Hotline 24/7
08983-08983

Phương pháp test nhanh giang mai có độ chính xác cao không?

Chiều 26/2, BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương online tư vấn các thắc mắc về nội khoa, kính mời bạn đọc đã gửi câu hỏi đến chương trình, đón xem:

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - Bệnh viện Trưng Vương
BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương đảm nhận trả lời các bệnh thuộc nội khoa - Ảnh Viết Hưởng

NỘI DUNG TƯ VẤN

Lê Ng. H. - Hà Nội

Bác sĩ cho em hỏi,

Xét nghiệm máu nhanh (phương pháp test nhanh) cho kết quả kiểm tra giang mai: phản ứng. Như vậy kết quả này có độ chính xác như thế nào ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Phương pháp test nhanh giang mai là phương pháp xét nghiệm bằng que thử TP syphilis rất hay được các phòng khám áp dụng do có ưu điểm là rẻ, đơn giản, cho kết quả nhanh. Tuy nhiên, vì có độ nhạy cao nên việc xét nghiệm bằng phương pháp này khả năng cho kết quả sai cũng cao.

Do đó, khi kết quả xét nghiệm test nhanh dương tính (hay có phản ứng) thì chưa thể kết luận là bệnh nhân đã mắc giang mai hay chưa, mà cần làm thêm các xét nghiệm khác để tìm ra kết quả thật chính xác, như VDRL (tìm kháng thể giang mai qua kính hiển vi) và RPR (xét nghiệm bằng mẫu giấy hóa chất, xem bằng mắt thường) và xét nghiệm bằng phản ứng ngưng kết hồng cầu TPHA.

Em có thể đến khám tại chuyên khoa Nhiễm hay chuyên khoa Nam khoa để kiểm tra kỹ hơn, em nhé.

Thân mến.
 
BS Lan Hương trong một lần khám bệnh cho bệnh nhân - Ảnh Viết Hưởng

Lưu Hạng Nguyên - lhng...@gmail.com

Gần đây tôi bị chứng hay quên, cảm thấy đầu hơi nặng, ấn mạnh vào vị trí gần thái dương bên trái cảm thấy có chút nhói. Cho tôi hỏi tôi nên làm xét nghiệm gì?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Ở người trẻ, giảm trí nhớ thường liên quan đến quá trình ghi nhận. người trẻ phải đối diện với nhiều áp lực, bao nhiêu điều phải suy nghĩ, trăn trở và phải nhớ do vậy gây ra đau đầu, mỏi vai gáy, kém ngủ, stress… Hậu quả là làm cho độ tập trung kém đi, đau đầu thường xuyên. Việc tập trung chú ý giảm dẫn tới việc ghi nhận thông tin kém và lưu giữ thông tin cũng kém.

Ngoài ra, việc giảm trí nhớ kèm đau đầu, nặng đầu còn có thể do bệnh lý gây nên, như bệnh lý mạch máu não, đau đầu Migraine, u não, thiếu chất, nhiễm độc...

Do vậy, em nên sắp xếp thời gian khám chuyên khoa Nội thần kinh để được kiểm tra và điều trị thích hợp, tùy thăm khám ban đầu mà xét nghiệm sẽ cho chỉ định xét nghiệm thích hợp, không cần phải làm toàn bộ xét nghiệm hay chụp CTscan sọ não nếu không cần thiết.

Ngoài ra, em nên luyện tập thể dục đều đặn hàng ngày, ăn ngủ và làm việc điều độ hợp lý, tránh mọi căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày kể cả các tình huống căng thẳng trên phim ảnh và sách báo. Tạo cho mình một tâm lý thư giãn và thoải mái bằng cách giao lưu bạn bè, tham gia các hoạt động xã hội, du lịch…



Anh Đức - Bình Dương

Dạ em chào bác sĩ,

Em vừa mới tiêm ngừa vắc xin viêm gan B mà sau khi tiêm xong 72h sau em có uống 3-4 lon bia. Như vậy có ảnh hưởng gì đến tác dụng của vắc xin không ạ? Em cảm ơn bác sĩ ạ.


BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Anh Đức,

Ngay khi mới tiêm phòng vắc xin thì không được uống bia rượu, đặc biệt là uống đến mức say xỉn sẽ không tốt cho sức khỏe. Tốt nhất sau tiêm vắc xin 2 tuần thì có thể uống bia rượu lại nhưng dù sao cũng nên vừa phải, với mức 2 lon bia hay 2 ly rượu vang là an toàn cho sức khỏe (gan mật, tim mạch…).

Trường hợp em mới tiêm vắc xin viêm gan B được 72 giờ mà uống 3-4 lon bia thì hiệu quả của vắc xin bị ảnh hưởng cụ thể ra sao, hiện chưa có thống kê y học ghi nhận lại, tốt nhất sau khi chích đủ liệu trình vắc xin thì nên kiểm tra lại HBsAb định lượng để xem lượng kháng thể đủ cao chưa, em nhé.

Thân mến.
 
      
Sau tiêm vắc xin không nên uống bia rượu. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Sau tiêm vắc xin không nên uống bia rượu. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
   
Nguyễn Thị Tâm - thitam...@gmail.com

Thưa bác sĩ,

Ba em đi nhập viện vì cao huyết áp, bác sĩ kê đơn thuốc huyết áp Lisonorm 5/10 mg mà thuốc đó ngoài thị trường ít bán. Vậy em có thể thay thế loại thuốc huyết áp nào được ạ?


BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Lisonorm là thuốc được dùng trong điều trị tăng huyết áp với thành phần bao gồm 10 mg Lisinopril và 5 mg Amlodipine. Nếu bạn không mua được thuốc Lisonorm, thì bạn có thể mua tách ra thành 2 loại thuốc là Lisinopril 10mg và Amlodipine 5mg, bạn nhé.

Chúc ba bạn khỏe mạnh.

Thân mến.
 

Bạn đọc giấu tên

Chào bác sĩ,

Em và bạn nữ có nằm ôm nhau. Em nằm trên và đè lên bạn nữ, lúc đó dương vật em có đè lên cô bé của bạn gái, tuy nhiên tụi em không quan hệ. Em cũng không xuất tinh. Điều em lo là liệu một ít dịch nhờn của em chứa tinh trùng có làm cho bạn gái mang thai không? Bởi lúc đó dương vật em không có để đầu dương vật vào trực tiếp cô bé của bạn gái, chỉ có thân dương vật đè vào.

Em có tham khảo nhiều diễn đàn thì chỉ cần 1 ít tinh trùng cũng có thể bơi vào và gây có thai. Tuy nhiên, với trường hợp của em, không có tinh dịch làm bàn đạp và lượng tinh trùng cũng ít. Nhiều bài đăng trên mạng làm em hoang mang quá. Mong bác sĩ giải thích giúp em. Em cám ơn.


BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Thứ nhất, đúng thật sự là chỉ cần 1 ít tinh trùng vào âm đạo của nữ là có thể gây có thai, đó là trường hợp mà quan hệ tình dục đưa dương vật vào âm đạo nhưng xuất tinh ngoài, thì vẫn có khả năng có thai do nam giới phóng 1 ít tinh dịch vào âm đạo của nữ trong lúc giao hợp mà không biết. Tuy nhiên, không phải tinh dịch dính lên âm hộ là có thai được.

Thứ hai, nếu không có tinh dịch thì làm sao có tinh trùng, vì tinh trùng là bơi trong tinh dịch, do đó nếu em áp thân dương vật lên phần âm hộ của nữ mà không có dịch gì giữa cả 2, nghĩa là em chắc chắn không có tinh dịch thì không thể xuất hiện tinh trùng được, người nam có thể xuất dịch mà không có tinh trùng, chứ không thể tinh trùng mà không có tinh dịch đi theo, và trường hợp này, bạn gái em không có khả năng mang thai.

Tuy nhiên, qua đây cho thấy em và bạn gái em rất thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản và tình dục, điều này rất nguy hiểm cho hai em vì những thông tin trên mạng có nhiều nguồn, có nguồn đúng nguồn sai, hai em nên đến trung tâm tư vấn sức khỏe sinh sản vị thành niên để được tư vấn miễn phí nhé.



Đức Trọng - trongh...@me.com

Cám ơn bác sĩ rất nhiều vì đã tư vấn cho tôi,

Tôi muốn thử phân 1 lần nữa để chắc rằng trong phân mình có máu được không bác sĩ? Một lần nữa xin cảm ơn bác sĩ.


BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bác,

Nếu bác muốn thử phân tìm máu ẩn trong phân 1 lần nữa cũng được. Tuy nhiên, xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân có độ chính xác khá cao, xét nghiệm này có thể cho âm tính giả chứ hiếm khi dương tính giả được.

Theo ý kiến của bác sĩ, bác vẫn nên nội soi đại tràng kiểm tra, vì nếu xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân lần 2 mà âm tính thì làm sao mà khẳng định đây là âm tính giả, lại phải làm thêm lần thứ ba nữa thì cực quá.

 
     
Tố Uyên - Bình Dương

Bác sĩ cho em hỏi,

Nồng độ Anti HBs của em là 270.8 mU/ml. Vậy em có cần tiêm nhắc thêm 1 mũi không ạ? Em cám ơn.


BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Tố Uyên thân mến,

Anti HBs là kháng thể bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm siêu vi gây viêm gan B (HBV). Với kết quả này, cho thấy em đã có nồng độ kháng thể kháng HBV cao, tức là được bảo vệ khỏi viêm gan siêu vi B. Nồng độ kháng thể bảo vệ trong máu của em rất cao (là điều tốt), em không cần đi chích ngừa lại, em nhé.

Tuy nhiên, kháng thể có thể giảm dần theo thời gian, do vậy sau 10-20 năm em có thể xét nghiệm lại Anti HBs, nếu lượng kháng thể xuống thấp dưới mức an toàn thì chích nhắc lại 1 mũi vắc xin là được.

Thân mến.

Xét nghiệm nồng độ Anti HBs. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Xét nghiệm nồng độ Anti HBs. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Nguyễn Trung Hiếu - Besto...@gmail.com

Bác sĩ ơi,

Con bị cận, vừa cắt kính. Khi đeo kính thấy mắt rất mỏi. Liệu đây là do chưa quen kính hay là kính không phù hợp ạ?


BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Trung Hiếu,

Như vậy là em lần đầu tiên đeo kính cận nên chưa có kinh nghiệm. Việc em bị cận thị mà đeo kính vào lại thấy rất mỏi mắt có thể do những nguyên nhân sau: độ cận không đúng (thường là do đo kính tại các cửa tiệm bán mắt kính chứ không vào Bệnh viện Mắt để đo), chất lượng tròng kính, gọng kính quá nặng, để cận nặng rồi mới lần đầu đeo kính và đôi khi là nên đeo kính có độ cận ít hơn 0.25 thì sẽ dễ chịu hơn khi mới lần đầu đeo kính.

Nhìn chung, em đeo kính mà mắt rất mỏi là phải ngưng lại, đến Bệnh viện Mắt để đo lại và kiểm tra xem kính có vấn đề gì không, đo lại độ cận - loạn, khi bác sĩ đã chọn kính cho em rồi thì bác sĩ có cho em đeo thử tròng kính để chọn độ kính mà em đeo thoải mái nhất lại nhìn rõ chữ, em nhé.

Nên đến bệnh viện chuyên khoa Mắt để được bác sĩ kiểm tra độ cận và chọn độ kính phù hợp. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Nên đến bệnh viện chuyên khoa Mắt để được bác sĩ kiểm tra độ cận và chọn độ kính phù hợp. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
         
Lá Nhỏ - nguyenph...@gmail.com

Em chào bác sĩ,

Em 24 tuổi, mang thai bé đầu được hơn 8 tuần. Hiện em bị nổi mụn cóc ở chân rất nhiều. Vậy có ảnh hưởng gì đến thai nhi không và đốt điện thì có ảnh hưởng gì không? Xin cảm ơn bác sĩ.


BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Mụn cóc hay hột cơm là một khối u sần sùi, trắng, nhỏ, thường mọc trên da bàn tay hay bàn chân, trông giống một chùm súp lơ nhỏ. Mụn cóc rất phổ biến, do siêu vi trùng, thông thường nhất là loại virus papilloma ở người (HPV) gây ra, lây qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, qua quần áo, khăn, giày dép, đi đến hồ bơi, phòng tậm gym,...

Gọi là “mụn cóc” vì chúng có thể “nhảy’, tức là dễ lây, có thể tái phát. Mụn cóc ở chân khi mang thai không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai, ngoài tình trạng lây lan và mất thẩm mỹ cho mẹ. Sự nguy hiểm cho thai khi mụn cóc ở cơ quan sinh dục của mẹ.

Việc đốt điện mụn cóc thì không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai, nhưng những thuốc phải dùng sau khi đốt điện như giảm đau, giảm viêm hay kháng sinh nếu có bội nhiễm vi trùng do chăm sóc vết thương không tốt thì có thể ảnh hưởng lên thai.

Em nên khám bác sĩ Sản khoa để được kiểm tra số lượng mụn cóc ở chân cho em rồi quyết định là có nên đốt hay không, em nhé.

Chúc hai mẹ con luôn khỏe. Thân mến.


Thao KM - thao...@gmail.com

Chào bác sĩ,

Em năm nay 30 tuổi, gần đây bị nhức mỏi mắt kèm đau đầu, dần dần triệu chứng mỏi mắt đỡ hơn nhưng đầu vẫn đau râm ran vùng dưới da. Em chưa từng bị như vậy bao giờ; khi ngủ em hay nằm mơ. Từ lúc bị đến giờ thì cũng được 2 tháng rồi ạ. Rất mong bác sĩ tư vấn giúp em.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Kiểu đau đầu của em có thể do nhiều nguyên nhân, như do căng mỏi cơ (trong bệnh cảnh căng thẳng đầu óc nhiều, thức khuya, thiếu chất...), do viêm nhiễm, thiếu máu, tăng hay giảm huyết áp, do bệnh lý tại mắt, do bệnh lý mạch máu não...

Dựa vào lượng thông tin em cung cấp thì không thể chẩn đoán được bệnh. Em nên khám bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh để được khai thác kỹ hơn các triệu chứng mà có thể em không để ý nên bỏ sót, thăm khám trực tiếp, xét nghiệm nếu cần thiết. Việc kiểm tra kỹ và định bệnh sẽ giúp có hướng điều trị thích hợp. Ngoài ra, trong bất kỳ phương pháp trị đau mạn tính nào thì phương pháp không dùng thuốc cũng góp phần quan trọng đáng kể.

Đối với đau đầu, em cần nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế căng thẳng đầu óc, có thể chia nhỏ thời gian làm việc như mỗi 1 giờ nghỉ 5 phút chẳng hạn, chọn không gian làm việc yên tĩnh, đủ ánh sáng tránh mỏi mắt, không thức khuya, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia cafe, nên tập thể dục, nghe nhạc, giao lưu em bè, hoạt động xã hội... vì tâm bình, khí hòa và tiếng cười là liệu pháp trị liệu đau tốt nhất.

Thân mến.
 

Công Phạm - liona...@gmail.com    

Bác sĩ ơi,

Em cứ ngồi một lúc là đau lưng; càng ngồi lâu càng đau, phải đi nằm một lúc mới ngồi tiếp được. Như vậy là do đâu ạ?


BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Biểu hiện của em thường gặp trong nhóm bệnh lý Cơ xương khớp ở vùng cột sống thắt lưng, như căng mỏi cơ, căng dây chằng cột sống, gai cột sống, ít vận động thể lực, ngồi sai tư thế, ngồi lâu, do thiếu vi khoáng chất (như canxi, kali, magie...)... Ở tuổi này thì rất ít trường hợp có thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.

Với tình trạng này em nên khám chuyên khoa Cơ xương khớp, để bác sĩ thăm khám, chụp phim kiểm tra, chẩn bệnh và kê thuốc thích hợp. Trong thời gian này, em có thể giảm đau bằng cách mát xa, ấn huyệt, châm cứu, chườm ấm, tập thể dục, uống thuốc theo toa của bác sĩ, chú ý dáng ngồi dáng đi, nằm ngủ cần nệm đủ chắc, không lò xo, khi nằm ngửa tạo được thế thẳng lưng.

          
Nguyễn Phú Quý - Hà Nội

Bác sĩ cho em hỏi,

Em năm nay 28 tuổi, mổ vỡ xương mân chày ở Bệnh viện Việt Đức được hơn 3 tuần rồi. Vậy khoảng sau bao lâu là mình có thể tập đi lại như bình thường được ạ? Và sau bao lâu mình có thể đi xe máy được?

Hiện giờ chân em đã gấp duỗi được bình thường, nhưng thỉnh thoảng lại nóng ở chỗ đầu gối và hơi đau một chút liệu có sao không ạ? Bác sĩ ghi trong sổ là đặt lại xương bắt 3 vis xốp. Sau 2 năm em tháo đinh liệu có được như bình thường không bác sĩ? Em chân thành cảm ơn!


BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Phú Quý thân mến,

Mâm chày là một bề mặt sụn cấu tạo nên một phần khớp gối, khi người ta đứng và đi lồi cầu xương đùi đè lên mâm chày và trong lượng cơ thể dồn lên mâm chày để xuống cẳng chân, như vậy mâm chày là phần xương chịu sức nặng của cơ thể.

Bệnh nhân sau khi phẫu thuật bắt nẹp vít cố định mâm chày cần điều trị tập vật lý trị liệu sớm để lấy lại chức năng vận động của xương như lúc ban đầu. Nếu không được tập vật lý trị liệu sớm xẽ để lại ảnh hưởng về chức năng vận động khớp gối như cứng khớp gối không lậy lại được tầm vận động và phải chịu dị tật suốt đời, teo cơ đầu đùi hoặc teo toàn bộ chân gãy dẫn đến liệt hoàn toàn.

Trường hợp không lấy lại được chức năng vận động khớp gối rẽ bị thái hóa khớp gối tuần hoàn máu không cung cấp đủ canxi và khoáng chất rễ gây hoại tử mâm chày.

Bệnh nhân có thể áp phương pháp tập vật lý trị liệu tại nhà sau gãy xương mâm chày như sau:

- Từ 1 ngày đến 3 ngày: bệnh nhân tập thụ động tại giường, dạng khép chân, tập ngồi dậy xoa bóp vùng khớp gối, di động xương bánh chè, ngốc cổ chân, ngón chân cơ tứ đầu đùi, theo dõi khớp gối và bàn chân có bị sưng phù không…

- Từ 3 ngày đến 7 ngày: tự ngồi dậy xoa bóp cơ đùi, di động xương bánh chè, di động khớp gối, ngồi thả lỏng chân xuống nền giường và làm quen với nạng…

- Từ 7 ngày đến 10 ngày: xoa bóp khớp gối cho tăng tuần hoàn máu và di động khớp, tập gập duỗi khớp gối và gập tối đa nếu chịu được, tăng lực góc độ gập từ 10 độ tăng lên 30 độ.

- Từ 10 ngày đến 15 ngày: tập đứng và tập đi làm quen với nạng xoa bóp di động khớp gối, tập mạnh sức cơ tứ đầu đùi, xoa bóp các nhóm cơ mặt sau cẳng chân, tập ép tăng dần góc độ.

- Từ 15 ngày đến 1 tháng: tập đi chịu lực chân gãy và tập đi cho máu lưu thông tăng sức chịu lực lên mâm chày và nhóm cơ tứ đầu đùi.

- Từ 4 tuần đến 8 tuần: tập đi kết hợp đeo tạ chân để mạnh các nhóm cơ cẳng chân và cơ tứ đầu đùi, chịu trọng lực cơ thể xuống chân yếu, vận động khớp gối tối đa để lấy lại tầm vận động, ngồi trên giường thả chân xuống gập duỗi tối đa vận động.

- Sau 2 tháng nếu tập tốt là có thể quay lại sinh hoạt và làm việc như bình thường, nhưng nếu muốn chơi thể thao thì phải tập thêm tùy môn thể thao. Nếu em kết hợp với kỹ thuật viên tập vật lý trị liệu thì sẽ phát triển tốt hơn và rút ngắn thời gian phục hồi.

Như vậy, hiện tại tốt hơn hết em nên tái khám lại tại trung tâm phục hồi chức năng để bác sĩ kiểm tra khớp gối và chỉ em cách tập vật lý trị liệu thích hợp. Sau 2 năm bệnh phục hồi rồi thì em tháo đinh ra sẽ sinh hoạt như người bình thường thôi, em nhé.


AloBacsi xin trân trọng cám ơn BS.CK1 Cao Thị Lan Hương đã giành thời gian để giải đáp những thắc mắc của bạn đọc. Xin hẹn bác sĩ vào lần tư vấn tiếp theo.

Trân trọng.

Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X