Hotline 24/7
08983-08983

Ung thư vùng đầu cổ, phát hiện sớm tỷ lệ chữa khỏi hơn 90%

Các loại ung thư ở vùng đầu cổ thường gặp nhất là: ung thư vòm họng, ung thư sàng hàm, ung thư Amidal, ung thư hạ họng - thanh quản, ung thư hạch vùng cổ, ung thư lưỡi, Ung thư tuyến giáp...

Gần đây, theo con số thống kê của Hiệp hội Ung thư Châu Âu, tần suất ung thư đầu cổ chiếm 10% các loại ung thư, đứng thứ 6 về tần suất các loại ung thư. Như vậy, bệnh ung thư vùng đầu cổ hiện nay rất phổ biến, nhưng nếu phát hiện sớm và được điều trị, bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn.

Ung thư vùng đầu cổ. Ảnh minh họa: Internet
Ung thư vùng đầu cổ. Ảnh minh họa: Internet

Cũng theo ThS.BS Lý Xuân Quang - Phó Trưởng khoa Tai - Mũi - Họng (Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM) khẳng định: “Chưa có xét nghiệm nào giúp nhận biết sớm ung thư đầu cổ một cách chính xác nhưng nếu phát hiện sớm khả năng chữa khỏi cao còn phát hiện trễ thì khả năng chữa khỏi thấp mà còn tốn kém chi phí, chất lượng cuộc sống giảm nhiều”.

Ung thư đầu và cổ thuộc nhóm ung thư phát sinh ở mũi, lưỡi, má, họng, amidan, thanh quản, tuyến nước bọt và tuyến giáp. Trong đó, bao gồm các loại ung thư cụ thể sau:

- Ung thư họng: Trong ung thư họng có nhiều loại như: họng miệng, họng mũi, họng thanh quản.

- Ung thư tai thái dương,

- Ung thư khoang miệng: Ung thư khoang miệng gồm: amidan, lưỡi, khẩu cái.

- Ung thư thanh quản,

- Ung thư tuyến nước bọt: Ung thư tuyến nước bọt gồm tuyến mang tai, tuyến dưới hàm.

- Ung thư hốc mũi, xoang cạnh mũi,

- Ung thư tuyến giáp.

Nguyên nhân gây ung thư vùng đầu cổ

Xét về nguyên nhân không giống như các loại ung thư khác, các yếu tố nguy cơ chính gây ung thư đầu cổ chủ yếu là do tác động từ bên ngoài mà thói quen con người gây ra như: hút thuốc lá, nghiện rượu bia, HPV, EBV. Trong đó hút thuốc lá là nguyên nhân số 1 vì có vai trò chính yếu trong 85% số ca bệnh nhân mắc ung thư đầu cổ, kể cả hút thuốc lá chủ động hay bị động.

Nghiện rượu cũng là một nguy cơ cao gây ung thư đầu cổ tất nhiên tùy thuộc vào số lượng rượu, uống nhiều thì nguy cơ ung thư nhiều hơn. Nếu người nào vừa nghiện rượu vừa hút thuốc lá thì nguy cơ ung thư đầu cổ gấp 35 lần theo nghiên cứu và thống kê của Hiệp hội Ung thư châu Âu.

HPV là tên viết tắt của Human Papilloma Virus liên quan đến nhiều loại ung thư trong cơ thể như ung thư lưỡi, amidan, hạ họng, thanh quản, cổ tử cung trong đó có ung thư đầu cổ. HPV là virus chủ yếu lây qua đường tình dục, nằm trong tế bào niêm mạc miệng.

Còn EBV là tên viết tắt của Ebstain Barr virus thường lây lan trong sinh hoạt hằng ngày, gây hội chứng nhiễm trùng tế bào đơn nhân. EBV được nghiên cứu là có liên quan đến ung thư vòm họng và tồn tại dạng bất hoạt trong tế bào vùng họng và trong hệ thống miễn dịch.

Triệu chứng của ung thư vùng đầu cổ

Dù triệu chứng không nổi bật nhưng nếu có 13 dấu hiệu dưới đây nên đến bác sĩ để xác định xem có mắc ung thư vùng đầu cổ hay không.

- Triệu chứng phổ biến nhất thường là sưng hoặc đau không thể chữa lành, nổi hạch.

- Xuất hiện các đốm màu đỏ hoặc màu trắng trong miệng.

- Xuất hiện khối u, sưng trong khu vực đầu và cổ, có hoặc không đau .
- Đau họng dai dẳng, bất thường.

- Mùi hôi miệng mặc dù vệ sinh kỹ lưỡng.
- Khàn tiếng hoặc thay đổi giọng nói.

- Tắc nghẽn mũi hoặc nghẹt mũi kéo dài.

- Mũi thường xuyên chảy máu và / hoặc chảy nước mũi bất thường.

- Khó thở.

- Tê hoặc cảm thấy một số vùng trên đầu và cổ hoạt động kém.

- Đau hoặc khó khăn khi nhai, nuốt, hoặc di chuyển hàm hay lưỡi.

- Tai và / hoặc hàm đau bất thường.

- Có máu trong nước bọt hoặc đờm, chất nhầy từ đường hô hấp.

- Người mệt mỏi, giảm cân không rõ nguyên nhân.

Ung thư vùng đầu cổ, phát hiện sớm tỷ lệ chữa khỏi hơn 90%

Việc phát hiện sớm, cải thiện đáng kể tỉ lệ tử vong cũng như tỉ lệ sống thêm, đặc biệt là nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân, tỷ lệ sống trên 5 năm đạt 95% và một số trường hợp khỏi hoàn toàn.

Nếu phát hiện muộn, việc can thiệp các biện pháp điều trị sẽ gây ra các biến chứng nặng nề, tỷ lệ sống thêm rất thấp. Trong khi đó, do dấu hiệu bệnh thường mơ hồ những giai đoạn đầu nên ung thư đầu cổ thường được phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn tiến triển, điều trị gặp nhiều khó khăn.

Rất nhiều bệnh nhân đến điều trị ung thư vùng đầu - cổ khi đã ở giai đoạn trễ, tức là ung thư đã tiến triển xa, khiến việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, các bác sĩ luôn khuyến cáo việc phát hiện sớm là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự sống còn và hiệu quả điều trị của bệnh nhân.

Xét nghiệm chẩn đoán và phương pháp điều trị ung thư vùng đầu cổ

Để nhận biết được có mắc bệnh ung thư vùng đầu cổ hay không, người bệnh phải được khám bằng phương pháp nội soi, chụp CT, siêu âm, MRI, đặc biệt giải phẫu bệnh là hết sức cần thiết.

Khi phát hiện ra ung thư cần chụp CT để đánh giá vị trí, kích thước, mức độ xâm lấn của ung thư, đánh giá tình trạng. Làm PET - CT để tầm soát toàn cơ thể dù giá tiền cao hay MRI nhằm khảo sát mô mềm tốt hơn CT và lại không phải tiếp xúc tia xạ như CT. Nếu siêu âm thì nằm ở dạng khảo sát nhanh, không xâm lấn để tầm soát chủ yếu hạch cổ, các tuyến nước bọt, tuyến giáp. Để quan sát trực tiếp thì nên nội soi vì cho ra kết quả nhanh, không tiếp xúc tia xạ và nếu nghi ngờ thì sinh thiết luôn. Còn không BS sẽ giúp bệnh nhân lựa chọn chẩn đoán chỉ dấu ung thư qua huyết thanh, nước bọt, sinh thiết hạch nhưng chỉ mang tính chất gợi ý vì không giúp chẩn đoán xác định.

Nhiều bệnh ung thư đầu và cổ có thể được chữa khỏi nhờ phát hiện sớm và điều trị triệt để với phương thức chung bao gồm điều trị - phẫu thuật, xạ trị và hóa trị.

Phẫu thuật là phương pháp chính cho điều trị ung thư đầu và cổ, đặc biệt là ung thư giai đoạn sớm liên quan đến tuyến giáp và tuyến nước bọt. Ung thư lưỡi, họng, amidan và thanh quản thường đòi hỏi kết hợp phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Ung thư mũi thường được điều trị bước đầu bằng xạ trị và hóa trị . Lưu ý, quá trình điều trị có thể ảnh hưởng đến việc ăn uống, nói chuyện, thậm chí là thở, do đó bệnh nhân có thể cần phải được phục hồi chức năng.

ThS.BS Lý Xuân Quang - Phó Trưởng khoa Tai - Mũi - Họng (Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM) đưa ra lời khuyên:

“Để phòng tránh nguy cơ ung thư đầu cổ, cần phải có chế độ sinh hoạt lành mạnh, ăn uống điều độ, hạn chế hoặc nói không với thuốc lá, rượu bia là những thủ phạm đầu tiên gây ra các loại ung thư đầu cổ. Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, hạn chế dùng thức ăn sẵn nhiều muối. Tránh hít hơi độc, nhiễm khói bụi. Có đời sống sinh hoạt tình dục lành mạnh, chung thủy tránh quan hệ tình dục bằng miệng hoặc có biện pháp an toàn để ngăn chặn các loại ung thư đầu cổ. Khi đã mắc bệnh cần điều trị đúng phác đồ theo chỉ dẫn của thầy thuốc, sống lạc quan không tin theo lời khuyên nhủ thiếu cơ sở khoa học, mê tín dị đoan của những người khác”


Nguồn tham khảo:
https://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/cac-benh/canh-giac-voi-cac-dau-hieu-ung-thu-dau-co-3263887.html
https://www.giaoduc.edu.vn/chien-thang-ung-thu-dau-co.htm

Lê Hoa (Tổng hợp)


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X