Hotline 24/7
08983-08983

Sau điều trị bướu cổ có thể mang thai?

Chiều 12/3, BS Võ Thị Tố Uyên tư vấn về: đốt sóng cao tần điều trị bướu cổ, thời gian tập đi sau gãy xương đùi, cách sử dụng thuốc nhỏ mắt... Kính mời bạn đọc đón xem và gửi câu hỏi đến AloBacsi.

BS Tố Uyên - chuyên gia về bệnh Hô hấp - đã gắn bó với AloBacsi nhiều năm nay. Ảnh: Viết Hưởng
BS Tố Uyên - chuyên gia về bệnh Hô hấp - đã gắn bó với AloBacsi nhiều năm nay. Ảnh: Viết Hưởng

NỘI DUNG TƯ VẤN

Bùi Thị Liên - buithi...@gmail.com

Dạ cảm ơn bác sĩ ạ,

Cháu có đi khám, bác sĩ nói cháu cắt một bên nên có thể sản sinh hormon tuyến giáp được nên giờ có bầu không phải uống thuốc nữa. Bác sĩ khám cho cháu khuyên vậy có đúng không ạ? Cháu hoang mang quá.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Như đã thông tin cho bạn trước đó, khi mang thai, nhu cầu hormon giáp của cơ thể người mẹ có thể tăng, nếu không dùng đủ liều thuốc có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của mẹ và thai nhi như gây thai chậm phát triển, sẩy thai, thai lưu… đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Do vậy, bạn bắt buộc phải khám chuyên khoa Nội tiết để bác sĩ đánh giá dựa trên thăm khám và kết quả xét nghiệm, xem cơ thể sản sinh đủ hormon hay chưa.

Nếu đủ thì có thể chỉ theo dõi không cần bổ sung thêm thuốc nữa. Còn nếu thiếu bắt buộc phải dùng hormon bổ sung bạn nhé!

Câu tư vấn trước: Thuốc Levothyroxine có ảnh hưởng thai nhi?


N.M - TPHCM


Bác sĩ cho em hỏi,

Sau khi quan hệ bao lâu thì mới có thể xét nghiệm bệnh lậu được ạ? Mong bác sĩ trả lời giúp. Em cảm ơn bác sĩ nhiều.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Bệnh lậu lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn, có thể gây bệnh ở âm đạo, niệu đạo, hậu môn và vùng họng. Do đó nếu có hành vi nguy cơ tức là có khả năng mắc bệnh.

Thời gian biểu hiện triệu chứng bệnh là sau 2-30 ngày sau hành vi nguy cơ. Khả năng phát hiện vi khuẩn lậu trong các dịch bệnh phẩm có tỷ lệ phát hiện thay đổi tuỳ theo loại bệnh phẩm, thời gian mắc bệnh, chất lượng bệnh phẩm, loại xét nghiệm…

Đối với những bệnh nhân nam có triệu chứng viêm niệu đạo, soi giọt mủ đầu dương vật (buổi sáng) kèm 10-15ml nước tiểu có tỷ lệ phát hiện lên tới 95-98%. Tuy nhiên khi kết quả âm tính cũng chưa thể loại trừ, nếu nghi ngờ có thể làm thêm cấy dịch niệu đạo, cấy nước tiểu, kỹ thuật khuếch đại acid nucleic, ELISA tuỳ theo từng trường hợp.

Với những trường hợp quá sớm khi lượng vi khuẩn còn ít thì khả năng phát hiện sẽ thấp hơn.

Thân mến.

Không nên tra thuốc nhỏ mắt bậy bạ mà cần có sự chỉ định của bác sĩ. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Không nên tra thuốc nhỏ mắt bậy bạ mà cần có sự chỉ định của bác sĩ. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Phước Nguyễn - nnph...@gmail.com

Tôi bị đau mắt đi khám, bác sĩ cho 2 chai thuốc nhỏ mắt Flumetholon 0,1 và Oflovid nhưng không dặn nhỏ loại nào trước và cách nhau bao lâu? Nhờ bác sĩ hướng dẫn giúp tôi ạ.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Oflovid được bào chế dưới dạng thuốc mỡ tra mắt. Mục đích chính của mỡ là kéo dài thời gian tác dụng của thuốc trên bề mặt nhãn cầu. Khi phải dùng cả thuốc nước và thuốc mỡ thì dùng thuốc nước trước khi dùng thuốc mỡ vì thuốc mỡ làm giảm sự hấp thu thuốc nước.

Thân mến.


Lò Thị Duyen - dh0...@gmail.com

Bác sĩ cho em hỏi,

Bướu cổ sau khi đốt sóng cao tần có thể mang thai được không? Chi phí cho một đợt đốt là bao nhiêu ạ?


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Ứng dụng sóng cao tần là một bước tiến mới trong điều trị u tuyến giáp. Phương pháp này mang lại nhiều ưu điểm vượt trội so với phẫu thuật truyền thống: bệnh nhân không cần gây mê, hầu như không gây biến chứng, thời gian điều trị và hồi phục nhanh chóng, nguy cơ tái phát thấp.

Sau đốt phụ nữ vẫn có thể mang thai bình thường (nhưng không thực hiện với phụ nữ đang mang thai). Chi phí cho 1 lần đốt là từ 10-15 triệu tuỳ nơi thực hiện, đa số bệnh nhân chỉ cần đốt 1 lần là khỏi bệnh nhưng cần theo dõi định kỳ sau đó để tránh tái phát bạn nhé!

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com
BS Tố Uyên cùng BTV Mỹ Thi. Ảnh: Hoàng Long

Bạn đọc giấu tên

Bác sĩ cho tôi hỏi một số vấn đề sau:

1. Tôi đã tiếp xúc với máu nhiễm HIV, lấy PEP sau 24 giờ. Trong quá trình dùng PEP tôi có uống rượu. Sau đó tôi có triệu chứng nhiễm trùng cấp tính (sốt, nấm, viêm dây thần kinh ngoại biên, đau khớp vai và cổ, đau họng). Tôi đã thử nghiệm sau rủi ro 54, 75, 95, 135, 155, 190 ngày bằng phương pháp PCR định tính (20 bản sao / ml âm tính).

Tôi đã thử nghiệm bằng phương pháp HIV Combi PT 20 lần (mỗi tuần 1 lần tôi đã thử nghiệm HIV Combi  PT, PCR âm tính, cd4 / cd8 = 645/783 = 0.8 (phù hợp với người nhiễm H).

Vậy có quan điểm nào cho thấy xét nghiệm PCR khi sử dụng PEP không hợp lệ? Có nhiều chủng HIV khác nhau, vì vậy phương pháp bắt PCR có đúng không?

2. Men gan của tôi lúc 8 tuần có nguy cơ gần 1000. Tôi nghi ngờ mình bị viêm gan C nhưng tôi đã xét nghiệm HCV RNA ở tuần thứ 13 âm tính. Có phải HCV chống viêm gan ở tuần thứ 27 đã loại trừ khả năng tôi bị viêm gan ở tuần thứ 27? Vậy tôi có bị viêm gan C sau nguy cơ đó không?

3. Nếu tôi đồng nhiễm viêm gan C, kết quả xét nghiệm HIV của tôi ở tuần thứ 27 có an toàn không? Có trường hợp nào dài hơn không?

4. Chỉ số cd4 / cd8 của tôi <1 có phù hợp với người bị H không?

5. Từ các triệu chứng và kết quả xét nghiệm của tôi, tôi có an toàn không, nếu an toàn tại sao cd4 / cd8 của tôi quá thấp? Xin cảm ơn bác sĩ.


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Về vấn đề chẩn đoán nhiễm HIV, xin trả lời như sau: Xét nghiệm Combi PT là xét nghiệm mới, có độ chính xác cao vì kiểm tra cả kháng nguyên lẫn kháng thể. Xét nghiệm này có thể phát hiện được nhiễm HIV kể từ tuần thứ 2 và có giai đoạn cửa sổ là 4 tuần, do đó kết quả Combi PT kể từ tuần thứ 4 cho tới tuần 20 âm tính có thể chắc chắn rằng bạn không bị nhiễm HIV (với điều kiện bạn không phát sinh hành vi nguy cơ nào thêm sau đó, và xét nghiệm Combi PT âm tính kể từ thời điểm 3 tháng sau hành vi nguy cơ đã được xem là âm tính thật sự).

Xét nghiệm PCR cũng rất nhạy trong chẩn đoán HIV, tuy nhiên do bản chất của xét nghiệm này là phát hiện vật liệu di truyền của virus nên nó có thể không chính xác nếu bệnh nhân đã dùng PrEP hoặc PEP. Theo khuyến cáo quốc tế để theo dõi sau dùng PEP là dùng test thế hệ 4 (Combi PT) sau 6 tuần và 4 tháng sau hành vi nguy cơ.

Men gan > 1000 gợi ý viêm gan cấp, siêu vi C hiếm khi gây ra viêm gan cấp, do đó men gan cao có thể do bị ảnh hưởng của PEP. HCV RNA có thể phát hiện được nhiễm siêu vi C sau 2-3 tuần có hành vi nguy cơ, xét nghiệm có độ nhạy rất cao nên hiếm khi âm tính giả, trừ khi tải lượng virus quá thấp.

Trong trường hợp men gan cao kéo dài, nghi ngờ nhiều có khuyến cáo nên kiểm tra lại sau 6 tháng. Hai kết quả HCV RNA âm tính có thể khẳng định không bị nhiễm virus. Đồng nhiễm HIV không làm giảm khả năng phát hiện RNA của HCV.

Tỷ lệ CD4/CD8 phản ánh sức khoẻ của hệ miễn dịch. Bình thường chỉ số này là từ 1 đến 4. Khi người ta lớn tuổi hơn, chỉ số CD4/CD8 có chiều hướng giảm do hệ miễn dịch sẽ suy yếu hơn người trẻ. Nhiễm một số virus khác bao gồm cảm cúm, người bệnh lao, sử dụng thuốc kháng viêm, thiếu máu, bệnh nhược cơ… cũng có thể làm giảm tỷ lệ CD4/CD8. Tỷ lệ này có vai trò tiên lượng trên bệnh nhân nhiễm HIV, nhưng không có khuyến cáo thực hiện trên bệnh nhân không mắc HIV.

Hiện bạn có khá nhiều vấn đề sức khoẻ cần phải điều chỉnh, nhất là những căng thẳng và tâm lý lo lắng có thể ảnh hưởng lên hệ miễn dịch, làm cho tỷ lệ này giảm nhẹ. Bạn nên điều chỉnh lại cho sức khoẻ ổn định và liên hệ bác sĩ để kiểm tra lại nếu cần.

Thân mến!


Hieu Minh - minhh...@gmail.com

Xin chào bác sĩ,

Em 30 tuổi, bị bướu cổ đa nhân hai thùy và đã phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp. Hiện em đang uống Levothyroxin 50mcg hai năm nay. Bác sĩ cho em hỏi uống hormon giáp có bị mãn kinh sớm không? Có ảnh hưởng gì đến việc sinh sản không? Xin cám ơn bác sĩ nhiều ạ.


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Sau phẫu thuật cắt tuyến giáp, người bệnh thường suy giáp. Sự suy giảm hormon tuyến giáp là nguyên nhân gây nên các rối loạn về chuyển hoá, bệnh lý tim mạch và ảnh hưởng đến hoạt động sinh dục.

Do đó, việc bổ sung hormon giáp là cần thiết, nó tương tự như việc tuyến giáp của người bình thường phải tiết ra hormon hàng ngày nếu dùng với liều lượng vừa đủ, không thừa không thiếu thì sẽ không gây hại đến sức khoẻ, không ảnh hưởng đến sinh sản em nhé!


Nguyễn S. - Đồng Nai

Chào bác sĩ,

Ông anh em đã có 2 đứa con trai (đã mất năm 22 tuổi, nghe nói là vì bị nhiễm chất độc màu da cam - bị thiểu não và cơ thể phát triển không bình thường). Em không dám hỏi nhiều, và ông anh em cũng nhiều lần hiến máu nhân đạo thì kết quả lại tốt.

Với thông tin trên thì anh em có bị nhiễm dioxin không ạ? Em cám ơn.


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Nhiễm dioxin làm gia tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh cho thai nhi và tăng nguy cơ ung thư, nhưng chỉ với thông tin có 2 người con bị mất sớm và dị tật thì chưa đủ bằng chứng là do dioxin.

Bên cạnh chất độc màu da cam, còn nhiều yếu tố khác có thể gây ra dị tật bẩm sinh cho trẻ bao gồm phơi nhiễm bức xạ, hoá chất, tuổi sinh sản cao, bệnh lý di truyền…

Thân mến.

     
Giang Nguyen - TPHCM

Thưa bác sĩ,

Em có triệu chứng nghẹn và đau khi nuốt nước bọt. Đi khám bác sĩ phát hiện em mắc nang lưng thanh thiệt. Bác sĩ có cho thuốc uống 1 tuần và hẹn quay lại tái khám, nếu không nhỏ đi thì sẽ mổ.

Bác sĩ tư vấn cho em về nguyên nhân, tác hại của bệnh này và phương pháp mổ với ạ? Em rất hoang mang ạ, xin cám ơn bác sĩ!


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

U nang thanh thiệt là bệnh lành tính. U có dạng túi dịch chứa các chất nhầy tiết ra, bị tắc nghẽn không lối thoát. Khi u nang còn bé, mức độ ảnh hưởng đến hoạt động của đường tiêu hóa rất ít. Nó ít khi gây nuốt khó, nuốt đau hay nóng rát cổ họng. Đôi khi, chúng ta không thể cảm nhận có khối u này trong cổ họng cho đến khi kích thước của u đủ lớn để gây chèn ép, gây ảnh hưởng đến ăn uống hay nuốt. Hoặc chỉ phát hiện ra khối u này chỉ khi tình cờ nội soi vùng họng, hạ họng.

Triệu chứng nghẹn và nuốt đau có thể do nhiều nguyên nhân khác chứ không hẳn là do u nang thanh thiệt. Hơn nữa, đa số u là lành tính nên nếu không gây ra triệu chứng thì không cần phẫu thuật.

Do đó, bạn nên dùng thuốc mà bác sĩ kê toa xem có đỡ không, nếu triệu chứng vẫn dai dẳng thì có thể xem xét mổ cắt bỏ u để tránh tái phát bạn nhé!

Ai cũng có thể tầm soát ung thư gan, nhất là những đối tượng trong gia đình có người bị ung thư. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Những đối tượng trong gia đình có người mắc ung thư thường có nguy cơ cao bị bệnh, vậy nên việc tầm soát nên được ưu tiên hàng đầu trong chăm sóc sức khỏe. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

        
Kim Chau - kims...@gmail.com

Thưa bác sĩ, tôi xin hỏi:

- Tầm soát ung thư có cần thiết cho tất cả mọi người hay chỉ cần thiết cho người có chỉ định, yêu cầu của bác sĩ?

- Tầm soát ung thư có thể làm ở các bệnh viện tuyến tỉnh hay chỉ làm ở các bệnh viện lớn (TPHCM, Hà Nội...), có thiết bị hiện đại không?

- Chỉ phí cho 1 lần thực hiện là khoảng bao nhiêu ? Xin cảm ơn.


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Các hướng dẫn về xét nghiệm tầm soát ung thư chỉ dành cho một số đối tượng nhất định, ví dụ người hút thuốc lá, người nhiễm siêu vi B, C, phụ nữ trên 40 tuổi… Không có một xét nghiệm nào có thể đảm bảo phát hiện được tất cả ung thư giai đoạn sớm không bỏ sót, nếu xét nghiệm càng chính xác thì chi phí càng cao và có nguy cơ gây ra một số tác hại cho người thực hiện (như nhiễm xạ chẳng hạn). Do đó bạn nên khám sức khoẻ định kỳ hàng năm, để bác sĩ đánh giá trực tiếp, đánh giá nguy cơ ung thư và chỉ định xét nghiệm phù hợp với lứa tuổi, cơ địa của bạn.

Đa số bệnh viện tuyến tỉnh trở lên có thể thực hiện hầu hết xét nghiệm cần thiết để kiểm tra sức khoẻ. Chi phí sẽ dao động tuỳ theo gói dịch vụ bạn lựa chọn, địa điểm làm xét nghiệm… có thể chỉ vài triệu cho tới vài chục triệu.

Thân mến!


Nguyễn Văn Vũ - Đồng Tháp

Năm 2014 tôi cấy đàm thì phát hiện trong người có vi trùng lao NTM, mỗi lần đi tái khám bệnh ở Phạm Ngọc Thạch bác sĩ xem phim hình phổi nói không có gì, bình thường nên không cho thuốc uống và kêu về.

Bác sĩ cho em hỏi bệnh này có thuốc trị không, nếu có thuốc trị thì em trị tại bệnh viện nào, để lâu có ảnh hưởng gì tới sức khỏe không?

Mỗi lần em làm việc khoảng 40% sức là lại bị đau ngực, khó thở. Từ lúc phát bệnh năm 2014 tới nay em đi khám và uống thuốc ở phòng khám tư nhân. Thời gian từ tháng 4/2018 hễ em uống thuốc thì lại phát ban mụn trứng cá khắp người, ngưng thuốc thì hết phát ban mụn; nhưng hễ ngừng thuốc thì lại bị đau ngực và lối sau lưng khó thở.

Vậy bác cho em hỏi uống thuốc hoài có sao không? Bệnh này có lây không? Mong bác sĩ tư vấn giúp em và chỉ cho em nơi trị bệnh? Em xin chân thành cảm ơn.


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Nhiễm vi khuẩn Mycobacterium không lao (NTM) thường xảy ra ở những bệnh nhân có bệnh phổi trước đó như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản, xơ nang, lao phổi cũ… Triệu chứng thường trùng lắp với bệnh phổi vốn có ví dụ như ho, mệt mỏi, sốt, sụt cân, khó thở, ho ra máu, nặng ngực…

Tuy nhiên, không phải hễ dương tính là phải điều trị, chỉ định còn tuỳ thuộc vào triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm máu, hình ảnh học phổi, loại xét nghiệm dương tính… Cấy đàm dương tính không đồng nghĩa với mắc bệnh.

Đa số thuốc điều trị thường cần dùng kéo dài và gây ra nhiều tác dụng phụ, do đó bác sĩ thường lựa chọn theo dõi, kiểm tra mỗi 2-3 tháng và chờ đáp ứng của hệ miễn dịch. Thông thường bệnh sẽ tự khỏi nếu hệ miễn dịch cơ thể bình thường.

Bác sĩ không rõ bạn đang điều trị tư nhân với thuốc và chẩn đoán là gì, nhưng có rất nhiều bệnh lý gây ra đau ngực, khó thở, kể cả di chứng cho lao.

Do đó, bạn nên khám và được đánh giá bởi bác sĩ chuyên khoa Hô hấp (tốt nhất là tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch) để được điều trị đúng, tránh việc tự ý dùng thuốc có thể gây ra tác dụng không mong muốn về lâu dài bạn nhé!


Thanh My

Em chào bác sĩ ạ,

Nếu ung thư tuyến giáp thì ngoài sinh thiết ra thì có phương pháp nào để biết chắc chắn đó là ung thư tuyến giáp không ạ? (Em gái em không mổ hay chọc kim hút tế bào bướu để sinh thiết nhưng cả 2 Bệnh viện Ung Bướu và Chợ Rẫy đều kết luận là ung thư tuyến giáp ạ)?

Nếu mổ hoặc điều trị thành công thì khả năng không tái phát đến suốt đời là bao nhiêu % đối với ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu? Có thể lập gia đình bình thường được không ạ?

Em chân thành cảm ơn ạ.


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

ung thu tuyến giáp nếu phát hiện sớm hoàn toàn có thể điều trị được. Ảnh minh họa - nguồn Internet
Ung thư tuyến giáp nếu phát hiện sớm hoàn toàn có thể điều trị được. Ảnh minh họa - nguồn Internet

Chào bạn,

Như đã thông tin với bạn từ trước, tuỳ vào đặc điểm trên siêu âm mà khả năng chắc chắn ung thư có thể biến đổi từ 40-99%. Tuy nhiên chỉ có sinh thiết mới chắc chắn được 100% là ung thư và ung thư loại gì.

Đa số ung thư tuyến giáp tiến triển chậm, trừ ung thư dạng tuỷ và thông thường sau điều trị tỷ lệ không tái phát lên tới 90%, các nghiên cứu thường dừng ở mức 10 năm nhưng tỷ lệ này cũng được xem là tới suốt đời.

Em gái bạn vẫn có thể lập gia đình và sinh em bé bình thường sau điều trị khỏi bệnh, bạn nên tham vấn thêm điều này với bác sĩ để lựa chọn phương pháp phù hợp bạn nhé!

Thân mến.



Thanh Phong - Long An

Xin chào bác sĩ,

Mẹ của em 45 tuổi, gần đây có dấu hiệu đến buổi tối từ chập tối, đến 12g khuya là tay chân run, huyết áp có lúc tăng cao đến 18- 19. Khi đến bệnh viện thì bác sĩ ở bệnh viện chỉ cho uống thuốc hạ huyết áp, tuy nhiên huyết áp tăng giảm liên tục trong đêm kèm theo run tay chân. Tình trạng này cũng đã kéo dài 1 tuần nay rồi ạ.

Xin hỏi bác sĩ, đây là triệu chứng của bệnh gì và cách điều trị ra sao ạ? Chân thành cảm ơn bác sĩ!


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Các triệu chứng hồi hộp, tim đập nhanh, tay chân run, huyết áp tăng cao là dấu hiệu tăng hoạt của hệ giao cảm (còn gọi là cường giao cảm). Tình trạng này có thể gặp trong một số bệnh lý liên quan đến hệ nội tiết như cường giáp, u tuỷ thượng thận, bệnh của hệ thần kinh thực vật… Trong một số trường hợp, hiện tượng tăng hoạt giao cảm chỉ xảy ra khi gặp phải những chuyện gây lo lắng, sợ hãi - vấn đề này liên quan nhiều đến chuyên khoa Tâm thần kinh hơn.

Do đó, bạn cần đưa mẹ đến khám ở bệnh viện chuyên khoa Tim mạch và nội tiết để tầm soát nguyên nhân và điều trị bạn nhé!

Thân mến.

          
Minh Tân - TPHCM

Mẹ tôi 51 tuổi, thường bị đau nhức cả người, thường sưng, đỏ nóng, đau ở khớp tay và chân, di chuyển rất khó khăn, ngay cả khi tiểu cũng không ngồi xổm được (từng đi khám bác sĩ chẩn đoán là viêm ticnh mạch, viêm đa khớp dạng thấp).

Mỗi khi nằm hoặc ngồi dậy, đi lại rất mệt ở vùng ngực, thở khó (đã khám không có vấn đề về tim và phổi). Bệnh như vậy đã kéo dài gần 4 năm rồi. Vậy mẹ tôi nên khám như thế nào để trị cho đúng ạ? Rất mong sự giúp đỡ từ bác sĩ.


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Bệnh Viêm khớp dạng thấp. Ảnh minh họa - nguồn Internet
Bệnh viêm khớp dạng thấp thường gây sưng đau tay chân. Ảnh minh họa - nguồn Internet

Chào bạn,

Viêm khớp dạng thấp là một rối loạn tự miễn (bất thường của hệ miễn dịch trong cơ thể), thường gây sưng viêm các khớp nhỏ ngoại vi. Nếu không điều trị đúng có thể dẫn đến hỏng khớp và tàn phế. Các rối loạn tự miễn dịch của viêm khớp dạng thấp góp phần làm tăng rối loạn chức năng nội mô, stress oxy hóa, gây kích hoạt và di chuyển của bạch cầu trong mạch máu… làm tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch và trong một số trường hợp là bệnh lý của phổi (hiếm hơn).

Điều trị bệnh tim mạch cần tìm được nguyên nhân chính xác và can thiệp, bao gồm cả thay đổi thói quen ăn uống, tăng cường tập luyện thể dục và điều trị bằng thuốc. Đối với người mắc bệnh khớp điều này càng khó điều chỉnh hơn.

Do đó, bạn cần đưa mẹ đến khám bệnh viện lớn có chuyên khoa Cơ Xương Khớp và Tim Mạch để tầm soát các biến chứng của bệnh và điều trị càng sớm càng tốt bạn nhé!

Thân mến.


Phúc An - abn...@gmail.com

Thưa bác sĩ,

Em là nhân viên văn phòng, 26 tuổi. Cách đây 3 năm em phát hiện ra mình bị bệnh Basedow và điều trị hơn 2 năm. Sau đó bệnh ổn định, em uống thuốc đến khi thấy tình trạng sức khoẻ tốt thì không uống nữa. Bướu của em không còn phát triển, sức khoẻ tốt, tuy nhiên do ảnh hưởng của bướu nên mắt em từ khi phát bệnh đã bị lồi. Đến nay vẫn vậy, và em có cảm giác ngày càng lồi hơn.

Mắt em cận 1 độ, em cũng ít khi đeo kính, khi nào làm việc trong môi trường ánh sáng không đủ (dùng máy chiếu) em mới mang kính thôi. Do mắt lồi nên thường xuyên cảm thấy nhức mắt (nhất là khi căng thẳng hay việc nhiều), có khi làm việc mà mắt muốn nổ luôn vậy. Mắt nhìn cứ dại dại.

Xin bác sĩ cho em hỏi mắt em lồi do bệnh Basedow thì có cách nào để chữa trị không? Hoặc có những bài thể dục nào cho mắt để hạn chế tình trạng mệt mỏi ở mắt, ảnh hưởng đến năng suất làm việc không ạ? Em cảm ơn bác sĩ nhiều.


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Trong bệnh basedow, lồi mắt là một trong những biểu hiện khá thường gặp và thường kéo dài dai dẳng kể cả sau khi đã điều trị khỏi rối loạn chức năng tuyến giáp. Biến chứng lồi mắt nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tổn thương và mất thị lực vĩnh viễn.

Hiện nay có một số loại thuốc chữa trị cho vấn đề lồi mắt do basedow nhưng hiệu quả còn chưa ngã ngũ, tuy nhiên điều này cũng giúp trì hoãn vấn đề phẫu thuật hoặc các điều trị xâm lấn hơn đến ổ mắt.

Để xác định xem triệu chứng nhức mắt có phải do lồi mắt hay không (vì cận thị không mang kính cũng gây mỏi mắt, giảm năng suất làm việc), mức độ lồi ra sao, có cần thiết phải điều trị hay chưa… bạn nên khám chuyên khoa Mắt để chẩn đoán và điều trị bạn nhé!


Hương Mai - huongmai...@gmail.com

Xin chào bác sĩ ạ,

Cháu bị đau rát cổ họng, ăn uống khó vì đau nhức và ho dai dẳng lâu ngày, đã được bác sĩ kê thuốc cho uống trong vòng 10 ngày, uống mỗi ngày 4 lần, mỗi lần 2 viên thuốc (như hình dưới ạ). Cháu sờ thấy bên cổ có 1 cục nổi lên. Cháu đã uống được 6 ngày rồi ạ.

Hiện tại cháu đã thấy hết đau họng, còn hơi ho về đêm, nhưng cháu vẫn thấy họng còn nhiều hạt, còn cục. Bác sĩ có thể tư vấn cho cháu biết làm cách nào để họng hết hạt ạ? Có cần phải kiêng ăn đồ ngọt (bánh kẹo), cà muối hay đồ chua nhiều không ạ? Bệnh có lây cho người khác không ạ?

Cháu cảm ơn bác sĩ nhiều ạ! Mong được bác sĩ hồi âm ạ!


Hình ảnh do bạn đọc cung cấp
Hình ảnh do bạn đọc cung cấp

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Viêm họng cấp tính có thể gây ra hạch viêm phản ứng kèm theo, các triệu chứng sẽ thuyên giảm và khỏi khi điều trị đúng bệnh. Hiện tại bạn đã được bác sĩ kê toa kháng sinh điều trị nhiễm trùng, bạn nên kiên trì sử dụng và tái khám theo lịch hẹn để bệnh khỏi hẳn.

Đối với tình trạng viêm họng hạt, nguyên nhân là do niêm mạc họng bị viêm tái đi tái lại nhiều lần dẫn tới phì đại các tổ chức lympho thành sau. Để các hạt này mất đi hoàn toàn là rất khó, nhưng nếu biết cách chăm sóc sức khoẻ vùng mũi họng, bạn vẫn có thể sống hoà bình với tình trạng viêm họng mạn này.

Bạn cần ngủ sớm, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, tập thể dục hàng ngày, giữ vệ sinh và giữ ấm vùng mũi họng. Nếu có bệnh lý mũi xoang hoặc dạ dày thì nên điều trị dứt điểm. Trong trường hợp ho đàm mủ kéo dài hơn 2 tuần nên tái khám Hô hấp để tầm soát bệnh phổi bạn nhé!

Thân mến.

AloBacsi xin trân trọng cám ơn BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên đã giành thời gian để giải đáp những thắc mắc của bạn đọc. Xin hẹn bác sĩ vào lần tư vấn tiếp theo.

Trân trọng.

Thực hiện: Hải Yến - Ảnh: Hoàng Long
Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X