Hotline 24/7
08983-08983

4 nguyên nhân gây ho về đêm ở trẻ

Theo BS.CK1 Võ Thành Nhân - Quyền điều hành khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, các nguyên nhân khiến trẻ ho vào ban đêm có thể là do bệnh lý, thay đổi thời tiết, ăn hoặc bú sát giờ ngủ và tiếp xúc với không khí ô nhiễm.

1. Trẻ ho nhưng không kèm theo dấu hiệu khác sẽ không đáng quan ngại

Khi trẻ ho tình trạng này có đáng quan ngại không thưa BS?

BS.CK1 Võ Thành Nhân trả lời: Ho không chỉ là một triệu chứng của bệnh lý mà còn là phản xạ tốt của cơ thể. Phản xạ này giúp trẻ tống đàm nhớt hoặc các tác nhân xâm nhập đường thở. Nếu trẻ chỉ ho mà không kèm dấu hiệu nào khác, vẫn sinh hoạt, ăn uống, chơi đùa bình thường thì không đáng quan ngại.

2. Vì sao ban ngày trẻ bình thường nhưng ban đêm lại ho nhiều?

Nhiều phụ huynh chia sẻ ban ngày trẻ bình thường, không có dấu hiệu nhưng ban đêm khi đi ngủ lại bắt đầu ho nhiều. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này thưa BS?

BS.CK1 Võ Thành Nhân trả lời: Các nhóm nguyên nhân gây ho đêm ở trẻ gồm: Thứ nhất là những bệnh lý liên quan đến viêm nhiễm đường hô hấp có thể làm trẻ tăng tiết dịch, đàm mũi, đàm họng. Ban đêm trẻ nằm ngủ các dịch này có thể chảy ngược xuống lỗ mũi sau và họng, kích thích trẻ ho.

Thứ hai là ban đêm và ban ngày có sự chênh lệch, thay đổi về thời tiết, nếu trẻ nhạy cảm, hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện sẽ dễ bị kích thích bởi các tác nhân này.

Nguyên nhân thứ ba thường gặp là trẻ ăn hoặc bú sát giờ đi ngủ, dẫn đến hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản.

Nguyên nhân thứ tư, không liên quan đến bệnh lý mà liên quan đến yếu tố xung quanh như chiều tối về phụ huynh hoặc người nhà tiếp xúc với trẻ nhưng có hút thuốc lá hoặc trẻ sinh hoạt trong phòng máy lạnh, phòng kín bị ô nhiễm không khí, bụi máy lạnh,… sẽ là tác nhân kích thích trẻ vào ban đêm.

3. Bệnh lý nào khiến trẻ dễ bị ho vào ban đêm?

Những bệnh lý nào khiến trẻ dễ bị ho vào ban đêm, thưa BS?

BS.CK1 Võ Thành Nhân trả lời: Những bệnh lý cần giải quyết và tìm ra nguyên nhân để điều trị cho trẻ gồm:

- Những bệnh lý liên quan đến đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới.

- Bệnh lý liên quan đến cơ địa như hen suyễn, dị ứng.

- Bệnh lý liên quan đến trào ngược dạ dày thực quản.

4. Phụ huynh cần làm gì khi trẻ ho vào ban đêm?

Khi con bị ho vào ban đêm, phụ huynh cần làm gì để giảm bớt tình trạng này và giúp trẻ có giấc ngủ ngon hơn thưa BS?

BS.CK1 Võ Thành Nhân trả lời: Ho đêm sẽ làm cho phụ huynh và trẻ cảm thấy khó chịu. Đầu tiên là điều trị nguyên nhân.

Thứ hai, trong đêm phụ huynh có thể thực hiện các biện pháp tạm thời như: bế trẻ lên, giữ ấm cho trẻ hoặc cho trẻ uống nước ấm; nếu trẻ có ho, ói phải cho trẻ vệ sinh mũi, vệ sinh đường thở vào thời điểm đó; kiểm tra nhiệt độ trong phòng, không để quá lạnh và không để máy lạnh hay quạt thổi trực tiếp vào trẻ.

5. Loại thuốc nào có thể sử dụng khi trẻ bị ho ban đêm?

Khi trẻ ho về đêm, có những nhóm thuốc không kê đơn nào phụ huynh có thể cho con uống không và khi đó cần lưu ý các vấn đề gì?

BS.CK1 Võ Thành Nhân trả lời: Một số thuốc có thể dùng cho trẻ mà không cần kê đơn như nước muối sinh lý nhỏ mũi để thông thoáng đường thở cho trẻ hoặc siro ho thảo dược an toàn cho trẻ (có thành phần húng chanh, tần dày lá, cao lá thường xuân,…).

Ngoài ra, phụ huynh không nên tự ý sử dụng các thuốc như kháng sinh hoặc dung dịch nhỏ mũi, xịt mũi có tác dụng co mạch mà phải tham khảo ý hiến của nhân viên y tế.

6. Các lưu ý để chăm sóc trẻ bị ho về ban đêm

Khi chăm sóc trẻ bị ho về ban đêm, phụ huynh cần lưu ý các vấn đề gì trong sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng và đặc biệt là vệ sinh giấc ngủ cho trẻ thưa BS?

BS.CK1 Võ Thành Nhân trả lời: Trong sinh hoạt phải vệ sinh đường thở, giữ ấm và tránh các yếu tố kích thích trẻ như bụi, ô nhiễm. Khi trẻ hoặc người thân bị ho, sổ mũi phải sử dụng khẩu trang, khăn tay che lại và vệ sinh tay cho trẻ.

Về dinh dưỡng cần bổ sung đầy đủ để tăng cường đề kháng. Đặc biệt chú ý, nếu cho trẻ bú đêm hoặc ăn trước khi ngủ sẽ dẫn đến trào ngược dạ dày.

Về vệ sinh giấc ngủ phải chú ý đến xung quanh trẻ như nhiệt độ trong phòng, giữ ấm cho trẻ, tạo không gian ngủ yên ắng,…

7. Trẻ ho nhiều về đêm nhưng không sốt phụ huynh nên làm gì?

Dạ chào BS, bé nhà em được 4 tuổi, bị ho nhiều vào ban đếm nhưng không sốt là dấu hiệu của bệnh gì và em nên xử trí như thế nào là đúng ạ?

BS.CK1 Võ Thành Nhân trả lời: Phụ huynh cần xem xét các yếu tố gây ảnh hưởng đến trẻ như nhiệt độ trong phòng… Ngoài ra, cần chú ý thêm một số chi tiết như thói quen ăn uống để điều chỉnh phù hợp, chế độ sinh hoạt vào ban ngày, nếu trẻ có sổ mũi hay nghẹt mũi phải thực hiện các biện pháp thông thoáng đường thở. Trường hợp trẻ ho nhiều có thể sử dụng thêm siro ho an toàn cho trẻ.

8. Làm sao để trẻ nhanh hết ho?

Thưa BS, con của em bị ho gần 1 tuần nay, ngủ không ngon, hay quấy khóc về đêm, em và chồng cũng thức trắng đêm để chăm sóc cho con. BS có cách nào giúp con em nhanh hết ho và ngủ ngon được không ạ?

BS.CK1 Võ Thành Nhân trả lời: Đầu tiên, phụ huynh nên đưa bé đi khám để tìm hiểu nguyên nhân. Ho chỉ là triệu chứng nhưng ho 1 tuần thường sẽ có nguyên nhân nên phải tìm và điều trị.

Thứ hai, khi sử dụng thuốc tốt nhất nên có sự hướng dẫn của nhân viên y tế. Ngoài ra, cần có các biện pháp khác như điều chỉnh chế độ ăn uống, vệ sinh mũi họng, có thể dùng siro ho thảo dược và đi khám.

9. Nên chuẩn bị gì trong tủ thuốc gia đình?

Chào BS, con của em một bé 5 tuổi và một bé 2 tuổi. Nhờ BS tư vấn giúp em nên chuẩn bị gì trong tủ thuốc gia đình và em có nên mua sẵn các loại siro trị ho hay không? Vì dạo gần đây thời tiết thay đổi thất thường nên bé nhà em hay bị ho. Xin cảm ơn BS!

BS.CK1 Võ Thành Nhân trả lời: Trẻ thường gặp các bệnh lý như sốt, ho, sổ mũi,… và đa số tự khu trú. Nếu sử dụng thuốc nên chọn các loại thuốc không kê đơn của bác sĩ như nước muối sinh lý, thuốc hạ sốt (paracetamol) hoặc siro ho thảo dược (húng chanh, tàn dày lá, cao lá thường xuân),… có thể an toàn cho trẻ.

Tuy nhiên, trước khi phụ huynh dùng bất kể loại thuốc nào cho trẻ cũng cần có sự tham vấn từ nhân viên y tế. Ví dụ, dùng thuốc hạ sốt nhưng không biết liều lượng sẽ dễ dẫn đến quá liều hoặc siro ho cũng cần sự tham vấn từ nhân viên y tế hoặc nhà sản xuất.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X