Amoxicillin/Clavulanate - lựa chọn đầu tay cho bệnh nhân nhiễm khuẩn hô hấp, tai mũi họng
Các chuyên gia nhấn mạnh, việc sử dụng kháng sinh hợp lý là điều cần thiết để nâng cao hiệu quả điều trị cũng như giảm thiểu nguy cơ bước vào thời kỳ “hậu kháng sinh” như WHO cảnh báo. Trong đó, Amoxicillin/Clavulanate là một trong những chỉ định đầu tay trong điều trị nhiễm khuẩn hô hấp, tai mũi họng, chứng minh tương đương sinh học, độ tinh khiết lên đến 99,5%, với chi phí thấp hơn, phù hợp với người Việt.
Những thông tin đáng chú ý trên được các chuyên gia cung cấp trong chương trình đào tạo y khoa liên tục (CME) với chủ đề “Cập nhật chẩn đoán và điều trị nhiễm khuẩn hô hấp, tai mũi họng theo đặc điểm người bệnh” vào ngày 26/05/2023 vừa qua.
Chương trình với sự tham gia của ba chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này, được bảo trợ chuyên môn từ Liên chi hội Tai Mũi Họng TPHCM và các tỉnh phía Nam cùng sự đồng hành của Nhãn hàng Klamentin - DHG Pharma, AloBacsi hỗ trợ truyền thông mang lại nhiều thông tin hữu ích. Do đó, thu hút hơn 500 y bác sĩ tham dự trực tiếp cùng lúc và gần 500 người theo dõi qua Facebook. Ngoài ra, chương trình cũng nhận được gần 36.000 lượt tiếp cận, 22.000 lượt xem cùng hàng trăm lượt chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội của AloBacsi.
Mở đầu hội thảo, Chủ tọa PGS.TS.BS Đặng Xuân Hùng - UVBCH Tai Mũi Họng TPHCM và các tỉnh phía Nam chia sẻ: “Nhiễm khuẩn hô hấp, tai mũi họng là những vấn đề phổ biến trong cộng đồng và có xu hướng gia tăng do ô nhiễm môi trường nặng nề, cùng với sự biến đổi khí hậu bất thường.
Trong khi đó, việc kiểm soát bệnh rất khó khăn, tỷ lệ gây biến chứng tử vong do viêm hô hấp tương đối cao, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em hoặc người có bệnh lý kèm theo. Ngày nay, cùng với sự phát triển của nhiều kỹ thuật chẩn đoán và điều trị, y học đã có những bước tiến vượt bậc về các phương thức kháng sinh nhằm điều trị hiệu quả cho nhiễm khuẩn hô hấp, tai mũi họng”.
Thực tế, tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh đang trở thành vấn đề khẩn cấp trên toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam. Do đó, chuyên gia đánh giá diễn đàn khoa học lần này đã mang đến các kiến thức cũng như kinh nghiệm lâm sàng thực tiễn hữu ích trong điều trị, kiểm soát nhiễm khuẩn hô hấp, tai mũi họng.
1. Lưu ý sử dụng kháng sinh trên phụ nữ có thai - cho con bú, trẻ em, bệnh nhân suy gan, suy thận
Trong bài báo cáo “Cập nhật chẩn đoán và điều trị nhiễm khuẩn hô hấp, tai mũi họng trên các đối tượng đặc biệt” TS.BS Nguyễn Ngọc Minh - UVBCH Tai Mũi Họng TPHCM và các tỉnh phía Nam cho biết, có 7 cơ chế bảo vệ đường hô hấp để chống lại tác nhân gây bệnh. Các bệnh lý của đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới có liên kết chặt chẽ với nhau và liên quan đến môi trường bên ngoài. Trong đó, nhiễm trùng đường hô hấp trên chiếm hàng triệu lượt khám hằng năm ở các nước. Tại Việt Nam, tình trạng này cũng phổ biến không kém.
TS Ngọc Minh đánh giá, hầu hết các nhiễm trùng đường hô hấp trên là do virus gây ra và không cần dùng kháng sinh. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy có tới 10 triệu đơn thuốc kháng sinh mỗi năm được hướng dẫn không phải là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Chuyên gia dẫn chứng, một nghiên cứu trên khoảng 15.000 bệnh nhân ngoại trú bị nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp tính cho thấy 41% bệnh nhân được kê đơn thuốc kháng sinh không đúng chỉ định.
“Sử dụng kháng sinh không cần thiết dẫn đến nhiều tác dụng phụ, góp phần vào nguy cơ kháng thuốc cho bệnh nhân và tăng thêm chi phí. Mặc dù có nhiều ca không nên điều trị bằng kháng sinh, nhưng điều quan trọng là phải nhận ra các trường hợp nhiễm trùng hô hấp trên luôn cần phải dùng kháng sinh. Ngoài ra, với những trường hợp nhiễm virus bội nhiễm cũng phải dùng kháng sinh tùy theo giai đoạn. Như vậy, 3 mục tiêu quan trọng của thuốc kháng sinh cần nhớ đó là kết quả điều trị hiệu quả, giảm hậu quả không mong muốn và giảm chi phí điều trị không cần thiết”- TS Ngọc Minh nhấn mạnh.
Trong bài báo cáo, chuyên gia cũng đề cập đến tiêu chí cân nhắc trong lựa chọn và sử dụng kháng sinh. Bao gồm kháng sinh (khả năng xâm nhập của kháng sinh vào vị trí nhiễm khuẩn; liên quan dược động học/ dược lực học (PK/PD); độc tính, tương tác thuốc; giá thành), vi khuẩn (độ nhạy cảm với kháng sinh, tần suất đề kháng), người bệnh (sinh lý - trẻ em, người già, phụ nữ có thai, cho con bú; bệnh lý - suy gan, suy thận, suy giảm miễn dịch, tiền sử dị ứng…; tình trạng nhiễm khuẩn).
Chẳng hạn, đối với phụ nữ mang thai, TS Ngọc Minh nhấn mạnh, nhóm này cần chỉ định kháng sinh nhóm cyclin và nhóm fluoroquinolon do nguy cơ ảnh hưởng trên xương và răng. Ngoài ra, chống chỉ định sulfamethoxazol/trimethoprim trong 3 tháng cuối thai kỳ do nguy cơ thiếu máu huyết tán. Đối với phụ nữ cho con bú chống chỉ định kháng sinh nhóm cyclin và nhóm fluroquinolon.
Bên cạnh đó, đối với trẻ em, TS Ngọc Minh lưu ý tránh dùng nhóm cyclin cho trẻ dưới 8 tuổi, tránh dùng nhóm fluroquinolon cho trẻ dưới 18 tuổi, chống chỉ định sulfamethoxazol/trimethoprim cho trẻ dưới 2 tháng tuổi.
Với các nhóm bệnh đặc biệt như suy thận, đa số kháng sinh được thải trừ qua thận và vì vậy cần hiệu chỉnh ở liều suy thận, dựa trên công tính ước tính độ thanh thải creatinin. Một số kháng sinh không cần hiệu chỉnh liều ở bệnh nhân suy thận bao gồm azithromycin, clindamycin, moxifloxacin, minocycline.
Riêng đối với bệnh nhân suy gan, hiệu chỉnh liều dựa trên mức độ nặng của bệnh gan. Trong đó, thường không cần hiệu chỉnh liều ở bệnh nhân suy gan mức độ nhẹ đến trung bình. Ở bệnh nhân gan nặng, cần hiệu chỉnh liều của các thuốc có khả năng gây độc cho gan, ví dụ như clindamycin.
2. Điều trị tai mũi họng là sự kết hợp khoa học và nghệ thuật y khoa
Để phân tầng nguy cơ bệnh nhân với sự hiện diện của vi khuẩn đa kháng thuốc, TS Ngọc Minh cho rằng cần dựa trên 3 yếu tố: tiếp xúc với cơ sở chăm sóc y tế, được phẫu thuật hoặc làm các thủ thuật; đã sử dụng kháng sinh trước đó hoặc không; đặc điểm của bệnh nhân.
Đứng trước bối cảnh kháng sinh được bán tràn lan tại các nhà thuốc, quầy hàng cũng như thói quen lạm dụng, chuyên gia khuyến nghị người bệnh cần phải có hiểu biết để thận trọng khi sử dụng. Yếu tố tiên quyết khi sử dụng kháng sinh đó là phải có chỉ định của bác sĩ điều trị.
Từ các khuyến cáo lâm sàng, TS Ngọc Minh nhấn mạnh trong một số trường hợp. Khi viêm, ho cấp tính, cảm sốt, khàn tiếng (thường là viêm hô hấp trên) trong vòng 7 ngày được coi là nhiễm siêu vi, vì vậy không nên sử dụng kháng sinh mà sẽ theo dõi từ 7-10 ngày.
Trẻ bị viêm tai giữa cấp tính cần được theo dõi và bắt đầu điều trị bằng kháng sinh nếu tình trạng xấu đi hoặc không cải thện trong vòng 48-72 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng, để trẻ không rơi vào tình trạng co giật, sốt cao, thủng màng nhĩ. Trong đó, Amoxicillin là thuốc điều trị đầu tay ở trẻ bị viêm tai giữa cấp khi trẻ không dùng amoxicillin trong 30 ngày qua hoặc trẻ không bị viêm kết mạc có mủ đồng thời hoặc trẻ không dị ứng với penicillin.
Ngoài ra, Amoxicillin hoặc penicillin V nên được sử dụng ở những bệnh nhân bị viêm họng do liên cầu beta tan huyết nhóm A để giảm nguy cơ sốt thấp khớp cấp tính, triệu chứng kéo dài và khả năng lây nhiễm.
Đối với viêm mũi xoang cấp tính, mặc dù hầu hết là do virus, nhưng trong các trường hợp do vi khuẩn thì Amoxicillin/Clavulanate (đại diện là Klamentin) là giải pháp điều trị đầu tay, với thời gian điều trị từ 5-7 ngày ở người lớn và 10-14 ngày ở trẻ em.
TS Ngọc Minh khuyến nghị, việc xét nghiệm nhanh kháng nguyên liên cầu khuẩn ở người lớn có thể giảm việc kê đơn kháng sinh không phù hợp mà không gây hậu quả xấu. Song thực tế, chuyên gia cho rẳng, việc trì hoãn kê đơn ở người lớn và trẻ em có thể làm giảm việc sử dụng kháng sinh, nhưng nó cũng làm giảm sự hài lòng của bệnh nhân và thời gian triệu chứng kéo dài.
“Kinh nghiệm lâm sàng trong sử dụng kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn hô hấp và tai mũi họng” cũng được BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước - UVBCH Tai Mũi Họng TPHCM và các tỉnh phía Nam bàn luận sâu hơn trong phần báo cáo.
Trong đó, chuyên gia lưu ý, khi chọn kháng sinh cần dựa trên những tiêu chí quan trọng. Thứ nhất là độc tính thật chọn lọc, nhưng độc với vi khuẩn - không độc với bệnh nhân. Thứ hai, sát khuẩn - hãm khuẩn tùy theo mục đích của từng loại bệnh khác nhau. Thứ ba, dược động học ưu việt, nồng độ phải đạt cao ngay tại vị trí cần và phổ hoạt động kháng khuẩn phải hẹp để ít đề kháng kháng sinh. Thứ tư, ưu tiên thuốc càng ít tác dụng phụ càng tốt.
“Bởi vì, thực tế không có loại thuốc nào không có tác đụng phụ, kể cả thuốc bổ như vitamin A nếu uống quá nhiều cũng có thể gây độc. Do đó, cần khuyến nghị bệnh nhân sử dụng đúng liều, uống đủ thời gian và đúng cách. Trên hết, việc tự ý mua thuốc kháng sinh sẽ góp phần gây ra đề kháng kháng sinh” - BS Vĩnh Phước cho biết.
Trong kinh nghiệm phối hợp thuốc, chuyên gia nhấn mạnh cần tránh phối hợp Erythromycin với Lincomysin; Erythromycin với Cloramphenicol; Streptomycin với Tetracyclin; Nhóm Macrolid với nhóm Phenicol; Nhóm Macrolid với Licosamid. Đặc biệt là các kháng sinh cùng nhóm Aminoglycosid với nhau hoặc với Vacomycin gây tăng độc tính trên thận.
“Điều trị tai mũi họng là sự kết hợp khoa học và nghệ thuật y khoa, trong đó phải kèm theo kinh nghiệm cả đời của bác sĩ. Rất khó để từ bỏ kháng sinh đối với bệnh lý tai mũi họng. Bác sĩ tai mũi họng chỉ cần kháng sinh thông thường như Amoxicillin kết hợp với Acid clavulanic (trừ một vài trường hợp đặc biệt). Macrolite thế hệ 2 là kháng sinh hiệu quả trong điều trị viêm họng do GABHS và các trường hợp nhiễm khuẩn tai mũi họng tái phát, nhờ khả năng thâm nhập nội bào và phá vỡ màng biofilm của vi khuẩn” - BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước bày tỏ.
3. Amoxicillin/Clavulanate - xu hướng lựa chọn đầu tay của thầy thuốc
Hai bài báo cáo của chuyên gia trong chương trình đều đánh giá cao kháng sinh Amoxicillin/Clavulanate. Bởi hiệu quả của kháng sinh trên cả vi khuẩn gram dương, vi khuẩn gram âm, vi trùng yến khí, do vậy được chỉ định trong nhiều trường hợp. Thứ nhất là nhiễm trùng hô hấp dưới do β-lactamase–producing strains of H. influenzae và M. catarrhalis. Thứ hai là viêm tai giữa do β-lactamase–producing strains of H. influenzae và M. catarrhalis. Thứ ba là viêm xoang do β-lactamase–producing strains of H. influenzae và M. catarrhalis. Thứ tư là nhiễm trùng da do β-lactamase–producing strains of S. aureus, E. coli, và Klebsiella spp. Thứ năm là nhiễm trùng đường niệu do β-lactamase–producing strains of E. coli, Klebsiella spp., và Enterobacter spp.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, đối với bệnh nhân cần biết rằng, các loại thuốc kháng khuẩn, bao gồm Amoxicillin/Clavulanate chỉ nên được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng. Thuốc không điều trị nhiễm virus, ví dụ như cảm lạnh thông thường. Do vậy, trong quá trình điều trị, nên dùng thuốc đúng theo chỉ dẫn, bởi nếu không sẽ làm giảm hiệu quả điều trị, đồng thời tăng khả năng vi khuẩn kháng thuốc và sẽ không thể điều trị được bằng Amoxicillin/Clavulanate hoặc các loại thuốc kháng khuẩn khác trong tương lai.
“Tiêu chảy là một vấn đề phổ biến do kháng sinh gây ra và thường hết khi ngừng kháng sinh. Bệnh nhân có thể đi ngoài phân lỏng và có máu (có hoặc không kèm theo co thắt dạ dày và sốt) thậm chí muộn nhất là hai tháng trở lên sau khi dùng liều kháng sinh cuối cùng. Nếu điều này xảy ra, bệnh nhân nên liên hệ với bác sĩ của họ càng sớm càng tốt” - TS Ngọc Minh nói.
Cuối chương trình, PGS.TS.BS Đặng Xuân Hùng nhìn nhận, hai bài báo cáo đến từ 2 chuyên gia giàu kinh nghiệm đã cung cấp rất nhiều thông tin, cập nhật xu hướng điều trị và phân tích các mặt lợi và mặt hại của kháng sinh. Qua đó, giúp các bác sĩ có thêm lựa chọn tối ưu cho bệnh nhân trong điều trị nhiễm khuẩn hô hấp, tai mũi họng tại bệnh viện, cũng như phòng khám.
PGS.TS.BS Đặng Xuân Hùng cũng đánh giá Amoxicillin/Clavulanate là một trong những xu hướng được lựa chọn hiện nay. “Sự kết hợp Acid clavulanic và Amoxicillin giúp Amoxicillin không bị beta hóa, beta lactamase phá hủy. Đồng thời mở rộng thêm phổ kháng khuẩn của Amoxicillin một cách hiệu quả đối với nhiều vi khuẩn thông thường kháng lại Amoxicillin, Penicillin. Nên lựa chọn sản phẩm có tính khả dụng sinh học tương đương, chi phí thấp hơn, phù hợp với người Việt Nam” - chuyên gia đúc kết.
Cô Nguyễn Minh Hương (ngoài cùng bìa phải) - Thư ký VP Hội Y học TPHCM thay mặt Hội Y học TPHCM và AloBacsi trao hoa và gửi lời tri ân đến các diễn giả tham dự chương trình
Tại buổi hội thảo, các chuyên gia đã giải đáp nhiều câu hỏi thú vị của người tham dự như: làm sao để tối ưu liều Amoxicillin/Clavulanate trong điều trị phế cầu khuẩn; việc phối hợp điều trị kháng sinh trong nhiễm khuẩn tai mũi họng có được đề cao ở thời điểm hiện tại; với khuynh hướng đề kháng kháng sinh hiện nay, nên sử dụng Amoxicillin/Clavulanate liều lượng thế nào để đạt hiệu quả… Bạn đọc có thể theo dõi chương trình đầy đủ TẠI ĐÂY.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình