12 giờ căng thẳng cắt gần 3m ruột cho ca bệnh hiếm, thế giới chỉ có vài ca
Ngày 15/1/2025, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) thông tin, vừa điều trị thành công một trường hợp xuất huyết tiêu hóa mức độ nặng do tình trạng rất hiếm gặp trên thế giới. Trong 12 tiếng đồng hồ, các bác sĩ đã phải cắt bỏ 3m ruột để cứu sống người bệnh.
Năm 2021, anh Q.P.T. (38 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau) từng bị đau bụng, đi khám được chẩn đoán tắc tĩnh mạch cửa (hệ tĩnh mạch dẫn lưu máu từ ruột về gan) do huyết khối. Bệnh nhân được điều trị thuốc chống đông máu trong 6 tháng.
Sau đó tưởng bệnh đã khỏi nên anh T. ngưng điều trị. Đến giữa tháng 12/2024, anh T. bỗng đau bụng dữ dội quanh rốn, đi tiêu ra máu đỏ lượng nhiều, kèm chóng mặt, cảm giác sắp ngất, được gia đình đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Bệnh nhân vào viện trong tình trạng thiếu máu rất nặng, huyết áp tụt và lơ mơ. Lập tức bệnh nhân được hồi sức sốc mất máu, làm các phương thức hình ảnh học chẩn đoán nguyên nhân chảy máu tiêu hóa.
Bác sĩ xác định, nguyên nhân chính gây chảy máu ở bệnh nhân là do dị dạng và thông nối động - tĩnh mạch ruột lan tỏa, gây giãn các nhánh tĩnh mạch mạc treo ruột.
Sau khi được tiêm thuốc giảm áp lực tĩnh mạch cửa kết hợp với nội soi đường tiêu hóa, cầm máu tại chỗ, huyết áp của anh T. dần ổn định.
Tuy nhiên, tình trạng chảy máu đường tiêu hóa lại tái phát trong chưa đến 48 giờ sau đó, huyết áp bệnh nhân bị tụt trở lại mặc dù đã được truyền máu tích cực.
Sau hội chẩn, nhận định đây là trường hợp bệnh rất hiếm gặp, y văn thế giới chỉ có vài ca, ban giám đốc bệnh viện đã thông qua hội đồng chuyên môn và quyết định kế hoạch phẫu thuật cần sự phối hợp toàn diện giữa các chuyên gia phẫu thuật và can thiệp nội mạch.
BS.CK2 Vũ Ngọc Sơn - Trưởng ê-kíp phẫu thuật tiêu hóa nhận định, đây là ca bệnh hiếm lần đầu tiên bác sĩ điều trị trong hơn 30 năm làm ngành y. Các bác sĩ đã phẫu thuật mở bụng kết hợp với can thiệp nội mạch trong lúc mổ cho bệnh nhân, tiến hành liên tục với 4 kíp mổ, kéo dài từ 8h - 20h cùng ngày.
Cuối cùng, bác sĩ phẫu thuật tiêu hóa tiến hành cắt bỏ gần 3 mét ruột non chứa dị dạng mạch máu và nối ghép phần ruột còn lại nhằm phục hồi lưu thông ruột, ngăn ngừa chảy máu tái phát.
Theo BS Vũ Ngọc Sơn, ruột non mỗi người trung bình dài từ 5 - 6m, nhưng tình trạng bệnh nhân phải cắt hơn 1 nửa. Điều này sẽ gây nên hội chứng ruột ngắn. Tức là suy kiệt, suy dinh dưỡng, thiếu vi chất do vậy phải có chế độ ăn đặc biệt. Bệnh viện có chuyên gia về dinh dưỡng thì sẽ hướng dẫn sao cho bệnh nhân hấp thu đủ dinh dưỡng. Chế độ ăn bình thường nhưng cách chế biến và chủng loại thức ăn phải đa dạng mới thích nghi được.
Sau 2 tuần được phẫu thuật và chăm sóc đặc biệt, hiện bệnh nhân ăn uống, phục hồi chức năng tiêu hóa gần như bình thường, không còn chảy máu tiêu hoá.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình