Hotline 24/7
08983-08983

4 triệu chứng nhận diện ung thư tuyến tiền liệt và độ tuổi nên tầm soát

Ung thư tuyến tiền liệt khó phát hiện trong giai đoạn đầu. Khi đã xâm lấn vào những cơ quan lân cận, cơ thể mới bắt đầu biểu hiện ra ngoài với các triệu chứng: tiểu khó, tiểu nhiều lần, tiểu ra máu, xuất tinh máu. Vậy độ tuổi nào và ai nên tầm soát ung thư tuyến tiền liệt? Những thắc mày đã được TS.BS Đỗ Anh Toàn - Trưởng khoa Niệu 4 - Khoa Phẫu Thuật Điều trị sỏi thận chuyên sâu, Bệnh viện Bình Dân giải đáp trong bài viết sau đây.

1. Vị trí và vai trò của tuyến tiền liệt?

Xin BS cho biết tuyến tiền liệt có vai trò gì, ở vị trí nào trên cơ thể?

TS.BS Đỗ Anh Toàn trả lời: Tuyến tiền liệt là một cơ quan của nam giới, nằm phía dưới bàng quang, trên hoành chậu hông và bọc quanh niệu đạo. Tuyến tiền liệt của bé trai có kích thước rất nhỏ, sau đó phát triển trong suốt cuộc đời nam giới, có khối lượng khoảng 15 - 20 gam ở người trưởng thành.

Về mặt chức năng, tuyến tiền liệt là cơ quan tiết ra dịch để nuôi dưỡng, hỗ trợ sức khỏe của tinh trùng trong quá trình sinh sản.

>>> Chẩn đoán hình ảnh u xơ tiền liệt tuyến gồm những kỹ thuật gì?

2. Triệu chứng nhận biết ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn sớm?

Ở độ tuổi nào thì nam giới cần thăm khám tuyến tiền liệt? Liệu có triệu chứng nào giúp nhận biết ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn sớm không, thưa BS?

TS.BS Đỗ Anh Toàn trả lời: Giống như những cơ quan khác trong cơ thể, theo thời gian, tuyến tiền liệt phát triển và có thể xuất hiện một số bệnh lý, tùy vào độ tuổi, nguy cơ.

  • Với người trẻ, thường không gặp bệnh lý về tuyến tiền liệt. Hoặc có những triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt như đau vùng chậu, sốt, thậm chí viêm âm thầm mà không nhận ra.
  • Đa phần người lớn tuổi có những bệnh lý liên quan đến bướu, làm tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt. Điều đáng lo sợ nhất là ung thư tuyến tiền liệt (thường xuất phát ở người lớn > 50 tuổi).

Dấu hiệu phát hiện ung thư tuyến tiền liệt:

  • Thường gặp ở người lớn tuổi (> 50 tuổi).
  • Khó phát hiện trong giai đoạn đầu: Tuyến tiền liệt có nhiều vùng khác nhau chứ không phải là một cơ quan đồng nhất. Ung thư hầu hết đều xuất phát từ vùng ngoại biên (vùng nằm rìa phía ngoài) nên trong giai đoạn đầu phát triển ung thư, có thể người bệnh không phát hiện ra triệu chứng gì.
  • Khi ung thư đã có triệu chứng thì hầu hết đã xâm lấn vô những cơ quan lân cận:
    • Ảnh hưởng đến niệu đạo gây tiểu khó, tiểu nhiều lần, tiểu ra máu.
    • Xâm lấn vào tuyến tinh làm xuất tinh máu.
    • Ung thư quá lâu sẽ dẫn đến di căn xương, yếu chân,…

Nói tóm lại, ung thư tuyến liền liệt ở giai đoạn đầu hiếm khi có triệu chứng rõ ràng. Theo đó, đa số các trường hợp phát hiệu ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn sớm thường do bệnh nhân cảnh giác, lo lắng hoặc gia đình có những yếu tố nguy cơ nên tự tầm soát bệnh.

3. Phì đại hay u xơ tuyến tiền liệt có trở thành ung thư?

Phì đại tuyến tiền liệt, u xơ tuyến tiền liệt có khả năng trở thành ung thư tuyến tiền liệt không?

