Hotline 24/7
08983-08983

Uống kháng sinh nhưng hạch vẫn sưng, mệt mỏi, đau nhức bả vai?

Mời quý độc giả theo dõi nội dung tư vấn qua email do BS Võ Thị Tố Uyên trả lời thắc mắc của độc giả AloBacsi chiều 13/9. Trân trọng.

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - BV Nhân dân Gia Định

Nội dung buổi tư vấn của BS Tố Uyên với bạn đọc AloBacsi:

- Bạn đọc Nhung - Hải Dương

Thưa BS,

Em có hiện tượng sụt sịt, hắt hơi không nhiều. Em có đi khám nội soi tai mũi họng thì bị viêm mũi dị ứng. Em đang nuôi con nhỏ nên BS chỉ bảo về vệ sinh mũi họng và không kê thuốc.

Nhưng sau đó tình trạng hắt hơi sổ mũi của em ngày càng nặng hơn, biểu hiện như cảm cúm, người mệt mỏi, giọng khàn, mũi sưng đỏ và khàn giọng.

Cách đầy 4 hôm, sau khi ngủ dậy em thấy cổ đau và sờ thì thấy có nổi mấy hạch trên cổ. Em đi khám lại ở BV huyện, BS nội soi lại và sờ cổ kiểm tra hạch, bảo em bị viêm mũi xoang và amidan sưng đỏ. Đây là hạch viêm và kê thuốc uống. Em chưa yên tâm nên lại ra một phòng khám khám lại lần nữa thì BS khám yêu cầu đi xét nghiệm máu, nội soi lại vòm họng và siêu âm tuyến giáp.

Kết quả siêu âm tuyến giáp chỉ ghi là có vài hạch hai bên cổ, còn xét nghiệm máu bình thường, nội soi tai mũi họng thì viêm amidan mãn tính. Em có hỏi mũi không vấn đề gì ạ, thì BS bảo em bị viêm mũi xuất tiết thôi và hạch viêm nên về uống kháng sinh.

Em thấy hai kết quả nôi soi khác nhau quá. Em bị sốt nhẹ hai ngày và uống kháng sinh được 2 hôm rồi nhưng thấy người vẫn mệt mỏi, đau nhức hai bên bả vai và dịch mũi vàng, hạch ở cổ vẫn sưng đau, chưa thấy hết.

Em rất lo, vì BS cũng chỉ dùng tay kiểm tra hạch cảm quan và siêu âm tuyến giáp thì chỉ ghi có hạch ở cổ, liệu em có phải đi kiểm tra lại hạch không? Em xin cám ơn BS!

Em có tiền sử viêm mũi dị ứng.         

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Thật ra kết quả nội soi hai lần của em không có gì khác nhau. Tình trạng viêm mũi dị ứng làm cho dịch từ mũi liên tục chảy xuống vùng họng, ứ đọng làm cho vùng này bị viêm do nhiễm trùng dẫn đến amidan sưng to.

Hiện tại, tình trạng của em là viêm mũi họng cấp do vi khuẩn, hạch cổ chỉ là biểu hiện của tình trạng viêm cấp tính. Dựa vào bệnh sử, khám lâm sàng và siêu âm có thể chẩn đoán được phần nào căn nguyên của hạch.

Để bệnh cải thiện hoàn toàn, em cần điều trị kháng sinh đúng và đủ liều theo chỉ định của bác sĩ tai mũi họng (thường ít nhất 7 ngày). Có lẽ do em đang cho con bú nên bác sĩ sẽ kê toa thuốc không được mạnh tay, nhằm tránh gây ảnh hưởng đến em bé.

Nếu tình trạng viêm mũi dị ứng mạn tính, kéo dài gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc, em nên tái khám để được bác sĩ kê toa thuốc xịt phù hợp, các thuốc này có nồng độ trong máu rất thấp nên ít gây ảnh hưởng đến em bé, do đó em không cần quá lo lắng.

Thân mến!

