Hotline 24/7
08983-08983

Tôi có bầu nhưng nghiện cà phê, uống bao nhiêu là đủ?

Bà bầu uống cà phê, đột nhiên “xì hơi” liên tục, thiếu máu do lách to, hơi thở hôi kèm nặng ngực… là các vấn đề của bạn đọc AloBacsi được BS Lan Hương tư vấn qua mail ngày 1/3.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương

Nội dung tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:


- Trịnh Ngọc Quý - trinhquy…@gmail.com

Thưa BS,

Em cháu đã bị bệnh 4 ngày, lúc nóng lúc lạnh, thường buồn ngủ, buồn nôn nhưng không nôn. Hôm nay bỗng bị cứng đơ cổ không nhúc nhích được, và hoa mắt, chân tím tái. Nhưng chỉ 10 phút sau thì khỏi. Và vài giờ lại bị cứng cổ. Xin hỏi bệnh gì và làm thế nào ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Quý,

Những biểu hiện trên báo hiệu sức khỏe có vấn đề, nhưng chưa đủ để chỉ điểm ra bệnh gì, vì có thể gặp trong rất nhiều bệnh cảnh khác nhau, như viêm nhiễm, thiếu hụt 1 số vi khoáng chất, rối loạn thần kinh - cơ...

BS cần phải khám trực tiếp cho em một cách kỹ càng và làm một số xét nghiệm kiểm tra tổng quát mới chẩn đoán sơ bộ được nguyên nhân. Do vậy, em của em cần đến BV để kiểm tra sức khỏe, có thể đăng ký khám tổng quát, hay chuyên khoa nhiễm đều được.


- Trần Minh Phục - minhphuc…@gmail.com

Em bị lách to độ 3, cho em hỏi BS có phương pháp nào điều trị để khỏi thiếu máu không? Em cảm ơn BS.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Minh Phục,

Lách to sẽ kéo theo thiếu máu, nhưng trước hết em cần đến BV để kiểm tra nguyên nhân vì sao lách to thì mới điều trị triệt để được. có nhiều nguyên nhân gây lách to, như xơ gan tăng áp cửa, huyết khối tĩnh mạch cửa, viêm nhiễm, bệnh tự miễn, bệnh lý huyết học, ung thư...

Trong 1 số trường hợp thiếu máu nhiều do lách to, không đáp ứng với điều trị thuốc thì BS có thể chọn giải pháp cuối cùng là cắt lách, nhưng phẫu thuật này cũng có nhiều nguy cơ và những dự hậu về sau, em nhé.


- Hoàng Quỳnh Như - Hải Phòng

Chào BS,

Năm nay cháu 19 tuổi. Khoảng vài tháng trước có 1 lần khi lấy gỉ mũi thì cháu thấy có máu ra theo từ đó. Đến nay cháu bị lại tầm 3-4 lần.

Cách đây 2 ngày cháu cũng bị một lần và hôm nay khi ngủ dậy cháu nhổ đờm thì thấy có lẫn máu. Sờ vào trong mũi cũng có máu và sau khi đó lâu lâu nhổ đờm cháu lại thấy có máu lẫn vào. cháu thường bị ở mũi phải.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Quỳnh Như thân mến,

Có rất nhiều nguyên nhân gây chảy máu cam, có cả do tại chỗ hoặc do bệnh toàn thân.

Tại chỗ: do viêm nhiễm như viêm mũi cấp và mạn, Do chấn thương vì ngoáy mũi hoặc dị vật lọt vào mũi, Do cấu trúc bất thường ở hốc mũi như vẹo hoặc gai của vách ngăn mũi… Do khối u lành và ác tính

Toàn thân: bệnh tim mạch, bệnh lý huyết học, thuốc...

Máu ở mũi có thể chảy ngược vào thành sau họng gây ra khạc đàm lẫn máu.

Với tình trạng này, em cần khám chuyên khoa tai mũi họng để BS soi mũi, họng cho em, xác định nguyên nhân và điều trị thích hợp, em nhé.


- Nhuong Ho - hothithuy…@gmail.com

Chào BS,

Cho em hỏi chân em bị sưng và bầm tím ở mắt cá do té xe có vết thương hở đã lành. Em uống thuốc chống viêm gần 3 tuần rồi mà sao chân vẫn còn sưng, cử động thì không đau nhưng không đi được, cho em hỏi chân có bị gì nặng không và có cần đi khám không?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Nếu chỉ xây xát ngoài da và bầm mô dưới da thì bàn chân chỉ sưng nhẹ và nhanh khỏi khi uống thuốc kháng viêm. Sau tai nạn, chấn thương, nếu sau 3 tuần chân giảm sưng ít, đặc biệt là không đi được thì em phải coi chừng có vấn đề về gân, xương, khớp...

Do vậy em phải đến khám chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để được thăm khám, chụp phim Xquang và xét nghiệm liên quan nhằm xác định nguyên nhân và điều trị thích hợp mới được.

Đồng thời, em cần hạn chế đi lại tối đa có thể, hạn chế đứng lâu, khi ngồi/ ngủ nên kê chân cao.


- Đ. Q. Hiếu - bu…@gmail.com

Chào BS, em là nam năm nay 20 tuổi.

Vài ngày trước không biết bị sao mà em có cảm giác nặng ở ngực như có tảng đá đè lên vậy nhưng em không ho hay đau gì cả chỉ cảm giác nằng nặng ở ngực thôi và theo người thân em thì em còn bị thêm hơi thở bị hôi, giống mùi mới ngủ dậy.

Em có đi BS nội tiêu hóa và được chẩn đoán là trào ngược dạ dày, thực quản. Sau khi uống thuốc được vài ngày thì tình trạng nặng ngực của em đã giảm đi nhiều nhưng hơi thở thì vẫn còn mùi.

Em muốn hỏi là hơi thở em có mùi như vậy là do trào ngược hay là do bệnh lý khác ạ? Em có đọc được 1 số tài liệu có ghi hơi thở có mùi là 1 triệu chứng của ung thư nên em rất lo mong BS giải đáp thắc mắc giúp em ạ. Cám ơn BS.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Hiếu,

Có nhiều lý do khiến miệng hôi hoặc hơi thở khó chịu: sót thức ăn giữa các kẽ răng, viêm nướu, sâu răng, mảng bám vôi dày, viêm amidan mạn tính, trào ngược dạ dày thực quản, bệnh gan, bệnh thận, ung thư hầu họng bị hoại tử...

Như vậy trào ngược dạ dày thực quản là 1 trong những nguyên nhân khiến hơi thở có mùi. Để loại trừ nỗi lo về bệnh lý ác tính cũng như tầm soát các nguyên nhân gây hôi miệng đi kèm khác, tốt hơn hết em nên khám thêm chuyên khoa tai mũi họng và răng hàm mặt, em nhé.


- Tr. Th. H. - Cần Thơ

Em đang điều trị bằng thuốc ARV được hơn 1 năm, có quan hệ với bạn 2 lần nhưng không dùng bao, vậy nguy cơ lây qua bạn em có cao không BS? Và bao lâu bạn em mới có thể xét nghiệm chính xác được? BS chỉ dùm em.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ước tính, nguy cơ lây nhiễm cho một lần tiếp xúc với nguồn HIV do kim đâm xuyên da vào khoảng 0, 3%, dây máu vào vết thương hở hay niêm mạc dao động từ 0, 1 đến 0, 3%, qua quan hệ tình dục dao động từ 0, 1 đến 0, 5%, nhưng con số này dao động tùy vào giai đoạn nhiễm HIV của người mang bệnh, quan hệ có ra máu hay không...

Em đang điều trị thuốc ARV được hơn 1 năm thì nồng độ virus HIV trong máu và dịch sinh dục của em được khống chế xuống thấp, nhưng nguy cơ lây nhiễm cho người khác là vẫn có, do vậy an toàn nhất là quan hệ tình dục có sử dụng bao cao su.

Để biết chính xác có nhiễm HIV hay không, chỉ có 1 cách duy nhất là xét nghiệm máu, nếu làm xét nghiệm tìm kháng thể kháng HIV thì kết quả chính xác nhất là từ 3-6 tháng sau khi có hành vi nguy cơ, còn xét nghiệm PCR HIV thì khả năng phát hiện sớm cao hơn.


- Huy Tran - huytn…@gmail.com

Kính thưa BS,

Em bị viêm gan B di truyền từ gia đình, và phải dùng thuốc mỗi ngày gần 2 năm nay. Em đang tập thể hình và thấy cơ thể thiếu chất đạm không đủ phát triển cơ thể.

Em muốn hỏi BS em có thể sử dụng thêm whey protein khoảng 20-25g protein mỗi lần uống được không BS? Khi sử dụng có ảnh hưởng đến gan và làm men gan tăng cao không ạ?

Mong BS giải đáp giúp em. Cảm ơn BS đã xem câu hỏi của em.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Huy,

Đạm whey có đặc điểm là dễ hòa tan giải phóng acid amin nhanh chóng, thời gian lưu lại trong dạ dày ngắn và đi thẳng tới các bộ phận trong cơ thể (cơ bắp, trí não, ..), cung cấp cho các tế bào nguyên liệu để tổng hợp protein nhanh chóng.

Tuy nhiên ở những người có bệnh lý về gan thận thì cần phải thận trọng vì nhập quá nhiều protein sẽ tăng tải cho gan, thận.

Do vậy, việc sử dụng liều lượng loại đạm này như thế nào, em cần hỏi trực tiếp BS đang điều trị cho em, BS sẽ dựa vào chức năng gan hiện tại của em mà có lời khuyên phù hợp nhất, em nhé.


- Nguyễn Hợp - nvh…@gmail.com

Chào BS,

Em là nam, năm nay 35 tuổi, trong gần 1 năm nay em có triệu chứng là khó nuốt, nuốt vướng, nhiều khi nuốt rồi mà em khạc cái là thức ăn chạy lên miệng được, hay ợ chua, em đã nội soi cổ họng sung huyết, nhưng nuống thuốc hoài không khỏi. Vậy cho em hỏi:

- Tầm soát các loại ung thư qua test máu thì em nên tới BV nào. Tổng chi phí bao nhiêu ạ?

- Một số lưu ý khi khám tại đó.

Em cảm ơn!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn Hợp,

Bạn có biểu hiện của viêm họng mạn (khó nuốt, nuốt vướng, nội soi thấy cổ họng sung huyết) kèm triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản (thức ăn chạy lên miệng được, hay ợ chua) thì nhiều khả năng nguyên nhân mà “uống thuốc hoài không bớt” là do chưa khống chế được bệnh trào ngược dạ dày thực quản, dẫn đến viêm hầu họng mạn.

Trào ngược dạ dày thực quản và viêm họng mạn là 2 nhóm bệnh khác nhau nhưng là yếu tố thúc đẩy của nhau tạo thành 1 vòng xoáy bệnh lý. Dịch acid từ dạ dày trào lên làm viêm niêm mạc vùng họng miệng, gây tăng tiết đàm, khó chịu, thuốc điều trị viêm họng mạn cũng có thể ảnh hưởng lên dạ dày.

Cả 2 bệnh đều không phải bệnh nan y, tuy nhiên việc điều trị cần trị song song cả 2 bệnh và cần kiên trì, vì không phải ngày 1 ngày 2 là hết.

Bạn cần chú ý là lối sống ảnh hưởng rất nhiều lên hiệu quả điều trị bệnh, chứ không chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào thuốc của BS. bạn cần tuân thủ lối sống sinh hoạt phù hợp, gồm hạn chế ăn đồ chua cay nước có gas nhiều dầu mỡ nhiều gia vị cafe bia rượu, không hút thuốc lá và tránh căng thẳng đầu óc, ăn uống đúng giờ và nghỉ ngơi hợp lý, không nằm sau khi ăn trong vòng 2 giờ, ngủ nên nằm đầu cao.

Cần giữ ấm vùng hầu họng, đặc biệt là trời lạnh, đi ra đường nhớ đeo khẩu trang, không để quạt hay điều hòa chiếu thẳng vào đầu mặt cổ, uống nước ấm thay vì nước lạnh. Đồng thời bạn cần tích cực điều trị trào ngược dạ dày thực quản (ở BS chuyên khoa tiêu hóa) thì vấn đề viêm họng sẽ cải thiện.

Về việc tầm soát ung thư thì xét nghiệm máu chỉ có thể giúp tầm soát bệnh ung thư qua các chất chỉ điểm ung thư, không thể chẩn đoán bệnh được. Một bộ xét nghiệm máu tầm soát ung thư gồm rất nhiều loại, tùy khả năng và nhu cầu của người bệnh mà BS sẽ đề nghị xét nghiệm khác nhau, giá cả có thể dao động từ vài trăm đến vài triệu đồng. Bạn có thể làm xét nghiệm này ở BV Ung Bướu, trung tâm Medic (Hòa Hảo), trung tâm xét nghiệm Nguyễn Chí Thanh,...


- Nguyễn Văn Ba - vanba…@gmail.com

Chào BS ạ,

Cháu 28 tuổi, mấy hôm nay cháu thấy rát họng và thấy cục thit nhỏ nổi cạnh lưỡi gà. Cháu đi nội soi BS kết luận là bình thường, chỉ bị viêm họng. Cháu hỏi BS cục thịt nổi cạnh lưỡi gà như vậy có ảnh hưởng gì không ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Ba,

BS không khám trực tiếp cho em nên cũng chưa hình dung được “cục thịt nhỏ” đó ra sao, tuy nhiên, em đã khám BS chuyên khoa tai mũi họng và được nội soi hầu họng, kết quả là chỉ bị viêm họng thì không đáng lo ngại.

Ở thành sau họng có hệ bạch huyết rất phong phú, khi họng bị viêm thì bạch huyết sẽ phát triển lên, mạch máu sẽ dồn về để tập trung chống lại yếu tố gây hại cho cơ thể, cho hình ảnh thành sau họng rất “xấu xí”, sần sùi, nhiều hạt đỏ, nhiều mạch máu.

Điểm khác biệt với bệnh lý ác tính thành sau họng là sau khi điều trị hết viêm, thì hệ thống mạch máu - bạch huyết sẽ trở về bình thường lại.

Do vậy, trước hết em nên uống thuốc theo toa của BS, tái khám theo hẹn và chú ý uống nhiều nước trong ngày và ăn uống bồi bổ, nhiều rau xanh hoa quả, không hút thuốc lá, hạn chế nước đá lạnh và thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, nước có gas, giữ ấm hầu họng, tránh nơi ô nhiễm khói bụi.


- Nguyễn Thị Hằng - Hà Nội

Tôi nghiện uống cà phê hòa tan G7. Mỗi ngày tôi uống ít nhất một gói 16 gram. Hiện tại tôi mới có thai 2 tháng. Tôi biết là uống cà phê không tốt cho thai nhi. Vậy xin hỏi tôi nên uống cà phê với lượng như thế nào để vừa không ảnh hưởng đến thai nhi lại vừa không phải bỏ cà phê?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn Hằng,

Nghiên cứu dinh dưỡng gần đây cho thấy phụ nữ bao gồm cả các bà mẹ đang mang thai và cho con bú có thể thư giãn đầu óc với sự hỗ trợ của một hàm lượng caffein vừa phải.

Một nghiên cứu mới đây thực hiện trên 1000 phụ nữ đang ở trong 3 tháng đầu thai kỳ cho thấy, nguy cơ sảy thai của họ tăng gấp đôi khi dùng quá 200 mg cafein mỗi ngày. Đó là lượng cafein tương đương với 2 ly café nhỏ loại hòa tan hoặc 5 lon soda có chứa cafein.

Những phụ nữ uống quá 200 mg cafein mỗi ngày có tỷ lệ sảy thai là 25%, những người uống quá 100 mg mỗi ngày có tỉ lệ sảy thai là 15% và những người không uống chỉ có tỉ lệ 12%.

Dựa trên những nghiên cứu mới này, chúng tôi khuyên bạn không nên uống quá một ly nhỏ mỗi ngày và nếu được thì có thể tránh các sản phẩm có chứa cafein để đảm bảo an toàn cho thai nhi và cho chính bạn.

Buổi tư vấn trực tiếp chiều 2/3 do BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - chuyên khoa Nhi đảm nhận


- Nguyễn Thu Hồng - nganhthu…@gmail.com

Em muốn đến BV Đại học y TPHCM để khám và nội soi dạ dày. Cho em hỏi BV này có nội soi dạ dày gây mê không và chi phí bao nhiêu ạ? Em chưa nội soi lần nào, nếu không nội soi thì có cách nào để biết tình trạng dạ dày khác không BS? Em cảm ơn và chào BS.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Thu Hồng thân mến,

Hiện nay nội soi dạ dày thực quản vẫn là ưu tiên một trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý dạ dày - thực quản, và có những cải tiến mạnh mẽ để cuộc soi ngày càng dễ chịu hơn.

Nội soi dạ dày thực quản nhìn thấy trực tiếp niêm mạc dạ dày (xem có viêm sung huyết, loét 1 ổ, loét nhiều ổ, loét nông loét sâu...), có thể lấy các mẫu mô để làm các xét nghiệm (tìm Hp, nghi ngờ ung thư), và có thể dùng để điều trị (như kẹp cầm máu, cột thắt trong xuất huyết tiêu hóa trên).

Nếu em không muốn nội soi thì BS có thể điều trị thử bệnh dạ dày và tầm soát nhiễm Hp bằng xét nghiệm khác như test hơi thở, xét nghiệm máu tùy trường hợp, nhưng nếu sau điều trị mà bệnh tái lại hay có những dấu hiệu nguy hiểm (như thiếu máu, nuốt nghẹn...) thì cần thiết phải nội soi dạ dày thực quản.

Mời em tham khảo: Chi phí sinh thiết dạ dày có gây mê tại BV Đại học Y dược TPHCM?


- Tuấn Anh - az01…@gmail.com

Xin chào BS, mình muốn hỏi mình bị tăng tuyến mồ hôi chân tay có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Tuấn Anh,

Tăng tiết mồ hôi chân tay thuộc chứng tăng tiết mồ hôi khu trú.

Tăng tiết mồ hôi kéo dài gây nên một gánh nặng tâm lý và cản trở sinh hoạt, học tập thường ngày cho người bệnh, đối với chân có thể gây nặng mùi ở chân (đb là mang vớ mang giày kín), nhiễm nấm móng, mất nước và điện giải...

Nguyên nhân: Chia làm 2 loại:

* Loại tăng tiết mồ hôi thứ phát: Thường bị sau những tổn thương thần kinh trung ương, ngoại vi hay cục bộ hoặc bệnh của tuyến giáp trạng.

* Loại tăng tiết mồ hôi tiên phát: Xuất hiện trên toàn bộ cơ thể hay chỉ khu trú ở một vùng, thường ở lòng bàn chân lòng bàn tay.

Đây là một trạng thái cường giao cảm hoặc tăng hoạt động của trung tâm bài tiết mồ hôi. Xuất hiện nhiều khi bệnh nhân lo lắng, xúc động, ăn các loại thức ăn có tính kích thích nhiều (đồ chiên xào, cay, tỏi, hành tây…)

Chữa trị:

* Điều trị nội khoa: thuốc bôi, thuốc uống, tâm lý liệu pháp, châm cứu.

* Điều trị ngoại khoa: tiểu thủ thuật; hủy bỏ hạch giao cảm bằng phẫu thuật nội soi, tiêm huyết thanh nóng vào hạch, cắt bỏ hạch...

Tốt nhất em nên khám chuyên khoa thần kinh hoặc da liễu để BS kiểm tra và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.

Sinh hoạt:

- Hạn chế các món ăn có tính kích thích kể trên.

- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ mỗi ngày.

- Có thể dùng phấn thoa giúp khô thoáng hơn.


- Hồ Thị Bích Ngọc - Bình Tân

BS cho em hỏi,

Khi tiếp xúc với người bệnh thủy đậu 2 ngày có cách li bằng cách đeo khẩu trang và không tiếp xúc cơ thể cũng như không ăn uống chung thì có nguy cơ nhiễm bệnh thủy đậu không ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Bích Ngọc,

Virus thủy đậu có nhiều trong dịch tiết đường hô hấp và các bóng nước trên da, do đó nếu em đã cách ly cẩn thận bằng cách “khẩu trang và không tiếp xúc cơ thể cũng như không ăn uống chung” thì nguy cơ nhiễm bệnh là rất thấp.

Tuy nhiên, không thể loại trừ 100% khả năng bị lây nhiễm, bởi vì bệnh thủy đậu có thể lây từ 1-2 ngày trước khi nổi ban ngứa cho đến khi tất cả những vết phồng đã đóng vảy (thông thường trong vòng 5 ngày từ khi những vết phồng nổi lên) và thời gian nổi trung bình là 7-10 ngày nếu không có biến chứng gì. Có thể người xung quanh có tiếp xúc với người bệnh hiện đang trong thời kỳ đầu của bệnh mới là nguồn lây chính mà mọi người không cảnh giác.

Do đó, nếu có triệu chứng gì bất thường (sốt nhẹ, kèm theo mệt mỏi, chán ăn, nhức đầu và phát những hồng ban nổi trên nền da bình thường) thì có khả năng em đã bị lây bệnh và cần khám BS để được điều trị sớm.


- Phương Tr. - phuong…@gmail.com

Thưa BS,

Em biết xì hơi là chuyện bình thường và trước giờ em cũng ít khi xì hơi, tần suất bình thường như bao người khác. Tuy nhiên, khoảng 10 ngày gần đây, bỗng dưng em xì hơi nhiều bất thường. Cảm tưởng như cứ 10 phút/ lần vậy, vừa xong lại buồn tiếp.

Em cũng bị trĩ và thời gian gần đây có giảm cân tức ăn nhiều rau. Xin BS tư vấn tại sao em bị vậy?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Phương thân mến,

Thực tế, ai cũng phải “xì hơi” vì nó chứng tỏ đường tiêu hóa hoạt động tốt. Về bản chất thì “xì hơi” nhiều không phải là bệnh. Tuy nhiên, em “xì hơi” nhiều lên một cách bất thường so với trước, xì hơi liên tục nên đây là biểu hiện của một số bệnh về đường ruột.

Các nguyên nhân lành tính của xì hơi nhiều bao gồm viêm dạ dày, hội chứng ruột kích thích, loạn khuẩn ruột, nhiễm giun sán... và phần lớn là do nguyên nhân từ thực phẩm ăn vào, gồm chế độ ăn nhiều tinh bột, khoai, đậu, mì gói, nước có gaz, trứng, rượu, đường nhân tạo...

Vì BS không trực tiếp khám cho em cũng như khai thác kỹ hơn các triệu chứng khác, nên BS không thể đưa ra chẩn đoán được. Em nên đến khám tại cơ sở chuyên khoa tiêu hóa để kiểm tra.

Song song đó, em cần điều chỉnh lại chế độ ăn, hạn chế ăn đồ chua cay nước có gas nhiều dầu mỡ nhiều gia vị cafe bia rượu và các thực phẩm làm tăng tạo hơi đường ruột, có thể dùng thêm probio hay sữa chua mỗi ngày để bổ sung vi khuẩn đường ruột.

Thân mến,


Phần tư vấn trên là gợi ý, định hướng ban đầu. Bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi muốn chẩn đoán đúng, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp.

- Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:
› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn
› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh OnlineHỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn
› Hoặc facebook AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời
› Trò chuyện trực tiếp với bác sĩ, từ 17g -19g; hotline: 08983 08983

 Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X