Hotline 24/7
08983-08983

80% người trên 80 tuổi bị thoái hóa khớp; cân nặng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến khớp gối

Khô khớp gây nhiều phiền toái trong sinh hoạt hằng ngày của người bệnh, đặc biệt là buổi sáng. Ths.BS.CK2 Mai Duy Linh - Giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, việc thăm khám và điều trị sớm sẽ giúp người bệnh nhanh chóng thoát khỏi tình trạng này, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

1. Khô khớp gối là gì?

Nhờ BS giải thích cụ thể hơn, tình trạng khô khớp gối là gì? Người ở độ tuổi nào, đang mắc bệnh gì hoặc làm công việc gì sẽ thường bị khô khớp gối nhiều hơn?

Ths.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Trong khớp gối luôn có một lớp dịch, có công dụng như dầu nhờn bôi trơn. Lớp dịch nhầy này do màng hoạt dịch bao xung quanh khớp gối tiết ra. Ngoài bôi trơn, lớp dịch này còn có tác dụng chịu lực và nuôi dưỡng sụn khớp.

Ở bệnh lý thoái hóa khớp, lớp dịch này bị ít đi dẫn đến tình trạng khô khớp gối. Những trường hợp thoái hóa khớp ở mức độ nặng mới xảy ra tình trạng khô khớp, ở mức độ nhẹ đến trung bình, lớp dịch vẫn còn.

Lớp dịch này tương đối mỏng nên thông thường khó nhận biết được có bị khô khớp gối hay không.

2. Nguyên nhân gây khô khớp gối

Xin hỏi BS, khô khớp gối thường do những nguyên nhân nào gây ra? Những thói quen nào trong sinh hoạt có khả năng tác động đến nguy cơ khô khớp gối?

Ths.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Nguyên nhân chủ yếu gây khô khớp gối là thoái hóa khớp. Một số nguyên nhân khác có thể kể đến như:

- Béo phì

- Cấu trúc khớp không thẳng (chân vòng kiềng, chân vẹo trong) dẫn đến phân bố lực không đều. Chân vòng kiềng dễ bị thoái hóa bên trong khớp gối, vị trí này sẽ bị khô.

- Chấn thương khớp: Người bị chấn thương khớp dễ bị thoái hóa khớp, khô khớp gối sớm hơn bình thường.

Để phòng ngừa khô khớp gối, việc đầu tiên là hạn chế tối đa những chấn thương khớp. Thứ hai là tập luyện thường xuyên để giữ khớp khỏe mạnh đồng thời giữ cân nặng ở mức vừa phải. Cân nặng càng cao sẽ khiến áp lực lên phần khớp càng nhiều, dẫn đến sớm bị khô khớp gối.

3. Mối liên quan giữa tuổi tác và thoái hóa khớp

Nhiều người cho rằng khô khớp gối là một việc bình thường theo quá trình lão hóa. Xin hỏi BS, có phải người lớn tuổi nào cũng sẽ gặp tình trạng khô khớp gối?

Ths.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Tuổi tác luôn là một yếu tố đi kèm với thoái hóa khớp cũng như khô khớp. Khi lớn tuổi, tế bào trên màng hoạt dịch và tế bào sụn khớp già đi và kém hoạt động, dẫn đến dịch khớp ít đi, giảm chất lượng.

Theo nghiên cứu, 80% người trên 80 tuổi bị thoái hóa khớp gối hoặc khô khớp.

4. Những biểu hiện khi bị khô khớp gối

Thưa BS, điều gì sẽ xảy ra nếu tình trạng khô khớp gối không được phát hiện và điều trị kịp thời?

Ths.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Ảnh hưởng lớn nhất mà khô khớp gối gây ra là đau, biến dạng khớp và khó khăn khi vận động. Đa số bệnh nhân đi khám vì bị đau, một số trường hợp khác do bị mỏi, cứng khớp hoặc phát ra tiếng lục cục khi cử động.

Đó là những triệu chứng báo hiệu về tình trạng khô khớp để chúng ta xem xét điều trị.

Ths.BS.CK2 Mai Duy Linh - Giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch 

5. Điều trị sớm để bảo tồn khớp

Bệnh nhân cần làm gì khi phát hiện tình trạng khô khớp gối? Trường hợp nào có thể chăm sóc tại nhà và trường hợp nào phải đến bệnh viện điều trị?

Ths.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Khô khớp nhẹ sẽ biểu hiện bằng tiếng lạo xạo khi cử động. Tuy nhiên, những tiếng răng rắc khi bóp tay, bóp vai không phải là âm thanh của khớp bị khô.

Khi có tiếng lạo xạo phát ra từ khớp gối hoặc biểu hiện đau, cứng khớp, người bệnh nên đi khám. Bác sĩ có thể xem xét chỉ định chụp X-quang để xác định thoái hóa khớp. Nếu phát hiện thoái hóa khớp, bác sĩ sẽ xem xét đưa ra hướng điều trị.

Phát hiện và điều trị thoái hóa khớp càng sớm càng tốt. Điều trị sớm chủ yếu điều trị các yếu tố đi kèm như béo phì, chân vòng kiềng... để bảo tồn khớp, hạn chế tình trạng diễn tiến nặng hơn. Khớp đang ở tình trạng thoái hóa độ  I, độ II sẽ được bảo tồn, không để tăng nặng đến độ III, độ IV khiến bệnh nhân không đi được, phải mổ thay khớp.

6. Cải thiện tình trạng khô khớp bằng cách tiêm axit hyaluronic hay corticoid

Hiện nay y học có những giải pháp nào để tăng dịch khớp gối cho những trường hợp bị khô khớp gối? Cách nào có ưu thế, hiệu quả và an toàn nhất, thưa BS?

Ths.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Khi nhắc đến dịch khớp gối, nhiều người thường nghĩ đến chế phẩm axit hyaluronic. Axit hyaluronic là một thành phần của sụn khớp, được bơm vào để thay thế dịch khớp gối, có tác dụng bôi trơn và phân bố lực.

Chính vì thế, nhiều bệnh nhân thoái hóa khớp gối sau khi tiêm axit hyaluronic sẽ thấy không còn đau.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể được tiêm corticoid với thành phần chủ yếu là chất kháng viêm.

Tiêm huyết thanh giàu tiểu cầu là phương pháp mới hơn nhưng chưa đạt được sự thống nhất. Trong tiểu cầu có chứa yếu tố tăng trưởng, kích thích sự tăng trưởng của sụn khớp, giúp khắc phục tình trạng khô khớp.

Tuy nhiên, trên thực tế, đến nay phương pháp này vẫn chưa đạt được mục tiêu mong đợi.

Tế bào gốc được kỳ vọng sẽ biệt hóa thành tế bào sụn khớp sau khi tiêm vào cơ thể, từ đó tiết ra chất nhờn để giảm tình trạng khô khớp. Đáng tiếc rằng phương pháp này vẫn chưa đạt được mục tiêu vì môi trường khớp bị bệnh hoặc bị khô không tốt cho sự phát triển của tế bào gốc.

7. Cân nặng ảnh hưởng rất nhiều đến khớp gối

Thực phẩm nào tốt cho người bị khô khớp gối. Có những quan điểm cho rằng những loại thực phẩm nhiều chất nhờn như đậu bắp, mồng tơi sẽ hỗ trợ tăng dịch khớp gối. Quan điểm của BS như thế nào?

Ths.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Bản thân việc khô khớp xuất phát từ khớp bị thoái hóa, do đó bổ sung qua đường uống không có tác dụng khi tế bào không còn hoạt động. Giống như việc cung cấp gạch, đá nhưng những người thợ xây không làm việc thì cũng không thể hoàn thành căn nhà.

Chính vì vậy, thực phẩm hay thực phẩm chức năng không có vai trò cải thiện tình trạng khô khớp. Cho đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh được khả năng của thực phẩm trong việc bổ sung dịch khớp gối.

Trọng lượng là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến khớp gối. Ngoài ra còn có những bệnh lý gây viêm khớp có thể dẫn đến thoái hóa khớp thứ phát. Người mắc bệnh gout nên kiêng các thực phẩm giàu đạm, hải sản, nội tạng động vật để không kích hoạt những đợt gout cấp, dẫn đến tình trạng thoái hóa khớp, khô khớp thứ phát về sau.

8. Ngồi xổm tạo áp lực lớn lên khớp gối

Những động tác, thói quen sinh hoạt nào cần tránh để không làm ảnh hưởng đến khớp gối, đặc biệt là không mắc phải tình trạng khô khớp gối, thưa BS?

Ths.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Trong sinh hoạt, nên hạn chế các động tác ngồi xổm, quỳ gối và các động tác có thể làm tăng áp lực lên đầu gối, dẫn đến thoái hóa khớp gối sớm.

Người Việt Nam thường có thói quen ngồi xổm hoặc quỳ gối. Ngay đến cả hành động ngồi xếp bằng cũng sẽ ảnh hưởng đến đầu gối.

Ngoài ra, béo phì là yếu tố không tốt cho xương khớp, trong đó có khớp gối của chúng ta.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X