương vật được xác định nhỏ: khi chiều dài từ da quy đầu đến gốc dương vật nhỏ hơn 2,5cm là một bất thường, lúc này gia đình cần theo dõi. Tuy nhiên, ở mỗi một độ tuổi, kích thước sẽ khác biệt và cần một bác sĩ để tư vấn kích thước đương vật theo độ tuổi của bé. Nếu ba mẹ thấy kích thước dương vật bất thường thì nên dẫn bé đến gặp bác sĩ, lúc này có bảng tiêu chuẩn giúp bác sĩ đánh giá dương vật nhỏ hay bình thường.
Da quy đầu của em bé: Tất cả các em bé sinh ra đều có vấn đề hẹp da quy đầu sinh lý, không làm tuột da quy đầu xuống được. Đến khoảng 5 tuổi, 95% trẻ có thể tự tuột da quy đầu xuống, nếu sau độ tuổi đó trẻ vẫn chưa tuột được da quy đầu xuống gọi là bất thường.
Như vậy trẻ từ 1-5 tuổi, ba mẹ không cố gắng tuột da quy đầu của bé xuống vì những hành động đó có thể làm tổn thương thêm da quy đầu của bé và không có lợi cho con. Thực chất vấn đề này chỉ là sinh lý và quy đầu dính vào da quy đầu của bé.
Quá trình thứ hai, khi da quy đầu không tuột xuống được nhưng có thể nhìn thấy các bất thường ở lỗ niệu đạo (lỗ tiểu của bé), theo nguyên tắc, một người đàn ông hoặc một bé trai lỗ tiểu sẽ nằm ở quy đầu. Tuy nhiên có một số bất thường là lỗ tiểu đóng thấp, không nằm ở quy đầu mà có thể nằm ở thân dương vật, gốc dương vật hoặc gốc bìu, đôi khi sẽ nằm rất cao ở thân dương vật…
>>> Dị tật lỗ tiểu đóng thấp ở bé trai khi nào phẫu thuật được?
Các bất thường ở bìu của bé: Một bên nhỏ hoặc to hơn, trường hợp to hơn thì xem xét vấn đề bìu của bé có quá to, thường bệnh lý cho dấu hiệu này là còn tồn tại ống phúc tinh mạc.
Về nguyên tắc, khi một bé trai sinh ra, hai tinh hoàn đã xuống bìu, tuy nhiên thực tế trong bào thai, tinh hoàn còn nằm trong bụng, cần một quá trình để di chuyển xuống dưới bìu. Nhưng nếu ống phúc tinh mạc đóng (bìu đóng) trong giai đoạn này, bé sẽ không gặp tình trạng bìu bị to. Bìu to vì còn sự thông dịch xuống giữa bụng và bìu của bé.
Bên cạnh đó, ba mẹ cần kiểm tra xem bé có đủ 2 tinh hoàn hay không. Việc sờ thấy tinh hoàn rất khó, ba mẹ nên đưa bé đi khám. Bởi vì hiện nay có các phương tiện hiện đại để tầm soát sự hiện diện của tinh hoàn trong bìu của bé bằng cách siêu âm.
Đó là các tổn thương cơ bản và những vấn đề cần kiểm soát khi có một bé trai.
2. Tinh hoàn của bé bên to, bên nhỏ làm sao nhận biết bất thường?
Với tình trạng tinh hoàn bên to, bên nhỏ, khi nào là bình thường và khi nào là bất thường, thưa BS?
ThS.BS Lê Anh Tuấn trả lời: Tinh hoàn bên to bên nhỏ cần kiểm tra do tinh hoàn to hay bìu to. Vì nếu bìu to là do còn ống phúc tinh mạc. Ba mẹ không được can thiệp vào sự tồn tại của ống phúc tinh mạc ở giai đoạn trước 1 tuổi, vì sau 1 tuổi tình trạng này sẽ tự đóng lại, nếu không tự đóng cần áp dụng phương pháp phẫu thuật.
Tinh hoàn to theo dân gian thường gọi là “bìu nước”, nếu ba mẹ không tự tin hãy đưa con đi khám.
Trường hợp không có điều kiện đưa con đi khám, hãy theo dõi trong một năm đầu, nếu tình trạng tự kết thúc, bìu tự co lại, trong đó vẫn có tinh hoàn thì vấn đề này đã đóng tự nhiên và không cần can thiệp phẫu thuật. Đó là nguyên nhân thường gặp nhất ở bìu của em bé.