TS.BS Đỗ Anh Toàn trả lời: Những rối loạn tiểu tiện như: tiểu nhiều lần, tiểu buốt, tiểu gắt… tái đi tái lại nhiều lần có thể là biểu hiện của các bệnh lý như:

  • Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 1.
  • Bệnh lý ở vùng chậu: viêm niệu đạo, sỏi, bướu…
  • Bệnh lý ở vùng bàng quang.
  • Bệnh lý về thần kinh chi phối hoạt động của bàng quang, niệu đạo…

Khi gặp những triệu chứng này, bệnh nhân cần đi khám sớm để được tìm ra nguyên nhân, trong đó có thể là ung thư tuyến tiền liệt.

4. Bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt thường được phát hiện ở giai đoạn nào?

Tại Bệnh viện Bình Dân, bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt thường được phát hiện ở giai đoạn nào, thưa BS?

TS.BS Đỗ Anh Toàn trả lời: Trong những năm gần đây, số bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt được phát hiện tại Bệnh viện Bình Dân ngày càng tăng lên do nhiều lý do:

  • Những bệnh viện tuyến tỉnh khi phát hiện bệnh đã chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Bình Dân vì tại đây có đầy đủ phương tiện điều trị, từ nội khoa đến ngoại khoa (phẫu thuật kinh điển mổ mở, phẫu thuật nội sôi, thậm chí phẫu thuật hỗ trợ bằng Robot).
  • Người dân ngày càng quan tâm đến sức khỏe hơn, trong đó có tầm soát bệnh ung thư tuyến tiền liệt.

Khoảng 5 - 10 năm về trước, hầu hết các trường hợp ung thư tuyến tiền liệt ở Bệnh viện Bình Dân đều phát hiện ở giai đoạn muộn, bệnh nhân đã có triệu chứng rối loạn đường tiết niệu hoặc di căn. Do đó, việc điều trị chỉ mang tính chất tạm bợ, cải thiện chất lượng cuộc sống và việc kéo dài thời gian sống còn thường không đáng kể. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Bệnh viện Bình Dân tiếp nhận rất nhiều trường hợp bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt chẩn đoán ở giai đoạn sớm nên được điều trị một cách triệt căn bằng nhiều phương pháp như: phẫu thuật nội soi, cắt tuyến tiền liệt tận gốc, phẫu thuật Robot.

5. Ai nên tầm soát ung thư tuyến tiền liệt?

Những ai nên tầm soát ung thư tuyến tiền liệt ạ? Thời gian tầm soát bao lâu một lần là cần thiết?

TS.BS Đỗ Anh Toàn trả lời: Tầm soát thường sẽ được áp dụng ở những nơi có dân số mắc bệnh lý quá đông. Ở những nước Âu Mỹ, ung thư tuyến tiền liệt khá phổ biến. Tuy nhiên, ở Việt Nam, mặc dù số lượng bệnh nhân ung thư được phát hiện tại Bệnh viện Bình Dân khá nhiều nhưng chưa đến mức phải có chương trình tầm soát quốc gia.

Theo đó, những đối tượng sau sẽ cần phải tầm soát bệnh ung thư tuyến tiền liệt:

  • Có người thân bị ung thư tuyến tiền liệt: bởi đây là bệnh có liên quan đến yếu tố di truyền.
  • Nam giới trên 50 tuổi.

Bệnh viện Bình Dân đã tiến hành nghiên cứu hơn 1.000 trường hợp chẩn đoán sớm ung thư tuyến tiền liệt. Theo đó, rất nhiều trường hợp phát hiện được ung thư ở giai đoạn sớm, qua đó được điều trị tận gốc.

6. Phương tiện giúp tầm soát ung thư tuyến tiền liệt?

Hiện nay có những phương tiện gì giúp tầm soát ung thư tuyến tiền liệt thưa BS?

TS.BS Đỗ Anh Toàn trả lời: Thông thường, bệnh nhân sẽ được khám ở phòng khám chuyên khoa tiết niệu. Theo đó, BS sẽ hỏi lại bệnh sử, những triệu chứng liên quan và thăm khám lâm sàng.

Khám lâm sàng là bước rất quan trọng trong khám tuyến tiền liệt. Động tác thăm khám lâm sàng cơ bản nhất là đưa ngón tay vào trực tràng để đánh giá bề mặt tuyến tiền liệt. Bên cạnh chẩn đoán ung thư, khám sàng lọc còn giúp BS phát hiện những bệnh lý khác như phì đại tuyến tiền liệt, bệnh về hậu môn trực tràng.

Bên cạnh đó, bệnh nhân sẽ được làm xét nghiệm PSA trong máu - một kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt, để phát hiện những bất thường. Qua việc khám lâm sàng và xem kết quả xét nghiệm PSA, BS sẽ đánh giá người khám có nguy cơ mắc bệnh ung thư hay không, để khảo sát sâu hơn (siêu âm trực tràng, MRI đa thông số) nếu có nguy cơ.

Tổng chi phí gói khám cơ bản (khám sàng lọc và xét nghiệm PSA) để tầm soát ung thư tại Bệnh viện Bình Dân có thể dao động trong khoảng 300.000 - 400.000 đồng.

>>> Những ai nên tầm soát ung thư tuyến tiền liệt?

7. Xét nghiệm PSA có cần thiết?

Có những người vì quá lo lắng nên mỗi lần khám sức khỏe đều muốn xét nghiệm PSA, theo BS điều này có cần thiết không?

TS.BS Đỗ Anh Toàn trả lời: Đây là tình huống thực tế rất thường gặp. Nhiều người có người thân mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt nên trong quá trình thăm khám, kiểm tra sức khỏe họ thường yêu cầu xét nghiệm PSA. Đứng về phương diện cá nhân, BS nghĩ rằng việc người dân muốn xét nghiệm PSA là khá cần thiết, bởi:

  • Hầu hết những trường hợp ung thư giai đoạn sớm sẽ không có triệu chứng. Do đó, việc xét nghiệm sẽ giúp người dân chẩn đoán được mình có bệnh lý về tuyến tiền liệt hay không, đó có thể là bệnh lý lành tính (viêm hoặc phì đại tuyến tiền liệt) hoặc tiềm ẩn một bệnh lý ác tính nào đó.
  • Với những người trẻ, nguy cơ ung thư rất thấp nhưng nếu họ xét nghiệm thì sẽ có trị số tham chiếu cho sức khoẻ sau này. Ví dụ, trong thời gian khám định kỳ sau này, mặc dù PSA chưa vượt ngưỡng để xác định ung thư, nhưng có thể trị số lại tăng cao bất thường, đó cũng có thể là dấu hiệu của nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.

8. Khi nào cần sinh thiết tuyến tiền liệt?

Khi nào bệnh nhân cần sinh thiết tuyến tiền liệt? Kỹ thuật này được tiến hành như thế nào?

TS.BS Đỗ Anh Toàn trả lời: Sinh thiết tuyến tiền liệt là một bước để khẳng định bệnh nhân có ung thư tuyến tiền liệt hay không. Các BS thực hiện sinh thiết bằng cách dùng một dụng cụ chọt vào tuyến tiền liệt để lấy mô ra, sau đó gửi cho BS chuyên về giải phẫu bệnh lý đọc kết quả để khẳng định bệnh nhân có ung thư hay không, ác tính nhiều hay ít.

Trong mỗi lần sinh thiết tại Bệnh viện Bình Dân, các BS sẽ lấy nhiều mẫu mô trong tuyến tiền liệt, tối thiểu 12 mẫu. Khi sinh thiết, bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ nên cảm giác sẽ khá nhẹ nhàng. Trong thời gian trước dịch bệnh, mỗi ngày bệnh viện thực hiện sinh thiết khoảng 8 - 10 trường hợp. Với thủ thuật này, chỉ mất thời gian ở công tác chuẩn bị, việc tiến hành chỉ mất khoảng 15 phút. Theo đó, bệnh nhân sẽ được theo dõi sau thủ thuật khoảng vài giờ, sau đó có thể về nhà nghỉ ngơi và kết quả sẽ được thông báo trong ngày hôm sau.

Thủ thuật được thực hiện thường quy và bệnh nhân chấp nhận tốt, không có cảm giác đau đớn nhiều. Với những bệnh nhân nhạy cảm, lo lắng, BS sẽ sử dụng biện pháp vô cảm toàn thân. Khi đó, bệnh nhân sẽ ngủ và BS thực hiện sinh thiết khá thuận lợi. Tuy nhiên, biện pháp này thường tốn nhiều thời gian và mất nhiều chi phí hơn.

9. Phương pháp điều trị tuyến tiền liệt hiện nay?

Xin BS cho biết các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt? Phương pháp mới nhất hiện nay là gì?

TS.BS Đỗ Anh Toàn trả lời: Hiện nay, có rất nhiều phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt từ kinh điển đến hiện đại. Việc áp dụng phương pháp nào sẽ tùy thuộc vào giai đoạn bệnh và tình trạng của người bệnh (bệnh lý kèm theo, tài chính,…).

  • Nếu bệnh nhân phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, nguy cơ tử vong không cao, bệnh nhân khỏe mạnh thì có thể không cần điều trị gì mà chỉ cần theo dõi. Mặc dù bệnh khá phổ biến ở người nam giới nhưng không ít trường hợp bệnh nhân bị ung thư tuyến tiền liệt thể lặn (có thể sống suốt đời với ung thư và không chết vì ung thư mà có thể do những bệnh lý khác kèm theo như: tim mạch, tai biến mạch máu não…).
  • Nếu bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn đầu được chẩn đoán là có nguy cơ tử vong thì sẽ được điều trị tận gốc (điều trị hết ung thư). Theo đó, những phương pháp điều trị có thể là: xạ trị, phẫu thuật (mổ mở hoặc phẫu thuật nội soi), phẫu thuật Robot (phương pháp hiện đại nhất tính đến thời điểm hiện tại)… để cắt tuyến tiền liệt tận gốc.
  • Những trường hợp phát hiện ung thư ở giai đoạn muộn thì tác dụng của các phương pháp ngoại khoa sẽ giảm dần. Do đó, BS sẽ điều trị bằng những liệu pháp như: liệu pháp thay thế nội tiết tố, hoá trị hoặc những liệu pháp trúng đích dựa vào phân tích gen để lựa chọn thuốc phù hợp cho từng đối tượng.

10. “Điều trị thành công” ung thư tuyến tiền liệt là gì?

Như thế nào được xem là “điều trị thành công” bệnh ung thư tuyến tiền liệt, thưa BS?

TS.BS Đỗ Anh Toàn trả lời: Việc thành công tùy thuộc vào giai đoạn bệnh và kỳ vọng của người bệnh. Chẳng hạn như trường hợp bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn sớm có chỉ định cắt tuyến tiền liệt ở gốc, ngoài mục tiêu kiểm soát bệnh ung thư thì kết quả của phẫu thuật phải bảo toàn chức năng sống của người bệnh như:

  • Giúp bệnh nhân hài lòng vấn đề tiểu tiện (bệnh nhân có thể hạn chế mang tã, tiểu không kiểm soát, tự tiểu được,… ). Đây là một trong những tiêu chí đánh giá sự thành công trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt.
  • Bảo tồn chức năng sinh lý.

Với những trường hợp phát hiện ung thư ở giai đoạn muộn được chỉ định điều trị bằng hormone, điều trị thành công dựa vào những yếu tố như:

  • Kiểm soát ung thư
  • Cải thiện triệu chứng.
  • PSA giảm tốt
  • Không đem lại tác dụng phụ.

Ở Bệnh viện Bình Dân, yếu tố quyết định sự thành công của điều trị ung thư tuyến tiền liệt là kiểm soát bệnh ung thư và bảo toàn về chức năng của người bệnh.

11. Ung thư tuyến tiền liệt có di truyền? Tỷ lệ bao nhiêu?

Nếu người cha bị ung thư tuyến tiền liệt thì người con trai có khả năng bao nhiêu % bị bệnh này?

TS.BS Đỗ Anh Toàn trả lời: Yếu tố di truyền là vấn đề quan trọng trong phát triển bệnh lý ung thư tuyến tiền liệt. Nếu bạn bị ung thư tuyến tiền liệt thì cần cảnh báo người thân, họ hàng là nam giới lưu ý theo dõi tuyến tiền liệt định kỳ. Nếu có một người thân mắc bệnh ung thư, nguy cơ bạn cũng bị bệnh là khoảng 200 - 300% so với dân số chung. Nếu có 2 người thân bị ung thư thì nguy cơ bạn mắc bệnh càng tăng gấp bội.

Nói tóm lại, đây là bệnh lý có yếu tố gia đình nên nếu có người thân bị ung thư tuyến tiền liệt thì nên tầm soát sớm.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X