Hotline 24/7
08983-08983

AloBacsi trở lại Tuyên Quang mừng bốn căn nhà mới như lời đã hứa

Ngay sau khi bão Yagi tàn phá Tuyên Quang, đoàn AloBacsi hỗ trợ khẩn cấp cho 4 hộ bị sập hoàn toàn, dựng lại nhà. Ngày 28/3, chúng tôi trở lại, thực hiện lời hứa “sẽ đến thăm mừng nhà mới".

Trong những ngày bão Yagi hoành hành (tháng 9/2024), người dân Tuyên Quang phải đối mặt với sạt lở và thiệt hại nặng nề.

Ngay từ lần đầu tiên đưa đoàn đi cứu trợ, AloBacsi đã trao 100 triệu đồng hỗ trợ xây dựng hai căn nhà. Nửa tháng sau, trở lại Tuyên Quang - trong chuyến khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho hơn 1.200 người dân ở các xã Yên Sơn, Na Hang và Chiêm Hóa, ngoài thuốc men và quà tặng trị giá hơn một tỷ đồng - AloBacsi tiếp tục trao thêm 100 triệu đồng phụ dựng lại nhà cho 2 hộ người H’Mông bị lũ cuốn trôi.

Trở lại thực hiện lời hứa

Trên chuyến xe về thăm những ngôi nhà mới, có "3 màu áo chung 1 tấm lòng". Đó là màu áo trắng  - đỏ của Hội chữ thập đỏ của ông Nguyễn Hoàng Long, chủ tịch Hội chữ thập đỏ tỉnh Tuyên Quang; Màu xanh lá cây đặc trưng của bà Đào Thị Mai, Chủ tịch Hội Nông dân tình Tuyên Quang  và màu đen truyền thống của nhà báo Thái Tâm và các cộng sự lãnh đạo AloBacsi.

Từ năm ngoái, 3 màu áo từ phương trời Nam - Bắc gặp nhau trong những ngày mưa bão, từ xa lạ kết thành bằng hữu, đồng lòng chung vai với sứ mệnh chia sẻ khó khăn với bà con sau thiên tai. 

Điểm dừng đầu tiên là gia đình anh Đặng Văn Thắng (42 tuổi) tổ dân phố Cầu Trôi, thị trấn Yên Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Do khó khăn trong việc giải tỏa mặt bằng và không có đất dựng nhà nên đến nay, ngôi nhà vừa xong phần móng và tiếp tục dựng tường. Dự kiến khoảng 2 tháng nữa sẽ hoàn thành. Gia đình anh bày tỏ niềm vui và lòng biết ơn khi nhận được sự hỗ trợ từ nhà hảo tâm và địa phương, tạo điều kiện xây tổ ấm mới. Rất quan tâm đến vấn đề an toàn của ngôi nhà mới, để phòng tránh sạt lở khi mưa bão, mọi người bàn bạc sẽ nhờ thêm lực lượng bộ đội địa phương, thi công hạ cấp ngọn đồi ngay sau nhà. 

Ngôi nhà của gia đình anh Đặng Văn Thắng đang cấp tập xây trên nền đất mới

Hành trình tiếp tục với 70km về thôn Pác Hóp, xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa, con đường ngoằn ngoèo, bụi mù mịt. Một bên là vách núi cheo leo, một bên là vực sâu hiểm trở.

Căn nhà của vợ chồng anh Quan Văn Kỷ (29 tuổi) mấy tháng trước bị lũ quét cuốn trôi chỉ còn cái nền đất lở lói, giờ đây, như một phép màu, từ đống đổ nát, tan hoang, chỉ sau mấy tháng nỗ lực một ngôi nhà 120m2 vững vàng đã được dựng lên. 

Gặp lại tay bắt mặt mừng, gia đình đón đoàn bằng ánh mắt chan chứa yêu thương và lời cảm ơn mộc mạc "Chính những hỗ trợ, động viện kịp thời của Hội chữ thập đỏ, Hội nông dân và đặc biệt là AloBacsi đã tiếp nguồn năng lượng quý giá vào lúc tuyệt vọng nhất để gia đình quyết tâm dựng lại mái nhà sau bão lũ".

3 màu áo chung 1 tấm lòng: Trắng - Hội chữ thập đỏ/ Xanh: Hội nông dân và đen: AloBacsi 
AloBacsi cùng đại diện địa phương đến thăm nhà anh Quan Văn Kỷ

Từ hộ gia đình bị lũ cuốn trôi nhà cửa, sau vài tháng, gia đình anh Kỷ đã dần hoàn thiện căn nhà mới

Di chuyển đến nhà bà Triệu Thị Nho (58 tuổi) , cách nhà anh Kỷ không xa. Vừa gặp mặt,  bà Nho đã reo lên "Ôi, AloBacsi. Lần trước đến trao tiền, có hứa sẽ về thăm tặng quà khánh thành nhà mới. Gia đình vẫn chờ và không ngờ AloBacsi đến thật".

Cách đây nửa năm, bên nền nhà trống hoắc do mưa lũ cuốn trôi, bà Nho đón đoàn Hội chữ thập đỏ, Hội Nông dân và AloBacsi bằng những cái nắm tay, siết chặt và nước mắt lăn dài trong tuyệt vọng. Thế mà hôm nay, một ngôi nhà tường chắc chắn đã mọc lên. Bà cười tươi, hào hứng dẫn đoàn đi giới thiệu từng phòng. Sau những mất mát tưởng chừng như "trắng tay không biết bao giờ mới làm lại được", với sự yêu thương, chung sức của cộng đồng, mẹ con bà đã dựng lại được mái nhà tươm tất. Cũng chưa đủ tiền sơn tường, nhưng, "Cái đó từ từ làm sau, có chỗ ở là mừng vui và biết ơn các tấm lòng hảo tâm nhiều nhiều lắm", người phụ nữ dân tộc Tày chia sẻ.

Dịp này Phòng khám Bernard tại TPHCM cũng gửi nhờ AloBacsi trao tặng mỗi gia đình 2 triệu đồng và bộ ấm trà.

Ngôi nhà kiên cố đã được mọc lên bên cạnh vị trí nhà cũ bị lũ cuốn trôi của hộ gia đình bà Triệu Thị Nho

Trời đã về gần chiều muộn, đoàn tiếp tục băng rừng, đến với thôn Tấu Lìn, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, hộ dân thứ 4 được hỗ trợ xây nhà mới, là gia đình anh Trương Văn Día (44 tuổi), dân tộc H' Mông.

Băng qua một con suối, căn nhà 80m2 sơn nước vàng rực, nổi bật giữa gam màu thâm trầm của núi rừng. Nụ cười hạnh phúc của vợ chồng con cái anh trong căn nhà mới, có nền gạch, mái tôn, làm cả đoàn vui lây. Ngại ngùng, ít nói nhưng anh chị cứ giữ đoàn nán lại dùng cơm, như một cách bày tỏ lời cảm ơn theo cách người H' Mông hiền hòa, hiếu khách. 

Căn nhà nhỏ của gia đình anh Trương Văn Día đã hoàn thiện sau khi được AloBacsi hỗ trợ xây dựng 

Phút gặp lại, mọi người đều reo lên, gọi tên AloBacsi: “Được khám bệnh phát thuốc cho quà. Nhớ lắm. Nhớ lắm. Làm sao quên được!”.

Những động viên chân tình, những món quà mang hơi ấm của miền Nam được trao gửi kịp thời, "Một miếng khi đói bằng một gói khi no" quả thật đã ghi dấu đậm sâu trong lòng bà con núi rừng Tây Bắc.

Nhà báo Thái Tâm - Sáng lập và điều hành AloBacsi bày tỏ: “ Trở lại Tuyên Quang sau 6 tháng, thực sự rất xúc động. Không ai nghĩ đoàn AloBacsi sẽ về lại vùng núi rừng Tây Bắc lần nữa. Gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng như đã thân quen từ lâu lắm rồi.

Mừng nhất là bà con mình thật sự đã rất nỗ lực. Tự gom góp, "thêm cát, thêm đá" để ra đời những ngôi nhà tường chắc chắn.

Từ đống hoang tàn sau thiên tai, sự sống đang hồi sinh mãnh liệt trong những mái nhà nhân ái còn thơm mùi vữa mới". 

Cũng trong chặng hành trình này, đoàn AloBacsi được đến thăm gia đình anh Đồng Đại Cường (41 tuổi, thôn Núi Cẩy, xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang), người đã hy sinh trong lần chữa cháy rừng ở núi Nghiêm vào ngày 21/3 vừa qua. Anh là người dẫn đầu đoàn chữa cháy, xông pha không màng sinh tử để cứu cây, giữ rừng. Sau một ngày chữa cháy, anh đuối sức, bị ngọn lửa bao trùm... Anh ra đi, để lại cha mẹ già, vợ và hai con nhỏ. AloBacsi xin phép thắp nhang cho người đã khuất và trao tặng gia đình 10 triệu đồng.

Ngôi nhà 2 vợ chồng anh Cường chắt bóp xây dựng từ 2013 đến nay vẫn còn dang dở…

AloBacsi trân trọng cảm ơn Hội Chữ thập đỏ và Hội Nông dân Tuyên Quang  

Qua 14 năm hoạt động, với hàng trăm chuyến đi đến hơn 40 tỉnh thành trong cả nước, có một thực tế, nơi nào lãnh đạo xả thân, chủ động, quyết liệt thì nơi ấy bà con “được nhờ” rất nhiều. Tuyên Quang là một trong những tỉnh có thủ lĩnh mạnh mẽ như thế. Đơn cử là hai vị chủ tịch Hội Chữ thập đỏ và Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang - đều xông pha, tận tâm, hết lòng với công việc chung.

Là một "tỉnh xanh, không COVID-19" nhưng trong những năm tháng cả nước oằn mình chống dịch, Tuyên Quang quyết không đứng ngoài cuộc. Họ cũng có 100 ngày đêm nóng bỏng, lập Ban tổng chỉ huy chiến dịch tiếp tế cho cả miền Bắc lẫn miền Nam.

Hội Chữ thập đỏ và Hội Nông dân được sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh đã xắn tay vào cuộc. Vận động các doanh nghiệp thu mua nông sản cho nông dân, chuyển thành hàng cứu trợ chi viện cho các tỉnh bị dịch COVID-19 hoành hành. Bên cạnh đó, tinh thần tương thân tương ái thấm đến từng đồng bào dân tộc từ miền núi xa xôi. Bằng chứng là họ gom góp từng cân đậu, quả trứng, quả bầu quả bí, gửi về Hội Nông dân tỉnh. Tại đây, có một đội phân loại, chọn lọc đóng gói cẩn thận, xếp ngay ngắn vào từng vuông hành, đưa lên xe hướng về Hà Nội. Những tỉnh thành xa như TPHCM, Bình Dương thì đóng hẳn thành từng lô hàng hoàn chỉnh, gửi vào bằng đường máy bay, tàu hỏa. 

Rất nhiều câu chuyện cảm động khi công nhân ở Bình Dương nhận được hũ mắm kho thịt, kèm những lời động viên yêu thương từ Tuyên Quang, vừa ăn vừa chảy nước mắt, thấm nghĩa đồng bào. Hoặc những bữa cơm vùng cách ly được nấu từ gạo, từ rau từ Tuyên Quang gửi vào. Mùi gạo nương quyện với vị ngọt của rau tự nhiên, làm nên những mâm cơm đậm tình phương Bắc.

Với riêng AloBacsi, lần đầu tiên, chúng tôi gặp nhau cũng là lúc hai Hội đang cấp tập nhận và chuyển hàng cứu trợ cho bà con Tuyên Quang sau cơn bão dữ Yagi.

Chính nhà của họ cũng chịu thiệt hại nặng nề do mưa bão ngập sâu nhưng toàn thể  Hội Nông dân và Chữ thập đỏ tỉnh đều bám trụ 30 ngày làm xuyên ngày đêm để phân bố và đưa hàng cứu trợ kịp thời đến tay bà con. Băng qua những tuyến sạt lở, bị chia cắt. Hiểm nguy do sụt núi, lở đèo…lơ lửng theo từng bước chân, nhưng nghĩ đến bà con bị đói, bị rét đang chờ, cả đoàn vẫn xăng xái bước tới.

Cách kêu gọi “xóa nhà tạm”, xây lại nhà sập cũng rất độc đáo. Hội chữ thập đỏ tỉnh Tuyên Quang kêu gọi, mỗi mạnh thường quân tài trợ mỗi suất xây nhà mới 50 triệu đồng.  Tỉnh bỏ thêm “vốn đối ứng” bằng với số tiền tài trợ. Tức là, mỗi hộ sẽ có 100 triệu đồng. Số tiền đó dành để mua vật tư, nguyên vật liệu xây dựng.

Tiếp đến Hội Nông dân sẽ kêu gọi “vần công”. Nghĩa là, công san nền, xây cột, dựng mái toàn bộ là do Hội Nông dân, bộ đội, dân quân trong địa phương tự sắp xếp “tiếp công”. Hội Phụ nữ sẽ góp người con gà, bó rau… và công nấu nướng lo bữa ăn cho “thợ”. 

Cứ thế mà mái nhà nhân ái, nghĩa tình mọc lên. Với chi phí “rất mềm”, tỉnh Tuyên Quang đã có hơn 600 căn nhà được dựng lên theo công thức độc đáo ấy.
 
Trong chuyến cùng nhau thăm lại 4 căn nhà do các y bác sĩ của đoàn AloBacsi tài trợ, đến thăm nhà nào, anh Nguyễn Hoàng Long cũng có chung câu hỏi “Nhà mình có làm được giấy tờ chưa?” rồi đốc thúc, hứa sẽ đồng hành, "Hỗ trợ thủ tục, để các gia đình có nhà, có luôn giấy chủ quyền hợp pháp".

Cũng có nơi chỉ mới kịp chỉ dựng xong căn nhà gỗ, thiếu bếp và nhà vệ sinh, anh Long trăn trở và " nhất định sẽ đốc thúc, vận động xây dựng thêm để  hoàn thiện công trình phụ cho gia đình".

Riêng chị Đào Thị Mai - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang đi đến đâu cũng hỏi: “Nhà đã nuôi gà chưa? Phải gầy dựng đàn gà. Phải dành đất trồng rau để cải thiện bữa ăn hàng ngày!...” Đúng vai trò tổng tư lệnh của nhà nông, chị chủ tịch Hội Nông dân Tuyên Quang ân cần hướng dẫn và hứa hẹn sẽ quay lại với những hạt mầm, con giống để "sớm có cọng rau, miếng thịt, cải thiện bữa cơm gia đình".

Trước khi rời đi, chị không quên lướt qua sàn nước và tranh thủ nhắn nhủ: "Ăn xong đừng chất bát chén dơ một góc. Ăn bữa nào dọn rửa cái chén cái bát cho vệ sinh"

Thật sự, nếu không có sự đồng hành quyết liệt của Hội Chữ thập đỏ và Hội Nông dân tỉnh thì AloBacsi không thể có niềm vui được đến thăm mừng nhà mới các hộ đồng bào vùng núi phía Bắc xa xôi.

AloBacsi trân trọng cảm ơn!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X