Hotline 24/7
08983-08983

Vi khuẩn gây bệnh whitmore nguy hiểm ra sao và cách phòng ngừa?

Whitmore - căn bệnh gây ra bởi "vi khuẩn ăn thịt người" tưởng đã bị lãng quên ở Việt Nam nhưng mới đây, theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, chỉ riêng tháng 8, căn bệnh này đã làm 4 người tử vong. Vậy nó nguy hiểm ra sao và làm cách nào để phòng ngừa?

Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai vừa cảnh báo một căn bệnh nguy hiểm có thể gây tử vong nhanh chóng đang quay trở lại, đó là bệnh Whitmore.

Đầu năm đến nay, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận tới 20 ca mắc bệnh này.

Riêng tháng 8, có 12 bệnh nhân whitmore nặng, trong đó đã có 4 ca tử vong do vi khuẩn “ăn” nhiều cơ quan. Hầu hết các bệnh nhân đến từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ. Hiện tại đang là mùa mưa, là thời điểm thuận lợi để vi khuẩn whitmore phát triển.

Một bệnh nhân bị vi khuẩn Whitmore tấn công đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai

Bệnh Whitmore lây nhiễm qua đường nào?

Whitmore còn gọi bệnh melioidosis, là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên.

Bệnh được phát hiện ở Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước và xuất hiện lẻ tẻ tại một số tỉnh phía Nam, được xếp vào bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bị "lãng quên".

Bệnh whitmore có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. Tỷ lệ tử vong chung của các bệnh nhân nhiễm bệnh whitmore từ khoảng 40-60%. Đối với những trường hợp nhiễm khuẩn cấp có thể tử vong trong vòng 1 tuần kể từ khi phát bệnh.

Do bệnh cảnh lâm sàng đa dạng nên bác sĩ thường chẩn đoán nhầm whitmore với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu…

Người bệnh bị các bệnh lý như tiểu đường, bệnh phổi và bệnh thận mạn tính dễ mắc whitmore hơn những người khác.

Vi khuẩn này có trong đất, bùn và lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn. Ngoài ra, còn lây nhiễm qua đường ăn uống khi thức ăn nhiễm khuẩn; Vi khuẩn có thể truyền từ mẹ sang con qua tuyến sữa khi người mẹ bị áp xe tuyến vú do vi khuẩn B. pseudomallei; Tiếp xúc vết xước trầy da với động vật chết do nhiễm bệnh Whitmore như: chó, mèo, bò, dê…

Người tiểu đường, bệnh mãn tính về thận và phổi nên thận trọng

Triệu chứng phổ biến nhất của Melioidosis xuất phát từ nhiễm trùng ở phổi, nơi có thể hình thành một khoang chứa mủ (abscess phổi).
- Tình trạng bệnh có thể diễn tiến từ nhẹ đến viêm phế quản hoặc viêm phổi nặng. Bệnh nhân sốt, nhức đầu, chán ăn, ho, đau ngực, và đau nhức các cơ bắp.
- Bệnh còn có thể biểu hiện khu trú bằng các ổ nhiễm trùng trên da (viêm mô tế bào) kèm với sốt và đau cơ.

- Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua da hoặc được hít vào qua đường hô hấp gây viêm nhiễm ở thần kinh trung ương, tuyến mang tai, xương khớp, gây abscess ở gan và lách, viêm nhiễm đường sinh dục, nhiễm trùng da, cơ vân.

- Bệnh có thể lan toả từ da vào máu gây nhiễm khuẩn huyết, hoặc diễn tiến thành một hình thái melioidosis mạn gây thương tổn đến tim, động mạch chủ bụng, não, gan, thận, khớp, và mắt.
- Melioidosis cũng có thể lây lan từ người sang người.

Bệnh thường xảy ra vào mùa mưa, tập trung tháng 7-11. Nếu người dân làm việc và tiếp xúc nhiều với đất, có tiền sử bệnh tiểu đường hoặc các bệnh mãn tính về thận và phổi, có những triệu chứng sốt kèm theo viêm phổi thì nên đến ngay các cơ sở y tế uy tín có phòng xét nghiệm vi sinh để được khám, xét nghiệm và điều trị bệnh kịp thời.

Việc chẩn đoán melioidosis được thực hiện dựa trên các xét nghiệm vi sinh học trong máu, nước tiểu, đờm, hoặc tại phần da bị tổn thương.

Điều nguy hiểm là bệnh dễ tái phát, sức khỏe của bệnh nhân rất dễ suy kiệt do bệnh tái đi tái lại hoặc nếu điều trị không đúng phác đồ. Do đó, phải có sự kiên trì điều trị vì điều trị khỏi bệnh cần đến 6 tháng giống như bệnh nhân bị bệnh lao.

Những người làm việc tiếp xúc nhiều môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động phù hợp để phòng tránh vi khuẩn gây bệnh whitmore tấn công

Chưa có vắc xin phòng bệnh

Đến nay bệnh whitmore vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh. Vì vậy, để phòng ngừa những người làm việc tiếp xúc nhiều môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động phù hợp. Trong quá trình, làm việc, đi lại, nếu phải đi chân đất, lao động thiếu phương tiện phòng hộ thì rất dễ bị tấn công.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo vệ sinh thân thể sạch sẽ, đặc biệt là bàn tay, bàn chân. Nếu 2 bộ phận này dính bùn đất thì cần phải rửa sạch bằng xà phòng kháng khuẩn và lau khô trước khi muốn làm việc gì tiếp theo.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X