Hotline 24/7
08983-08983

Người lớn mắc sốt xuất huyết dễ tử vong hơn trẻ nhỏ?

Cả trẻ em và người lớn đều có thể mắc sốt xuất huyết, tuy nhiên ở miền Bắc, những trường hợp tử vong do căn bệnh này đa phần lại rơi vào người lớn.

Những lu nước đọng là ổ nuôi bọ gậy, vật trung gian gây bệnh sốt xuất huyết

Dù chưa bước vào mùa mưa nhưng theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên cả nước đều tăng so với cùng kỳ năm 2014.Thống kê 5 tháng đầu năm, cả nước đã ghi nhận hơn 11.389 ca mắc, trong đó tại khu vực miền Nam số ca mắc tăng hơn 35%. Các tỉnh có tỉ lệ mắc sốt xuất huyết tăng cao từ 30%-45% là: Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng.

Tại Hà Nội, tính đến ngày 15/7, đã ghi nhận 362 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, quận Hà Đông, Hai Bà Trưng, huyện Thanh Trì có số trường hợp mắc SXH cao. Quận Hà Đông đã ghi nhận 7 ổ dịch với 40 trường hợp SXH rải rác tại 6 phường trên địa bàn; riêng phường Phúc La có đến 22 trường hợp SXH. Tương tự, tại TP HCM cũng đã ghi nhận trên 4.000 trường hợp mắc SXH phải nhập viện điều trị, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều đáng ngại là, nếu như trước đây, dịch SXH thường xuất hiện theo mùa gia tăng ở khu vực phía Nam từ tháng 6 (thời điểm vào mùa mưa) và ở phía Bắc từ tháng 7 đến tháng 9 song một vài năm gần đây, dịch đã xuất hiện quanh năm. Thậm chí không chỉ tồn tại ở những nơi vốn có mầm bệnh sẵn mà đã xuất hiện ở ngay tại các đô thị - nơi vốn được coi là có môi trường vệ sinh sạch sẽ.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nguyên nhân của tình trạng này là do có sự thay đổi thời tiết. Trong khi đó, Việt Nam lưu hành cả 4 type virus SXH gồm D1, D2, D3 và D4 nên người dân mắc SXH D1 vẫn có thể mắc các type còn lại trong cùng một năm mà không có miễn dịch. Không những thế, những lần mắc bệnh sau còn nặng hơn lần trước.

Các chuyên gia y tế lưu ý hiện chưa có vắc-xin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu nên tất cả mọi người đều có thể mắc SXH, nhất là trẻ em. Việc phòng ngừa SXH chủ yếu là từ ý thức của người dân. Trong khi đó, TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc TTYT Dự phòng Hà Nội nhận định, dịch bệnh có thể tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp nếu không thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch ngay từ bây giờ, đặc biệt là công tác diệt muỗi và bọ gậy...

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, đối tượng có thể mắc SXH bao gồm cả người lớn lẫn trẻ em, tuy nhiên ở miền Bắc, những trường hợp tử vong do SXH đa số rơi vào người lớn.

Nguyên nhân của các ca tử vong ở người lớn đều do chủ quan và nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh lý khác. SXH ở người lớn và trẻ em rất khác nhau. Trẻ em bị SXH có biểu hiện sốc nhiều hơn xuất huyết, trong khi người lớn thì ngược lại, xuất huyết nhiều hơn và có nguy cơ tử vong cao hơn; xuất huyết não, suy đa tạng (suy gan, suy thận, trụy tim mạch).

Vì thế, để  hạn chế những rủi ro không đáng có, các chuyên gia khuyến cáo nếu người dân bị sốt cao đột ngột, liên tục từ 2-7 ngày thì nên nghĩ đến khả năng mắc SXH. Bệnh có biểu hiện rõ rệt từ ngày thứ 2, thứ 3 với triệu chứng xuất huyết tự nhiên dưới da hoặc ở niêm mạc.

Khi xuất huyết dưới da, bệnh nhân có nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường ở mặt trước 2 cẳng chân và mặt trong 2 cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím. Khi xuất huyết ở niêm mạc, bênh nhân bị chảy máu mũi, lợi, đôi khi xuất huyết ở kết mạc, tiểu ra máu. Kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn. Đặc biệt, bệnh nhân còn bị gan to.

Các chuyên gia cũng lưu ý, khi bệnh nhân có các biểu hiện như vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, huyết áp hạ, tiểu ít là dấu hiệu của bệnh nặng lên. Lúc này, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Trước tình hình này, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản khẩn gửi các đơn vị trong ngành tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết, không để dịch bùng phát trên địa bàn thành phố. Sở Y tế HN yêu cầu các quận, huyện đẩy mạnh công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng để nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết như ngủ màn, vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, diệt nơi sinh sản của muỗi.

Riêng các TTYT quận, huyện và TTYT Dự phòng thành phố tổ chức chiến dịch phun hoá chất tại các khu vực có nguy cơ theo chỉ định và phun hoá chất xử lý triệt để khi có các ổ dịch, không để dịch bùng phát và kéo dài. Tăng cường giám sát ca bệnh tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng.  Đồng thời, xác định các ổ dịch trọng điểm, vùng có nguy cơ cao của dịch để có giải pháp xử lý. Ngoài ra cũng cần giám sát chặt chẽ tình hình dịch và chủ động lên phương án xử lý khi có ổ dịch mới xuất hiện.


Theo Ngô Châu Anh - Infonet

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X