 

- Dương Thắng - Gabong...@gmail.com

Chào BS,

Em bị đau mắt đỏ gần 1 tuần nay, BS kê cả thuốc uống và thuốc tra. Nhưng mấy hôm nay em tra thuốc lại thấy xót. Như vậy là em bị làm sao ạ?
BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Dung dịch thuốc nhỏ mắt đạt chuẩn là loại dung dịch đẳng trương với dịch nước mắt, nói cách khác thuốc nhỏ mắt phải có tính chất giống như nước mắt. Nếu dung dịch thuốc nhỏ mắt không đẳng trương sẽ dễ gây khó chịu, gây đau ở mắt, làm nước mắt tiết ra nhiều và đẩy thuốc ra ngoài. Nếu nhỏ một thuốc nào đó vào mắt mà thấy xót, khó chịu, đau nhức thì có thể là do thuốc nhỏ mắt không đạt độ đẳng trương, bạn phải ngưng dùng ngay và tái khám bác sĩ chuyên khoa để được thay đổi thuốc bạn nhé!

 

- Tu nguyen - chjko…@gmail.com

Em chào BS, em muốn được BS tư vấn ạ. Em năm nay 24 tuổi và ở trên lỗ tiểu của em bị sưng. Khi đi khám và xét nghiệm thì BS chẩn đoán là bị viêm bao quy đầu. BS có tư vấn cho em là nên cắt đi thì sau này sẽ không bị nữa. Em cũng muốn cắt nhưng hiện tại em muốn chữa viêm trước đã rồi sau này sẽ cắt. BS có thể tư vấn giúp em uống thuốc và bôi thuốc gì để chữa viêm được không ạ. Em cám ơn BS.

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Việc chỉ định kháng sinh trong viêm bao quy đầu cần phải dựa trên những đặc điểm lâm sàng thăm khám được, mức độ thương tổn, đặc biệt phụ thuộc vào tác nhân gây bệnh. Các thuốc điều trị cũng có thể gây nên tác dụng phụ hoặc kháng thuốc nếu không điều trị đúng cách. Do đó, em nên đến khám trực tiếp bác sĩ nam khoa để được chẩn đoán mức độ nặng của bệnh và kê toa thích hợp em nhé!

- Phạm Quốc Dũng - Vĩnh Long

Chào BS,

Gần đây em có bị tê nhẹ ở 10 đầu ngón tay, đặc biệt hai đầu ngón cái ít tê hơn. Sức khỏe em từ nhỏ giờ cũng không được tốt lắm. Em hơi gầy, 1m70 nhưng nặng 54kg thôi. Da em hơi xanh xao (từ nhỏ). Em thấy lo lắng lắm. Cơn tê tuy không mạnh nhưng kéo dài hàng giờ, cảm giác như thuốc tê tiêm vào ấy. Xin BS cho em lời khuyên ạ!   

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Dựa vào mô tả của em, bác sĩ nghĩ có khả năng em đã bị mắc hội chứng ống cổ tay. Triệu chứng thường gặp là đau hoặc dị cảm, tê cứng ở ba ngón rưỡi do thần kinh giữa chi phối, nhưng cũng có lúc tê cả bàn tay. Lúc đầu tê có cơn và tự hết mà không cần điều trị. Sau đó cơn tê ngày càng kéo dài. Có những bệnh nhân bị tê rần suốt cả ngày. Sau một thời gian tê, người bệnh có thể đột nhiên bớt tê nhưng bắt đầu thấy việc cầm nắm yếu dần hoặc bị run tay, viết khó, dễ làm rớt đồ vật.

Nguyên tắc điều trị là cần tránh các cử động lặp đi lặp lại nhiều lần của cổ tay và bàn tay và tránh dùng các dụng cụ gây rung lắc như búa khoang, dụng cụ chà sàn nhà bởi vì chúng có thể làm cho triệu chứng nặng hơn. Khi làm việc với máy tính, em nên chú ý cải thiện vị trí cổ tay hoặc nâng đỡ cổ tay. Dùng nẹp cổ tay có thể có ích khi phải cử động cổ tay lặp đi lặp lại. Nếu triệu chứng không cải thiện, em nên đến khám bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để được kê toa thuốc và có hướng can thiệp phù hợp em nhé!

 

- Võ Trần Huy - votranhuy…@gmail.com

Chào BS,

Em bị nổi đỏ ở phần dưới môi tới cằm và 2 bên khóe miệng. Nó bị đỏ, sau đó khô và bong da ra từng mảng rồi lại tiếp tục đỏ, lúc bong thì cảm giác ngứa rát chỗ bong ạ. Xin hỏi bệnh của em là gì ạ?

Em bị lâu rồi, được khoảng 4 năm, bị dai dẳng không hết. Khi bị dính nước hoặc sau khi ra gió lâu thì cảm giác ngứa và bị nặng hơn. Có lúc nó lan ra má và 2 bên mũi nhưng chủ yến vẫn quanh miệng.

Trước em có dùng Flucinar 15g khoảng 2 tháng thì có giảm nhưng ngưng thì bị lại. Bây giờ em chỉ rửa mặt bằng Perobar 2.5% và khi bị nặng thì bôi Tacropic 0.1% để giảm triệu chứng. Em có làm xét nghiệm gan, thận kết quả ở chỉ số bình thường, em cũng làm xét nghiệm kháng thể máu một số giun sán thường gặp và kết quả âm tính ạ.    

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Dựa vào triệu chứng em mô tả, nhiều khả năng trước đó em bị tình trạng viêm da tiết bã. Bệnh thường đáp ứng tốt với corticoid tại chỗ (Flucinar) nhưng khó điều trị dứt điểm mà sẽ tái đi tái lại suốt cuộc đời, mỗi đợt tái phát kéo dài hàng tuần, hàng tháng, hàng năm. Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến bệnh gồm: hormon, dinh dưỡng, viêm nhiễm, sang chấn tinh thần.

Tuy nhiên, cần loại trừ  có bệnh lý khác đi kèm, như nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng demodex hoặc bệnh trứng cá. Hiện tại, em nên ngưng các loại xà phòng, mỹ phẩm vì có thể làm cho tình trạng bệnh nặng thêm. Cần tái khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được kê toa thuốc phù hợp với tình trạng của mình và hãy tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ em nhé!

- Đoàn Mạnh Trung  Trung…@gmail.com

Chào BS,

Em 25 tuổi, cao 1m63, nặng 53kg. Em muốn hiến 1 quả thận cho em gái em. Khi đi xét nghiệm BS bảo em bị thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc. Vậy em có thể hiến nữa không? Điều trị ra sao ạ? Cám ơn BS!      
BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc là tình trạng có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó hai nguyên nhân thường gặp nhất là thiếu máu thiếu sắt và bệnh thiếu máu tán huyết di truyền thalassemia.

Tùy nguyên nhân bệnh mà có hướng điều trị khác nhau.

Hiến thận là một phẫu thuật lớn, đòi hỏi phải đảm bảo sức khỏe cho người hiến trước và sau phẫu thuật. Bác sĩ có thế sẽ điều trị tình trạng thiếu máu cho ổn định rồi mới tiến hành lấy thận để ghép hoặc tiến hành truyền máu trong lúc lấy thận. Tuy nhiên, thận của em có phù hợp để hiến hay không còn tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm mà các bác sĩ chuyên khoa chỉ định em nhé!

 

 

- Hien Hoang - hoanghien…@gmail.com

Chào BS,

Tôi nhóm máu O, chồng tôi cũng vậy. Vừa rồi tôi sinh bé thứ 2 nhưng bé nhóm máu B. Sau sinh được 6 ngày thì bé bị vàng da do bất đồng nhóm máu với mẹ. Tôi muốn hỏi liệu bố mẹ nhóm máu O sinh con ra có nhóm máu B được không?

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Hệ thống nhóm máu ABO được chia làm 4 nhóm: nhóm A, nhóm B, nhóm AB và nhóm O. Ký hiệu nhóm máu biểu thị sự có mặt của kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu. Do kiểu gen quy định nhóm O là gen lặn, nên nếu cả bố và mẹ đều nhóm máu O thì em bé chắc chắn phải là nhóm máu O. Trường hợp này em bé nhóm máu B là do ba hoặc mẹ có nhóm máu B hoặc AB. Vàng da do bất đồng nhóm máu với mẹ thường do bất đồng yếu tố Rhesus vì kháng thể của nhóm máu ABO không qua được nhau thai bạn nhé!


- Cao Thị Loan - Thaiminh…@gmail.com

Chào BS,

Em bị nang tuyến vú (24ml) đã làm các xét nghiệm và có kết quả bình thường, theo dõi 6 tháng. Nhưng gia đình em có người bị ung thư vú vì vậy em hơi lo sợ. BS BV Ung Bướu cho em dùng 2 loại thuốc Livercom và Tamifine, em vẫn chưa biết 2 loại thuốc này để làm gì. Xin BS giải thích giùm em. Cảm ơn BS.
BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Nghiên cứu đã chứng minh nếu trong gia đình có người bị ung thư vú (bà, mẹ, chị, em gái) thì bạn có nguy cơ ung thư vú cao gấp 9 lần người bình thường. Do vậy mà bác sĩ đã kê toa Tamifine cho bạn.