3. Tinh hoàn ẩn có thể hóa thành ung thư nếu không phát hiện điều trị sớm
Thưa BS, nhiều bậc phụ huynh thật sự lo lắng khi con mình một bên tinh hoàn không có. Nhiều người sợ một vấn đề là vô sinh, vậy thực hư điều này như thế nào, nhờ BS chia sẻ ạ?
ThS.BS Lê Anh Tuấn trả lời: Đa phần các bé sinh ra đều đủ 2 tinh hoàn trong bìu, tuy nhiên một số trẻ do quá trình di chuyển của tinh hoàn nên tinh hoàn có thể nằm trong bụng, vùng bẹn hoặc vùng cao của bìu nên đôi khi chỉ sờ thấy 1 tinh hoàn.
Theo nguyên tắc, khi tinh hoàn nằm trong bìu sẽ đảm bảo được chức năng sinh lý và sinh sản của em bé (nội tiết, tình dục và khả năng sinh sản về sau). Nếu không thấy tinh hoàn xuống bìu trong vòng 6 tháng đầu sau sinh, ba mẹ cần dẫn em bé đi khám vì có thể phải cần đến can thiệp phẫu thuật.
Do những can thiệp phẫu thuật sau 1 tuổi chỉ mang hiệu quả về mặt thẩm mỹ còn chức năng sinh sản sẽ không tốt. Bởi vì nếu tinh hoàn nằm ngoài bìu, trong ống bẹn hoặc trong bụng… sẽ dẫn đến tình trạng thoái hóa tinh hoàn, ảnh hưởng đến chức năng và sinh sản, tình dục của tinh hoàn bên đó.
Một người có 2 tinh hoàn, chỉ cần còn một tinh hoàn vẫn có chức năng sinh sản và tình dục bình thương nhưng nếu có 2 tinh hoàn vẫn có lợi hơn.
Một trường hợp thường gặp trên lâm sàng là những bệnh nhân đã lớn mới đến thăm khám với tình trạng tinh hoàn ẩn trong bụng. Nếu tinh hoàn không phát triển thành ung thư là một điều may mắn. Tuy nhiên có những bệnh nhân hình thành khối ung thư rất lớn trong bụng, vì tinh hoàn nằm trong ổ bụng chịu tác động của nhiệt độ, các tế bào trong tinh hoàn sẽ thoái triển, trong quá trình đó tinh hoàn hình thành ung thư. Vì vậy, tình trạng ung thư trong bệnh lý tinh hoàn ẩn rất thường gặp, ngoài khả năng sinh sản, tình dục còn vấn đề liên quan đến tính mạng người bệnh.
Do đó nếu thấy một em bé không có một bên tinh hoàn, trước 6 tháng có thể theo dõi xem có tự xuống hay không, nhưng sau thời gian 6 tháng nên đưa con đến bác sĩ. Lưu ý thời gian phẫu thuật tốt nhất là trước 1 tuổi.
>>> Tinh hoàn ẩn phát hiện và điều trị thế nào?
4. Quá trình phát triển cơ quan sinh dục của bé trai diễn ra thế nào?
Quá trình phát triển vùng sinh dục của một em bé nam khỏe mạnh bình thường từ khi sinh ra đến khi dậy thì là như thế nào ạ?
ThS.BS Lê Anh Tuấn trả lời: Đứa trẻ không phải một người lớn thu nhỏ, sự phát triển cơ quan sinh dục nam của một bé trai khá bình thường, tinh hoàn và dương vật phát triển từ từ cho đến độ tuổi dậy thì (14-15 tuổi) ở nam. Tuy nhiên sẽ không có sự thay đổi quá nhiều, mỗi độ tuổi sẽ có sự thay đổi về độ dài của dương vật. Nếu ba mẹ cảm thấy sự phát triển dương vật không to ra hoặc dương vật của con bị vùi vô, hay các vấn đề bất thường thì nên đưa con đi khám để xác định lại.
Khi đến thăm khám bác sĩ sẽ xác định lại dương vật của bé to hay nhỏ, bé có bị vùi dương vật do bụng to hoặc dây chằng dương vật nhỏ. Mốc quan trọng nhất của một bé trai là độ tuổi 14-15, khi cơ thể chuyển từ một đứa trẻ thành nam giới trưởng thành, sự chuyển đổi này rất quan trọng. Cha mẹ cần chú ý con ở tuổi dậy thì vì đây là thời điểm quan trọng nhất, nếu không thấy con ở giai đoạn này không có bất cứ sự phát triển, thay đổi, hãy đưa con đến gặp bác sĩ để thăm khám.
Giai đoạn từ sơ sinh đến 14-15 tuổi chỉ cần theo dõi hình dạng, cụ thể là đủ hai tinh hoàn, có sự phát triển dương vật theo tuổi.
5. Xoắn tinh hoàn có thể gây ra hoại tử nếu không được phẫu thuật kịp thời trong 24 giờ
Thưa BS, có những bệnh lý nam khoa nào đáng lưu tâm, đặc biệt là các bặc phụ huynh cần lưu ý để chăm sóc và phát hiện sớm cho các bé trai ạ?
ThS.BS Lê Anh Tuấn trả lời: Thông thường bé trai khác khác bé gái là có da quy đầu, tuy nhiên sau 5 tuổi da quy đầu sẽ tự tuột xuống. Một số bé không tự tuột xuống được gây ra tình trạng tiểu khó, tiểu gắt buốt, tiểu nhiễm trùng, khi đó cần đưa con đến bác sĩ để can thiệp cắt da quy đầu.
Thứ hai là bệnh lý cấp cứu, nghĩa là tình trạng viêm hoặc sưng đau tinh hoàn. Một đứa trẻ rất khó bị viêm tinh hoàn vì con chỉ sinh hoạt bình thường. Viêm tinh hoàn ở trẻ thường do virus quai bị gây ra. Một biến chứng nguy hiểm là bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn nhưng lầm tưởng là viêm.
Xoắn tinh hoàn là tình trạng tinh hoàn xoay quanh trục mạch máu tinh hoàn, siết lại. Trong quá trình bé chạy nhảy, vận động, hoặc do sự co thắt của vùng cơ, vùng bìu làm tinh hoàn bị xoay, từ đó bị siết lại vùng cuống tinh hoàn, giảm mạch máu dưới tinh hoàn. Tình trạng này rất giống viêm tinh hoàn, đôi khi một số bác sĩ không đúng chuyên khoa sẽ rất khó phân biệt giữa viêm tinh hoàn và xoắn tinh hoàn.
Bên cạnh đó, điều trị hai vấn đề này rất khác nhau, viêm tinh hoàn điều trị bằng kháng sinh và nội khoa còn xoắn tính hoàn bắt buộc phải mổ cấp cứu trong vòng 24 tiếng.
Sau 24 tiếng nếu không mổ tháo xoắn, không tăng tái tưới máu lại cho tinh hoàn, dù giữ được tinh hoàn nhưng chức năng sinh sản không thể có được mà chỉ giữ được nội tiết, tệ hơn là có thể phải cắt một bên tinh hoàn do hoại tử. Ví dụ, có thể thử cột dây thun vào ngón tay trong một tiếng là tay bị tím, thì tinh hoàn bị xoắn trong vòng 6-12 tiếng, nguy cơ hoại tử của tinh hoàn rất cao.
Vì vậy, vấn đề quan trọng của một đứa trẻ khi bị đau tinh hoàn cần dẫn bé đi khám ngay và phải tái khám liên tục để biết bé có bị xoắn tinh hoàn hay không.
Tuy nhiên, thực tế rất khó để chẩn đoán tình trạng xoắn tinh hoàn ở một đứa trẻ, đôi khi bé không khai là đau tinh hoàn mà sẽ nói đau bụng, nôn ói. Đặc biệt khi để ý tinh hoàn của bé bị xoắn và kéo rút lên nhưng không đau vị trí tinh hoàn mà sẽ đau dọc thừng tinh ở bụng, gây cho bé tình trạng nôn ói.
Tóm lại tình trạng xoắn tinh hoàn rất quan trọng ở một đứa trẻ, nếu con đau bụng và vùng bìu hãy đưa trẻ đi khám, đó là nguyên nhân hàng đầu cần loại trừ. Vấn đề hẹp da quy đầu, viêm nhiễm có thể chậm hơn nhưng khi đã xoắn tinh hoàn phải được mổ cấp cứu trong vòng 24 tiếng, tốt nhất là trong 6 tiếng sau khi phát hiện triệu chứng.
6. Đâu là những vấn đề ở cơ quan sinh dục của trẻ cần được cấp cứu kịp thời?
Những dấu hiệu nào cần quan sát ở con trẻ để nhận biết sớm các trường hợp cần được xử trí cấp cứu kịp thời?
ThS.BS Lê Anh Tuấn trả lời: Những trường hợp cấp cứu kịp thời ở em bé là da quy đầu và vấn đề vùng tinh hoàn.
Trường hợp cấp cứu thứ nhất: Khi da quy đầu viêm mà bé vẫn có thể đi tiểu chỉ cần cho con dùng kháng sinh. Tuy nhiên nếu có tình trạng viêm nhiễm và hẹp da quy đầu (bé bí tiểu) cần dẫn con đến gặp bác sĩ can thiệp cắt da quy đầu, hoặc thông niệu đạo để con đi tiểu được.
Trường hợp cấp cứu thứ hai: Tình trạng sưng, đau vùng tinh hoàn (xoắn tinh hoàn), bé có thể khai với ba mẹ bị đau tức vùng tinh hoàn hoặc con đau tức vùng bụng, hay khó chịu vùng bìu cần kiểm tra xem hai vùng tinh hoàn của bé có ổn định hay không.
Nếu bé thấy tức vùng tinh hoàn cần dẫn con đến gặp bác sĩ chuyên khoa niệu và có hệ thống siêu âm. Trong quá trình khám rất khó phân biệt giữa xoắn và viêm tinh hoàn, nhưng siêu âm sẽ phát hiện rất dễ. Siêu âm giúp đánh giá được phổ mạch máu của tinh hoàn, đây là điều quan trọng nhất. Có phổ mạch máu là viêm và mất phổ mạch máu thường là xoắn tình hoàn. Khi phát hiện bé bị xoắn tinh hoàn cần được phẫu thuật ngay trong vòng 6-12 tiếng và tốt nhất là trước 6 tiếng.
7. Dạy con cách bảo vệ cơ thể trước người lạ từ khi còn nhỏ
Thưa BS, nên khuyến cáo ở độ tuổi bao nhiêu các vị phụ huynh nên để cho con mình tự chăm sóc bộ phận sinh dục ạ?
ThS.BS Lê Anh Tuấn trả lời: Đây là vấn đề truyền thống của phương Đông và truyền thống của phương Tây. Truyền thống phương Đông là kín kẽ và ngại nói chuyện với con trẻ về mặt tình dục, cơ thể, tuy nhiên ba mẹ cần hiểu một đứa trẻ thật sự có thể nhận thức được nó là nam hay nữ, biết được cấu tạo sinh dục. Vì vậy từ 3-5 tuổi, nên dạy bé nhận biết dương vật, bìu, vùng mặc quần lót là vùng tế nhị không nên để người lớn đụng chạm vào vùng đó.
Đôi khi có những hành động không có lợi cho con như hôn người khác, đây là hành động gợi ý cho bé tiếp xúc với người lạ. Từ hành động đó bé sẽ không biết cách quan tâm, kiểm soát và bảo vệ cơ thể của bé. Khi ba mẹ nói hôn người khác dù con không muốn nhưng vẫn phải làm và khiến con không hiểu cơ thể của con là quyền tự chủ của con. Vì vậy, phải dạy con việc nếu con không thích thì không cần làm và không cho người khác đụng chạm vào những vùng nào trên cơ thể của con.
Tại Việt Nam sự lạm dụng tình dục đều xuất hiện ở bé trai và bé gái, điều này đã diễn ra âm thầm, và trở thành làn sóng ngầm. Vì vậy, dù chỉ là những đụng chạm nhẹ nhàng cũng cần dạy cho con, người khác không đượng đụng vào các vùng nào trên cơ thể của con, chỉ có ba mẹ, ông bà được phép, còn người ngoài không được đụng vào vùng nhạy cảm.
Đồng thời dạy con cách phản ứng không cho người lạ đụng vào cơ thể, báo lại với người thân. Đó là sự bảo vệ và việc này giúp khi con lớn lên sẽ hiểu được đây là cơ thể và con có quyền từ chối đụng chạm.
Xã hội hiện nay có rất nhiều vấn đề, nếu ba mẹ không dạy con điều đó, nữ sẽ gặp các vấn đề ngoài xã hội nhiều hơn nam nhưng không có nghĩa một đứa bé trai không bị lạm dụng tình dục.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình