Hotline 24/7
08983-08983

Tập vật lý trị liệu có làm giảm chứng phù nề chân không BS?

Câu hỏi

Thưa BS, Bố cháu năm nay 73 tuổi, phát hiện tiểu đường cách đây 2 năm. Gần đây bố cháu bị sưng phù chân trái, ban đầu còn đi lại được, sau đó không đi được. Gia đình đưa bố đến BVĐK Đà Nẵng chữa trị, tại đây các BS đã làm tất cả các xét nghiệm và kết luận bố cháu bị suy tim, men gan cao, suy thận độ 1, khớp và nằm điều trị một thời gian thì bố cháu bị liệt nửa người trái (chân trái và tay trái không cử động được, giọng nói khó, chân trái vẫn phù nề) và được chẩn đoán bị nhồi máu não. Sau đó BS làm các xét nghiệm trở lại và chẩn đoán các bệnh trên đã hết, chuyển ba cháu qua phục hồi chức năng. Riêng tiểu đường vẫn còn phải chích thuốc (xét nghiệm tiểu đường là 20.) Tại đây, sau 2 tuần điều trị thì tay trái cũng như giọng nói của ba hoạt động trở lại. Riêng chân trái của ba cháu vẫn bị phù nề, có cảm giác đau khi bị tác động và vẫn không đi được, không có khả năng đứng hoặc ngồi. BS có thể cho cháu biết với các nguyên nhân trên, bệnh phù chân trái của ba cháu bị là do đâu? Có thể chữa khỏi không ạ? Và khám chữa ở đâu là tốt nhất? Việc tập vật lý trị liệu hiện nay của ba cháu có làm giảm chứng phù nề không ạ? Rất mong câu trả lời của BS. Cháu xin chân thành cảm ơn BS rất nhiều ạ.

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Sưng phù chân. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Sưng phù chân. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

Về bệnh của bố bạn, BS không trực tiếp thăm khám cũng như không có trong tay các kết quả xét nghiệm nên chỉ có thể phỏng đoán qua mô tả. Phù chân trái trường hợp này có thể do một số nguyên nhân như bệnh lý khớp (sưng viêm vùng khớp kéo dài xuống tới cẳng chân), do bất động lâu ngày gây hồi lưu tĩnh mạch kém hoặc có huyết khối tĩnh mạch chân.

Mặc dù suy tim, suy thận cũng có thể gây ra phù chân nhưng thường phù cả hai chân, và phù sẽ giảm khi điều trị thuốc tối ưu. Cảm giác đau, không cử động được có thể là do di chứng của tai biến mạch máu não (do bố bạn có đái tháo đường nên nguy cơ bị tai biến mạch máu não khá cao).

Việc tập vật lý trị liệu tích cực có thể giúp hồi phục phần nào khả năng vận động, nhưng về phù nề nếu vẫn không cải thiện thì bạn cần đưa bố tới BV kiểm tra thêm về mạch máu chi dưới bạn nhé!

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Phù nề là sự tích tụ chất lỏng trong các mô ở chân khiến chân bị sưng lên. Phù nề là bệnh lý phổ biến ở người già. Bệnh phù chân ở người già khiến sinh hoạt đi lại của người bệnh gặp khó khăn và gây nguy hiểm tới sức khỏe.

Bệnh phù chân ở người già do nhiều nguyên nhân, có thể kể đến các nguyên nhân như:

- Là dấu hiệu của các bệnh nghiêm trọng như tim, gan, mạch máu…cũng có thể dẫn đến bệnh phù chân
- Do thói quen ăn uống hàng ngày, trong khẩu phần ăn của người già có chứa nhiều muối và carbohydrate.
- Nguyên nhân tiếp theo cũng có thể do cơ bị chấn thương vì sức khỏe người cao tuổi cũng như xương khớp rất yếu nên cơ rất có thể dễ dàng bị chấn thương.
- Phù do bị suy tim: biểu hiện là hai chân phù to và có thể nứt da, có dịch vàng chảy ra.
- Phù do thiếu vitamin B1: Người bệnh cảm thấy 2 chân tê bì như bị kiến bò, thường bị chuột rút, mất phản xạ gân gối đây chính là dấu hiệu của việc thiếu vitamin B1.
- Phù chân ở người già cũng có thể do viêm tắc tĩnh mạch, cảm thấy đau khi ấn vào vị trí bị phù.
- Phần lớn những người bị tiểu đường hoặc bệnh thần kinh bị nhiễm trùng khiến bàn chân và mắt cá chân người già bị phù,
- Người cao tuổi nếu đứng hoặc ngồi im một chỗ quá lâu cũng dễ bị phù chân…

Việc đầu tiên cần làm trong quá trình điều trị bệnh phù chân đó chính là điều trị dứt điểm nguyên nhân gây ra bệnh, như vậy các triệu chứng sẽ thuyên giảm rõ rệt.

Sử dụng các loại thảo dược có tác dụng lợi tiểu như: râu ngô, mã đề,... để đào thải bớt lượng chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể. Đồng thời người cao tuổi cần có:

- Chế độ ăn uống tốt: cân bằng trong chế độ dinh dưỡng người cao tuổi, người bệnh nên hạn chế ăn mặn, giảm bớt lượng muối trong thực đơn hàng ngày, uống đầy đủ 2 lít nước/ ngày, trong bữa ăn nên bổ sung nhiều rau, củ, quả, tránh ăn nhiều thịt…
- Chế độ tập luyện phù hợp: Người cao tuổi nên di chuyển thường xuyên, massage các khớp để tăng cường lưu thông máu, sử dụng các cơ bắp ở gần vị trí phù nề để bơm chất lỏng dư thừa trở lại tim. Tránh việc đứng, ngồi tại chỗ quá lâu khiến bệnh phù thêm nặng nề. Người bệnh cần tập thể dục thường xuyên cho chân từ 10-15 phút, 3-4 lần/ ngày để tăng việc lưu thông cho máu. Cứ mỗi 1-2 giờ, người cao tuổi nên đứng dậy và đi bộ.
- Massage: Vùng bị ảnh hưởng có thể được vuốt ve nhưng không gây đau, việc tạo áp lực này có thể giúp cho chất lỏng dư thừa tại đó di chuyển.
- Tránh gặp nhiệt độ đột ngột: Nóng và lạnh thay đổi đột ngột khiến cho bệnh phù chân ở người già thêm nặng nề. Người cao tuổi nên tránh tắm nước quá nóng, mặc ấm khi ra đường thời tiết lạnh.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X