Tamifine có thành phần Tamoxifen có tác dụng kìm hãm sự hoạt động của nội tiết tố nữ trong tế bào ung thư nên còn có tên gọi “kháng estrogen”, “liệu pháp hormone” hoặc “điều trị theo phương pháp ngăn chặn hormone”. Tế bào ung thư vú thường cần estrogen để phát triển.

Tamoxifen giúp khóa lại các estrogen nhằm ngăn chặn sinh trưởng của tế bào ung thư vú. Bằng cách này, Tamoxifen giúp ngăn chặn các vi tế bào còn xót lại. Bên cạnh dùng trong điều trị ung thư, thuốc cũng được sử dụng để giảm thiểu nguy cơ phát triển ung thư vú ở phụ nữ có nguy cơ cao (như tiền sử gia đình ung thư vú).

Livercom là thuốc hỗ trợ chức năng gan khi sử dụng tamoxifen kéo dài. Trong quá trình sử dụng thuốc nếu có phát sinh tác dụng phụ bạn nên tái khám Ung Bướu để bác sĩ tại đây đánh giá và thay đổi thuốc khi cần bạn nhé!

 

- Trang Nguyen - trangnguyen…@gmail.com

Chào BS,

Em bị bệnh chàm đã 10 năm, đi BS Da liễu cũng không hết hẳn. Tay em lúc đầu nổi những mụn nước sau đó vỡ ra. Da tay tróc hết mất dấu vân tay. Cứ hay tróc da, làm da tay mỏng đi dễ chảy máu. Em nghe 1 người bạn cũng bị như em và đi BV Chợ Rẫy mổ thì hết. Cho em hỏi có đúng vậy không ạ?
BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Chàm là tình trạng viêm da dai dẳng có liên quan đến yếu tố cơ địa. Tình trạng nội tiết, dinh dưỡng, stress tâm lý… có thể ảnh hưởng đến bệnh. Bệnh đáp ứng tố với điều trị nhưng cũng dễ tái phát. Đo đó, bạn cần tìm ra yếu tố làm cho cơ thể dễ bị dị ứng (thức ăn, quần áo, mỹ phẩm, chất tẩy rửa…) và tránh xa, có biện pháp dưỡng ẩm da, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, tránh stress…

Hiện tại, tôi chưa biết có phương pháp nào điều trị chàm bằng phẫu thuật cả, do đó bạn cần hỏi kĩ lại tình trạng bệnh của người bạn mình và loại phẫu thuật đã thực hiện. Khi bạn cung cấp thông tin đầy đủ, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể hơn cho bạn.

Thân mến!

 

- Nguyễn Thúc - thucsoai…@gmail.com

Chào BS,

Tôi bị khô hai môi và vòm miệng gần 1 năm. Các BS bảo uống nhiều nước nhưng không khỏi và đau. Nhờ BS tư vấn giúp bệnh này nguyên nhân do đâu và nên khám điều trị ở đâu? Cám ơn BS!      
Chào em,

Tình trạng khô môi có thể xảy ra do thiếu một số vi chất, rối loạn nội tiết tố, căng thẳng tâm lý… ngoài ra khô da và niêm mạc có thể là triệu chứng của thiếu nước hoặc đái tháo đường. Nếu đã khám bệnh và loại trừ bệnh lý nội tiết, em cần chú ý uống nhiều nước (ít nhất 2 lít/ngày), chia thành nhiều lần uống, bổ sung thêm một số loại vi chất cần thiết cho  cơ thể như vitamin A, C, E, D, K, PP, kẽm… thì bệnh sẽ dần cải thiện em nhé!

 

- Nguyễn Thị Thuỳ Trang - Gia Lai

Thưa BS,

Vừa rồi em đi xét nghiệm phát hiện 3 con ký sinh trùng demodex. Mặt em hiện có mụn trứng cá, vết thâm do mụn để lại. Em bị ngứa mắt nữa. Em xin hỏi cách điều trị và thời gian điều trị bao lâu ạ? Cám ơn BS!      

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Viêm da do Demodex là bệnh gây nên bởi một loại côn trùng chân khớp, ký sinh tạm thời ở nang lông, tuyến bã, trên vảy da ở người và súc vật. Demodex có thể tồn tại trên da người khoẻ mạnh mà không có biểu hiện lâm sàng, tuy nhiên sẽ gây bệnh khi chúng tập trung với số lượng lớn trên vảy da, nang lông hoặc khi miễn dịch của cơ thể suy giảm. Biểu hiện chủ yếu là tình trạng trứng cá, mụn mủ, viêm bờ mi và vảy da.

Nếu đã khám và xét nghiệm thấy có kí sinh trùng demodex 3 con, em nên tái khám bác sĩ da liễu để bác sĩ đánh giá lại tình trạng của em hiện tại có cần thiết phải sử dụng thuốc trị ve hay không vì có khả năng demodex không phải là căn nguyên của bệnh. Nếu phải điều trị thì phác đồ thường kéo dài từ 2-4 tuần tùy mức độ nặng của bệnh em nhé!

 

- Lệ Huyền - TPHCM

BS ơi, da mặt em gần đây hay bị ngứa nổi sần hai bên má rất nhiều. Em không có đổi mỹ phẩm mới đâu ạ, cơ thể em cũng không có bị dị ứng đồ biển. Em có uống thuốc mua ngoài tiệm thuốc tây nhưng vẫn không hết. Em không biết phải làm sao, nhờ BS giúp em cách điều trị ạ!

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Do em không cung cấp thông tin về loại mỹ phẩm đang dùng nên bác sĩ khó có thể tư vấn nguyên nhân gây ngứa và sần da cho em. Một số loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc có thể chứa corticoid, dùng lâu ngày sẽ gây tác dụng phụ cho da, làm cho da yếu, dễ nhiễm khuẩn và kí sinh trùng. Do đó, không nhất thiết phải đổi mỹ phẩm thì mới có triệu chứng bệnh em nhé.

Hiện tại em không nên tự ý mua thuốc uống nữa, vì có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn và không dứt điểm được bệnh. Nếu ở TPHCM em nên đến BV Da Liễu để được bác sĩ tại đây thăm khám và kê toa thích hợp em nhé!

- Linh Trúc - truclinh…@gmail.com

Chào BS,

Tôi đã mổ bướu giáp nhân thùy trái cách đây 6 tháng (bằng phương pháp bộ dao mổ không máu). Kết quả xét nghiệm nhân là lành tính. Sau khi mổ BS có cho thuốc 1 viên màu trắng nhỏ uống vào sáng sớm hàng ngày. BS dặn phải liên tục để tăng thêm chất gì đó không làm bướu cổ tái phát.

Vậy, BS cho tôi hỏi đó là thuốc tăng chất gì và tại sao tôi lại bị bướu cổ được không? Tôi có tìm hiểu trên mạng bướu cổ đa số là do thiếu iốt hoặc di truyền hay tiếp xúc với phóng xạ (tôi chưa từng tiếp xúc phóng xạ) là đúng hay sai?

Nếu bị bướu cổ thì có gây ra rối loạn tiết tố trong cơ thể hay sụt cân, giảm trí nhớ không? Tôi muốn tìm hiểu thêm về biểu hiện, di chứng cũng như nguyên nhân của bệnh này. Tôi chân thành cám ơn BS!

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Bướu cổ là tên gọi dân gian để chỉ sự tăng kích thước của tuyến giáp Trong đó nhân giáp là tổn thương dạng khối khu trú nằm trong tuyến giáp, có thể đặc hoặc chứa dịch, có thể là đơn độc hoặc đa nhân, lành hoặc ác tính, có hoặc không có cường chức năng tuyến giáp.

Bướu giáp nhân là bệnh lý nội tiết rất thường gặp, đứng hàng thứ hai sau bệnh đái tháo đường. Tần suất bướu giáp nhân phát hiện được qua thăm khám lâm sàng chỉ chiếm khoảng 4-7%, tuy nhiên, với sự phát triển của siêu âm, tần suất nhân giáp phát hiện qua siêu âm có thể lên đến 19-67%.

Bướu giáp nhân thường gặp ở nữ, gấp 4 lần so với nam, tần suất bướu giáp nhân tăng theo tuổi và gặp nhiều ở vùng có thiếu hụt iod. Biểu hiện lâm sàng của bướu giáp nhân có thể chỉ là một nhân giáp nhỏ, đơn độc được phát hiện tình cờ qua khám sức khỏe tổng quát cần phải loại trừ khả năng ung thư hay là bướu giáp nhân lớn gây triệu chứng chèn ép cần phải can thiệp điều trị.

Hơn 90% bướu giáp nhân là lành tính, chỉ 5-10% là ác tính. Do đó, mục tiêu của tiếp cận bệnh nhân bị bướu giáp nhân là phát hiện và điều trị phẫu thuật những bệnh nhân có bướu giáp nhân ác tính hay có triệu chứng chèn ép rõ, đồng thời tránh những điều trị không cần thiết ở những bệnh nhân có bướu giáp nhân lành tính, không có triệu chứng.

Các nguyên nhân mà bạn đã nêu đúng là có khả năng gây ra bướu giáp, bên cạnh đó còn có thể do hút thuốc lá, do tiếp xúc với chất sinh u trong thức ăn, nước uống, không khí…

Viên thuốc bạn được chỉ định có lẽ là levothyroxine, là liệu pháp hormone thay thế, được chỉ định nhằm làm giảm nguy cơ hình thành các nhân mới. Tuy nhiên, tác dụng của viên uống này sẽ thay đổi rất nhiều do môi trường sống và chế độ ăn uống. Do đó, bạn cần thường xuyên tái khám chuyên khoa Ung Bướu để theo dõi chức năng tuyến giáp và điều chỉnh liều lượng thuốc cho phù hợp.

Thân mến!

 

- Xuan Thuong - Bình Định

Thưa BS, 

Cháu bị nổi nốt đỏ, nâu, giống vết bỏng, hơi ngứa, đường kính dưới >=1cm, mỗi ngày đều có thêm một vài nốt, chủ yếu ở hông, bắp tay, bắp chân và bẹn, và có xu hướng lan ra khắp cơ thể, bác sĩ tư vấn giúp cháu vậy không biết có nghiêm trọng không ạ? Cháu cảm ơn bác sĩ.
BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Bác sĩ không rõ tình trạng của em đã xuất hiện bao lâu rồi, nốt nổi bao lâu thì lặn, sau lặn có để lại sang thương gì không. Em cũng không được cung cấp hình ảnh trực quan nên rất khó để bác sĩ chẩn đoán được bệnh. Tuy nhiên, tình trạng của em có thể do một bệnh lý da tự miễn toàn thân, cần đến khám tại bệnh viện Da liễu sớm để điều trị kịp thời em nhé!

 

- Nguyễn Thị Lan - hoanglan…@gmail.com

BS ơi,

Em đã bị ngứa cách đây 6 năm ở vùng mông, bẹn và bụng dưới, có đi thăm khám nhiều lần ở BV Da liễu Trung ương, Hà Nội, và các phòng khám Da liễu riêng. Các đơn vị có cung cấp đơn thuốc uống và bôi theo chu kỳ thì đỡ nhưng không khỏi triệt để. Xin BS tư vấn giúp em phương pháp thăm khám và chữa trị triệt để.

Tình trạng: Hiện tại em hay bị ngứa vào ban đêm rất dữ dội, biểu hiện vùng ngứa là lan rộng, có các nốt đỏ sần lên khỏi bề mặt da, có các nốt nhỏ li ti đỏ rồi chuyển sang màu trắng.

Em có vệ sinh và tắm bằng các loại sữa giành riêng cho da nhạy cảm. Em ngứa càng dữ dội khi em đến chu kỳ kinh. Hiện em đang nuôi con nhỏ thì dùng phương pháp nào để chữa triệt để tình trạng trên không ạ? Mong BS tư vấn và giúp em!

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Bạn không nói rõ trước đây đã được chẩn đoán và kê toa những loại thuốc gì để bác sĩ có thể nhận định nguyên nhân vì sao bệnh đáp ứng kém với điều trị. Các tổn thương ngứa ở vùng nếp kẽ thường là do vi nấm kí sinh gây ra. Bệnh thường dai dẳng đòi hỏi điều trị thuốc bôi nhiều tuần và có thể phải kết hợp cả thuốc uống.

Ngoài ra, còn phải cách ly nguồn lây như quần áo, chăn màn, tránh môi trường nóng và ẩm ướt, giữ vệ sinh sạch sẽ… thì mới hi vọng bệnh dứt điểm được. Bạn nên tái khám Bệnh viện Da Liễu để được kê toa và kiên trì điều trị, tái khám đều đặn cho đến khi bệnh khỏi hoàn toàn bạn nhé!


- Phạm Văn Quyết - Thái Bình

Bác sĩ cho em hỏi, em bị mọc một số mụn đỏ ở ngực, bắp tay, bắp đùi và vai. Em nặn thì nó ra trắng giống trứng cá và bị mọc ở lỗ chân lông kèm theo cảm giác ngứa. Đấy có phải triệu trứng của viêm nang lông không ạ và điều trị nó có dễ không ạ?

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Dựa vào mô tả, bác sĩ nghĩ bạn đang gặp tình trạng viêm nang lông. Tình trạng này thường xảy ra do di truyền, rối loạn nội tiết tố, căng thẳng thần kinh, điều kiện vệ sinh kém… Bệnh thường đáp ứng tốt với điều trị nhưng cũng dễ tái phát. Do đó, bạn nên đến khám bác sĩ da liễu để được kê toa thuốc và theo dõi điều trị để có thể dứt điểm được bệnh. Thân mến!

 

- Gieng Truong - truong,,,@gmail.com

Chào AloBacsi,

Mình đang có ý định lập gia đình nhưng lại có băn khoăn về bệnh di truyền. Vậy mình có thể xét nghiệm được bệnh di truyền trong cơ thể mình không? Xét nghiệm ở đâu và chi phí thế nào?

Một câu hỏi nữa là mình định đi đốt amidan nhưng không biết ưu nhược điểm của việc cắt amidan. Mong được Alobacsi tư vấn. Mình cảm ơn rất nhiều.

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Khi có một trong các yếu tố sau đây: Tiền sử gia đình có mắc bệnh di truyền, đã từng sảy thai, bạn từ 35 tuổi trở lên, thì cần kiểm tra các vấn đề về di truyền và tư vấn trước khi mang thai.

Ngoài ra xét nghiệm máu cũng rất quan trọng. Xét nghiệm công thức máu để xác định tình trạng thiếu máu và xác định nhóm máu để phòng bất đồng nhóm máu mẹ và con.

Bên cạnh đó cần đánh giá chức năng gan, thận, tình trạng đường huyết, nước tiểu và xét nghiệm rubella...  để thực hiện tiêm ngừa trước khi mang thai.

Hiện nay các cơ sở y tế chuyên về sản phụ khoa đều thực hiện những xét nghiệm này, chi phí tùy thuộc vào gói dịch vụ mà bạn lựa chọn, nếu không kèm xét nghiệm về di truyền thường dưới 1 triệu. Giá cả để tầm soát bệnh di truyền thường cao hơn, do đó chỉ thực hiện khi có sự hiện diện của một hay nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ.

Chỉ định cắt amidan hiện nay khá nghiêm ngặt, chỉ thực hiện trên những bệnh nhân tái phát nhiều lần, hoặc có biến chứng nặng như bệnh tim, bệnh thận, tắc nghẽn đường thở do amidan gây ra. Nếu không nằm trong các chỉ định này thì bạn không nên đi cắt vì đây là một phẫu thuật có thể có biến chứng chảy máu, đau, nhiễm trùng… và tình trạng viêm họng vẫn xảy ra nếu không giữ gìn tốt sau cắt amidan.

Thân mến!

 

- Dương Hiển - chau…@gmail.com

Chào BS,

Con trai em năm nay 25 tuổi, cháu bị tâm thần phân liệt hoang tưởng 2.0. Cháu đã uống các loại thuốc này hơn 1 năm: Ríperidon 2, Trihexyphenidy, B6 và Tanakan.

Cháu rất hiền nhưng thỉnh thoảng có tính ăn cắp vặt rồi đi chơi nét, hết tiền đi bụi không chịu về nhà. Những lần cháu bỏ đi chơi không được uống thuốc đầy đủ cháu lại nói nhảm. Xin BS chỉ giúp có thuốc nào uống để kiểm soát được hành vi ăn cắp? Cháu uống những thuốc trên lâu dài có được không ạ? Xin chân thành cảm ơn BS!          

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn

Tật ăn cắp vặt có thể do vấn đề rối loạn tâm thần kinh gây ra và người bệnh thường không dùng những thứ họ ăn cắp được. Trường hợp con trai bạn, tôi e ngại hiện tượng ăn cắp vặt là do em có nhu cầu cần tiền tiêu xài vui chơi nhưng túng thiếu, nên nảy sinh hiện tượng này.

Cần phân biệt với hiện tượng bỏ nhà đi lang thang thường gặp ở người bệnh tâm thần phân liệt, dẫn đến điều trị không đúng mức, làm xấu hơn tình trạng tâm thần kinh của bệnh nhân.

Trong trường hợp này, cần chuyển bệnh nhân đến trạm hoặc bệnh viện ban ngày, hoặc bệnh viện chuyên khoa để được khám và điều chỉnh lại thuốc, sau đó tìm kiếm công việc hữu ích để dạy nghề làm việc thích ứng xã hội.

Cũng cần lưu ý với bạn rằng, tâm thần phân liệt là một bệnh mạn tính, cần điều trị suốt đời, ngay cả khi triệu chứng đã giảm bớt.

Thân mến!


- Bạn đọc Huyền -
huyen…@gmail.com

Thưa BS,

Gần đây cháu bị tăng cân khá nhanh khiến cho vùng da đùi và mông bị rạn. Cháu muốn hỏi BS bị rạn da như vậy dùng thuốc bôi ngoài da có lành lại không? Và sử dụng loại thuốc nào là hiệu quả mà an toàn nhất thưa BS? Cháu bị nổi mụn nhọt gần môi vùng kín, không biết lí do vì sao, làm sao để trị dứt điểm được ạ? Thỉnh thoảng cháu hay bị lại lắm. Cháu cảm ơn BS!      

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Rạn da thường xảy ra do tăng cân quá mức trong một thời gian ngắn, khiến da không kịp phát triển để thích nghi. Mô liên kết dưới da (được tạo bởi các sợi collagen và elastin, giúp da đàn hồi) bị căng giãn quá mức rồi đứt gãy, tạo thành các vết lõm dài, nhiều nhánh trông như rễ cây. Lúc đầu, các vết rạn có màu đỏ, tía, có thể kèm theo ngứa râm ran. Về sau, chúng sẽ nhạt màu dần. Các vùng da dễ bị tổn thương này là đùi, bụng, bẹn, hông.

Các cơ sở thẩm mỹ giới thiệu khá nhiều dịch vụ chữa trị, từ massage, thoa kem đến siêu mài mòn, chiếu ánh sáng... với chi phí có thể lên đến hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị cực kỳ hạn chế. Bởi vì một khi các mô liên kết của da đã bị đứt gãy thì không có cách nào làm nó liền lại được. Vì vậy, việc chữa khỏi rạn da là không thể, dù là bằng kem hay chiếu năng lượng ánh sáng.

Để phòng rạn da, bạn nên kiểm soát cân nặng, tránh để lên cân quá nhanh. Nếu đang có xu hướng béo nhanh hoặc mang bầu, nên bôi các loại kem phòng rạn để hạn chế phần nào nguy cơ. Tuy nhiên, nếu da không khỏe (đàn hồi kém) và bị kéo giãn nhiều hoặc nhanh thì loại kem này cũng không mấy hiệu quả.

Vấn đề nổi mụn nhọt vùng kín do bác sĩ không trực tiếp thăm khám nên không rõ kích thước mụn cỡ bao nhiêu, có mủ hay có kèm sang thương da nào khác xung quanh hay không. Nhiều khả năng em bị nhiễm trùng tuyến hoặc nang lông vùng này, cần được điều trị kháng sinh mới dứt điểm được. Em có thể đến khám tại bác sĩ da liễu hoặc bác sĩ sản phụ khoa để được kê toa thuốc phù hợp em nhé!


- Thanh Nguyễn - lenovoa…@gmail.com

Em mới bị té xe, vết thương nó như thế này. Khâu 1 mũi ở môi. Xin hỏi bác sĩ tư vấn chăm sóc và điều trị thế nào? Bao lâu thì khỏi ạ. Công việc của em phải đi lại giao tiếp nhiều! Cảm ơn bác sĩ!


BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Các vết thương ngoài da thường sẽ lành 7-10 ngày, tại vùng đầu cổ có thể lành sớm hơn do tưới máu nuôi tốt. Tuy nhiên, vết thương có thể để lại sẹo thâm sau khi lành, do đó bạn cần chú ý đến vấn đề dinh dưỡng, hạn chế gãi hoặc làm nhiễm trùng, tổn thương thêm và có thể sử dụng thêm một số sản phẩm chống sẹo thâm bạn nhé!



Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X