AloBacsi và Impact trao 300 phần quà cho bà con Huế bị ảnh hưởng bởi thiên tai tại Huế
“Mỗi khi có đoàn đến thăm là an ủi lớn lao cho bà con khi hoạn nạn. Được nghe những lời thăm hỏi ân cần, được trao cho nhau cái xiết tay an ủi ấm tình đồng bào, những mất mát, buồn khổ như vơi đi” - lời chia sẻ của người dân xứ Huế khi nhận quà cứu trợ mưa lũ lịch sử năm 1999, thôi thúc chúng tôi lên đường.
Biết rằng sau những ngày chống chèo với mưa lũ, bà con rất cần “các loại thuốc cơ bản”. Túi quà của chúng tôi chuẩn bị rất thiết thực: thuốc bôi ngoài da, thuốc cảm, thuốc ho, sát khuẩn, men tiêu hóa, dung dịch vệ sinh phụ nữ…Thùng nước sạch, chiếc radio để “nghe tin tức cảnh báo mưa bão” và một bì thư.
Tối hôm trước, đoàn tập trung ở Hội Phụ Nữ tỉnh Thừa Thiên Huế chăm chút từng phần quà
Sáng 31/10, mưa dầm dề nhưng từ sớm bà con người dân tộc Vân Kiều đã tập trung đông đủ về trường THCS Xuân Lộc, huyện Phú Lộc - điểm hẹn phát quà cho bà con.
Trước đoàn của chúng tôi, bà con được tặng bánh chưng, gạo, mỳ tôm, quần áo cũ. Lần này, nhận “túi thuốc” kèm hướng dẫn sử dụng dễ hiểu, bà con phấn khởi lắm. “Ở các bản làng xa, có được viên thuốc hạ sốt, nhức đầu, ho cảm… quý lắm”, chị Phương, chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Phúc Lộc chia sẻ.
Chị Hồ Thị Liên, làng dân tộc Vân Kiều, kể đây là lần đầu tiên cả làng cùng được đi nhận quà, gần như không sót nhà nào, nên mọi người trong làng vui lắm.
Hoàn cảnh của bà con Vân Kiều ở đây, đều na ná như nhau. Sau mưa bão, mái nhà chỗ còn chỗ mất. “Ngồi trong nhà, nước rơi lộp độp, phải mặc áo mưa cho khỏi ướt, khỏi lạnh. Bữa ăn, thịnh soạn là gói mỳ tôm chan nước lõng bõng”. Thóc giống nẩy mầm, hư hỏng. Cả làng sống bằng nông nghiệp. Đất là linh hồn nuôi sống, thì nay “Chỗ sạt lở, nơi lại bị bồi lấp”. Cây trái gãy đổ tang hoang, không khó bằng việc, “phải mất nhiều công lắm mới làm lại đất, để canh tác tiếp”.
Khó khăn giăng giăng trước mắt, nhưng bà con khi nhận quà đều cảm động, không quên nói đi nói lại lời cảm ơn bằng tiếng Kinh lơ lớ.
Để bà con không bị ướt, việc trao quà cho 170 hộ diễn ra nhanh chóng. Cuối buổi, phát hiện ra một “ca đặc biệt”, một cô gái dân tộc nhường phiếu nhận quà cho gia đình “khổ hơn mình”. Cô còn vui vẻ dẫn đường cho đoàn đến địa điểm phát quà kế tiếp.
Ảnh 3,4,5,6,7: Cảnh trao quà
Tiếp tục hành trình, xuyên qua các cung đường núi quanh co, sang điểm phát quà thứ hai, cách 40 cây số: thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông.
Tại điểm phát quà này, Hội Phụ Nữ tỉnh Thừa Thiên Huế tặng kèm mỗi phiếu 10kg gạo. Danh sách nhận 130 phần quà tại đây được Hội Phụ nữ huyện chọn lọc rất kỹ từ các xã: Hương Xuân, Hương Lộc, Hương Phú và Thượng Lộ. Đảm bảo các hộ nhận quà đúng là gia đình bị thiệt hại nặng do mưa bão.
Khệ nệ ôm hai bịch gạo, gói quà, không quên kè kè thêm cái nồi không nắp, cô Nguyễn Thị Hà, huyện Nam Đông gây ấn tượng nhất trong những người đến nhận. Bão số 9, thổi bay sạch sành sanh, đến cái nồi nấu cơm cũng không còn. Cô ỏn ẻn kể về cái nồi cũ thiếu nắp mới xin được, sẽ giúp cho gia đình cô có chén cơm sau cả tuần toàn mỳ gói.
Trước bão số 9, gia đình không thuộc diện nghèo. Nhà trồng cả keo lẫn cao su. Bao năm siêng năng chăm bón, tích góp, đến lúc sắp “thu hoạch” bão số 9 tràn qua, vặn gãy không thương tiếc. Tan tác. Tan nát. Đến mái nhà cũng còn không nguyên vẹn. Trắng tay, nhưng cô lại chính là người, “động viên ngược“: Không sao. Còn người còn của, con à”.
Ảnh: 8,9,10:
Nếu ai chưa từng biết về cuồng phong, bão tố, đi trên tuyến đường vào các thôn xã của Nam Đông hôm nay, sẽ thấm thía sức mạnh của gió bão “cấp đặc biệt lớn”. Cây lớn cây nhỏ, gãy gọn, ngã rạp về một phía.
1841 ha cây keo, rừng trồng bị vặn sạch, 490 ha cây cao su bị gãy đổ ngỗn ngang, 37,3 ha cam quýt và 54,5 ha trồng chuối cũng mất trắng…Dân Nam Đông đang sốc nặng. Ra thăm đất, nhiều người ngơ ngẩn, bỏ ăn, chưa tin là công sức bao năm gầy dựng, chẳng còn lại gì sau cơn cuồng phong.
70% toàn bộ các cây trồng trên toàn huyện bị ảnh hưởng nặng nề. Thường 1 ha trồng keo sau 7 năm thu hoạch được 70- 80 triệu đồng, nay gẫy rạp như vầy, kêu bán cũng không khó. Rồi cũng đến lúc phải chặt bỏ. Làm lại từ đầu.
Dẫn đường cho đoàn đi thăm các thôn bản, chị Hoàng Thị Loan, chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Nam Đông, đưa đoàn đến thăm cụ Nguyễn Thị Đóa, 84 tuổi, lưng còng gần sát đất, lầm lũi một mình trong căn nhà trống hoác. Thăm các gia đình sống trong những căn nhà “đặc trưng của các nghèo tuyệt đối”. Chỉ là bốn bức vách dựng tạm trên nền đất lầy. Mong manh là thế nên đợt bão số 9, chỉ một cú thốc cũng làm mái nhà tan tác:
Ảnh: 11,12
Không than van, không kể khổ, kiên cường đứng lên làm lại, là những gì đoàn chúng tôi, cảm nhận được từ người dân nơi đây. Hoàn cảnh khó khăn đến mấy họ cũng cắn răng chịu, vẫn giữ cho mình sự dịu dàng, nhẹ nhàng tinh tế của xứ Huế nên thơ.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình