Hotline 24/7
08983-08983

Những tai nạn dễ xảy ra với trẻ trong mùa hè

Ngạt nước, côn trùng đốt và chấn thương do té ngã là tai nạn có nguy cơ xảy ra cho trẻ trong thời gian không phải đến trường.

Thống kê của các bệnh viện nhi tại TPHCM cho thấy, lượng trẻ nhập viện cấp cứu do tai nạn sinh hoạt tăng cao trong mỗi kỳ nghỉ hè. Cụ thể trong tuần lễ cuối tháng 5, số bệnh nhi trong độ tuổi học sinh nhập viện do té ngã chấn thương đã bắt đầu tăng ca. Nhằm giúp phụ huynh có thể cảnh báo giúp trẻ đề phòng, các bác sĩ BV Nhi Đồng 2 (TPHCM) đã thống kê một số nguyên nhân thường dẫn đến tai nạn trong những mùa hè trước.

Chiếm đầu danh sách tai nạn sinh hoạt trong mùa hè là ngạt nước (chết đuối). Đây là tai nạn thường xuyên xảy ra cả ở thành thị lẫn nông thôn. Các bác sĩ cảnh báo, nếu không được người lớn chăm nom trẻ không biết bơi có thể bị rơi xuống ao hồ quanh nhà mà chết đuối.

Ngoài ra, trẻ nhỏ còn có thể bị chúi đầu vào xô nước ngay trong nhà hoặc cũng có thể gặp nạn chỉ vì các hồ nước cạn.

Côn trùng đốt cũng là loại tai nạn không hiếm bởi mùa hè trẻ được phép vui chơi ở những không gian gần gũi với thiên nhiên. Thống kê cho thấy, ngoài ong, nhiều loại côn trùng khác như con 'mù mắt', rít (rết)... nhẹ có thể gây kích ứng da, đặc biệt là ong vò vẽ nếu nặng có thể gây sốc phản vệ, suy thận cấp. Không ít ca do không được cấp cứu đúng cách và kịp thời có thể tử vong.

me
Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ tử vong mùa hè.

Rắn cắn cũng là nỗi nguy đối với trẻ khi được bố mẹ cho về các vùng nông thôn nghỉ hè. Thường thấy nhất là trẻ có thể chọc phá hay vô tình giẫm đạp vào loài bò sát nguy hiểm này. Không ít bé không được sơ cứu đúng và điều trị kịp thời đã tử vong.

Chấn thương do té ngã, tai nạn giao thông cũng là loại tai nạn hay xảy ra do trẻ hiếu động. Thường thấy nhất là kiểu gãy chân tay, chấn thương cột sống do chạy nhảy, leo cây rồi trượt ngã. Một số em chạy xe ngoài phố bất cẩn gây va quẹt, hoặc băng từ ngõ, từ nhà ra phố bất cẩn bị xe khác đâm phải.

Các loại ngộ độc như uống nhầm các chai lọ có chứa thuốc diệt cỏ, trừ sâu, hoặc 'nước tro tàu' dùng để làm bánh (dùng để cúng trong Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 âm lịch) cũng từng gây biến chứng hoặc thậm chí lấy đi sinh mạng của một số bé.

Tai nạn tiếp theo là bỏng lửa, bỏng nước sôi do khi về quê chơi trẻ có thể nghịch củi lửa, hay xăng dầu, dùng xăng dầu đun nấu... Đáng lưu ý, một số trẻ nhỏ đi lẫm chẫm nếu không trông nom kỹ có thể va quẹt hay rơi vào nồi thức ăn đang nấu sôi.

Điện giật rất hay xảy ra với trẻ nhỏ hoặc các trẻ lớn nhưng hiếu động. Những trường hợp nhập viện thường thấy là nghịch phá ổ cắm điện, thả diều vướng mắc vào các đường dây điện cao thế.

Với tất cả các loại tai nạn nêu trên, các bác sĩ cho rằng việc sơ cứu đúng cách và đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời luôn là điều cần thiết.

Theo PV - Trí thức trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X