Hotline 24/7
08983-08983

Tái tạo sọ, vá sọ, ghép sọ là một hay nhiều phương pháp chữa lành phần khuyết sọ cho bệnh nhân?

Câu hỏi

Hiện nay có những phương pháp nào để tái tạo phần khuyết sọ cho bệnh nhân ạ? Tái tạo sọ, vá sọ, ghép sọ là một hay nhiều phương pháp ạ? Nếu không ghép sọ, tình trạng khuyết sọ sẽ có ảnh hưởng gì đến bệnh nhân, thưa bác sĩ?

Trả lời
Tái tạo hộp sọ cho bệnh nhân. Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.
Minh Hải thân mến,
Những từ gọi là vá sọ, tái tạo hộp sọ hay tạo sọ khuyết cũng cùng 1 nghĩa, chỉ là tên gọi của từng vùng miền hoặc quy định của mà ICD 10 trong Thông tư phẫu thuật của Bộ Y tế.

Do não phù sau cuộc mổ, phẫu thuật viên không đậy được lại nắp sọ lúc ban đầu, phần nắp sọ cưa ra sẽ được gửi đi bảo quản và sau thời gian não bớt phù và dấu hiệu bác sĩ đánh giá hiện tượng phù đã kết thúc, vùng sọ bị khuyết sẽ lõm xuống. Ở thời điểm đó bác sĩ sẽ đánh giá đủ điều kiện để ghép lại và sẽ lấy nắp sọ đậy lại vị trí đã cưa trước đây, phục hồi lại sự liên tục của hộp sọ.

Khuyết sọ nếu không được giải quyết có thể gây nhiều bất lợi cho bệnh nhân như: 1. Thiếu tính thẩm mỹ, khiến họ mất tự tin trong giao tiếp; 2. Thiếu an toàn, não "lộ thiên", không được che chắn; 4. Hội chứng giảm áp lực trong sọ: chóng mặt, đau đầu, yếu liệt, chậm chạp, rối loạn cơ vòng (đi cầu, đi tiểu mất tự chủ)...; 4. Động kinh; 5. Chậm phát triển tâm thần kinh.
Thân mến.
Mời tham khảo thêm:

Khi hộp sọ bị tổn thương gây ra triệu chứng khuyết sọ làm bệnh nhân bị đau đầu, giảm trí nhớ, chóng mặt, mất tập trung, ức chế tâm lý. Ngoài ra, não dễ bị tổn thương đặc biệt khi môi trường bên ngoài tác động như nhiệt độ, áp suất... Trường hợp nặng của khuyết sọ là bệnh nhân có hiện tượng tri giác giảm, rối loạn tâm thần, yếu liệt nửa người, động kinh... Những hiện tượng này sẽ dần hết sau khi hộp sọ được tái tạo.

Có 2 dạng tái tạo hộp sọ: tái tạo sọ tự thân và tái tạo dị chất. Đối với tái tạo sọ tự thân, bác sĩ sẽ sử dụng mảnh ghép bằng xương sọ tại chỗ được lấy ra để giải ép cho não và được bảo quản lạnh sâu ở ngân hàng mô. Đây là phương pháp được sử dụng nhiều, đem lại kết quả khả quan cho bệnh nhân, thường sau 6 tháng sọ của bệnh nhân sẽ liền lại. Còn tái tạo sọ dị chất như xi măng, tantalum, tổ hợp carbon... áp dụng cho những bệnh nhân bị bể sọ hay chấn thương bị văng sọ phải lấy vật liệu khác thì tùy mức độ, khả năng của bệnh nhân

Thời gian phẫu thuật tạo hình hộp sọ tùy thuộc sự tăng áp lực của từng bệnh nhân, nhưng theo các bác sĩ, đối với các thương tổn phức tạp nên chờ 3 đến 6 tháng sau khi mở sọ giải ép mới có thể ráp lại và ít nhất 1 năm với các vết thương nhiễm trùng, vết thương não.

Bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân khi chưa được tái tạo hộp sọ cần tránh để đầu bị chấn thương thêm, tránh thay đổi môi trường đột ngột như ra nắng, vào nơi lạnh quá khi chưa lắp sọ. Với nhóm nguy cơ cao như người bị cao huyết áp, tiểu đường cũng cần phải chú ý theo dõi sức khỏe tốt.
Thầy thuốc ưu tú - ThS.BS.CK2 Chu Tấn Sĩ
Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Nhân Dân 115

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X