Hotline 24/7
08983-08983

Những điều cần biết về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính - COPD

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh lý viêm mạn tính và dẫn đến tắc nghẽn của phế quản và bệnh thường tiến triển nặng dần và không hồi phục hoàn toàn.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là gì và nguyên nhân sinh bệnh?

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh lý viêm mạn tính và dẫn đến tắc nghẽn của phế quản và bệnh thường tiến triển nặng dần và không hồi phục hoàn toàn. Đây là một bệnh ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể như tim mạch,  cơ xương, chuyển hóa, nội tiết... chứ không chỉ ảnh hưởng đến bộ máy hô hấp.

benh-phoi-tac-nghen-man-tinh

Nguyên nhân của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là gì?  

Nguyên nhân từ môi trường là quan trọng nhất, trong đó khói thuốc lá, thuốc lào là yếu tố nguyên nhân hàng đầu gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. 90% bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có hút thuốc lá. Các yếu tố khác như ô nhiễm môi trường (khói bếp, bụi, hoá chất), nhiễm khuẩn, virus và điều kiện kinh tế xã hội có thể góp phần vào quá trình hình thành và phát triển bệnh.

Yếu tố nội sinh, tức cơ địa của bệnh nhân như thiếu các yếu tố chống lại men tiêu protein trong cơ thể do di truyền như thiếu alpha 1 antitrypsin,…

Gánh nặng về kinh tế, xã hội do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gây ra như thế nào?

Trên toàn thế giới, gánh nặng bệnh tật và số năm bị mất đi do tàn phế hay tử vong vì COPD vào năm 1990 được xếp hàng thứ 12, dự đoán đến năm 2020 sẽ tăng lên hàng thứ 5 và tỉ lệ tử vong tăng lên hàng thứ 3, chỉ sau bệnh tim thiếu máu cục bộ và bệnh mạch máu não.

Tại VN, theo công bố chương trình COPD quốc gia 2009, dân số trên 40 tuổi với  nam giới có 7,1% và nữ có 1,9% bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Đây là con số rất lớn tạo gánh nặng rất lớn về kinh tế và xã hội của đất nước vì đa số bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn nặng và rất nặng không còn đủ khả năng làm việc và tàn phế, phải sử dụng thuốc thường xuyên và nhiều lần nhập viện điều trị vì đợt cấp.

Biểu hiện của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và làm sao phát hiện bệnh trong giai đoạn sớm

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường xảy ra ở tuổi trung niên sau hơn chục năm hút thuốc lá hay tiếp xúc với những yếu tố nguy cơ đã nêu trên. Bệnh khởi đầu chỉ là ho khan hay ho đàm nhầy trắng lúc sáng sớm mà không kèm theo triệu chứng nào khác, sức khỏe vẫn tốt nên bệnh nhân rất chủ quan, xem ho là chuyện bình thường khi hút thuốc lá chứ không phải là biểu hiện của bệnh. Triệu chứng ho đơn độc này kéo dài nhiều năm, không ảnh hưởng đến sức khỏe nên bệnh nhân càng chủ quan và tiếp tục hút thuốc lá.

Về sau khó thở xuất hiện: Triệu chứng này xuất hiện âm thầm và dần trở nên thường xuyên hơn sau những đợt nhiễm trùng hô hấp, đôi khi có cơn khó thở, khò khè như hen suyễn. Dần dần, khó thở trở nên thường xuyên hơn và nặng dần dẫn đến tàn phế, không còn sinh hoạt kể cả sinh hoạt cá nhân như tắm, ăn uống, thay quần áo.

COPD-Patient-Coughing-1024x682
Có 5 mức độ khó thở:

- Mức I: khó thở khi gắng sức nhiều, thí dụ leo lên dốc hay lên tầng hai

- Mức II: khó thở khi đi nhanh trên mặt bằng hay mặt dốc nhẹ

- Mức III: khó thở khi đi cùng bước với người cùng tuổi trên mặt bằng hoặc phải ngừng bước để thở khi đi bình thường trên đường bằng

- Mức IV: khó thở ngay khi đi bộ chậm trên mặt bằng, khoảng 100 m

- Mức V: khó thở ngay trong các động tác sinh hoạt nhẹ: ăn, nói, tắm rửa, thay quần áo…

Khi bị đợt cấp, đàm trở nên nhiều hơn, thay đổi màu sắc, khó thở tăng lên. Bệnh nhân sẽ thấy nặng ngực và tiếng thở rít, không đủ không khí hay ngộp thở phải đi cấp cứu bệnh viện.

Ở giai đoạn nặng, có thể thấy các triệu chứng của suy tim phải như phù, gan to, tĩnh mạch cổ nổi, tím,  suy mòn…

Để xác định chính xác bệnh cũng như giai đoạn bệnh, bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử, khám bệnh phát hiện các triệu chứng đặc thù của bệnh và cho chụp X quang lồng ngực và đo hô hấp k‎ý.

Hình ảnh đường biểu diễn của hô hấp ký ở người bình thường và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính:


Giai đoạn bình thường




Tắc nghẽn nhẹ


Tắc nghẽn nặng

Làm sao phát hiện sớm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính?

Nếu hút thuốc lá ngày 1 gói và hút trên 10 năm mà xuất hiện ho khan hay ho đàm nhầy trong kéo dài phải đi khám bác sĩ để phát hiện sớm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Trong giai đoạn này, nếu bỏ các yếu tố nguy cơ như thuốc lá, bệnh tắc nghẽn sẽ không tiến triển nặng thêm và sẽ hết ho sau 6 tháng ngưng hút thuốc lá.

Một điều rất quan trọng là khi đo hô hấp ký không có tắc nghẽn, bệnh nhân bỏ hút thuốc lá bệnh sẽ không tiến triển đến giai đoạn tắc nghẽn và tỷ lệ khỏi bệnh cao.

Điều trị bệnh như thế nào?

Cần thực hiện đồng thời những nguyên tắc cơ bản như sau:

- Tránh tiếp xúc các yếu tố nguy cơ ngoại sinh, bệnh nhân phải cai nghiện thuốc lá, thuốc lào.

- Điều trị bằng thuốc bao gồm thuốc giãn phế quản từ giai đoạn 2, thuốc corticosteroid hít từ giai đoạn 3.

- Các biện pháp điều trị không dùng thuốc bao gồm: thể dục, dưỡng sinh, tập luyện phục hồi chức năng, ô xy khi có suy hô hấp mạn…

- Điều trị đợt cấp COPD nếu có xảy ra.

- Tham gia vào những trung tâm tư vấn hay câu lạc bộ bệnh nhân để được tư vấn về bệnh, điều trị, cách dùng thuốc và cách sống khỏe cùng với bệnh.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần được khám bác sĩ chuyên khoa Hô hấp để được tư vấn và điều trị một cách hợp lý và đúng đắn nhất.

Theo Phòng khám đa khoa Ngọc Minh

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X