6 bệnh đường hô hấp thường gặp trong thời điểm giao mùa
Vào thời điểm giao mùa thu đông, nhiệt độ và độ ẩm không khí thay đổi bất thường là môi trường thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh về đường hô hấp hoạt động mạnh. Dưới đây là 6 bệnh hô hấp thường gặp vào thời điểm giao mùa thu đông và cách phòng tránh hiệu quả.
1. Cảm cúm
Bệnh cảm cúm là bệnh nhiễm virus cấp tính đường hô hấp với các biểu hiện:
- Sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Triệu chứng ho thường nặng và kéo dài.
- Có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, nhất là ở trẻ em.
Thông thường người bệnh sẽ hồi phục trong vòng 3 - 7 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể kéo dài hơn nếu người bệnh có miễn dịch kém hoặc có bệnh nền. Cảm cúm lây qua đường hô hấp, qua không khí, qua các giọt bắn nước bọt hay dịch tiết mũi họng của người bệnh có chứa virus cúm khi ho, hắt hơi.
2. Viêm xoang
Viêm xoang là tình trạng nhiễm trùng của màng niêm mạc lót trong lòng các xoang làm cho mủ và dịch viêm ứ đọng trong xoang do không thoát được ra ngoài gây tình trạng tích tụ chất lỏng hoặc chất nhầy bên trong.
Viêm xoang có 2 dạng chính là viêm xoang cấp tính và viêm xoang mạn tính. Viêm xoang cấp tính thường xảy ra ở xoang sàng, xoang trán, xoang bướm và viêm đa xoang. Triệu chứng của bệnh bao gồm đau nhức vùng xoang, sốt, chảy dịch mũi hoặc chảy dịch xuống họng, nghẹt mũi một hoặc cả hai bên hay điếc mũi (bị mất mùi).
3. Bệnh viêm thanh quản
- Viêm thanh quản cấp tính:
Thường xuất hiện vào mùa lạnh hoặc lúc thay đổi thời tiết thất thường, nguyên nhân gây bệnh thường là do virus. Bệnh thường gặp ở những người hay uống rượu bia, hút thuốc, những người làm việc trong môi trường lạnh, ô nhiễm.
Các triệu chứng bao gồm mệt mỏi, ớn lạnh, có thể sốt nhẹ, khàn tiếng hoặc mất tiếng hoàn toàn, ho, đau họng, nuốt vướng.
- Viêm thanh quản mạn tính:
Là tình trạng viêm niêm mạc thanh quản, tái đi tái lại nhiều lần hoặc quá trình viêm thanh quản kéo dài gây nên.
Triệu chứng ban đầu của viêm thanh quản mạn tính bao gồm: nuốt vướng nhẹ, nói khó, khó cất giọng cao hoặc khó hát. Ở giai đoạn nặng hơn, người bệnh thấy tiếng khàn dần rồi dần dần mất tiếng, có thể kèm theo ho, có đờm vào buổi sáng, xuất hiện cảm giác ngứa, cay hoặc rát nhẹ vùng thanh quản.
4. Viêm phế quản
Bệnh có 2 thể là cấp tính và mạn tính:
- Viêm phế quản cấp tính: Tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở niêm mạc phế quản chưa có sự tổn thương. Thông thường, nguyên nhân gây bệnh là do virus.
- Viêm phế quản mạn tính: Ở giai đoạn này, ống phế quản sẽ liên tục bị kích thích, từ đó dẫn đến các biến chứng bệnh nguy hiểm (đặc biệt là viêm phổi tắc nghẽn mạn tính). Viêm phế quản mạn tính có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm.
Triệu chứng của viêm phế quản bao gồm: Ho khan, ho có đờm hoặc ho thành từng tiếng; sốt, các cơn sốt có thể diễn ra theo từng cơn hoặc sốt liên tục kéo dài; đờm tiết ra từ đường hô hấp có màu xanh, vàng hoặc trắng; thở khò khè.
Bệnh viêm phế quản có thể lây qua 2 đường chính là tiếp xúc trực tiếp giữa người với người; lây lan qua các vật dụng cá nhân như khăn mặt, chén, bát, bàn chải,…
5. Viêm tiểu phế quản
Đây là một bệnh phổi phổ biến thường gặp ở trẻ sơ sinh, trẻ dưới 6 tháng tuổi và trong những tháng mùa đông. Bệnh thường lây cho người khác thông qua những giọt nước trong không khí khi bị ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Hoặc khi người khỏe mạnh tiếp xúc với các vật dụng của người bệnh như khăn, đồ chơi sau đó lại chạm vào mắt, mũi hoặc miệng của mình.
Triệu chứng của viêm tiểu phế quản bao gồm: Ho, có thể có đờm hoặc không đờm; Sốt cao hoặc nhẹ, sốt từng cơn hoặc liên tục, có trẻ không bị sốt; Sổ mũi, nghẹt mũi; Đờm tiết ra nhiều, có màu xanh, vàng hoặc trắng; Thở khò khè, thở nhanh; Trẻ biếng ăn.
6. Viêm phổi
Là tình trạng các phế nang trong phổi bị viêm. Viêm phổi có thể xuất hiện tại một vị trí cố định hoặc một vài vùng. Nguy hiểm hơn là xuất hiện viêm toàn bộ phổi.
Triệu chứng của bệnh bao gồm: Tức ngực, khó thở; Mệt mỏi, suy nhược; Thân nhiệt luôn tăng cao không giảm, cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi. Trong một số trường hợp, người cao tuổi và có hệ miễn dịch yếu, nhiệt độ cơ thể sẽ giảm thấp hơn so với bình thường; Có thể xuất hiện các tình trạng như: tiêu chảy, nôn mửa không kiểm soát.
Một số lưu ý phòng chống bệnh hô hấp vào thời điểm giao mùa thu đông
Để phòng tránh các bệnh hô hấp thường gặp vào thời điểm giao mùa, chúng ta có thể thực hiện những biện pháp sau:
- Giữ cơ thể đủ ấm khi trời lạnh, nhất là vùng cổ, ngực, tay và gan bàn chân.
- Tắm, gội đầu bằng nước ấm trong phòng kín gió, không tắm muộn, tắm xong phải lau khô người ngay rồi mặc quần áo sạch.
- Hạn chế dùng quạt máy, điều hòa.
- Sinh hoạt điều độ: ăn uống khoa học, tập thể dục thể thao, ngủ đủ giấc, tránh thức khuya.
- Vệ sinh vùng miệng, họng, mũi đều đặn. Rửa mũi, súc họng bằng nước muối sinh lý 0,9%; Đánh răng sau ăn, trước và sau khi đi ngủ; Rửa tay sạch bằng xà phòng.
- Không hút thuốc lá, tránh uống nhiều nước lạnh, có đá. Tăng cường ăn rau xanh và uống nhiều nước ấm hoặc nước trái cây tươi.
- Người bệnh không tự ý mua thuốc kháng sinh về uống. Khi có dấu hiệu bệnh cần tiến hành thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị đúng phác đồ của bác sĩ đưa ra.
- Tiêm phòng ngừa cúm theo hướng dẫn, tiêm ngừa phế cầu với những đối tượng có nguy cơ cao.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình