Hotline 24/7
08983-08983

ThS.BS Huỳnh Thị Thúy Nga tư vấn: Sùi mào gà, chữa thế nào là đúng?

14g chiều 21/3, BS Huỳnh Thị Thúy Nga - khoa Khám bệnh, BV Nhân dân 115 tư vấn với quý bạn đọc AloBacsi về bệnh sùi mào gà và các bệnh da liễu khác.


Trở lại với chương trình tư vấn hằng tuần với bạn đọc Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi, ThS.BS Huỳnh Thị Thúy Nga - chuyên khoa Da liễu, công tác tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ giải đáp về bệnh sùi mào gà.

Các thắc mắc xung quanh bệnh sùi mào gà như: khởi phát ra sao, nhận biết thế nào, chữa trị sùi mào gà đúng cách, sùi mào gà có thể chữa khỏi hẳn được không?… được BS Thúy Nga giải đáp cụ thể tại buổi tư vấn.

Chương trình được phối hợp thực hiện bởi Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.vn và Bệnh viện Nhân dân 115.

ThS.BS Huỳnh Thị Thúy Nga - chuyên khoa Da liễu, công tác tại khoa Khám bệnh, BV Nhân dân 115 - Ảnh: Hồng Nhung

NỘI DUNG TƯ VẤN

PHẦN 1: SÙI MÀO GÀ, CHỮA THẾ NÀO LÀ ĐÚNG?

Sùi mào gà và mụn cóc sinh dục có phải là một không ạ? Sùi mào gà gây ra bởi chủng HPV nào, thưa BS?

ThS.BS Huỳnh Thị Thúy Nga

Sùi mào gà là do virus Human Papillomavirus (HPV) gây ra. HPV có rất nhiều týp (hơn 100 týp), tùy theo týp virus mà sẽ gây sang thương ở da, niêm mạc sinh dục.

Mụn cóc thường là do týp 1, 2, 3, 4 gây sang thương ở da gây ra. Sùi mào gà là tổn thương thường xảy ra ở vị trí hậu môn, sinh dục, thường là do týp 6, 11, 16, 18.

Sùi mào gà và mụn cóc sinh dục có thể là một, do cách dùng từ khác nhau.


Sùi mào gà lây truyền như thế nào ạ? Một số người lo ngại việc dùng chung khăn, bồn tắm trong khách sạn, nhà nghỉ có thể bị lây sùi mào gà. Theo BS, nguy cơ này có cao không?

ThS.BS Huỳnh Thị Thúy Nga

Sùi mào gà chủ yếu lây truyền qua quan hệ tình dục, nếu bộ phận sinh dục có các vết trầy xước hoặc sang thương. Ngoài ra, cũng có thể lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình chuyển dạ. Một phần rất thấp lây qua tiếp xúc gia đình.

Việc dùng chung khăn, bồn tắm, trong khách sạn, nhà nghỉ, hồ bơi… có thể bị lây sùi mào gà đây cũng là một trong những yếu tố nguy cơ nhưng xác suất xảy ra rất thấp (gần như = 0) nếu cơ thể bạn không có sang thương, trầy xước trên da và niêm mạc.

Việc dùng chung khăn, bồn tắm, trong khách sạn, nhà nghỉ, hồ bơi… có thể bị lây sùi mào gà. Ảnh minh họa - nguồn internet
Việc dùng chung khăn, bồn tắm trong khách sạn, hồ bơi… có thể bị lây sùi mào gà nhưng tỷ lệ rất thấp, với điều kiện bản thân người sử dụng có sang thương trên da và niêm mạc. Ảnh minh họa - nguồn internet

Nếu một người bị sùi mào gà đã chữa hết sùi rồi thì có lây bệnh cho người khác được không? Khi đã chữa hết sùi thì virus tồn tại ở đâu trên cơ thể?

ThS.BS Huỳnh Thị Thúy Nga

Virus một khi đã xâm nhập thì gần như tồn tại trong cơ thể, không chỉ riêng HPV mà nhiều virus khác cũng vậy. Đặc biệt, đối với cơ thể suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai thì virus sẽ dễ bùng phát.

Một người bị sùi mào gà đã chữa hết sùi rồi, nếu quan hệ tình dục không an toàn vẫn có thể lây truyền virus cho bạn tình.

 
Sau khi nhiễm virus, thời gian ủ bệnh là bao lâu ạ? Nốt sùi mào gà lúc mới mọc có đặc điểm riêng để nhận biết không?

ThS.BS Huỳnh Thị Thúy Nga

Sau khi nhiễm HPV, thời gian ủ bệnh khoảng từ 3-8 tuần. Thời gian xuất hiện triệu chứng là 1-3 tháng sau đó.
 
Đặc điểm của sùi mào gà là một sẩn, sùi, chồi thịt màu đỏ nhạt hoặc hồng, sờ mềm, thường có cuống. Vị trí thường gặp đối với nam: bao quy đầu, dây thắng, rãnh quy đầu-bao quy đầu, lỗ tiểu, bìu, hậu môn và vùng quanh hậu môn; đối với nữ: âm đạo, thành sau âm đạo, túi cùng, môi lớn, môi nhỏ, cổ tử cung, hậu môn và vùng tầng sinh môn.


Sang thương sùi mào gà - Ảnh minh họa: internet

Việc thăm khám sùi mào gà gồm các bước nào ạ? Xét nghiệm đóng vai trò như thế nào trong chẩn đoán bệnh này?

ThS.BS Huỳnh Thị Thúy Nga

Bệnh sùi mào gà chẩn đoán chủ yếu là dựa vào lâm sàng (nhìn trực tiếp sang thương), ít nơi dùng đến xét nghiệm (xét nghiệm sinh học phân tử phân tích DNA của virus).

 
Xin BS cho biết các phương pháp điều trị sùi mào gà? Phương pháp ALA-PDT mà trên mạng hay nhắc tới là gì vậy BS, nó có hiệu quả như thế nào?

ThS.BS Huỳnh Thị Thúy Nga

Sùi mào gà chủ yếu điều trị tại chỗ, có các phương pháp sau:

- Chấm thuốc podophylin 10-20%, imiquimol cream 5%

- Đốt điện, laser CO2

- Phẫu thuật nếu sang thương to

Phương pháp ALA-PDT là một ánh sáng liệu pháp hỗ trợ trong điều trị sùi mào gà. Hiện nay các cơ sở y tế chưa triển khai.


Nhờ BS hướng dẫn cách chăm sóc vết thương sau đốt/phẫu thuật sùi mào gà?

ThS.BS Huỳnh Thị Thúy Nga

Sau đốt sùi mào gà, chủ yếu là chăm sóc vết thương tại chỗ. Đối với vết thương nhỏ chủ yếu là vệ sinh bằng povidine hằng ngày, giữ khô thoáng vết thương, tránh tiếp xúc, tránh quan hệ tình dục khi vết thương chưa lành.

Đối với vết thương lớn, cần đến cơ sở y tế để chăm sóc vết thương, thay băng hằng ngày, tránh quan hệ tình dục khi vết thương chưa lành.

Trường hợp vết thương nhiễm trùng (xung quanh đỏ, rỉ dịch, đau, sưng…) bạn cần đến cơ sở y tế để BS thăm khám và cho thuốc hỗ trợ.

BS Thúy Nga cho biết: Một người bị sùi mào gà đã chữa hết sùi rồi, nếu quan hệ tình dục không an toàn vẫn có thể lây truyền virus cho bạn tình - Ảnh: Minh Hân

Vì sao sùi mào gà thường hay tái phát? Làm cách nào để ngăn chặn việc tái phát ạ?

ThS.BS Huỳnh Thị Thúy Nga

Sùi mào gà chỉ tái phát khi bạn có quan hệ không lành mạnh hoặc cơ thể suy giảm miễn dịch tạo điều kiện cho virus bùng phát. Để ngăn chặn tái phát, bạn nên quan hệ lành mạnh, có bảo vệ (dùng bao cao su) là an toàn nhất.


Nếu đã bị sùi mào gà rồi, việc chích ngừa có tác dụng không?

ThS.BS Huỳnh Thị Thúy Nga

Sùi mào gà là bệnh lây truyền chủ yếu qua đường tình dục nên khi tiếp xúc với yếu tố nguy cơ là bệnh dễ mắc phải. Hiện chưa có vắc xin đặc hiệu để ngừa sùi mào gà.

PHẦN 2: GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CỦA BẠN ĐỌC ALOBACSI


ZL Nhu Lieu

Chào bác sĩ,

Cháu nhà em khoảng 45 ngày trước có mổ cục u ở cằm (do bị té đập cằm vào ghế đá). Vết thương đã lành nhưng để lại sẹo đỏ và có vẻ lồi. Em đã dùng gel trị sẹo hơn 1 tuýp. Nay em muốn can thiệp laser cho cháu, tuy nhiên đi khám ở Bệnh viện Da Liễu Đà Nẵng thì bác sĩ nói khoảng 5 tháng mới can thiệp được.


Em đọc thông tin trên mạng nói can thiệp càng sớm càng tốt. Em mong bác sĩ tư vấn giúp. Cháu đang ở Đà Nẵng và rất tự ti vết sẹo của mình. Em cám ơn bác ạ.

ThS.BS Huỳnh Thị Thúy Nga

Chào bạn,

BS da liễu đã khám cho bé nhà bạn và đã hướng dẫn chính xác cho bạn. Thông thường sẹo sẽ ổn định sau 5-6 tháng, lúc đó can thiệp là hợp lý.


Lê Hồng Long - lehong...@gmail.com

Bác sĩ cho em hỏi,

Em không hiểu tại sao tình trạng nám da của em lại xuất hiện nhiều hơn sau Tết. Xin bác sĩ tư vấn cho em cách khắc phục ạ?


ThS.BS Huỳnh Thị Thúy Nga

Chào bạn,

Nám da là tình trạng tăng sắc tố của da, sạm nám có thể gia tăng nếu bạn tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, stress, môi trường… Bạn nên đến BV, BS da liễu để được hướng dẫn sử dụng thuốc điều trị và kem chống nắng cho phù hợp với da bạn.

Theo BS Thúy Nga, sẹo sẽ ổn định sau 5-6 tháng, lúc đó can thiệp cải thiện sẹo là hợp lý - Ảnh: Hồng Nhung

ZL N. T. Ngọc Linh - 086969...

Bác sĩ cho em hỏi,

Em nối lông mi giả thường xuyên nên bây giờ hàng lông mi của em có thể bị keo dán mi giả làm tổn thương mất đi sắc tố. Bây giờ phân nửa lông mi của em đã bị bạc trắng. Em có lấy nhíp nhổ bỏ đi thì vẫn mọc lại và màu trắng.

Vậy có biện pháp nào chữa trị không ạ? Cảm ơn bác sĩ.


ThS.BS Huỳnh Thị Thúy Nga

Ngọc Linh thân mến,

Bạn theo dõi thêm trên cơ thể bạn có chỗ nào xuất hiện những đốm trắng hay không? Nếu có thì bạn đến BS chuyên khoa da liễu khám để xem đó có phải là bệnh lý về rối loạn sắc tố hay không.

Trường hợp bạc lông mi của bạn, tôi không nghĩ là do keo.


Ngọc Anh - 10 tuổi

Cháu bị sắc tố da, bác sĩ điều trị bằng đốt điện để lại sẹo ở mặt một ít nhỏ. Cháu muốn cấy ghép da có được không ạ? Cháu cám ơn bác sĩ.

ThS.BS Huỳnh Thị Thúy Nga

Chào Ngọc Anh,

Cháu chưa nói rõ thời điểm hiện tại là sau điều trị đốt điện bao lâu?

Sau khi đốt điện, có thể cháu bị mất sắc tố tại chỗ. Cháu mới 10 tuổi, có thể tiếp tục theo dõi một vài năm xem sắc tố có phục hồi hay không, nếu không phục hồi thì có thể tới chuyên khoa da liễu để được hướng dẫn cách điều trị.


Hoa - hoas...@gmail.com

Chào bác sĩ,

Con có dùng thuốc lột da. Lột xong da con bị đỏ và rát ngứa. Qua ngày sau thì nó vẫn còn đỏ và đen sạm đi nhiều. Cho con hỏi nguyên nhân vì sao lại như vậy? Bao lâu da con sẽ bình phục lại bình thường? Và nó còn đen như thế này nữa không ạ? Lột da rồi có bị nổi mụn gì không ạ?

Bác sĩ giúp con với, giờ con thấy hoang mang quá. Con cảm ơn bác sĩ nhiều ạ.


ThS.BS Huỳnh Thị Thúy Nga

Chào bạn,

Lột da (pell) là phương pháp được dùng phổ biến trong điều trị và tái tạo da, thường dùng các loại hóa chất. Do đó, sau khi lột, da sẽ bị kích ứng, sẽ có dấu hiệu đỏ và ngứa, thậm chí xảy ra đen sạm, bạn cần dùng dưỡng ẩm, chăm sóc da tốt, tránh cào gãi để những vết đen sạm bong ra. Thời gian bong tróc khoảng 7-10 ngày. Sau đó bạn nên dùng kem chống nắng kỹ.

BS Thúy Nga căn dặn: sau khi lột da (pell) cần dùng dưỡng ẩm, chăm sóc da tốt, tránh cào gãi để những vết đen sạm bong ra - Ảnh: Minh Hân

Thiên - TP Vinh

Em bị mụn nước li ti dưới da rất nhiều, nhất là ở đầu các ngón chân phải và ngón trỏ trái. Để lâu thì mảng da ở chân chuyển màu trắng đục, bong ra, còn ở tay thì vẫn là mụn chìm, rất ngứa và khó chịu.

Xin hỏi em bị bệnh gì và nên bôi thuốc gì? Em có nên dùng muối chà xát hay ngâm nước muối không ạ?


ThS.BS Huỳnh Thị Thúy Nga

Chào bạn,

Qua mô tả sang thương thì bạn bị chàm (viêm da cơ địa). Bạn hoàn toàn không nên dùng muối chà xát vì sẽ làm cấu trúc của da, khiến cho bạn ngứa, nóng rát nhiều hơn. Bạn nên đến BV có chuyên khoa da liễu để khám và BS sẽ kê thuốc điều trị phù hợp.


Lê Thị Nhung - Quận12, TPHCM

Chào bác sĩ ạ,

Cháu 22 tuổi, muốn hỏi bác là chân cháu cứ bị ngứa đỏ nên cháu gãi loét cả ra từng nốt một. 1-2 ngày sau vết đó lại thâm, cháu bôi thuốc không khỏi, đi khám người ta bảo cháu bị chàm, bôi thuốc thời gian dài mà không đỡ.

Bây giờ cổ chân cháu cứ nổi mẩn vậy mà không biết bị làm sao. Bác sĩ tư vấn giúp cháu với ạ.


ThS.BS Huỳnh Thị Thúy Nga

Nhung thân mến,

Qua thông tin bạn cung cấp, có lẽ đúng là bạn bị chàm (viêm da cơ địa), đây là bệnh lý rất dễ tái phát. Bạn cần kiên nhẫn trong điều trị, dùng kem thoa dưỡng ẩm da hằng ngày, hạn chế tiếp xúc với hóa chất làm tổn thương da, tránh cào gãi để hạn chế vết thâm.


Phu - TPHCM

Chào bác sĩ,

Cách đây 2 ngày em có đi spa tẩy mụn bằng phương pháp đốt nóng. Sau khi tẩy xong em quên hỏi phải chăm sóc da thế nào? Em về nhà có dùng chai Acnes tạo bọt kháng khuẩn mụn và Acnes C10. Không biết dùng như thế có ảnh hưởng gì không? Và em cần phải chăm sóc da như thế nào? Xin cảm ơn bác sĩ.


ThS.BS Huỳnh Thị Thúy Nga

Chào bạn,

Bạn có thể dùng được sản phẩm chăm sóc da như bình thường, không cần lưu ý gì đặc biệt.


Ngọc Hà - An Giang

Bác sĩ cho em hỏi,

Em lột da ở đầu gối và bị ăn nắng, sau đó thâm đen vùng đầu gối. Bác cho em hỏi có cách nào chữa trị không ạ và chi phí có đắt không ạ? Mong bác sĩ tư vấn giúp em.


ThS.BS Huỳnh Thị Thúy Nga

Chào Ngọc Hà,

Da đầu gối là vùng da có cấu trúc khác những vùng da khác, vùng da luôn có sự ma sát, do vậy da dễ đen hơn những vùng khác. Bạn có thể điều trị cho vùng da đó sáng hơn bằng nhiều kỹ thuật khác nhau (bôi kem, laser, pell (lột)…) nhưng bạn cần đến trực tiếp BS chuyên khoa da liễu hoặc thẩm mỹ để được hướng dẫn kỹ hơn.


Hồng Hạnh - Quảng Ngãi

Kính thưa bác sĩ,

Trước đây hơn 1 năm em có đi thực tập và dùng son môi, sau 3 ngày dùng em bị dị ứng, da đóng vẩy và có bọng nước. Sau khi hết môi em bị thâm đen hết khóe môi. Vậy em bị bệnh gì ạ, có biện pháp chữa trị nào giúp em bớt không? Em là con gái, môi bị như vậy em rất buồn, mong bác sĩ có thể tư vấn giúp. Em chân thành cảm ơn.


ThS.BS Huỳnh Thị Thúy Nga

Hồng Hạnh thân mến,

Theo bạn kể thì tôi cũng chưa hình dung chính xác được tình trạng của bạn hiện nay, bạn có thể gửi hình chụp về chương trình để tôi xem và tư vấn cho bạn sau nhé.

AloBacsi trân trọng cảm ơn ThS.BS Huỳnh Thị Thúy Nga đã dành thời gian giải đáp thắc mắc cho bạn đọc, giúp bạn đọc hiểu rõ về bệnh sùi mào gà, từ đó có cách phòng ngừa hiệu quả và biết cách điều trị đúng, tránh tái phát.

Thực hiện: Hồng Nhung
Ảnh: Minh Hân - Hồng Nhung
Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X