Lạm dụng viên ngậm chữa ho dễ gây viêm đường hô hấp
Không có tác dụng trị ho
Mùa lạnh, ho và viêm họng là bệnh dễ gặp ở nhiều người. Trên thị trường, hiện có rất nhiều loại thuốc ho. Không chỉ có thuốc viên mà còn có dạng siro và viên ngậm, kẹo ngậm. Chúng đều được quảng cáo rất công hiệu chữa dứt các cơn ho, kiểm soát hữu hiệu các cơn ho, ức chế trung tâm gây ho… Giá của các loại thuốc này chỉ từ vài chục ngàn đồng đến hơn 100.000 đồng.
PGS.TS Nguyễn Hữu Đức - Khoa Dược (ĐH Y dược TPHCM) cho hay,
hiện có rất nhiều loại viên ngậm, kẹo ngậm ho khác nhau, thậm chí còn có những loại có các hương vị
hấp dẫn. Vì sự tiện lợi nên nhiều người lựa chọn và lạm dụng nó.
Tuy nhiên, viên ngậm ho chứa những
chất sát trùng họng có công dụng làm dịu cơn ho, dịu thanh quản, giúp sát trùng đường hô hấp, hỗ
trợ điều trị các chứng ho, đau họng, khản giọng… chứ không có tác dụng chữa ho hay trị triệt để cơn
ho.
Việc lạm dụng loại kẹo ngậm này có hại cho sức khỏe. Các vị hoa quả cũng chỉ là hương liệu đưa vào để thơm ngon, bắt mắt và dễ dùng.
Không ít trường hợp bệnh tăng nặng do tự mua các loại viên ngậm ho hay dùng loại sirô ho uống. Ho có rất nhiều nguyên nhân gây nên nhưng thường gặp là do cảm lạnh, mắc các bệnh đường hô hấp như viêm mũi họng, viêm amiđan, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi… Để điều trị dứt bệnh phải tìm được nguyên nhân gây ho.
Ho có hai loại là ho khan và ho có đờm. Ho khan thường gây ngứa
họng và không có đờm có thể gây khàn giọng hoặc mất giọng. Ho khan thường là do hít phải các loại
khói bụi gây kích thích như khói thuốc, khói than, mùi hóa chất hoặc có thể phản ứng của cơ thể khi
thời tiết thay đổi đột ngột.
Người bị ho khan thường vẫn cảm thấy khỏe mạnh, không có cảm giác nặng
ngực và khó thở. Còn người bị ho có đờm có cảm giác nghẹt thở và khó thở, thường làm cho người bệnh
mệt lả. Các triệu chứng thường tăng lên khi nói chuyện. Ho đờm có thể là triệu chứng còn lại sau
khi viêm họng, viêm mũi và viêm xoang...
Hai loại ho này điều trị sẽ khác nhau. Bác sĩ phải khám mới biết được có đờm hay không. Ho có đờm mà chỉ dùng thuốc trị ho khan thì không có tác dụng vì cần dùng thêm thuốc để tống đờm ra.
"Ho chỉ là triệu chứng của một bệnh nên việc điều trị ho phải song
song điều trị nguyên nhân gây bệnh thì triệu chứng ho sẽ giảm. Nếu bị ho do nước mũi chảy xuống
họng chỉ cần dùng thuốc nhỏ mũi, vệ sinh sạch mũi thì sẽ hết ho.
Trường hợp ho kèm sốt, mũi khô,
khó thở, thở nhanh… cần phải đi khám bởi nếu bị viêm phổi, viêm thanh quản, hen suyễn, phản xạ ho
lại có ý nghĩa nhằm để tống xuất đờm nhớt ra ngoài. Hoặc khi có các yếu tố gây kích thích, phản ứng
ho sẽ giúp đẩy các dị vật, chất dịch tiết, cặn bã ra ngoài để làm sạch và thông thoáng đường thở.
Trong khi đó, viên ngậm ho lại ức chế phản xạ ho, đờm không tiết được ra ngoài, mà bị ứ lại khiến bệnh tiến triển nhanh, trở thành viêm đường hô hấp mạn tính. Vì vậy, khi kê đơn, các bác sĩ cũng thường sử dụng thuốc long đờm", PGS.TS Nguyễn Hữu Đức cho hay.
Thường xuyên súc miệng bằng nước muối loãng
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), trước
khi dùng thuốc dù là thuốc uống hay thuốc ngậm nên có sự tư vấn của bác sĩ bởi thuốc ho có rất
nhiều thành phần. Với các loại viên ngậm ho chỉ làm giảm triệu chứng, không có tác dụng thay thế
thuốc chữa bệnh.
Nếu ho do đường hô hấp trong từ hầu họng đi xuống khí quản, phổi thì không có tác dụng. Việc chữa trị nguyên nhân là quan trọng nhất. Nếu ho do cảm lạnh thì dùng thuốc chống cảm cũng sẽ khỏi. Còn ho do amidan có vấn đề để chữa cần tìm rõ căn nguyên.
Cha mẹ càng cần lưu ý khi cho trẻ sử dụng viên ngậm ho. Tốt nhất không nên cho dùng vì trẻ có nguy cơ bị sặc. Trong trường hợp trẻ bị ho do cảm cúm có thể dùng các thuốc long đờm dạng si rô nhưng chỉ là hỗ trợ điều trị, còn ho nặng hơn phải có chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu ho 3 - 4 hôm phải đi khám xem có bị viêm xoang không. Việc tự ý dùng thuốc có thể làm bệnh kéo dài hoặc nặng thêm.
Các chuyên gia khuyến cáo, khi bị ho cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ bởi ho tỷ lệ do nhiễm khuẩn sẽ cao nên phải uống thuốc đủ liều. Tốt nhất là mọi người cần giữ vệ sinh miệng họng bằng súc miệng nước muối loãng (0,9%) để đề phòng viêm họng.
Ngoài ra có thể sử dụng một số phương pháp chữa trị từ thiên nhiên để hạn chế tác dụng phụ mà vẫn giảm ngứa họng và ho như gừng, mật ong, ô mai, cam thảo…Với mật ong, có thể kết hợp với lá hẹ, vỏ quýt, quất nguyên vỏ xanh, lá húng chanh, hoa hồng bạch… hấp cách thủy, uống hoặc ngậm đều cho tác dụng tốt trong việc trị ho.
"Giữ ấm cơ thể khi thời tiết thay đổi sẽ góp phần tránh ho. Trước khi đi ngủ nên ngâm chân với nước ấm pha chút muối, đi tất khi chân đã khô. Mặc áo kín cổ hoặc quàng khăn mỏng, mặc áo khoác và đeo khẩu trang khi ra đường vừa giữ mũi ấm vừa tránh hít phải bụi bẩn. Bởi mũi có liên quan trực tiếp đến đường hô hấp, nếu nhiễm lạnh sẽ có hiện tượng sổ mũi. Nước mũi khi đặc quánh lại tập trung ở cổ họng thành đờm khiến họng đau rát và ho". PGS.TS Nguyễn Hữu Đức |
Theo Phương Thuận - Gia đình và Xã hội
Bài viết có hữu ích với bạn?
- Trang chủ
- Tin y tế
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình