Hotline 24/7
08983-08983

Nhân giáp dạng tổ ong là gì vậy AloBacsi?

Trong 2 giờ trực tại văn phòng AloBacsi, BS Lan Hương giải đáp về: nhân giáp dạng tổ ong, ăn ngủ đủ mà vẫn yếu mệt, chỉ số RDW-SD trong máu, táo bón kéo dài, chỉ số CA 72-4...

BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương

Nội dung tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:

- Trần Thị Thắm - trantham…@gmail.com

Chào BS ạ,

Em mới đi khám sức khỏe tổng quát thì được biết có các chỉ số về máu có chút bất thường.

Chỉ số RWD-SD 37.7 (bình thường: 40- 46), RWD-CV 11.6 (bình thường: 12.8-14.2), chỉ số Monocytes 10.5 (bình thường 2-10). Các chỉ số còn lại bình thường hết ạ.

Vậy không biết là có bị bệnh gì không ạ? Cách điều trị và chế độ ăn uống? Cám ơn BS ạ!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Thắm thân mến,

RDW là thông số phân bố kích cỡ hồng cầu (Red cell distribution width) cho biết sự sai khác về kích cỡ giữa các tế bào hồng cầu.

Có 2 cách khảo sát RDW, đó là RDW-SD và RDW-CV. RDW-SD thì cho ra thông số thể tích thực, RDW-CV thì cho ra con số %.

Chỉ số RDW hơi giảm nhẹ so với ngưỡng giá trị bình thường, còn các chỉ số khác của hồng cầu (như RBC, Hb, MCV, MCH) bình thường thì không có ý nghĩa bệnh lý.

Monocytes là dạng chưa trưởng thành của đại thực bào trong máu. Chỉ số phần trăm của monocytes tăng nhẹ so với chỉ số bình thường còn các chỉ số khác về bạch cầu đều bình thường thì chưa phải là dấu hiệu của bệnh, có thể gặp ở người khỏe mạnh bình thường.

Xét nghiệm cho các chỉ số của tế bào máu hiện nay đang dùng rộng rãi là xét nghiệm “tổng phân tích tế bào máu bằng tia laser”. Khi quét qua tia laser, máy có thể có lầm lẫn trong giới hạn cho phép khi phân định các loại tế bào máu, nói cách khác là có thể có sai số khách quan.

Do đó, nếu chỉ dựa vào các thông số bất thường trong kết quả công thức máu em nêu ra ở trên thì không thể kết luận là em có bệnh được vì có thể gặp ở người khỏe mạnh bình thường. BS cần phải biết em có khó chịu gì không, thăm khám và xem xét các xét nghiệm khác mới kết luận chắc chắn về sức khỏe của em, em nhé.


- Thanh Bình - Hà Tĩnh

Thưa BS,

Tôi năm nay 43 cách đây 4 năm tôi đi khám và phát hiện mình bị tăng HA và BS cũng đã cho thuốc uống sau khoảng 2 tháng thì ngưng uống.

Sau thời gan đó trong người tôi lúc nào cũng thấy mệt mỏi, người mất cân bằng, nhịp tim lúc nhanh lúc chậm trạng chỉ muốn nằm.

Gần đây nhất khoảng 10 ngày tôi thấy bỗng dưng mặt nóng bừng và HA tăng 160/100, sau tôi uống thì giảm xuống 140 /80 người mệt mỏi mặc dù tôi vẫn ăn uống ngủ bình thường.

Kết quả xét nghiệm tổng thể vẫn rất tốt chỉ có điều tâm trạng tôi lúc nào cũng lo âu về bệnh tật không biết nguyên nhân vì đâu? Tại sao nhịp tim cứ lúc nhanh lúc chậm, HA thất thường, đầu lâng lâng, mệt mỏi chỉ muốn nằm (mặc dù tôi rất hay chơi thể thao).

Tôi cần BS tư vấn và ìm cho tôi chữa được đúng bệnh. Tôi xin cảm ơn BS!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Bạn đã được chẩn đoán là tăng huyết áp thì tại sao lại ngưng uống thuốc hạ áp? Tăng huyết áp là bệnh lý mạn tính, cần điều trị lâu dài, điều trị suốt đời, chỉ trừ khi tăng huyết áp thứ phát do 1 nguyên nhân nào đó gây ra (như u tủy thượng thận chẳng hạn) thì sau khi điều trị bệnh lý đó và huyết áp về bình thường thì mới ngưng thuốc ổn định huyết áp!

Về vấn đề xét nghiệm tổng thể tốt thì đâu có nghĩa là bạn không có bệnh! Nếu sức khỏe bạn bình thường thì bạn đâu có “nhịp tim cứ lúc nhanh lúc chậm, HA thất thường, đầu lâng lâng, mệt mỏi chỉ muốn nằm”.

Hơn nữa, còn tùy xét nghiệm tổng thể là làm xét nghiệm gì mới được, có khi bỏ sót xét nghiệm cần làm gì sao?

Ngoài ra, trong trường hợp tăng huyết áp vô căn (nguyên phát) thì sẽ không tìm được nguyên nhân gây tăng huyết áp, và phải điều trị tăng huyết áp suốt đời để ngừa biến chứng, tai biến. khi tự ý ngưng thuốc thì huyết áp sẽ vọt lên rất nguy hiểm.

Với tình trạng hiện tại của bạn, bạn nên đem tất cả xét nghiệm đến khám lại tại chuyên khoa tim mạch, đem theo tất cả các xét nghiệm đã làm để BS tham khảo và xử trí thích hợp tiếp theo, bạn nhé.


- Nguyễn Ngọc K. C. - Quận 12

AloBacsi ơi,

Em có thử làm một bài test về bệnh trầm cảm và có điểm là 66/100 em muốn biết rằng mình có thật sự bị trầm cảm không?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Em có ý thức kiểm tra sức khỏe của mình, đặc biệt là sức khỏe về “tinh thần” là một điều rất đáng khen ngợi.

Số điểm của một bài test về bệnh trầm cảm khá cao là một lời cảnh báo về khả năng em có bệnh trầm cảm, chứ không thể dựa vào đó mà khẳng định hay chẩn đoán là em có bệnh trầm cảm được.

Hay nói cách khác, các bảng câu hỏi, các tiêu chuẩn chẩn đoán được đăng tải trên mạng nhằm mục đích giúp người dân có khái niệm về bệnh tâm thần, cảnh giác với bệnh tâm thần chứ không thể tự chẩn đoán được.

Để chẩn đoán xác định một người có rối loạn tâm thần nói chung hay bệnh trầm cảm nói riêng hay không, BS chuyên khoa tâm thần cần phải khám trực tiếp, khai thác thêm rất nhiều thông tin khác mới định bệnh được.

Bởi vì với kinh nghiệm chuyên môn của BS tâm thần mới nhận định được đâu là bất thường thật sự, có bị chồng lấp với bệnh lý khác hay không, có do rối loạn thể chất gây nên không…

Do đó, khi nghi ngờ mình có nhiều dấu hiệu của bệnh trầm cảm, em nên khám BS chuyên khoa tâm thần sớm để được kiểm tra và điều trị thích hợp sớm (tâm lý trị liệu, thuốc tùy mức độ) nếu có bệnh.


- D. Q. A. - doan…@gmail.com

Chào BS ạ,

Cháu năm nay 18 tuổi. Tinh thần cháu lúc nào cũng căng thẳng không ổn định. Lúc nào cháu cũng hoảng loạn mất tập trung như vậy. Cháu đã nghĩ đến cái chết để giải thoát cho chính bản thân mình.

Đến bây giờ mọi thứ cháu đang thấy đều phản ứng lại. Nó kéo dài 4 năm nay rồi ạ. Mong BS giúp cháu với ạ.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Tôi mừng vì em ý thức được vấn đề của bản thân, chịu mở lòng và muốn tìm cách thoát ra. Điều này rất có lợi cho việc điều trị và phục hồi bệnh của em.

Em đang có những bất ổn nặng về tâm lý, tâm thần và cần được can thiệp sớm. Em đừng vội hiểu lầm ý tôi nói em bị “tâm thần” như theo cách hiểu của đa phần người dân về ngành học Tâm thần.

Bệnh tâm thần hiện nay rất phổ biến, và biểu hiện dưới nhiều dạng, nhiều mức độ khác nhau, như rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu, trầm cảm... chứ không phải là “khùng”, “điên”, “bị nhập”, đây là cách nghĩ sai lầm của đa phần người dân - chưa có đủ nhận thức về bệnh lý tâm thần trong xã hội hiện nay - dẫn đến sự xa lánh, cay nghiệt dành cho người bệnh, và từ đó người bệnh bị hoảng sợ, chán ghét chính bản thân mình khiến bệnh ngày càng nặng hơn.

Tôi nghĩ là em có bệnh trong người, bởi vì trạng thái tinh thần lúc nào cũng hoảng loạn, mất tập trung, căng thẳng mệt mỏi, có ý định tự tử ở tuổi của em là dấu hiệu của bệnh lý.

Trước mắt, em cần khám chuyên khoa nội thần kinh và chuyên khoa nội tiết trước để loại trừ những bệnh lý về thể chất do rối loạn 1 cơ quan nào đó gây ảnh hưởng lên trạng thái tinh thần của em.

Nếu như kết quả khám và xét nghiệm đều ổn cả thì em khám tới chuyên khoa tâm thần.Bệnh tâm thần là bệnh có thể điều trị được.việc điều trị thuốc kèm tư vấn tâm lý sẽ giúp em mau chóng lấy lại cân bằng trong cuộc sống.

Em nên nhớ, chết là hết vì thế chết dễ hơn sống nhiều, cái chết của em của là sự kết thúc cho mọi thứ của ba mẹ và gia đình em, ba mẹ em sẽ lớn tuổi, bệnh và không có ai chăm sóc sau này. Vì thế em nên sắp xếp thời gian đi khám sớm, em nhé.


- Phuc An - TPHCM

Chào BS,

Tôi đi khám ngày 23/11 vừa qua, có làm xét nghiệm và tầm soát ung thư dạ dày (tôi từng điều trị bệnh dạ dày và + với Hp).

Kết quả xét nghiệm CA 72.4 là 12.09H. BS kết luận CA 72.4 tăng: kiểm tra lại.

Xin cho hỏi có phải tôi bị ung thư dạ dày không? Tôi khám và xét nghiệm ở trung tâm Hoà Hảo TPHCM. Tôi cần làm gì để biết rõ hơn về bệnh của mình? Xin cảm ơn BS!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Phúc An thân mến,

Chỉ số CA 72-4 là xét nghiệm miễn dịch đặc hiệu trong ung thư dạ dày nhưng vẫn có thể tăng nhẹ trong viêm dạ dày.

Do đó, chỉ đơn độc 1 chỉ số CA 72-4 tăng so với giá trị bình thường thì chưa khẳng định được là đã bị ung thư dạ dày, nhất là khi bạn đã từng điều trị bệnh lý dạ dày do Hp.

Tuy nhiên, tăng CA 72-4 thì cần phải cảnh giác. Hiện tại, tùy vào triệu chứng hiện tại của bạn (có khó chịu gì ở dạ dày không) mà BS sẽ cân nhắc việc theo dõi và xér nghiệm lại chỉ số này, hoặc là nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng sớm để kiểm tra.

Với tình trạng này, bạn khám chuyên khoa tiêu hóa là phù hợp nhất, bạn nhé.


- Nguyễn Huy Vũ - vuhuy…@gmail.com

Thưa BS, BS cho em hỏi,

Hiện nay em 22 tuổi và đang đi làm. Mỗi ngày em ăn đủ bữa và ăn no, ngủ thì đủ giấc nhưng không hiểu sao em thấy người luôn ốm yếu, cơ thể luôn thấy mệt mỏi?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Vũ,

Ăn uống đủ bữa đủ no và ngủ đủ giấc là những thói quen tốt cho sức khỏe, nhưng không có nghĩa là người “ăn uống đủ bữa đủ no và ngủ đủ giấc” là người không có bệnh.

“Cảm giác mệt mỏi” là một dấu hiệu cho thấy sức khỏe có vấn đề, tuy nhiên đây là một triệu chứng chung chung, có thể gặp do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ vấn đề của thể chất đến rối loạn của tinh thần.

BS cần phải hỏi kỹ hơn bệnh sử của em, thăm khám và làm các xét nghiệm kiểm tra (như chụp phim phổi, siêu âm, xét nghiệm máu...) để xác định nguyên nhân được. Em nên khám ở khoa nội tổng quát, em nhé.


- Nguyễn Hùng Tr. - nhtr….@khanhhoa.edu.vn

Nhân giáp dạng tổ ong nghĩa là gì thưa BS?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Nhân giáp dạng tổ ong là chỉ hình dạng của nhân tuyến giáp khi siêu âm, điều này chưa đủ phản ánh tình trạng bệnh của bạn.

Với những nhân giáp có hình ảnh tổ ong trên siêu âm thì người bệnh cần đến gặp BS chuyên khoa về tuyến giáp (bao gồm BS nội tiết, BS ung bướu) để kiểm tra kỹ hơn về vấn đề này, loại trừ bệnh lý ác tính và kiểm tra chức năng tuyến giáp cho bạn.

Bạn có thể đến khám tại BV Ung Bướu, BV đa khoa có chuyên khoa Nội tiết, ưu tiên khám tại nơi đăng ký BHYT và gần khu vực sinh sống.


- Ng. Đ. Khánh - Hà Nội

AloBacsi ơi,

Cháu bị táo bón gần 2 tuần này. Đi ngoài khó và kèm theo chất nhầy. Lúc thì đóng cục như thạch, lúc thì dịch loãng.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Khánh thân mến,

Mặc dù táo bón gây đi cầu khó khăn, phải rặn nhiều; có trường hợp táo bón nặng, khối phân to và cứng không ra được mà chỉ ra chất nhầy; thế nhưng không phải cứ “đi ngoài khó kèm theo chất nhầy” là táo bón đâu em.

Bởi vì ngoài tình huống do táo bón kể trên thì triệu chứng đó còn có thể gặp do nguyên nhân khác như nhiễm ký sinh trùng đường ruột, viêm nhiễm đại trực tràng…

Trong trường hợp này, em cần nên khám chuyên khoa tiêu hóa sớm, để BS khám tổng quát và khám bụng, khám hậu môn trực tràng, làm một số xét nghiệm cần thiết nếu cần, để xác định bệnh và từ đó có hướng điều trị thích hợp.


- Bạn đọc T.T.L. - Q.8

Chào BS,

Em năm nay 25 tuổi, từ lâu rồi em cảm thấy cuộc sống này quá chán nản và vô vị, nhưng dạo gần đây, cảm giác đó cứ ngày một tăng dần.

Em hoàn toàn không có hứng thú với bất kỳ việc gì, cho dù là những chuyện em thích. Em luôn cảm thấy mệt mỏi, cả người như không có năng luợng để làm gì cả.Em trở nên ít nói hơn, không muốn cười và cũng dần dần không muốn nói chuyện với ai nữa.

Đi làm thì cũng trở nên chán nản, ăn cơm thì ngồi một mình, dù mọi người xung quanh nói chuyện. Thỉnh thoảng em bồn chồn và khó ngủ vào ban đêm, lúc đó các khớp xương của em rất mỏi.

Dao này em hay nghĩ về cái chết, em rất it khi nghĩ về chuyện tự tử nhưng cả ngày trong đầu em toàn uớc kiểu đang đi thì bị xe tông chết, bị cái gì rơi vào đầu chết. Em cảm thấy mình rất vô dụng và luôn làm ba mẹ phiền lòng.

Bạn bè ai cũng tiến bộ chỉ có mình đi thụt lùi. Nhiều khi bạn bè cũ hẹn gặp em cũng không hề muốn đi vì sợ bị hỏi những câu như "dạo này mày thế nào?". Em sợ cảm giác như càng ngày mình càng không bằng tụi nó.

Em phải làm sao bây giờ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Tôi mừng vì em ý thức được vấn đề của bản thân, chịu mở lòng và muốn tìm cách thoát ra. Điều này rất có lợi cho việc điều trị và phục hồi bệnh của em.

Em đang có những bất ổn nặng về tâm lý, tâm thần và cần được can thiệp sớm. Em đừng vội hiểu lầm ý tôi nói em bị “tâm thần” như theo cách hiểu của đa phần người dân về ngành học Tâm thần.

Bệnh tâm thần hiện nay rất phổ biến, và biểu hiện dưới nhiều dạng, nhiều mức độ khác nhau, như rối loạn giấc ngủ, trầm cảm...chứ không phải là “khùng”, “điên”, “bị nhập”, đây là cách nghĩ sai lầm của đa phần người dân - chưa có đủ nhận thức về bệnh lý tâm thần trong xã hội hiện nay - dẫn đến sự xa lánh, cay nghiệt dành cho người bệnh, và từ đó người bệnh bị hoảng sợ, chán ghét chính bản thân mình khiến bệnh ngày càng nặng hơn.

Tôi nghĩ là em có bệnh lý về tâm thần, mà cụ thể hướng nhiều đến bệnh trầm cảm, bởi vì nếu chỉ đơn thuần là những bức bách trong cuộc sống thì em sẽ có thể tự điều tiết bản thân mình cho phù hợp hơn và có thể cố gắng suy nghĩ tích cực hơn, ngược lại, em lại dễ dàng buông xuôi, tự khiển trách bản thân và có xu hướng muốn tìm đến cái chết, đó chính là dấu hiệu của bệnh trầm cảm.

Người có bệnh trầm cảm sẽ không thể giải quyết các vấn đề khó khăn về mặt tình cảm trong cuộc sống. Nếu không nhận biết sớm thì bệnh sẽ càng nặng, càng khó trị và xấu nhất là dẫn đến việc tự tử vì những lý do vốn dĩ không đáng.

Vì thế, tôi khuyên em nên đến khám BS chuyên khoa Tâm thần để nhận sự hỗ trợ của y khoa, trong đó có việc xác định chẩn đoán bệnh, mức độ bệnh, loại trừ những bệnh lý khác có thể gây ra rối loạn về tâm thần (như bệnh lý nội tiết, thần kinh trung ương...) để từ đó BS sẽ tư vấn tâm lý và kê thuốc sẽ giúp được cho em.


- Bạn đọc có email cauchu…@gmail.com

Chào BS,

Em bị viêm gan B mạn và giờ đang uống thuốc Tenofovir standa 300mg. Nhưng tính chất công việc thường trễ giờ uống thuốc khoảng 30 có khi 1 tiếng.

Và em thường xuyên tiêu chảy và phải uống thêm thuốc tiêu chảy nhưng không thể ngừng được tiêu chảy.

BS giúp em giải đáp liệu chậm giờ có việc gì không ạ, và làm thế nào để ngừng tiêu chảy?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Tenofovir thường được uống một lần trong ngày, thời gian bán thải của thuốc là 12-18 giờ.Những nghiên cứu cho thấy các loại thuốc điều trị nhiễm virus sẽ có hiệu quả nếu tuân thủ điều trị tốt (dùng thuốc đúng giờ, không bỏ thuốc).

Nếu em thu xếp uống thuốc đúng giờ là tốt nhất, việc chênh lệch 30 phút đến 1 giờ thì cũng không đến nỗi làm mất hẳn tác dụng điều trị của thuốc; tuy nhiên, uống 1 viên thuốc không có mất thời gian là mấy, em có thể hẹn giờ trong điện thoại để nhắc mình uống thuốc đúng giờ.

Về vấn đề tiêu chảy, tôi không rõ là em bị tiêu chảy mấy ngày rồi, tính chất phân ra sao, có triệu chứng gì khác kèm theo không như sụt ký, mặt xanh xao… thì tôi không thể phân định được là em bị tiêu chảy cấp hay mạn, nguyên nhân do đâu.

Với tình trạng “thường xuyên tiêu chảy và pải uống thêm thuốc tiêu chảy nhưng không thể ngừng được tiêu chảy” thì em nên tái khám BS chuyên khoa tiêu hóa để được kiểm tra và điều trị thích hợp sớm.

Trong thời gian này, em cần chú ý vẫn duy trì ăn uống mới có sức, ăn chín uống sạch, ăn thực phẩm dễ tiêu ít dầu mỡ, uống đầy đủ nước trong ngày, khát thì phải uống ngay, tốt nhất nên uống gói oresol để bù điện giải


- Tran Thi Hoai Hieu - hoaihieu…@gmail.com

AloBacsi ơi,

Em xét nghiệm bị giun sán chó 41.95. Em uống thuốc mà vẫn bị ngứa. Giờ làm sao hết giun? Cảm ơn BS.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Nhiễm giun đũa chó là 1 trong các nguyên nhân gây nổi ban dị ứng, nhưng đây không phải bệnh nan y và có thể điều trị được.

Trước hết tôi cần biết em đã uống thuốc là uống thuốc gì, cách uống, liều lượng uống, thời gian uống thuốc bao lâu… để biết là em có điều trị đúng phác đồ hay không, có thật sự trị hết bệnh chưa!

Thứ hai, trong trường hợp điều trị nhiễm giun đúng phác đồ rồi thì vẫn có một số trường hợp sau điều trị nhiễm giun lại ngứa hơn là do khi giun bị “tiêu diệt” thì cũng “phóng thích vào máu một số chất” gây tăng mức độ dị ứng, nhưng tình trạng này sẽ giảm dần.

Mặt khác, ngoài nhiễm sán chó thì còn có các yếu tố gây dị ứng khác thường gặp có thể kèm theo là thay đổi môi trường sống quá khác biệt (còn gọi là trái nước trái gió), ăn hải sản, cá biển, thịt bò, rệp giường chiếu, chăn ga gối nệm quần áo không sạch, khô cứng còn cặn bột giặt, rượu bia, chàm tiếp xúc...

Trong trường hợp này thì khi hết liệu trình điều trị giun đũa chó thì nên ngưng thuốc trị giun, mà chỉ trị ngứa đơn thuần mà thôi, vì uống thuốc trị giun kéo dài không có lợi mà có hại cho gan, thận.

Song song đó, xem lại các yếu tố gây dị ứng khác kể trên xem có không để xử trí luôn.

Như vậy, trong tình huống của em thì em nên tái khám chuyên khoa nhiễm để BS xem xét bệnh tình cho em và tư vấn, kê thuốc điều trị thích hợp tiếp theo, em nhé.

Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X